Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc ngày 27-02-2014

 Ukraina : Nanh vuốt của Nga, tiền của Mỹ

UKRAINE-CRISIS-CRIMEA



Tàu chiến Nga thả neo tại cảng Sebastopol, Crimée, Ukraina, ngày 27/02/2014
REUTERS


Pháp vẫn bất lực trong mục tiêu đẩy lui thất nghiệp. Ô nhiễm không khí tại Trung Quốc và lần đầu tiên một công dân kiện chính quyền.

Thủ tướng Nhật ngày càng lộ rõ chân tướng diều hâu.

Mỹ và NATO chuẩn bị cho thời kỳ hậu Karzai tại Afghanistan. Một lần nữa, hồ sơ Ukraina vẫn hiện diện nhiều trên trang quốc tế của các tờ báo Pháp hôm nay.

Ukraina : Nanh vuốt của Nga, tiền của Mỹ  

Vào lúc Ukraina công bố thành phần chính phủ mới ngay trên quảng trường Maidan, Le Monde ấn bản mới được cập nhật trên mạng cho hay ở khu vực miền tây nước Nga, Matxcơva đặt quân đội trong tình trạng báo động, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình tại bán đảo Crimée. Vùng này thuộc chủ quyền Ukraina, nhưng đồng thời là căn cứ quân sự của Hải quân Nga tại Hắc Hải.

Giới phân tích xem quyết định bất ngờ trên đây của Nga là một động thái mở đường cho việc can thiệp quân sự trong trường hợp cần thiết.

Trước phản ứng của Matxcơva, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry thông báo Washington sẵn sàng bảo lãnh đến 1 tỷ đô la tiền nợ của Ukraina và ông cho biết là Liên Hiệp Châu Âu đang nghiên cứu khả năng hỗ trợ Ukraina khoảng 1,5 tỷ đô la cũng dưới hình thức bảo lãnh tương tự.

Đối với Bruxelles, thách thức đặt ra trên hồ sơ Ukraina giờ đây là tránh làm phụ lòng thành phần thân Châu Âu : Sau những tuyên bố hỗ trợ tiến trình chuyển đổi chính trị tại quốc gia sát cạnh nước Nga ngày, thì đã đến lúc Liên Hiệp Châu Âu phải đưa ra những hành động cụ thể. Tới nay, các nhà lãnh đạo Châu Âu chưa hề thông báo sẽ giúp đỡ tài chính Ukraina như thế nào và khoản hỗ trợ đó là bao nhiêu.

Bruxelles, theo Le Monde, mới chỉ đưa ra những mục tiêu như trợ giúp Ukraina xây dựng một Nhà nước pháp quyền, vực dậy một nền kinh tế đang bên bờ vực thẳm. Tờ báo lo ngại « Liên Hiệp Châu Âu và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế sẽ đặt điều kiện gắt gao, trước khi bỏ tiền ra giúp Ukraina ».

Nhưng trong mọi kịch bản, tương lai của Ukraina một phần vẫn trong tay Vladimir Putin. Châu Âu cũng như Mỹ tuy tỏ thái độ đứng về phía người biểu tình Ukraina, nhưng cả Bruxlles lẫn Washington sẽ không vì Kiev mà làm phật lòng Matxcơva.

Thành công hay thất bại của cuộc cách mạng từ quảng trường Maidan tùy thuộc vào thái độ hợp tác hay không của Nga với các đối tác phương Tây, cho dù ai cũng biết rằng một nước Ukraina ổn định và tự do sẽ là một cơ hội tốt cho chính bản thân nước Nga.

Trả lời báo Le Figaro, cựu đại sứ Pháp tại Ukraina, Philippe de Suremain, cũng đưa ra quan điểm tương tự, khi cho rằng « một nước Ukraina dân chủ là thách thức lớn của ông Putin, (…) nhưng ngoài thái độ bực bội nhất thời, điện Kremlin hiểu được rằng, đưa Ukraina thoát khỏi khủng hoảng là giải pháp có lợi hơn cả (…) » Chính vì vậy, cựu đại sứ Pháp tại Ukraina cho rằng, « Bruxelles cần nhanh chóng tìm ra một thỏa hiệp với Matxcơva, tránh biến Ukraina thành một điểm đối đầu. Ukraina nằm giữa Liên Hiệp Châu Âu với nước Nga phải là một điểm hội ngộ giữa Đông và Tây ».

