Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Trung Quốc lo ngại nguy cơ chiến tranh thương mại với châu Âu


Vins Phap



Thị truờng Trung Quốc chiếm một tỷ trọng lớn trong xuất khẩu rượu vang của Pháp (Tim Graham / Gettyimages)


Ngày 04/06/2013 vừa qua, Ủy ban châu Âu đã quyết định tạm thời tái lập mức thuế 11,8% đối với mặt hàng pin điện mặt trời của Trung Quốc bị coi là bán phá giá do có trợ cấp của Nhà nước.

 Đồng thời, Bruxelles cảnh báo là từ nay đến tháng Tám, nếu không đạt được thỏa thuận với Bắc Kinh về hồ sơ này, thì mức thuế sẽ tăng lên đến 47,6%.

Ngay hôm sau, để trả đũa, bộ Thương mại Trung Quốc thông báo mở điều tra về rượu vang của châu Âu.

 Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc còn tuyên bố : « Chúng ta sẵn sàng đàm phán, nhưng chúng ta luôn luôn có nhiều lá bài trong tay » và « Trung Quốc không muốn chiến tranh thương mại, nhưng chính sách bảo hộ mậu dịch đương nhiên dẫn đến các biện pháp phản công ».

Tờ báo còn chỉ trích châu Âu có thái độ cao ngạo, không ý thức được rằng uy tín của châu lục này đã bị suy giảm trên thế giới.

Những tuyên bố hùng hồn như vậy cho thấy là Trung Quốc rất khó chịu trước quyết định của châu Âu.

Từ vài năm qua, ngành công nghiệp sản xuất pin điện mặt trời tại Trung Quốc gặp nhiều khó khăn. Đầu năm nay, sự phá sản của tập đoàn khổng lồ Suntech Trung Quốc gây chấn động.

 Chính điều này làm cho giới phân tích Trung Quốc lo ngại. Giáo sư kinh tế Lâm Bá Cường (Lin Bo Qiang) thuộc đại học Hạ Môn Phúc Kiến, phân tích :

« Chính phủ Trung Quốc không có lựa chọn nào khác. Hoặc là họ phải phân phát trợ cấp, hoặc là họ phải trả giá cho sự phá sản của các doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất tấm pin điện mặt trời.

 Trên thực tế, đa số các doanh nghiệp này đã vay tiền của các ngân hàng thuộc Nhà nước. Như vậy, rốt cuộc, Nhà nước Trung Quốc sẽ phải hứng chịu các khoản nợ này.

Từ hai năm nay, các doanh nghiệp Trung Quốc trong lĩnh vực này đã gặp rất nhiều khó khăn, họ không thể cầm cự lâu hơn nữa, nếu châu Âu quyết định duy trì các biện pháp chống bán phá giá.

 Mọi người hy vọng là từ nay đến mồng 6 tháng Tám, Bắc Kinh và Bruxelles sẽ đạt được đồng thuận. Bởi vì, nếu không, thì khó tránh khỏi một cuộc chiến tranh thương mại.
Thị trường châu Âu có vị trí rất quan trọng đối với các doanh nghiệp Trung Quốc ».

Theo cơ quan chuyên về tài chính năng lượng mới của Bloomberg (Bloomberg New Energy Finance – BNEF), trong năm 2012, 71% sản lượng pin điện mặt trời trên thế giới được sản xuất tại Trung Quốc, thay vì chỉ có 34% trong năm 2007.

Tại châu Âu, Đức chiếm 7% tổng sản lượng thế giới, các nước châu Âu khác có tỷ lệ không đáng kể, dưới 1%. Điều này thể hiện rõ qua việc 6 tập đoàn Trung Quốc năm trong số 10 doanh nghiệp đứng đầu thế giới. Tập đoàn Anh Lợi của Trung Quốc giữ vị trí số một thế giới.

Quyết định của Bruxelles nâng mức thuế đối với pin điện mặt trời Trung Quốc gây chia rẽ trong nội bộ Liên Hiệp Châu Âu.

 Chính quyền Đức lấy làm tiếc về quyết định của Ủy ban châu Âu.

Đòn phản công của Trung Quốc nhắm vào rượu vang của châu Âu cũng gây tác động mạnh, vì biện pháp chủ yếu nhắm vào Pháp.

Thị truờng Trung Quốc chiếm một tỷ trọng lớn trong xuất khẩu rượu vang Bordeaux của Pháp. Năm ngoái, Pháp đã bán 140 triệu lít rượu vang, với tổng giá trị lên tới khoảng 800 triệu đô la.

Hồ sơ pin điện mặt trời Trung Quốc là vụ xung đột thương mại nghiêm trọng nhất mà châu Âu chưa bao giờ phải đối mặt và đây cũng là một trắc nghiệm về khả năng đoàn kết của các nước trong Liên Hiệp Châu Âu trước những vấn đề nẩy sinh trong thương mại quốc tế. Chính vì thế, tổng thống Pháp François Hollande đã kêu gọi 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu vượt lên mọi chia rẽ và đề nghị châu Âu bàn về hồ sơ này trong cuộc họp thượng đỉnh sắp tới.

Hiện nay, Liên Hiệp Châu Âu là đối tác thương mại số một của Trung Quốc, còn đối với châu Âu, Trung Quốc là đối tác đứng hàng thứ hai, sau Hoa Kỳ.

Năm 2012, tổng xuất khẩu của Trung Quốc sang Liên Hiệp Châu Âu là 290 tỷ euro, trong khi chiều ngược lại chỉ đạt mức 144 tỷ euro.



Switch mode views: