Những anh hùng thầm lặng
- Thứ Năm, 05 tháng Bảy năm 2018 09:52
- Tác Giả: Huy Phương
Bức tượng Thương Tiếc tại Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa năm 1970. (Hình: Flickr manhhai)
(Nhân dịp cuốn sách “Biệt Đoàn Thiên Nga” của Nguyễn Thanh Thủy vừa ra đời)
Chính họ là những anh hùng thầm lặng. Họ không được chết trên chiến trường, thân xác mang về “Nhà Vĩnh Biệt” với những tràng hoa ghi ơn, huy chương truy tặng, với những thủ tục chào kính cùng với điệu kèn ai oán, quan tài đi giữa hai hàng quân danh dự, và những phát súng chào tiễn biệt.
Cuộc sống họ rất bình thường, gần gũi và chung quanh chúng ta đây thôi, hòa tan vào đám đông bình thường trên đường phố, nơi chờ đợi chuyến xe buýt, trong công viên buổi chiều, chỗ chợ đông người. Phần đông chúng ta không biết họ là ai, từ đâu đến, dĩ vãng, gia thế ra sao, họ sống ra sao, có những suy nghĩ, trăn trở gì? Có thể đó là một người phụ nữ chúng ta gặp ở sân chùa, ông già lẩm cẩm chống gậy chờ xe ở góc đường, người thanh niên đang vội vã qua đường nơi chỗ đèn xanh, đèn đỏ.
Có một lúc nào đó, họ là những người lính, là những anh hùng thật sự, không chết nhưng đang phai nhạt dần. Lời nói của danh tướng MacArthur ngẫm lại thấy xót xa, thà họ được chết đi giữa trận tiền trong những ngày bom đạn, phai nhạt dần trong quên lãng của mọi người cũng là một điều đau đớn.
Phần đông họ sống khép kín và lặng lẽ và không muốn khơi lại những vết thương cũ, không muốn nói về mình, trong khi bao nhiêu người viết hồi ký đề cao cá nhân để gọi mình là anh hùng, đầy dẫy chiến công và đôi khi vay mượn, cầm nhầm chiến công của người. Chưa ai đấm ngực nhận mình là người có lỗi, mang tội với tổ quốc.
Những ngày dài phải bỏ nước ra đi, sống lưu vong trên đất khách, họ sống rất lặng lẽ trong nỗi trầm uất cay đắng của những người thua trận, ngậm ngùi với ý nghĩ “bại binh chi tướng bất khả ngôn dũng, vong quốc chi đại phu bất khả ngôn trí,” có nghĩa là biết rõ thân phận của mình là một viên tướng bại trận thì không thể nói mình anh dũng. Một người phải bỏ xứ sở để ra đi tị nạn thì làm sao gọi là người có mưu lược được…
Họ không lập triều đại, xưng hùng xưng bá đề lừa bịp quần chúng, cũng không dao to búa lớn, tuyên bố chuyện thâu tóm trời đất, không làm điều vô bổ tổn hại công sức và lòng tin của quần chúng. Ngày xưa khi thất trận, có phương tiện ra đi, nhưng những cấp chỉ huy đã không bỏ anh em chiến hữu đang phơi thân ngoài trận địa giữa pháo thù. Dù thất trận, cấp chỉ huy ra lệnh cho binh sĩ không được khinh xuất, phá bỏ hàng ngũ, hàng lớp chỉnh tề vũ khí trên vai cho đến lúc bàn giao. Họ tuyên bố với kẻ thắng trận: “Cuộc chiến đã xong, hãy để yên những người lính của tôi, nếu có việc không hay xảy ra thì đừng trách chúng tôi phải động thủ!”
Họ cam tâm không rút chạy, vẫn ở với các chiến hữu trong những giờ phút cuối cùng, trên tuyệt lộ, khi con tàu cứu viện không thể cập bến, trên không không nghe tiếng phi cơ bạn, và pháo yểm trợ đã ngưng. Không ai phủ nhận rằng người chiến sĩ chọn cái chết không phải anh hùng, nhưng sống cũng không phải là hèn nhát khi sống mà ngẩng cao đầu, không hề quỵ lụy, sợ hãi kẻ thù như nhan đề cuốn sách của một tướng lãnh “Can Trường Trong Chiến Bại!”
Họ là một nữ quân nhân tình báo, thay vì dùng thời gian cuối cùng để ra đi sắp xếp chuyện thoát thân ra đi, đã ở lại để thiêu hủy hồ sơ của đơn vị, tránh sự liên lụy và bảo vệ mạng sống cho hàng ngàn chiến hữu dưới quyền của mình.
Họ là những người lính của đơn vị, bắn đến viên đạn cuối cùng, thế nước phải treo cờ trắng. Họ là những lính chết cạn trên bãi biển miền Trung, trong tình thế vô vọng, biết ra sự sống là khó khăn nhưng vẫn phải sống.
Họ có thể là một người phụ nữ miền Nam bình thường, ngày thất trận, phải lo chồng tù đày, lo cho con khốn khổ giữa vòng vây kỳ thị, phân biệt của xã hội mới!
Anh hùng cũng có lúc sa cơ! Không đem thắng bại mà luận anh hùng! “Gặp thời thế, thế thời phải thế!” Với kẻ thù vốn nhỏ nhen và ti tiện, họ phải sống qua những ngày lưu đày, tù tội ô nhục khó quên!
Ngày nay, biết bao người lâm cảnh như họ, dù phải sống xa quê hương, ẩn dật, đơn chiếc, nghèo khó cũng không nản lòng. Có thể họ đã quên đi ngày tháng, nhiều khi cố quên mà không được những vết tích chiến trường xưa, hình ảnh và tên tuổi những người anh em ngã xuống cạnh họ, và bên lòng vẫn canh cánh một nhiệm vụ chưa hoàn thành!
Đã qua đi một thời chinh chiến, bây giờ họ đã hòa nhập vào cuộc sống mới ở bên ngoài đất nước. Chúng ta gặp những người rất bình thường, họ có thể là một người lái taxi đứng bến ở Honolulu; một người bán kem dạo ở gần khu Disneyland, Anaheim; một nhân viên an ninh cho một khu chợ cá vùng thủ đô nước Mỹ; một người quét dọn trong building hay là một người giúp việc trong một quán ăn bạn thường lui tới.
Chúng ta rất ít biết về họ. Họ có thể là một người áo quần bảnh bao, tươm tất đang lái chiếc xe đời mới trên đường phố. Họ có thể là một ông già chúng ta thường gặp trong các buổi hội hè, trong một bộ quân phục của một binh chủng. Họ có thể là người đang ngồi trên chiếc xe lăn lăn chậm trên đường phố, có cắm ngọn cờ tổ quốc năm xưa. Cũng có thể họ là người đang chìa tay chờ bạn bố bố thí trong khu chợ kia!
Nhưng quả thật họ không tầm thường. Nơi mỗi một người là cả một câu chuyện dài chưa được kể lại, có khi là một chuỗi chinh chiến xa nhà, một chiến công ngoài mặt trận, có khi là một mối tình ngang trái trong loạn ly, có khi là tấn thảm kịch oan khuất trên Biển Đông.
Tuổi trẻ mới lớn lên xem họ là những ông gìa lẩm cẩm vô dụng. Họ bị lạc loài giữa thời đại cơ khí, kỹ thuật như những người đứng bên lề thời cuộc hay bị bỏ lại đằng sau.
Chúng ta có rất nhiều những anh hùng đang sống thầm lặng ở quê nhà, chịu đựng sự nghiệt ngã của số phận mình trong số phận của đất nước, sự khổ đau, nghèo khó, phân biệt đã dìm họ đến tận cùng xã hội. Họ là những người thương binh không lành lặn, lê lết đi tìm miếng sống trên hè phố đông người, cam chịu đời sống bất hạnh trong túp lều che tạm trong nghĩa địa, bên đống rác. Những người khác không có cơ hội ra đi, nay phải lưu vong trên chính quê hương mình.
Thế hệ sau không biết họ là ai, mặc dầu họ đã xây dựng cho chúng ta được cuộc sống hôm nay, thế hệ đương thời thì vốn vô ơn, xem họ như những người không liên hệ gì tới mình, sống chẳng làm lợi ích cho ai, đôi khi còn là một gánh nặng mà cộng đồng phải cưu mang.
Trong cuộc sống đang đi tới, họ bị bỏ lại đằng sau, ít người còn nhớ đến họ. Họ đã sống một thời oanh liệt, cống hiến cho tổ quốc tuổi thanh xuân. Họ là một phần dĩ vãng và máu thịt của chúng ta. Xin đừng quên họ. (Huy Phương)
Related news items:
Tin mới
- Những bức ảnh ‘thương và hận’ trong ngày khai trường ở Việt Nam - 14/09/2018 19:35
- Sau 40 tuổi, tướng mạo sẽ thay bạn nói lên tất cả - 11/09/2018 01:40
- Người Tàu già di cư. - 21/08/2018 17:13
- Bạn già nhắc nhở nhau - 17/08/2018 23:38
- Ngắm hoa sao nỡ bẻ cành! - 11/08/2018 09:52
- Tinh thần Meiwaku: Bí quyết người Nhật giáo dục trẻ em không làm phiền người khác - 04/08/2018 16:53
- Trở về nhà - 30/07/2018 11:47
- Một đóa hồng cho người đưa thư - 23/07/2018 21:34
- ‘Ngoại ơi!’ - 23/07/2018 21:19
- Bé trai 5 tuổi tự viết cáo phó cho chính mình - 17/07/2018 17:14
Các tin khác
- Luận về anh hùng - 15/06/2018 21:56
- Khúc kèn truy điệu - 28/05/2018 10:37
- Tháng Tư Ngậm Ngùi - 24/04/2018 23:41
- Ngẩn ngơ chiều Ba Mươi Tết - 19/02/2018 20:59
- Cái tai của loài chó - 18/02/2018 22:03
- Tự kiểm đầu năm - 31/01/2018 03:02
- Một Chút Lan Man - 04/01/2018 20:54
- 45 câu nói rất hay - 30/12/2017 12:07
- Lão nông Cần Thơ xây 300 căn nhà cho dân nghèo - 20/12/2017 17:31
- Cậu bé vô gia cư thiếu cánh tay, và ngón tay, với tấm bằng ĐH Harvard - 20/12/2017 16:23