Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Afghanistan : Nga "lấy độc trị độc", dùng Taliban chống Daech

afghanistan-taliban-bom

(Ảnh minh họa). Lực lượng an ninh Kabul tìm thấy hai trái bom nặng 500 kg trong một chiếc xe, ngày14/10/2017.
REUTERS/Omar Sobhani

Nếu lực lượng Taliban và tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo liên minh với nhau tại Afghanistan ?
 Kịch bản đó sẽ là một cơn ác mộng đối với Matxcơva, vốn từ lâu nay luôn tìm cách thuyết phục chính quyền Kabul và lực lượng Taliban đối thoại.

Để hiểu hơn về chiến lược của điện Kremlin ở Afghanistan, không nên chỉ quan tâm đến lịch sử đáng hổ thẹn về cuộc xâm lược của Liên Xô ở Afghanistan trong những năm 1980.

 Bởi vì trước và sau cuộc chiến đó, Matxcơva luôn có một vai trò nhất định tại quốc gia này.
Các lãnh đạo Afghanistan sau thời tổng thống Hamid Karzai đều đã hiểu và mong muốn Matxcơva đóng vai trò đó.
Trên đây là nhận định của Didier Chaudet trong bài viết « Tại sao Nga chơi trò lấy Taliban chống Daech ? » đăng trên trang mạng về châu Á Asialyst ngày 22/02/2018.

 Didier Chaudet là một nhà tư vấn độc lập, chuyên gia về các vấn đề địa chính trị và an ninh tại Tây Nam Á (Iran, Pakistan, Afghanistan) và khu vực Trung Á thời hậu Xô Viết. Didier Chaudet hợp tác giảng dạy và nghiên cứu, làm việc với nhiều tổ chức tư vấn và viện nghiên cứu về Trung Á, Tây Nam Á.

RFI xin lược dịch nội dung bài viết của nhà nghiên cứu Didier Chaudet.

Zamir Kabulov là đặc phái viên của tổng thống Nga Vladimir Poutine tại Afghanistan.
 Ngày 31/12/2016, Kabulov đã trả lời phỏng vấn của hãng tin Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu về quan điểm của điện Kremlin về Taliban.
Zabulov nhận định Taliban chỉ chủ trương hoạt động trong nước, không bị cuốn theo trào lưu cực đoan xuyên quốc gia.

Theo chuyên gia Didier Chaudet, nếu cái nhìn của Nga về tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo còn nhiều điều cần thảo luận, những phân tích của đặc phái viên của tổng thống Nga Vladimir Poutine tại Afghanistan khá đúng : trong những năm qua, Taliban đã tránh xa mục tiêu, đường hướng của các nhóm như Al Qaida hay tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.
 Cái chết của thủ lĩnh tối cao Mullah Omar của Taliban đã dẫn đến sự chia rẽ trong nội bộ của tổ chức này, nhưng như cộng đồng quốc tế quan sát, Taliban hiện nay vẫn rất mạnh.

Cả Matxcơva và Washington đều hiểu rằng những gì đang xảy ra ở Afghanistan trong hiện tại chắc chắn sẽ thay đổi trong tương lai.
Tạm thời, hiềm khích giữa Taliban và tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo là một yếu tố then chốt trên chiến trường Afghanistan.
Nhưng theo một số nguồn tin mà phát ngôn viên Zabihullah Mujahid của Taliban luôn phủ nhận, Taliban và tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đã hợp tác với nhau trong vụ tấn công làng Mirzawalang của người Hồi Giáo theo dòng Shia vào ngày 05/08/2017.

Sự hợp tác này, dù chưa được xác thực, nhưng cho chúng ta thấy nếu chiến tranh tiếp diễn, một kịch bản tồi tệ cho cả Afghanistan và cộng đồng quốc tế rất có thể sẽ xảy ra. Đó là Taliban và tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo sẽ hòa giải, hoặc Taliban ngày càng cực đoan và trở thành một tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Afghanistan.

Sự hợp tác giữa Taliban và tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo trong vụ tấn công làng Mirzawalang, dù mới chỉ là phỏng đoán, cũng đủ khiến Matxcơva phải lo ngại.
Trên bình diện an ninh, nếu đối thoại chính trị giữa Kabul và Taliban diễn ra theo đúng mong muốn của điện Kremlin, rất có thể Afghanistan và các quốc gia trong khu vực sẽ tránh được một thảm kịch an ninh về lâu dài.

Cách nhìn nhận của Nga về tình hình Afghanistan cũng dựa trên quan điểm ngoại giao và địa chính trị của Matxcơva.
Điều kiện tiên quyết để Taliban phối hợp với chính quyền duy trì hòa bình từ lâu nay vẫn là Mỹ phải rút toàn bộ quân ra khỏi lãnh thổ Afghanistan.

Đó cũng chính là mong muốn của Nga. Điện Kremlin đã thể hiện rõ ràng mong muốn đó sau khi Washington và Kabul ký hiệp ước an ninh song phương hồi tháng 09/2014 cho phép duy trì sự hiện diện quân sự của Mỹ trên lãnh thổ Afghanistan.

