Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Đối lập Thái Lan mở mặt trận tư pháp

Sans titre


Chính phủ và đối lập Thái Lan đọ sức về mặt pháp lý.
Reuters


Ngày hôm nay 04/02/2014, đảng Dân Chủ, thành phần chính trong phe đối lập Thái Lan, đệ đơn lên Tòa Bảo Hiến, đòi không công nhận kết quả cuộc bầu cử trước thời hạn được tổ chức ngày 02/02/2014 mà đảng này đã tẩy chay.

Song song với các cuộc biểu tình, tuần hành gây áp lực trên đường phố ở thủ đô Bangkok, phe đối lập tiến hành một cuộc tấn công trên mặt trận tư pháp, chống lại chính phủ của Thủ tướng Yingluck.

Lập luận của đảng Dân Chủ là việc chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp vào ngày 22/01/2014 đã ảnh hưởng đến chiến dịch vận động tranh cử, tạo thuận lợi cho đảng Puea Thai đang cầm quyền.
 Do vậy, cuộc bầu cử đã diễn ra không tự do và công bằng

Mặt khác, đảng Dân Chủ cũng đề nghị giải thể đảng Puea Thai của Thủ tướng Yingluck.

Ngay lập tức, đảng Puea Thai đã phản công, tố cáo phe đối lập tìm mọi cách làm mất uy tín của đảng cầm quyền và cho biết cũng sẽ nộp đơn kiện đòi giải thể đảng Dân Chủ, vì đảng này đã để cho nhiều thành viên tham gia biểu tình nhằm lật đổ nền dân chủ.

Theo giới chuyên gia, nếu tư pháp Thái Lan can thiệp vào cuộc khủng hoảng chính trị, thì chính phủ của bà Yingluck lại phải đối mặt với những khó khăn mới và lại càng bấp bênh hơn.

Năm 2006, tư pháp Thái Lan đã hủy bỏ cuộc bầu cử lập pháp mà đảng Dân Chủ tẩy chay, gây thêm bất ổn chính trị và hậu quả là xẩy ra cuộc đảo chính không đổ máu, lật đổ Thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Đây cũng không phải là lần đầu tiên đảng Dân Chủ kiện đòi giải thể đảng Puea Thai, kể từ sau thắng lợi của đảng này trong cuộc bầu cử năm 2011.
Tuy nhiên, trong quá khứ, Tòa Bảo Hiến cũng đã từng giải thể hai đảng thân Thaksin là đảng Thai Rak vào năm 2007 và đảng Quyền lực nhân dân vào năm 2008.

Thậm chí, vào thời điểm đó, tư pháp còn buộc Thủ tướng Somchai Whongsawat, em rể ông Thaksin, phải từ chức, và quyết định này đã cho phép lãnh đạo đảng Dân Chủ, ông Abhisit Vejjajiva lên làm Thủ tướng.

Đối phó với nguy cơ can thiệp của tư pháp, đảng Puea Thái lần này không để bà Yingluck trong ban lãnh đạo, do vậy, về mặt lý thuyết, nếu Tòa Bảo Hiến có quyết định giải thể đảng Puea Thái, thì bà Yingluck cũng không nhất thiết bị mất chức Thủ tướng.

 

Switch mode views: