Nỗi Cơ Cực của Chàng Mễ Lậu
- Thứ Tư, 26 tháng Bảy năm 2017 09:00
- Tác Giả: Phạm Hoàng Chương
LTS: Tác giả là một nhà giáo hưu trí, cư dân Riverside, đã góp nhiều bài viết đặc biệt cho giải thưởng Việt Báo từ năm đầu tiên, và nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2009. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Vào đầu tháng ba, thời tiết Cali bắt đầu ấm dần. Nhiều ngày nắng liên tiếp làm sân cỏ vàng vọt trước nhà chuyển sang màu xanh non, các cành cam nặng trĩu quả vàng sau vườn lấm tấm mọc hoa trắng li ti.Tôi muốn đào lỗ trồng thêm 2 gốc bưởi giống Biên hòa mới mua, bón phân cho các gốc cây cam , bèn ra Home Depot chọn trong đám lao động lố nhố một chàng Mễ khoẻ mạnh, mặt mày sáng sủa hiền lành, mướn về cuốc đất một ngày.
- Hola, amigo, want to work? What 's your name?
- Enrique.
- How much for one day?
Anh chàng khỏang chừng ngoài 20, da ngăm, mặt mũi chất phác, nhe răng cười.
- I give you 50 bucks and free lunch, OK?
Enrique mừng rỡ, gật đầu OK, leo vô xe tôi chở về nhà. Khả năng nói nghe tiếng Anh của chàng này không tệ. Sau khi tôi đưa cuốc xẻng, chỉ dẫn công việc, Enrique xắn áo bắt tay làm ngay, xem ra có vẻ quá rành với công việc này. Một tiếng sau, trở ra với ly nuớc cam vắt, thấy Enrique đã đào xong một hố vuông vức, tôi nhỏ nhẹ bảo:
- Khi nào mệt thì cứ nghỉ rồi làm tiếp nhé. Uống đi.
Chàng Mễ nói "thank you", gạt mồ hôi trên trán, vứt cuốc, ngồi xuống uống. Thấy nắng lên, tôi đem ra cho hắn cái nón mây rộng vành, ngồi xuống hỏi:
- Chú em ở Mexico vùng nào? Qua Mỹ lâu mau rồi? Đi một mình hay với ai?
Enrique chớp mắt cúi nhìn xuống đất, lộ vẻ buồn ra mặt. Một lúc, hắn ngửng lên, đưa mắt nhìn ra xa, chậm rãi kể:
- Con là dân da đỏ Indian ở tuốt dưới Guatemala, Trung Mỹ, không phải dân Mexican. Quê con là San Pedro, đất đai màu mỡ, sống chủ yếu bằng nghề trồng cà phê, nhưng dân Indians ai cũng nghèo, tòan đi làm công hái cà phê cho đám điền chủ giàu có. Đất cát ông bà tổ tiên con để lại bị chính quyền cướp lần nên ba con tham gia nhóm du kích chống lại, chẳng may bị phục kích bắn chết. Vợ con mấy người du kích luôn bị truy lùng bỏ tù, hay bắn chết, để trừ hậu họan nên một đêm nọ, má con bị xe chở đầy lính tới dí bắt, hốt lên xe chở đi đâu mất, con và em gái con, Rosa, lúc đó đi chơi không có nhà, khi về nghe hàng xóm kể lại, sợ quá, chạy trốn mỗi đứa một nơi, cả tuần sau mới tình cờ gặp lại trong rừng.
Ở lại trước sau gì cũng bị chết, nên con quyết định trốn lên Mexico, rồi nhờ môi giới dẫn đi chui qua San Diego. Rosa đòi đi theo, nói bây giờ côi cút có 2 anh em, sống chết phải có nhau, nó xin bà mẹ "Godmother" được một ít tiền. Tụi con nói và hiểu tiếng Spanish rành nên quân cảnh ở đồn biên giới Tijuana không biết từ Guatemala tới, sẽ không bắt gửi trả về quê. Con tìm gặp bạn cũ của ba con, một chú có lò nấu đường mía trong rừng, tên Ranon, nhờ giới thiệu với một ông chuyên làm môi giới dẫn đường, gọi là 'coyote" ở Tijuana, để đưa sang San Diego. Hồi còn ba má đầy đủ, tụi con vẫn thường nghe kể bên Mỹ ai cũng có xe hơi riêng, nhà riêng, có tivi tủ lạnh... Những người quen đi lọt qua đó viết thư về, kể nước Mỹ như thiên đàng, nên con náo nức mong lớn lên có ngày sẽ đi lậu lên đó làm kiếm tiền gửi về nuôi ba má... Bây giờ, kinh tế suy thóai, chỉ cầu nuôi thân không cũng đã khó...
Tôi ái ngại nghe chuyện gia đình của Enrique, ngẩn người ra không biết an ủi thế nào. Nó uống thêm một ngụm nước cam, đứng dậy nói:
- Thôi để con làm việc lại , lát trưa con kể chú nghe tiếp...
Tôi trở vào nhà nấu ăn, tâm trí vẫn còn se sắt với chuyện mồ côi bỏ xứ của anh em Enrique. Lâu nay cứ tuởng dân Mễ quá nghèo không có việc làm, phải liều mạng vựơt biên giới qua Mỹ mưu cầu đời sống vật chất khá hơn hầu giúp đỡ cha mẹ, vợ con, không ngờ có những trường hợp bất khả kháng phải đánh đổi mạng sống ra đi bằng bất cứ giá nào, chẳng khác nào như "boat people" ở VN sau 75.
Trưa, mặt trời đứng bóng, Enrique đã đào xong hai hố vuông, đổ phân bò vào ngập một nửa, chuẩn bị khơi sâu các mương rãnh quanh các gốc cam. Tôi gọi nó ngừng việc, rửa tay ăn cơm. Nó phụ tôi dọn các món ăn ra bàn dưới bóng cây cam um tùm sai trái lủng lẳng.
- Đây là đồ ăn Mễ của em, tortillas, taco... gì gì đó... tôi làm không khéo nhưng ráng ăn nghe. Còn đây là cơm chiên Việtnam của tôi, em muốn ăn thử cứ tự nhiên... Biết dùng đũa không?
Enrique không khách sáo chút nào, vừa ngồm ngoàm ăn vừa nói:
- Con ở Mỹ 3 năm rồi, cái gì cũng ăn được hết. Đồ Tàu, đồ Việt, đồ Mễ...
- Kể tiếp chuyện vuợt biên như thế nào đi...
- Hai anh em hẹn gặp ở đầu làng giữa đêm khuya, 2 đứa đeo 2 cái ba lô, lúc đầu đón quá giang một xe vận tải nặng, đi một khúc, bánh xẹp, tài xế leo xuống vạch màn ra hỏi 2 đứa từ đâu tới, con nhớ chú Ranon dặn đừng nói từ Guatemala, mà phải nói từ Oaxaca tới, ai dè hắn cười ha hả, "Mày nói láo, nhóc con...Oaxaca còn 300 km nữa mới tới, tụi mày là dân Guatamala phải không?" Tụi con sợ xanh mặt, hắn bắt con xuống phụ thay bánh xe, biết hai đứa muốn đi chui qua Mỹ nên cảnh cáo coi chừng bị bắn ở biên giới, lính gác và ăn cướp buôn lậu nhiều lắm... rồi bỏ 2 đứa xuống trạm xe bus đi Tijuana.
Xe đông đen người, tụi con ngủ gà ngủ gật, chạy suốt một ngày một đêm sáng ra mới tới, vô số các tay cò mồi mặt mày dữ tợn thò đầu vô ngó dáo dác dòm, tranh giành mời mọc hành khách ..." 300 đô một người thôi, dẫn qua Mỹ, không đâu rẻ bằng"..."USA, land of money, bảo đảm qua lọt, 350$ một người đây"..." Come on, coyota này rất gan dạ, bảo đảm dẫn qua San Diego an toàn..."
Hai anh em ngơ ngác như hai con nai tơ, trố măt nhìn đám cò mồi râu ria dữ tợn, chẳng dám tin ai, nên vác hành lý vô chợ, tìm hỏi quán cơm của ông bạn của chú Ranon nhưng không nhớ địa chỉ, bèn ngồi nghỉ trước mấy túp lều, chợt có hai ba đứa Mễ thấy hai anh em lớ ngớ, hiền như nai tơ, biết ở dưới Trung Mỹ lên, kéo tới đứng vây xung quanh, trêu ghẹo, cười ha hả. Bỗng một tên chưa tới 30 tuổi, mảnh khảnh thư sinh, đàng xa tiến lại, nạt đuổi bọn kia đi hết, trông có vẻ tử tế, hiền lành, tươi cười tự giới thiêu là Jaime, ở làng quê tới đây chuẩn bị tối nay vựợt biên giới qua San Diego. Hắn bắt tay, thân mật hỏi thăm 2 đứa tên gì, ở đâu tới, tìm ai ở đây, có địa chỉ không để hắn giúp tìm. Thấy hắn có vẻ lương thiện, Rosa nói có tới địa chỉ tìm nhưng mà ông ta không còn ở đó nữa. Hắn nói nếu muốn đi tìm ông ấy thì đi, còn không thì đi theo hắn tối nay, hắn biết một con đuờng bí mật an tòan qua Mỹ. Hai đứa tin tuởng gật đầu. Hắn hỏi có đem theo nhiều tiền không, con nói cũng có kha khá. Hắn nói đừng nghe lời ai gạ gẫm hứa dẫn đi mà đưa tiền trước cho họ, ở đây nhiều cò mồi xạo lắm, lôi thôi tiền bạc với họ, họ báo cảnh sát nhốt vì tội vượt biên trái phép.
Di dân lậu (Ảnh minh họa)
Hắn dẫn đi tìm chỗ nghỉ tạm, đẩy 2 anh em chui vào một túp lều rộng khoảng 4 thước vuông, phủ vải dầu, bảo nằm nghỉ mệt, chờ sụp tối sẽ trở lại dẫn đi. Rosa lo lắng, sợ chủ nhà tới đuổi. Hắn nhe răng cười," Đừng lo, đây là Lost City, thiên hạ tới rồi đi, không ai làm chủ cái gì cả, không ai quan tâm có bao nhiêu nguời tới đây". Tối đến quả nhiên hắn trở lại, đưa 2 đứa ra khỏi làng, chui vô lỗ chó một cái hàng rào dây thép kiên cố, đi vô rừng không biết ở đâu, bảo yên lặng ngồi chờ, rồi trở lại thình lình cầm một khúc gỗ đập vào sau gáy con. Con nghe Rosa hét lên, quay nhanh lại tránh được, hắn rút dao ra bảo "Đưa tiền đây, không tao giết chết". Con tức giận, xách cây đập lại, nó xông tới vung dao ra, Rosa cầm "ba lô" đập mạnh vào mặt khiến hắn lăn ra đất. Hăn lao tới mình con, con tiện chân đá thốc một cú mạnh vô mặt, hắn ngã ngữa ra nhăn nhó rồi lồm cồm ngồi dậy chỉ tay vô mặt con:
- Mày là thằng vượt biên hung dữ. Mày có bao nhiêu DOUGH?'
Con ngơ ngác:
- Dough gì?
- Là MONEY. Mày không biết tiếng Mễ sao?
- 20 đô".
- Cái gì? Chỉ 20 bucks? Mày chỉ có 20 bucks mà nói có nhiều? Chúa ơi, tối nay con làm ăn lỗ vốn rồi...
Con nói, "Đối với tao, 20 là nhiều." Nó cười hô hố...
Bỗng có tiếng xe jeep thắng gần đó, rồi tiếng người đi sột sọat trong các bụi cây. Hắn hốt hoảng đứng lên ù té chạy. Hai đứa con còn đang ngơ ngác thì một ngọn đèn pin sáng rực rọi thẳng vô mặt. "Dont move!". Hai viên cảnh sát Mễ nhào tới chụp con, còng tay 2 đứa dẫn ra xe chở về bót. Một ông đánh máy, hỏi ở đâu tới. Con đáp:
- Oaxaca.
Viên cảnh sát đứng bên tỏ vẻ nghi ngờ, bảo ông đánh máy:
- Tôi nghi tụi này không phải ở Mễ mà ở Central America tới.
- Làm sao anh phân biệt được?
- Hỏi nó viết đọc biết viết không, biết hát quốc ca Mễ không.. .thì biết ngay.
- OK, hai đứa biết đọc biết viết không?
- Không biết.
Viên cảnh sát đang đứng lôi một tấm bản đồ ra, hỏi:
- Hãy chỉ coi hai đứa sống ở chỗ nào trên bản đồ này?
Nhớ lời chú Ranon dặn hễ cảnh sát hỏi thì phải luôn luôn chêm tiếng "fucking" vô mới đúng là dân Mễ địa phương, nếu không sẽ bị phát giác là dân chỗ khác tới và bị gửi trả về Guatelama cho lính giết, con bèn văng tục:
- What are you "fucking" talking about? Why do you "fucking" show us this thing?
Viên đánh máy nhìn bạn nói:
- Tụi này đúng là dân Mễ ở đây rồi. Ông đa nghi quá..
- Thôi kệ...thả tụi nó về Tijuana lại cho rồi. Who cares?
Thế là hai anh em được tự do, đi bộ ra chợ Tijuana. Rosa đói quá, thấy một bà nọ bồng con ngồi rao bán "hot tamales" trứớc một chồng bánh bên cái chảo chiên , bèn rón rén nhào tới chớp hai cái bị bà chụp đụợc tay, la tóang lên, "Ăn cắp...ăn cắp...". Rosa kê miệng cắn ngay vào bàn tay bà khiến bà hét lên, thả ngay ra. Hai đứa cắm đầu chạy thật xa, ngồm ngòam ăn cho qua cơn đói, rồi lang thang hỏi ngừoi qua đường có biết ông Ramundo ở đâu không. May sao có kẻ chỉ tới một tiệm cơm. Ông chủ đầu lưa thưa tóc, có hàm râu mép đen, từ trong bếp thò đầu ra trố mắt nhìn con. Con ấp úng thưa:
-Con muốn "lên phía Bắc".
-Sorry, kid... Tôi giải nghệ lâu rồi. Nghề này nguy hiểm lắm. Lâu nay tôi không còn đưa người qua Mỹ nữa...
-Chú con là Ramon Rumoz ...nói con tới nhờ bác...
Ông Ramundo đổi thái độ liền. Ông niềm nỡ đãi con ăn cơm thịt sườn ở trong bếp, chăm chú cảm động nghe con kể chuyện ba má bị lính dưới San Pedro giết. Ông nói lúc trước ông mang ơn chú Ramon nhiều lắm, nên bây giờ sẽ cố giúp con không đòi thù lao, tuy nhiên ông cần phải có chút tiền, khoảng 100 đô, để lo các thứ chi phí như đổ xăng lái xe tới nơi đó, mướn phòng motel, mua thức ăn...Con nói OK, em con sẽ bán cái dây chuyền bằng bạc của bà nội để lại mà nó đem theo. Ông nói," Tao sẽ không dẫn con đi đường mòn trên núi, rất nguy hiểm, vì quân cướp, cảnh sát và dân buôn lậu trên đó đầy dẫy". Ông nhìn quanh rồi kê tai con thì thầm,"Tao biết một cái ống cống bằng nhôm dày, đường kính một thước, chôn ngầm dưới đất từ Tijuana đi qua San Diego đã nhiều năm nay không còn dùng nữa, 2 đứa mày phải bò bằng tay chân trong ống cống mấy tiếng đồng hồ với một cái đèn pin, tao sẽ đứng phía bên kia đón". Rosa giao cái xâu chuỗi bạc cho ông đi bán lấy tiền lo công chuyện.
Thế là ông mua cho con cái đèn pin, hai đứa lấy khăn mù xoa cột sau ót, bịt mặt từ mũi trở xuống, Con chui vô ống bò trước, soi đường, Rosa bò sau, 2 đứa đeo 2 cái bị quần áo nhỏ trên vai. Càng bò vô sâu, không khí càng ngột ngạt khó thở, nhưng 2 đứa ráng sức, chốc chốc nằm xuống nghỉ mệt, rồi lại bò tiếp. Bỗng con chạm phải một cái gì khô cứng rất hôi. Soi đèn thì ra một con mèo chết khô nằm trơ xương ra, hai hốc mắt sâu hoắm và răng nhe lởm chởm. Rosa sợ hãi khóc thét lên. Hai đứa nghỉ một phút rồi bò tiếp. Thình lình, chú biết không, ở đâu truớc mặt con xuất hiện 1 đàn cả trăm con chuột đói từ xa xông tới kêu chít chít, chân bò lúc nhúc, mũi phập phồng đánh hơi thịt người, 2 mắt đen thui, đuôi dài lằng ngoằng, trong đời con chưa bao giờ con thất kinh hồn vía bằng hôm đó...hốt hỏang thả rớt cây đèn pin xuống mình đám chuột đói hung dữ lúc nào không hay..."
Enrique ngừng kể, rùng mình hai tay ôm lấy mặt như hồi tuởng lại giây phút kinh hoàng đó. Tôi cũng lạnh cả người. Một lát, nó ra gốc cây hồng cúi mặt xuống như muốn nôn ọe, đưa tay lên chặn ngực, nhổ nước miếng, rồi trở lại bàn kể tiếp:
- Bầy chuột nhảy bám vào mũi, vào má, vào trán con, cắn te tua. Con cố sức la thật to, thật lâu, tay gỡ chuột khỏi mặt, tay cầm đèn pin đập lia lịa chết đựợc con nào hay con nấy. Rosa cũng bị chuột bò chui dưới mình con, bu lại, leo lên tóc, bám lấy mặt, lấy cổ, cắn nó chảy máu. Nó rú lên kinh hoàng, ôm mặt, hét lên những tiếng hãi hùng. Hai anh em vật lộn kêu la ầm ỹ mãi tới mấy phút sau, đàn chuột mới rút lui, tha đi các xác đồng bọn chết máu me. Hai đứa hổn hển nằm thở một lát. Mặt Rosa trầy trụa đầy vết thương, mặt con cũng bị, nhưng ít hơn.
Tụi con cố bò tiếp được một tiếng nữa thì nghe tiếng máy bay trực thăng của lính biên phòng Mỹ đi tuần trên trời, chiếu đèn sáng rực xuống đất, quét qua quét lại, ánh sáng có lúc dọi vào cửa ở cuối ống cống, vội thụt đầu lại, nằm yên. Máy bay qua lượn lại mấy vòng mới bay xa đi chỗ khác. Tụi con nằm chờ tới gần sáng mới chui ra khỏi miệng ống cống, mặt mũi lọ lem trày trụa như từ đống rác chui ra. Vừa lúc chú Ramundo vác bị lom khom tìm tới, dúi vào tay 2 đứa mấy miếng bánh sandwich và 2 cái khăn ướt lau mặt. Rosa quên cả đau, hai mắt sáng rỡ chỉ tay về phía bên dưới thung lũng. Chú Ramundo nói,"Đó là SAN DIEGO".
Thành phố San Diego sáng rực như một vũng ngọc vàng xanh đỏ đủ màu với chi chít xe cộ di động sáng rực. Hai đứa con đứng lặng hồi lâu trên gò đất cao, xúc động nhìn xuống cảnh tựợng huy hoàng hiếm thấy trong đời. Chuyến vựợt biên giới đã thành công mỹ mãn. Giấc mộng qua Mỹ đã thành sự thực. Chú Ramundo nói:
- Ngày mai chúng ta sẽ có mặt ở Los Angeles.
Chú lái xe chở tụi con tới gặp một chủ motel ở downtowwn L.A. , tên Monte, quản lý 10 căn phòng cho thuê tháng với giá rẻ dành cho dân Mễ lậu. Motel tồi tàn, cũ kỹ, lụp xụp; cái phòng 2 đứa ở có mười hai thước vuông, có tủ lạnh, bếp điện, toilet giựt nước và 2 giường ngủ đơn, một tháng những 80$. Rosa cười khoái chí với cái toilet giựt nước trôi giấy tuồn tuột xuống lỗ, còn con thích chí mân mê cái nút đèn điện, tắt mở, tắt mở tối sáng bao nhiêu lần cũng được, chả bù những ngày dưới San Pedro ban đêm tối thui, phải thắp đèn cầy le lói lù mù để ngồi ăn cơm.
Rosa có việc làm ngay sáng hôm sau. Một xe minivan trắng tới chở nó cùng với các đàn bà khác tới hãng may ủi đồ chuyên mướn di dân lậu, chủ Trung hoa. Còn con theo đám Mễ đàn ông ra sân sắp hàng, chờ các chủ xe truck tới mướn đi lao động, xúc cát, xây tường, khiêng hàng... Hai tiếng sau thì ai nấy đều được bốc đi hết, "chợ người" vắng tanh chỉ còn có mình con đứng trơ ra ngơ ngẩn. Bỗng có một xe trờ tới, có ông Mỹ mặc đồ vest cổ thắt nơ đen, bước xuống hỏi con mấy câu tiếng Anh. Con lỏ mắt nhìn, bối rối, không hiểu ổng nói gì. Ông bèn lấy tay đẩy tới đẩy lui, ra dấu như là "muốn đi làm không? Ổng nói, "Work, work...?" Con đoán là kêu đi làm, lật đật nói "YES"...Ông ta nói,"How much?" con ngẩn ra không hiểu, ổng bèn móc bóp ra xòe một tờ 20$ cho con thấy, rồi dơ một ngón tay, hỏi OK? Con đóan là trả công 1 ngày 20$, mừng quá, cười gật đầu lia lịa: YES...YES...
Thế là con theo hắn tới chỗ làm, một nhà hàng Mỹ lớn toàn khách hạng sang. Khách cuối tuần đột xuất đông quá khiến họ thiếu người làm, nên tới "chợ người" kiếm Mễ lậu, vừa ngoan ngõan, vừa rẻ tiền. Họ bắt con mặc đồng phục trắng có một hàng nút đồng trên ngực, làm hầu bàn waiter, giới thiệu với Carlos. Carlos là Mexican, làm ở đây lâu năm, lạnh lùng đưa cái mâm cho con bưng, vênh mặt dẫn đi thu dọn chén dĩa dơ ở các bàn khách đang ăn ngoài vườn đem xuống bếp.
Khách ăn tòan dân Mỹ trắng ăn mặc đeo nữ trang sang trọng, áo quần màu mè đắt tiền, khắp nơi chỗ nào cũng thấy chưng bày rực rỡ những bồn hoa tươi tuyệt đẹp giữa các bàn ăn phủ khăn trắng. Tới giờ lunch, con ăn duới bếp chung với Jorge, một chàng Mễ cũng di dân lậu như con, đã làm đây đựợc mấy tháng . Jorge nói ông Mỹ mặc đồ vest mướn con là 1 team leader, tên Mike, trên ổng còn có manager và supervisor nữa, còn Carlos dẫn con đi thu dọn chén bát là một "pocho", hay "chicano", là thứ dân Mễ Latino sanh đẻ ở đây, không biết tiếng Spanish, nhưng hay phách lối vì ỷ có quốc tịch Mỹ . Tối đến, ông Mike chở con về lại motel, đưa 20 đô, khen "good", hứa ngày mai sẽ tới chở đi làm tiếp.
Rosa em con đuợc giao việc ủi đồ trong 1 shop may manager là người Tàu, ủi được 1 cái lãnh 30 cents. Hai đứa huyên thuyên kể lể chuyện việc làm, chuyện đồng nghiệp, chuyện ông chủ, những điều lạ lùng mà hồi nào ở dưới quê với ba má chưa hề thấy ...mừng quá cả đêm không ngủ đuợc.
Nhưng rồi hai ngày sau vì có người báo, một đám nhân viên INS tới, chạy đùng đùng rượt đuổi bố ráp xưởng may Rosa làm, bắt mấy người Tàu di dân lậu đang ngồi may dẫn đi, may mà xếp trực tiếp của nó là Nacha, một bà Mễ tử tế nói tiếng Anh rất khá, nắm tay kéo đi lòn ra ngõ sau, trốn thóat kịp ra đừờng. Nacha chê nó giống Indian, quê mùa quá, khuyên nó phải cắt tóc ngắn, mặc áo quần hạp thời trang, trang điểm phấn son vô, phải đi học ESL. Bà nói phải nghe, phải nói tiếng Anh rành mới được trả nhiều tiền và có tương lai hơn.
Sau vụ bố ráp, Nacha bỏ shop may, coi báo kiếm được việc "clean" nhà rửa chén, giặt áo quần tại tư gia các bà Mỹ giàu cho cả 2 chị em cùng làm, họ trả lương ngày. Nacha dẫn nó đi mua sắm áo quần, phấn son, chỉ cách chưng diện cho lịch sự giống Mỹ, để khỏi ai biết là di dân lậu tra hỏi lôi thôi. Nhờ Nacha mà Rosa thay hình đổi dạng, xinh đẹp khôn lanh ra thấy rõ. Nó nhứt định đòi đi học English.
Thế là 2 anh em ban ngày làm, ban đêm đi học ESL họ dạy free ở highchool. "How do you feel today? I feel very well, thank you.... How are you doing? I am very happy to see you. The weather is very nice today...". Tối nào 2 anh em cũng tập đối thoại tiếng Anh với nhau, phê bình bạn bè, cô giáo, rồi cười khúc khích mãi. Qua mấy tháng chăm chỉ để ý học, vốn English nói năng con lưu lóat tiến bộ rõ rệt, con lại vui vẻ tươi cười nhanh nhấu, "please..please.." luôn miệng nên ông phó giám đốc nhà hàng rất ưng ý, gật gù khen con hòai.
Một hôm đông khách quá mà service manager mới xin nghỉ việc, ông quyết định cất nhắc con lên thay, phát cho bộ uniform trong trắng ngoài đen, oai vệ bảnh chọe, lại thắt nơ đen 'bow tie" ở cổ áo, ai thấy cũng trầm trồ khen đẹp trai. Họ trả lương con một tháng 2 ngàn đô. Con mặc bộ đồ ấy về nhà khoe đuợc "promotion" , Rosa rất mừng, ôm lấy con nói, "I am very proud of you, Enrique". Con ứa nước mắt, kể cho nó nghe lúc ba còn sống, ba vẫn tâm sự mong ước con sau này sẽ không phải làm tôi mọi cho các điền chủ ở Guatemala như ba, mà trở thành "somebody", một ngừơi có địa vị trong xã hội với một trái tim và linh hồn, một người được xã hội kính trọng.... Giấc mơ của ba giờ đây con đã thành tựu, nhưng ba không còn sống nữa để chứng kiến. Hai anh em cùng nhớ tới ba má, cùng tủi thân khóc. Con nói," Rosa em, ở xứ này, nếu ta cố gắng làm việc giỏi, chúng ta sẽ thay đổi mọi sự, chúng ta sẽ có tất cả... Em nhìn coi, cái phòng năm ngóai chúng ta mới vô ở tồi tàn dơ bẩn như thế nào... bây giờ biến thành một tổ ấm khang trang, có bàn thờ Đức mẹ, khung hình ba má trên tường, có màn hoa che cửa sổ, có hoa tuơi trên bàn...".
Ngay lúc đó, Monte, motel manager mở cửa thò đầu vô kéo con ra ngòai office giới thiệu với một bà Mỹ tóc vàng sang trọng đang ngồi hút thuốc.Tên bà là Ellis. Bà muốn kiếm một người thông minh nhã nhặn lich thiệp, biết nói 2 thứ tiếng, có khả năng làm manager cho hãng của bà ở Chicago, trả lương 800$ một tuần. Bà khen con lễ phép, lịch sự, thông minh, rất thích hợp với công việc sắp làm. Con nói con thích lắm, nhưng không thể bỏ Rosa lại một mình ở đây, nếu cho Rosa cùng đi thì sẽ nhận job. Bà lắc đầu không chịu, nói đi một mình, đem theo gia đình rất phiền phức. Monte chắc lưỡi tiếc con bỏ qua cơ hội hiếm có, nhiều người di dân lậu thèm lắm mà không được.
Mấy ngày sau, bỗng Rosa tự nhiên thấy uể oải trong người, nhuốm bịnh bỏ học. Một hôm, nó đang clean thảm thì chóng mặt ngã lăn ra đất, Nacha phải xin lỗi bà chủ Mỹ, chở nó về nhà, nằm hai ngày không bớt, bà muốn đưa nó đi nhà thương. Nó không có giấy tờ hợp pháp nên không dám đi, sợ bị phát giác ra dân ở lậu, INS sẽ bắt nhốt trả về Tjuana.
Họa vô đơn chí , nhà hàng chỗ con làm, một hôm con đang chỉ huy mấy waiters dọn bàn thì thấy có 2 nhân viên INS mặc đồ lớn thắt cà vạt đứng nói chuyện với bà supervisor, mắt dáo dác như tìm kiếm ai, con hỏang hồn chạy ra sau bếp, gọi Jorge chạy trốn ra ngõ sau. Hai đứa cắm đầu cắm cổ chạy quanh các buildings kiếm chỗ núp, nghe tiếng chân họ dồn dập chạy đuổi theo, túng quá Jorge phải thót lên níu cái mái nhỏ che mưa trên 1 cánh cửa, đu đại lên nóc nhà, rồi đưa tay cho con nắm thót lên, hai đứa chạy bán sống bán chết trên sân thựợng một lúc mới kiếm chỗ đường cái vắng vẻ nhảy xuống, chui vô một cái bar rượu ngồi uống nước ngọt. Jorge tức tối nói,"Chính thằng "chicano" Carlos nó hại mình, nó ganh tỵ với mày di dân lậu mới vô mà được thăng chức, tăng lương, nên gọi INS tới bắt, chứ làm sao tự nhiên mà họ biết mày ở đây... Thằng đó xấu lắm... Mày phải coi chừng giữ lấy mạng sống của mày, ở đời người xấu nhiều hơn người tốt, đừng tin ai hết ở chỗ mình làm. Ở Mỹ là vậy đó, phải luôn luôn cảnh giác coi chừng đồng nghiệp hại ngầm...Bây giờ tụi mình mất job, làm sao mà sống đây, lấy gì trả tiền nhà tiền ăn?"
Con nghe vậy lo quá, sực nhớ tới Monte hôm nọ giới thiệu mình cho bà Mỹ Ellis đi làm ở Chicago, bèn tới hỏi nó đã tuyển được ai làm chưa. Nó giận lẫy, nói,"chắc bà ta có người rồi, ai mà ở đó chờ mày. Bà ta hứa sẽ lo kiếm "green card" cho mày nếu làm cho bà ấy một thời gian. Mày sẽ thành US citizen, khỏi lo ai bắt bớ gì hết, nhưng mày ngu thì ráng chịu. Mày nên nhớ ở đây, SURVIVAL là quan trọng nhứt, còn gia đình bên Mỹ này, ly tán là chuyện thường. Bám lấy nhau ở một chỗ để mà chết đói à?"
Con nghĩ tới nghĩ lui, xiêu lòng, chạy đi kiếm bà Ellis ở hotel Monte chỉ, đồng ý chịu đi Chicago một mình bỏ Rosa lại. Bà ta mừng rỡ, hẹn trưa thứ sáu có mặt ở phi trường Los Angeles lúc 2 giờ, tại hãng US Airways, gặp bà. Con về nhà thu xếp hành lý, nhưng thứ ba thì Rosa sốt li bì, Nacha đưa Rosa vô nhà thương, bác sĩ khám thấy trên bụng lấm tấm vô số mụt cóc, sợ lây cho bệnh nhân khác, liền cho "cách ly" và cấp tốc thử máu gửi tới Lab khám nghiệm. Thứ năm, Nacha tới cho hay kết quả trong máu Rosa có vi trùng dịch hạch do chuột cắn, bác sĩ đòi gặp mặt con nói chuyện. Con rụng rời tay chân. Thôi rồi, cái đêm hai đứa bò trong ống cống chui qua San Diego bị bầy chuột cắn, cơ thể Rosa đã nhiễm vi trùng dịch hạch rồi, nhưng mãi tới bây giờ mới phát bịnh, may mà con khỏe không bị. Đêm đó, con thức trắng đêm suy nghĩ. Làm sao nỡ bỏ Rosa trong lúc này mà đi, không biết sống chết ra sao. Lỡ em có bề gì, ai sẽ đứng ra lo chôn cất cho em. Nhưng sáng hôm sau, khi Nacha tới nhà bảo con vô gặp bác sĩ, con lại không chịu đi. Con nói, "Chị làm ơn săn sóc giùm nó, qua đó em sẽ gọi về." Nacha nói, "Nhưng nó có thể chết ngày mai, ngày mốt, chú có biết không?" Con nói, "Nhưng mà con không có job, con phải đi, con cần có job để có tiền sống, để lo cho Rosa..." Nacha giận dỗi, mếu máo khóc và bỏ đi, "Thôi coi như chú mày đã chết rồi, nó có mỗi mình mày là máu mủ, gia đình, mà mày đành lòng bỏ đi...". 11 giờ trưa, sắp tới giờ hẹn ở phi trường, con bỗng xót xa cắn rứt trong lòng, chạy vô hospital gặp bác sĩ Mỹ, ông lắc đầu nói bệnh Rosa đã quá nặng, nhập viện quá trễ, không thể cứu được, nên đem về nhà chuẩn bị chờ chết là vừa.
Con tới ngồi bên giường em.Tội nghiệp Rosa, mặt nó hốc hác, da nó đen xám, mồ hôi dã dượi, nắm tay con nói thều thào: "Em tưởng anh không bao giờ tới thăm em nữa... Chị Nacha nói anh đi Chicago. Enrique, ở đây mình không có tự do, mình không được chấp nhận, cuộc sống ở đây khó khăn quá anh à...Ở San Pedro, mình không có nhà ở, họ muốn giết mình, mình phải trốn đi, qua đây mình cũng không tạo nỗi cái nhà ở... Chừng nào mình mới có đựợc một mái nhà ấm cúng hả anh? Chắc chờ tới khi mình chết quá, phải không anh?" Con bảo,"Đừng nói thế em, đời sống ở đây vất vả thật, nhưng nếu mình cố gắng, rồi mình sẽ có tất cả... Mình sẽ có nhiều tiền, mình sẽ về thăm lại Guatemala, trên đường đi, mọi người sẽ nhìn mình bằng cặp mắt ganh tỵ thèm muốn... Đừng ngã lòng Rosa, hãy nuôi dưỡng niềm tin, điều quan trọng là đừng đánh mất hy vọng...". Bỗng con thấy bàn tay nó từ từ buông con ra, hai mắt nó khép lại, thở ra một hơi cuối cùng rồi đi luôn. Con mếu máo gục đầu vào ngực nó khóc nức nở...
Rosa chết rồi, con lại ra "chợ người Mễ lậu "sáng sáng đứng sắp hàng với các người lao động khác, chờ chủ lái xe tới bốc đi làm, có ngày có việc, có ngày không, tối tối con lủi thủi nấu ăn rửa chén một mình, nhìn các hình ảnh đồ vật trong phòng mà tủi thân nhớ tới em chảy nước mắt. Rồi kinh tế suy thóai, công việc ít lần đi, tiền bạc eo xèo, có người bạn thân rủ con xuống Riverside, ngủ nhờ trong garage nhà anh họ nó mướn, không lấy tiền, ngày ngày 2 đứa ra Home Depot đứng chờ chủ kêu đi làm... Ở đây, vật giá rẻ, coi bộ dễ sống hơn trên LOS. Con không biết tương lai rồi sẽ ra sao, chỉ biết ăn tiêu tiện tặn, dành dụm, nuôi hy vọng có ngày may mắn sẽ trở lại với con như hồi mới tới LOS trứơc đây...
Enrique thở dài, đứng lên phụ tôi dọn dẹp chén dĩa mang vô sink rửa chén trong bếp, rồi quay ra vườn cầm cuốc trở lại. Tôi bùi ngùi không biết nói gì để an ủi nó, sực nhớ tới mẩu tin trên "online" hôm qua đọc, chạy vào mở computer, lên mạng in ra 1 copy đem ra cho Enrique.
Theo bản tin này, có đến 90% dân California ủng hộ hợp thức hóa di dân bất hợp pháp. Những di dân bất hợp pháp vào Mỹ đã lâu năm mà vẫn chưa có giấy tờ hợp pháp thì nên được vào quốc tịch Mỹ. Đây là con số đồng ý cao nhất mà Fiel Poll ghi nhận ở California từ 7 năm qua.
Một nhóm Thượng Nghị Sĩ lưỡng đảng của Hoa Kỳ cũng đang làm việc để giúp hợp thức hóa 11 triệu di dân bất hợp pháp.
Có 52% cư dân California cũng cho là thậm chí nên cấp bằng lái xe cho di dân bất hợp pháp. Đây là lần đầu tiên có đa số trên phân nửa đồng ý chuyện này ở California.
Khi đưa bản tin, tôi bảo Enrique:
- Con đừng lo, đọc tin này đi: có tới 90% dân Califonia hiện nay ủng hộ vận động việc hợp thức hóa di dân lậu. Cố gắng thêm một thời gian nữa đi, rồi sẽ đựợc cấp thẻ xanh đi làm hợp pháp. Chịu khó, vui vẻ, họat bát như con ai cũng mến, thế nào rồi cũng có ngày thành công, trở thành manager lại...
Enrique cảm động mỉm cuời cám ơn, cầm bản tin chăm chú đọc.
Nghe chuyện của Enrique, tôi không khỏi chạnh lòng nhớ lại cá nhân mình những ngày mới qua Mỹ sống với đứa con nhỏ, cũng ngơ ngác, khờ khạo, vất vã, bị ganh tỵ, hãm hại... Ai bỏ xứ đi tìm tự do cũng phải trả một giá rất đắt, có khi phải hy sinh tánh mạng như Rosa, em của Enrique, như những phụ nữ VN vụợt biên bị hải tặc hãm hiếp ném xuống biển, như những người chết vì súng đạn, đói khát, ghe chìm trong bão tố... Tôi cũng đã trải qua sóng gió nguy hiểm trên chặng đường vượt biển thập tử nhất sinh, cũng cúc cung đi học lại English, mướn phòng ở, share nhà, cũng chịu khó đi chợ nấu ăn, làm hãng, cắt cỏ, clean thảm như Enrique, kiếm tiền gầy lại cuộc đời... nhưng tôi may mắn hơn Enrique ở chỗ là di dân hợp pháp có trợ cấp, có medicare cho con nhỏ, có căn bản học vấn, có vốn liếng ngoại ngữ sẵn từ bên nhà nên học lên cao có bằng cấp, có "phước" hơn biết bao nhiêu triệu người khác giờ này trên thế giới còn đang quằn quoại trong ngục tù, nghèo đói, áp bức, bao nhiêu người đang ngày đêm ước mơ vuợt biên giới, qua được đất nuớc "cơ hội" này, để sống một đời mới tươi sáng hơn, đầy đủ tự do, no ấm, và an lành...
Related news items:
Tin mới
- Ly dị không còn là cấm kỵ trong cộng đồng người Việt ở Mỹ - 27/10/2017 11:54
- Thắng-Thua - 11/10/2017 19:29
- Bức thư nổi tiếng của cha gửi con trai của Thủ Tướng Đài Loan - 30/09/2017 22:32
- Tiếng khóc trong rừng - 11/09/2017 00:26
- Thương nhớ buổi tựu trường - 09/09/2017 21:18
- Bài viết của Lê Minh Đức - cựu đảng viên đảng csVN. - 07/09/2017 11:34
- Anh thợ sửa giày - 04/09/2017 00:01
- Bước đường cùng! - 23/08/2017 21:03
- Hũ hài cốt là con tin trong chùa - 23/08/2017 20:22
- Bạn hỏi mình : Có kiếp trước hay không? - 29/07/2017 15:14
Các tin khác
- Người đàn bà nhặt rác 9 năm chôn cất hơn 10 ngàn thai nhi - 21/07/2017 11:49
- Những bàn tay đã nắm - 15/07/2017 18:44
- Buổi tối một mình - 11/07/2017 11:48
- Cha đạp xe 1,400 dặm để nghe nhịp đập trái tim con gái quá cố - 24/06/2017 13:38
- Nhân ngày Father’s Day 2017: Thầy cũng như cha - 18/06/2017 12:50
- Bị cha mẹ bỏ rơi vì quá xấu, 33 năm sau, cậu bé khiếm khuyết làm nên kỳ tích - 15/06/2017 14:44
- Cha Tôi, Chết Không Cần Quan Tài - 15/05/2017 14:42
- Charles Feeney: Tỷ phú từ thiện 8 tỷ USD: Sinh ra tay trắng, cuối đời cũng muốn trắng tay - 12/04/2017 14:40
- Một ngày không vội vã... - 09/04/2017 19:46
- Bị gọi là ‘thằng đóng giày’, Tổng thống Lincoln đáp trả ra sao? - 03/04/2017 01:36