Theo đặc phái viên của tổng thống Nga Vladimir Poutine, các căn cứ quân sự của Mỹ được triển khai sau hiệp ước an ninh nói trên cho thấy Mỹ muốn chống lại ảnh hưởng của Nga trong khu vực Trung Đông, cũng giống như việc Mỹ muốn hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Á.
Và tình trạng hỗn độn tại Afghanistan phần nào là hệ quả của sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa Mỹ và Nga.

Việc thành lập nhóm GCQ hồi tháng 01/2016 cũng góp phần chứng minh sự lo ngại của Nga là hoàn toàn có cơ cở. GCQ là nhóm gồm Mỹ, Trung Quốc, Pakistan và Afghanistan nhằm tìm kiếm tiến trình hòa bình giữa Kabul và Taliban.
Việc « hất cẳng » Nga ra khỏi cuộc chơi là sự phủ nhận vài trò và sự đóng góp của Matxcơva trong hồ sơ Afghanistan. Điều này đương nhiên không làm Nga hài lòng.
Đặc phái viên của tổng thống Nga Vladimir Poutine khi đó chỉ trích nhóm GCQ hoạt động không hiệu quả và thông báo điện Kremlin muốn thành lập một nhóm mới có tính đến lợi ích của tất cả các nước có liên quan trực tiếp, đương nhiên trong đó có Nga.

Vào tháng 12/2016, cuộc thảo luận thứ ba của nhóm ba nước Nga, Trung Quốc và Pakistan về tình hình Afghanistan gợi nhắc rằng « hòn đá tảng » trong chính sách của Nga sau năm 2011 ở Afghanistan là mong muốn có được ảnh hưởng tại quốc gia Trung Đông này.

Điều này chắc chẳng làm ai ngạc nhiên.
Không nên nhìn nhận quan hệ Nga-Afghanistan chỉ đơn thuần qua cuộc xâm lược của Liên Xô từ năm 1979 và qua thất bại cay đắng của Matxcơva khi phải rút quân khỏi Afghanistan vào năm 1989.
Bởi vì trước và sau giai đoạn xâm lược đó, bằng cách này hay cách khác, quốc tế vẫn cảm nhận được ảnh hưởng của điện Kremlin đối với Afghanistan.
Người ta có thể nghĩ tới « cuộc chơi » mà ở đó Nga và Anh Quốc đối đầu nhau trong thế kỷ XX.

Người ta cũng có thể nghĩ tới sự ủng hộ của Liên Xô dành cho vua Amanullah Khan, vị vua theo chủ trương cải cách hồi những năm 1920, hoặc tới sự phát triển mạnh mẽ ảnh hưởng của Liên Xô tại Afghanistan vào những năm 1950-1960, rồi sau đó là giai đoạn Cộng Sản ở Afghanistan, hay việc Nga tiếp tục can dự vào tình hình nước này gián tiếp qua việc ủng hộ Taliban.

Sau khi Taliban suy yếu, Matxcơva đã hành động để hỗ trợ chính phủ mới tại Afghanistan tái thiết và ổn định lại đất nước.
Trong giai đoạn 2002-2005, Nga đã hỗ trợ Kabul từ quân sự đến kỹ thuật.
Năm 2007, Matxcơva đã xóa cho Afghanistan 90% khoản nợ từ thời Liên Xô, tương đương 11,1 tỉ đô la.
Đây là bước ngoặt quan trọng trong quan hệ song phương, cho phép trao đổi kinh tế giữa hai nước phục hồi. Liên quan tới các dự án tái thiết Afghanistan, Matxcơva đã chủ động cử chuyên gia sang khảo sát để sửa chữa các công trình xây dựng từ thời Liên Xô tại nước này.

Chúng ta đều biết rằng, từ thời đó, Nga đã có liên hệ với Taliban. Bằng chứng là Matxcơva không hề muốn thấy Mỹ chế ngự được tiến trình hòa giải chính trị tại Afghanistan.
Vào năm 2009, Nga cũng thừa nhận rằng một cuộc đối thoại với một số nhân vật của Taliban là cần thiết để tái thiết đất nước Afghanistan.

Mặc dù trên thực tế, Mỹ đã khẳng định được vị thế tại Kabul, nhưng Matxcơva luôn cho thấy họ rất quan tâm tới Afghanistan.
 Chuyến thăm của tổng thống Karzai trong hai ngày 20-21/11/2011, chuyến thăm Nga đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia Afghanistan sau hơn 20 năm, cho thấy Kabul đã nhìn nhận sự quan tâm của điện Kremlin.
Đó cũng là dịp để tổng thống Karzai tìm kiếm một cường quốc có thể giúp đỡ đất nước của ông sau khi NATO rút quân vào năm 2014.

Chính tổng thống Karzai cũng đã gây rúng động khi tiết lộ là cuộc đột kích nhắm vào các cơ sở bào chế heroine ở miền đông Afghanistan có sự tham gia của hai điệp viên Nga.

Nhà nghiên cứu Didier Chaudet kết luận, sự việc trên giúp chúng ta hiểu rằng vai trò của Nga ở Kabul đã thay đổi.
Đó không còn là một nước Liên Xô đã từng xâm lược Afghanistan trong những năm 1970, mà Nga một cường quốc, với sức ảnh hưởng lớn, có thể giúp đỡ Afghanistan có được sự ổn định.  


Switch mode views: