Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Khó xẩy ra xung đột quân sự tại Biển Đông

vietnam marine


Việt Nam khó đánh bại Trung Quốc, nhưng đủ gây thiệt hại để làm cho đầu tư ngoại quốc hoảng sợ, tháo chạy khỏi Trung Quốc - REUTERS


Bất chấp căng thẳng do tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và một số nước láng giềng, khu vực Biển Đông vẫn được coi là nơi an toàn, khó xẩy ra xung đột quân sự, bởi vì, theo giới chuyên gia, chính phủ các nước liên quan đều hiểu được tầm quan trọng của các tuyến đường hàng hải thương mại đối với nền kinh tế các nước này.

Trong những tuần qua, vụ Trung Quốc di chuyển giàn khoan dầu vào vùng biển mà Việt Nam khẳng định thuộc chủ quyền của mình đã dẫn đến tình trạng đối đầu giữa hàng chục tàu của hai nước.

Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng phun nước, tấn công tàu Việt Nam, các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc ở Việt Nam đã làm cho tình hình trong khu vực thêm căng thẳng.

Trước sự hung hăng xác quyết chủ quyền của Trung Quốc trong các tranh chấp biển đảo, phía Philippines cũng tìm kiếm sự hỗ trợ về quân sự của Hoa Kỳ, ký kết thỏa thuận cho phép hàng ngàn lính Mỹ luân phiên hiện diện trong các căn cứ quân sự đối diện với Biển Đông.

Các căng thẳng này làm dấy lên những lo ngại về tự do và an toan lưu thông hàng hải trong khu vực, nơi có mật độ giao thông hàng hải lớn nhất thế giới và hơn một nửa tổng khối lượng dầu lửa được chuyên chở qua đây.

Thế nhưng, các nhà quan sát cho rằng tất cả các nước liên quan, đặc biệt là Trung Quốc, sẽ làm mọi cách sao cho các động thái quân sự, ngoại giao không ảnh hưởng đến giao thông hàng hải, được coi là những huyết mạch sống còn đối với nền kinh tế các quốc gia này.

Ông Jayendu Krishna, chuyên gia thuộc công ty tư vấn công nghiệp Drewry Maritimes Services, được AFP trích dẫn nhận định : Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc Đài Loan không có lợi ích gì gây xáo trộn lưu thông hàng hải ở Biển Đông.
 Ông nhấn mạnh : « Tôi không lo ngại và tôi không nghĩ điều đó sẽ xẩy ra ».

Trong những tháng gần đây, Philippines liên tiếp đưa ra các báo động, công bố các bức ảnh cho thấy dường như Trung Quốc gia tăng các hoạt động trên những hòn đảo nhỏ thuộc quần đảo Trường Sa, có ý định xây dựng các cơ sở quân sự trên những hòn đảo nhân tạo, mà Manila cho là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Tuy vậy, theo chuyên gia Krishna, Trung Quốc sẽ tìm cách tránh gây ra xung đột quân sự, có thể làm rối loạn giao thông hàng hải ở Biển Đông, bởi vì nếu điều này xẩy ra, Bắc Kinh sẽ bị thiệt hại nhiều nhất. « Một phần lớn luồng giao thông thương mại qua Biển Đông là đến và đi từ Trung Quốc ».

Vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong vùng biển của Việt Nam và tình thế đối đầu căng thẳng giữa tàu bè hai nước, gây lo ngại xẩy ra chiến tranh.
Thế nhưng, nguy cơ này ít và hơn nữa, Việt Nam luôn tìm mọi cách tránh đối đầu trực diện về quân sự với Trung Quốc. Và, nếu có chiến tranh, Việt Nam buộc phải tính đến chiến lược « hủy diệt lẫn nhau ».

Trong bài « Việt Nam đang cân nhắc những chiến lược mới để ngăn chặn Trung Quốc », đăng trên trang web The Diplomat, ngày 28/05/2014, giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Châu Á, thuộc Học viện Quốc phòng Úc, cho biết, các cuộc trao đổi riêng với các quan chức chính phủ và chuyên gia an ninh Việt Nam, cho thấy một trong hai chiến lược mà Hà Nội đang xem xét, khi xẩy ra chiến tranh là chấp nhận « hiểm họa hai bên hủy diệt lẫn nhau - mutually assured destruction » : Việt Nam sẽ tập trung tấn công các thương thuyền và tàu chở dầu mang cờ Trung Quốc ở Biển Đông.

Quân đội Việt Nam có tên lửa đạn đạo bắn tới các căn cứ hải quân Trung Quốc ở đảo Hải Nam và đảo Phú Lâm, Hoàng Sa.

 Mục đích của chiến lược này không nhằm đánh bại Trung Quốc, mà chỉ đủ gây thiệt hại về vật chất và bất ổn về tâm lý, làm cho giá bảo hiểm hàng hải tăng vọt và giới đầu tư ngoại quốc hoảng sợ, tháo chạy khỏi Trung Quốc.

Ông Shivaji Das, Phó Chủ tịch công ty tư vấn Frost and Sullivan, có trụ sở tại Singapore, nhấn mạnh, trong lịch sử gần đây, ở khắp nơi trên thế giới, rất ít khi các chính phủ vi phạm quyền « tự do lưu thông » trên biển.
 « Tất cả các nước đều có vùng đặc quyền kinh tế nhưng họ vẫn cho phép các tàu thương mại tự do qua lại. Và các quyền này không bị ảnh hưởng, trừ phi đang có xung đột vũ trang trong khu vực ».

Liên quan đến nguy cơ xung đột vũ trang Biển Đông, chuyên gia này thẩm định : « Tôi không nghĩ điều này sẽ xẩy ra ». Vì tất cả các nước đều có lợi ích to lớn trong việc duy trì tự do lưu thông hàng hải trong khu vực.


Switch mode views: