Hạ Viện Mỹ ra nghị quyết đòi Miến Điện trả tự do cho 2 nhà báo Reuters
- Thứ Sáu, 14 tháng Mười Hai năm 2018 20:10
- Tác Giả: Trọng Nghĩa
Hai nhà báo của Reuters, Wa Lone và Kyaw Soe Oo, mỗi người bị kết án tù 7 năm, hồi tháng 09/2018
REUTERS/Antoni Slodkowski/File Photo
Với 394 phiếu thuận, chỉ có duy nhất 1 phiếu chống, Hạ Viện Mỹ vào hôm qua, 13/12/2018, đã thông qua nghị quyết yêu cầu chính quyền Miến Điện trả tự do cho hai nhà báo Reuters bị cầm tù từ cách nay một năm trong một vụ bị cho là đàn áp quyền tự do ngôn luận.
Nghị quyết kêu gọi Miến Điện thả các ông Wa Lone, 32 tuổi, và Kyaw Soe Oo, 28 tuổi, bị kết án bảy năm tù vào tháng 9 vừa qua về tội vi phạm Đạo Luật về Bí Mật Nhà Nước có từ thời thuộc địa Anh, nhưng được chính quyền hiện tại của Miến Điện viện dẫn để bỏ tù hai nhà báo đã góp phần phanh phui vụ Quân Đội Miến Điện giết hại người Hồi Giáo Rohingya.
Nghị quyết của Hạ Viện Hoa Kỳ không mang tính chất ràng buộc, nhưng là một thông điệp mạnh mẽ gửi đến cả chính quyền Miến Điện lẫn chính quyền Mỹ của tổng thống Donald Trump, cho biết rằng các nghị sĩ Mỹ muốn hai nhà báo làm việc cho hãng Reuters được thả ra.
Nghị quyết cũng gọi thẳng chiến dịch của Quân Đội Miến Điện chống lại thiểu số Hồi Giáo Rohingya là một vụ diệt chủng.
Trong một báo cáo công bố ngày 27 tháng 08 vừa qua, các nhà điều tra Liên Hiệp Quốc xác định rằng quân đội Miến Điện đã tiến hành những vụ giết người hàng loạt và hãm hiếp tập thể người Rohingya với "ý định diệt chủng", và lần đầu tiên đòi phải đưa các quan chức Miến Điện ra tòa về tội diệt chủng.
Cho đến nay, bộ Ngoại Giao Mỹ vẫn tránh dùng từ “diệt chủng” để chỉ chiến dịch đàn áp người Rohingya tại Miến Điện.
Trung Quốc đứng đầu danh sách các công ty “bẩn” ở Miến Điện
Vào lúc Quân Đội Miến Điện bị tố cáo vi phạm nhân quyền và có hành vi diệt chủng nhắm vào người Rohingya, một tổ chức bảo vệ nhân quyền tại Miến Điện mang tên Burma Campaign UK, hôm 11/12/2018 đã công bố một danh sách đen, chính xác hơn là một "danh sách bẩn" (dirty list) của các tập đoàn bị cáo buộc can dự vào những vụ vi phạm nhân quyền, phá hoại môi trường, hoặc làm ăn với Quân Đội Miến Điện.
Và không mấy ngạc nhiên khi thấy các công ty Trung Quốc chiếm phần lớn trong danh sách này.
Đây là danh sách của 49 công ty tập đoàn từ Mỹ, Anh, Pháp, Thụy Sĩ, Trung Quốc và một số nước khác, trong đó có Việt Nam, được tổ chức đấu tranh cho nhân quyền tại Miến Điện là Burma Campaign UK đúc kết.
Các công ty này bị cáo buộc là tiếp tục cung cấp vũ khí, cơ sở hạ tầng, công nghệ, kỹ thuật và chuyên môn cho Quân Đội Miến Điện, hoặc tài trợ cho các dự án được hỗ trợ bị cáo buộc là hủy hoại môi trường, như đập thủy điện và khai thác mỏ cẩm thạch.
Trong danh sách này có đến 16 công ty Trung Quốc, đã cung cấp cho lực lượng võ trang Miến Điện từ chiến đấu cơ, máy bay không người lái có vũ trang, tàu chiến, hệ thống tên lửa đạn đạo, cho đến máy móc hạng nặng và năng lượng.
Cũng theo tổ chức Burma Campaign, các công ty Trung Quốc còn can dự vào một mỏ than và ít nhất sáu dự án đập thủy điện gây tranh cãi tại các khu vực đang có xung đột ở Myanmar.
Danh sách của các tập đoàn quốc tế nhúng tay vào những công việc "bẩn thỉu tại Miến Điện" có tên của Facebook, vì đã cho sử dụng mạng xã hội này để phát tán các thông điệp "kích động hận thù và bạo lực [chống lại] các nhóm thiểu số ở Miến Điện, đặc biệt là người thiểu số Hồi Giáo Rohingya và Hồi Giáo nói chung".
Riêng tập đoàn điện thoại Viettel của Việt Nam lần đầu tiên bị đưa vào danh sách này.
Tin mới
- Cô bé Thụy Điển gây chấn động Hội nghị Khí hậu toàn cầu - 16/12/2018 18:55
- Áo: Hàng chục ngàn người biểu tình chống chính phủ liên minh - 16/12/2018 18:45
- Mỹ: Donald Trump loan báo bộ trưởng Nội Vụ sẽ thôi chức - 16/12/2018 18:36
- Pháp: Áo Vàng biểu tình ở Paris lần thứ 5 - 16/12/2018 18:29
- Ngoại trưởng Mỹ yêu cầu Bắc Kinh trả tự do cho 2 công dân Canada - 15/12/2018 20:39
- COP 24 : Đêm trắng thương lượng để cứu Thỏa thuận Khí hậu Paris - 15/12/2018 19:43
- Chính Thống Giáo Ukraina họp đại hội thành lập giáo hội độc lập - 15/12/2018 19:27
- Hoa Kỳ: Luật bảo hiểm y tế Obamacare lại bị đe dọa - 15/12/2018 19:19
- Sylvie và Johnny, niệm khúc cuối cho mối tình đầu - 15/12/2018 15:15
- Mỹ có thể cấm nhập cảnh các quan chức Trung Quốc đặc trách Tây Tạng - 14/12/2018 20:21
Các tin khác
- Căng thẳng trên Hắc Hải: Tư lệnh Hải Quân Mỹ và Ukraina gặp nhau - 14/12/2018 19:43
- Brexit: Châu Âu bực bội trước một số đòi hỏi mới của Anh Quốc - 14/12/2018 17:47
- Bắt giữ lãnh đạo Hoa Vi, Canada đã vội quên bài học năm 2014 - 13/12/2018 23:56
- Khủng bố ở Strasbourg : Pháp ra sức truy lùng hung thủ - 13/12/2018 23:28
- Pháp : Strasbourg, ổ khủng bố ? - 13/12/2018 23:17
- Pháp : Chính phủ kêu gọi phong trào « Áo Vàng » ngừng biểu tình - 13/12/2018 22:48
- Thương chiến Mỹ-Trung : Bắc Kinh lùi bước trong "Made in China 2025" - 13/12/2018 21:07
- Đối lập Cam Bốt được phép hoạt động chính trị trở lại - 13/12/2018 20:14
- Bắc Triều Tiên : Cơ sở hạt nhân Punggye Ri vẫn chưa bị phá hủy hoàn toàn - 13/12/2018 20:06
- Brexit : Thủ tướng Anh thoát được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm - 13/12/2018 19:57