Làn gió dân tộc chủ nghĩa Nhật Bản  

Nhìn sang Châu Á, Libération phân tích về làn gió dân tộc chủ nghĩa đang thổi tới « thượng tầng cơ quan quyền lực Nhật Bản » : Chính sách của Thủ tướng Shinzo Abe ngày càng trở nên « cực đoan » do ảnh hưởng của các nhóm cực hữu.

Việc Tokyo tăng cường luật an ninh quốc phòng, ban hành luật bảo vệ bí mật quốc gia, chuẩn bị sửa đổi luật để bán vũ khí … không chỉ khiến đồng minh Mỹ bực mình, mà còn bắt đầu gây lo ngại ngay trong hàng ngũ đảng cầm quyền của ông Abe.

Nhưng theo phân tích của phóng viên báo Libération, Thủ tướng Abe có những tính toán của riêng ông. Cuộc bầu cử Thống đốc Tokyo hôm đầu tháng cho thấy ứng cử viên thuộc cánh diều hâu và có khuynh hướng cựu hữu đã về hạng tư, thu hút hơn 600.000 lá phiếu.

Phần lớn những người bỏ phiếu ủng hộ ứng cử viên này là thanh niên trong độ tuổi từ 20 đến 30. Theo phân tích của giáo sư Toru Yoshida, giảng dậy tại đại học Hokkaido, một phần giới trẻ Nhật Bản cảm thấy an ninh quốc gia bị đe dọa trước hiểm hỏa tiềm tàng từ phía Bắc Triều Tiên, trước sự cạnh tranh ngày càng dữ dội của Trung Quốc trong thế giới mở rộng. Trung Quốc đã qua mặt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế thứ hai của thế giới.

Đáng chú ý hơn cả là từ mùa thu 2013, ngày càng có nhiều bài vở, sách báo với những nội dung chống Trung Quốc, bài Hàn Quốc, như thể là một phần dư luận không còn mặc cảm hay xấu hổ khi công khai thể hiện tâm trạng đó.

Thủ tướng Shinzo Abe không hề lên tiếng hay tỏ thái độ muốn ngăn chặn các làn sóng dân tộc chủ nghĩa kiểu này. Theo đánh giá của giáo sư Yoshida, các nhóm dân tộc chủ nghĩa ngày càng có ảnh hưởng lớn đối với ông Abe. Một số các nhà trí thức trong hàng ngũ đảng bảo thủ đang bồi sức cho ngọn gió dân tộc chủ nghĩa đó lớn mạnh hơn. Trong khi đó thì cánh tả trên chính trường Nhật Bản lại hoàn toàn im hơi lặng tiếng.

Ô nhiễm không khí :Trung Quốc và vụ kiện đầu tiên  

Báo chí chính thức Trung Quốc công khai lên tiếng về nạn « Ô nhiễm kỷ lục tại Bắc Kinh », « Một công dân Trung Quốc đệ đơn kiện chính quyền vì ô nhiễm không khí » gây nguy hại cho sức khỏe con người.

La Croix và Le Monde đăng những bức ảnh một lớp sương mù dày đặc bao phủ lên thành phố Bắc Kinh. Dân chúng thủ đô được kêu gọi ở yên trong nhà, ít ra đường chừng nào tốt chừng nấy.

Le Monde chú ý đến sự kiện lần đầu tiên một công dân Trung Quốc sinh sống tại Hà Bắc vừa đâm đơn kiện cơ quan đặc trách vấn đề môi trường.

Bên nguyên đơn đòi được bồi thường 10.000 nhân dân tệ thiệt hại do ô nhiễm không khí gây ra. Đáng chú ý hơn nữa là tin trên do chính Tân hoa xã loan tải. Hãng thông tấn Trung Quốc còn cho biết thêm là một số các cơ quan đặc trách về môi trường tán đồng việc đưa vấn đề này ra trước công chúng, với hy vọng là đơn kiện nói trên sẽ đánh động dư luận một cách rộng rãi về những tác hại của vấn đề và về nhu cầu cấp bách giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí đã kéo dài.

Hà Bắc cũng như Bắc Kinh đang nỗ lực giảm thiểu lượng khí CO2 từ các nhà máy công nghiệp thải ra. Tháng 10 năm ngoái thành phố Bắc Kinh dành hẳn một ngân sách hơn 47 tỷ nhân dân tệ, tương đường với gần 7 tỷ đô la để thay thế các trung tâm điện lực sử dụng than đá bằng những nhà máy điện hiện đại hơn, ít làm ô nhiễm môi trường hơn.

Vấn đề đặt ra theo như nhận định của một chuyên gia được báo La Croix trích dẫn là cho dù Bắc Kinh có giải quyết được vấn đề nghiêm trọng này đi chăng nữa thì hiện tượng ô nhiễm tại Trung Quốc vẫn sẽ còn nguyên vẹn, bởi vì các nhà máy gây ô nhiễm nhất vẫn sẽ còn tiếp tục hoạt động ở những vùng khác, ít thu hút chú ý của quốc tế hơn.  

Thất nghiệp tại Pháp : Thất bại của chính phủ  

Trở lại tình hình nước Pháp, thống kê về thất nghiệp trong tháng 01/2014 cho thấy số người không có việc làm vẫn leo thang. Các tờ báo, từ tả sang hữu, đều không khoan nhượng với chính phủ.

Tờ Le Monde trung lập mệnh danh Bộ trưởng Lao động Pháp Michel Sapin là ông « Bộ trưởng không bao giờ biết giữ lời hứa » : Trong 21 tháng vừa qua, kể từ khi đảng Xã Hội lên cầm quyền, đã có thêm 375.000 người bị sa thải. Vậy mà ông Sapin vẫn một mực bác bỏ mọi cáo buộc cho là chính phủ Pháp đã thất bại trong cam kết tạo công việc làm cho người dân. Sau khi đã hứa « đảo ngược tình huống » vào cuối năm 2013, bây giờ ông Sapin nói đến mục tiêu giảm tỷ lệ thất nghiệp ở Pháp trước cuối năm 2014.

Le Figaro thân hữu chạy tựa : « Thất nghiệp, chính phủ giảm bớt tham vọng ». Libération thiên tả không khoan nhượng khi cho rằng « mục tiêu đảo ngược tình hình của ông François Hollande thêm xa vời ». « Thất nghiệp : chính phủ vẫn chưa trúng đích ». Báo cộng sản L'Humanité châm biếm : Trong lĩnh vực lao động, « không một cánh én nơi chân trời ».

Báo công giáo La Croix không bình luận nhưng đưa ra chân dung những người bị mất việc đã may mắn hội nhập được trở lại vào thị trường lao động với nhận xét : Họ tự tìm lấy việc làm. Tờ báo ngụ ý những biện pháp chống thất nghiệp của chính phủ không mấy hữu hiệu.

Huyền thoại Paco di Lucia, một ngôi sao vừa tắt  

Trong lĩnh vực văn hóa, các tờ báo Pháp đều dành nhiễu chỗ để nhìn lại sự nghiệp đồ sộ hơn 50 năm của nghệ sĩ ghi ta, Paco di Lucia. Ông vừa qua đời vì bệnh tim, thọ 66 tuổi. Như nhận xét của Libération, di Lucia là « nhạc sĩ tây bán cầm vĩ đại nhất mọi thời đại ».

Ông cũng là người đã có công đưa dòng nhạc flamenco của Tây Ban Nha đến với thế giới bên ngoài. Hơn thế nữa, với ông, giai điệu flamenco không chỉ đơn thuần là một dòng nhạc giải trí, dễ nghe và dễ nhớ mà còn là một nghệ thuật sắc sảo, thâm thúy và tinh vi.

Tờ báo trích lời những bậc thầy trong giới ghi ta so sánh : « Paco di Lucia có một vị trí như Picasso trong hội họa và Miles Davis ở thể loại nhạc jazz ». Về cái chết đột ngột của bậc thầy trong làng nhạc ghi ta, báo Le Figaro nói tới « vì sao sáng chói trên bầu trời flamenco » vừa tắt.

L'Humanité tóm tắt sự nghiệp của huyền thoại di Lucia như sau : Ông là người đã kết nối hai dòng nhạc jazz và flamenco mà không hề phản bội những gì tinh túy nhất trong sáng nhất trong nghệ thuật âm nhạc truyền thống Tây Ban Nha.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, cả cuộc đời, ông chỉ làm bạn với cây đàn ghi ta. Thành công và danh vọng không đánh lạc hướng con người đầy nhiệt huyết như Paco di Lucia. Một nghệ sĩ nổi tiếng trong làng tây bán cầm khác là Carlos Santana đã từng nhận xét như sau về thiên tài ghi ta Paco di Lucia : « Ông không chỉ là một cây đại thụ của dòng nhạc flamenco mà còn là một bậc thầy của nghệ thuật âm nhạc.

Tiếng đàn thánh thót thoát ra từ cây đàn dưới những ngón tay thần diệu của ông xuất phát từ trái tim tràn ngập tình yêu Paco di Lucia dành cho âm nhạc và cho nhân loại ».


Switch mode views: