Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài

               Suy Tư Dòng Đời:

  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 01-09-2013

 Hoài Mao, Bạc Hy Lai bị thất sủng ?

Boxilai-Pekincongress



Ông Bạc Hy Lai dự khóa họp Quốc Hội ngày 05/03/2012, trước khi bị thất sủng.
Reuters


Hồ sơ Syria và vụ án xử quan chức cấp cao Trung Quốc Bạc Hy Lai vẫn chiếm nhiều trang nhất trên các tạp chí số ra tuần này.

 Trước tiên, tạp chí Le Courier international có bài đáng chú ý mang tựa : « Một vụ án công bằng giả tạo ».Tạp chí dành hai trang lớn đăng bài viết của Hồ Bình, tổng biên tập một tạp chí đối lập mang tên « Mùa xuân Bắc Kinh ».

Theo bài báo, đây là một vụ án công khai nhưng không công bằng. Chính quyền Trung Quốc tạo nên vẻ minh bạch trong phiên xử chính là một điều cần thiết trong chính trị.
Đứng trước tòa, Bạc Hy Lai không thừa nhận tội tham nhũng theo như cáo buộc. Tác giả ghi nhận, lời hùng biện của Bạc Hy Lai trước tòa là có thể chấp nhận được và khá khôn ngoan.
Trong con mắt của đa phần người xem thì Bạc Hy Lai đã chiến thắng nhưng đối với tác giả thì không.
 Tác giá đặt câu hỏi : « Tại sao Bạc Hy Lai lại không thừa nhận đã tham nhũng ? » trong khi ông Bạc thừa nhận vợ và con ông đã nhận những món quà béo bở từ nhà tỷ phú Từ Minh nhưng ông vẫn khăng khăng khẳng định là không biết việc này.

Trước khi mở ra phiên tòa, theo các tin đồn thì chính quyền đã gây áp lực lên ngôi sao Trùng Khánh và buộc ông phải thừa nhận tội tham nhũng. Nếu không sẽ nguy hại đến con trai ông đang du học tại Mỹ. Thế nhưng, tại sao ông lại không chấp nhận kịch bản ban đầu ?

Phải chăng, một trong những mục đích của ông khi chối tội tham nhũng là muốn chế nhạo những quan chức khác cũng có các « cậu ấm cô chiêu » đi du học nước ngoài.

Trong số đó, có bao nhiêu người tài trợ việc học hành của con cái mình chỉ bằng thu nhập bình thường của cán bộ nhà nước hay nhờ vào học bổng ?

Câu trả lời là rất ít. Phần đông không phải là nhận những đồng tiền bẩn hay sao ? Một số lấy danh nghĩa là nhận sự giúp đỡ từ bạn bè nhưng ví dụ như số tiền mà nhà tỷ phú Từ Minh tặng cho Bạc Qua Qua quá lớn đến mức con trai ông Bạc có nguy cơ bị cáo buộc là nhận hối lộ. Nếu như con trai ông bị truy tố vì tội này, thì tại sao lại không phải là con cái của những quan chức khác ?

Vẫn đề cập đến chủ đề này, phóng viên John Garnaut của báo Foreign Policy được tạp chí Le courrier international trích đăng lại, có bài phân tích : Bạc Hy Lai đã khoác lên mình màu sắc của Mao Trạch Đông nhằm được thăng tiến trên con đường chính trị nhưng cũng vì đấy mà ông chuốc lấy rủi ro. Đầu tiên là ông đối đầu với một nhóm theo chủ trương tự do hóa của chế độ Bắc Kinh.

Bạc Hy Lai khuấy động phong trào « hoài Mao », với thơ văn, bài hát ca tụng thời Mao Trạch Đông và tung ra chiến dịch càng quét chống các băng đảng mafia tại Trùng Khánh, từ đó làm lộ ra mặt trái của Đảng Cộng sản Trung Quốc là các vấn nạn về tham nhũng, bạo lực và suy đồi.

Cựu bí thư Trùng Khánh và cựu Giám đốc Côgn an thanh phố Vương Lập Quân đã gây chiến với Đảng nhằm cứu Đảng. Thế nhưng, tham vọng này của ông Bạc đã gây bất bình một số người. Người ta xem cuộc chiến mà ông Bạc tung ra như nhằm mục đích đấu tranh cho tương lai nước Trung Hoa.

Liệu tương lai, Trung Quốc sẽ hướng theo cánh hữu, tức là nghiêng về đấu tranh cho các giá trị nhân quyền, một nền kinh tế tự do hay nghiêng về cánh tả với những lý tưởng cộng sản ?

Đối với những người theo cánh tả thì chỉ có Đảng Cộng sản mới có khả năng giải quyết các vấn đề về tham nhũng, bất công.

Còn đối với người theo chủ trương cánh hữu thì mọi vấn đề xuất phát từ một quyền lực chính trị quá lớn, như Trung Quốc đã từng chứng kiến dưới thời Mao. Chiến dịch càn quét mà ông Bạc tiến hành tại Trùng Khánh bị xem là quay trở lại thời kỳ Cách mạng văn hóa đã tàn sát không biết bao nhiêu người.

Báo Tài Kinh của Trung Quốc tiết lộ trong chiến dịch bài trừ tham nhũng ở Trùng Khánh, ông Bạc đã bỏ tù 20 người giàu nhất Trùng Khánh và sau đó, cướp hết tài sản của họ.

Hàn Quốc : Chính phủ khuyến khích sinh đẻ

Tạp chí M của báo Le Monde số ra tuần này quan tâm đế đất nước Hàn Quốc qua bài viết : « Speed dating », tạm dịch «Hãy yêu nhanh chóng» .

Theo bài viết, Hàn Quốc đang đứng trước tình trạng tỷ lệ sinh sản thấp nên chính phủ muốn kích thích gia tăng dân số bằng cách tạo cơ hội cho những người còn độc thân làm quen, lập gia đình và khích lệ sinh sản qua việc tổ chức các cuộc họp, gặp gỡ miễn phí cho người dân Hàn Quốc.

Bài báo cho biết, hình thức này dành cho mọi người, không phân biệt tuổi tác và nghề nghiệp. Ứng cử viên muốn tham gia vào buổi họp này cần phải chứng minh giấy xác nhận có việc làm, bằng cấp và sổ hộ khẩu.

Đối với chính phủ thì hành động này mang ý nghĩ quan trọng. Năm 2005, Hàn Quốc có tỷ lệ sinh sản khá thấp : khoảng 1,3trẻ/phụ nữ, một tỷ lệ khá thấp để có thể trẻ hóa dân số. Một quan chức trong ngành y tế nhận định : « Trong những năm 1970, các gia đình thường sinh từ 5 đến 6 con.

Trong từng khu phố, các quan chức có trách nhiệm làm công tác tư tưởng cho dân chúng về việc tránh thai » trong khi ngày nay thì tình hình lại ngược lại, chính phủ khó khăn khuyến khích thanh niên sinh con. Đặc biệt, để tổ chức một đám cưới cũng tốn một khoảng tiền đáng kể, cộng với sau đó là tiền nhà cửa và giáo dục con cái. Do đó, kết quả là trung bình, người nam phải đợi đến 32 tuổi mới lập gia đình và phụ nữ là 29 tuổi. Để chọn lựa giữa sự nghiệp và gia đình thì đa số phụ nữ lựa chọn phương án thứ nhất.

Chính quyền Hàn Quốc muốn noi theo chính sách gia đình của Pháp và Thụy Điển nhưng lại vấp phải điều kiên kỵ về việc sinh con ngoài hôn nhân, trong xã hội Hàn Quốc. Jin Mi-chung, nhà xã hội học tại trường đại học quốc gia Seoul nhận thấy : « người phụ nữ đơn độc thường muốn phá thai hơn là sinh con và nuôi dưỡng một mình. Nếu họ sinh con thì thường cho người khác nhận làm con nuôi ».

Trung Quốc : Trào lưu nuôi chó cảnh

Những ai vẫn nghĩ rằng chó và gia súc mà người dân Trung Quốc và châu Á vẫn ăn thịt không được đối xử tử tế ?

Le courrier international số ra tuần này quan tâm đến trào lưu nuôi chó cảnh để làm bạn trong các gia đình giàu có của Trung Quốc qua bài viết : « Tôi, con chó cao cấp, mặc kimono và đi spa ».

Bài báo lấy ví dụ một chú chó có cuộc sống khá hạnh phúc trong một gia đình ở Thượng Hải. Nét độc đáo của bài viết này là tác giả mượn lời chú chó tường thuật lại cuộc sống hàng ngày, được chăm chút với đầy đủ tiện nghi như dành cho một con người, trong xã hội Trung Quốc với sự chênh lệch giàu nghèo vẫn còn cao, thậm chí con người còn chưa được hưởng sự sung túc như chú chó này.

Chú chó thuật lại rằng mình được cưng chiều trong gia đình, có cha, mẹ, anh chị em chăm lo cho chú. Thức ăn dành cho chú toàn là hàng nhập khẩu. Ngoài đồ ăn cơ bản còn có cả sữa chua và đồ tráng miệng cho chú chó. Quần áo của chú cũng khá đắt tiền, với cả các nhãn hiệu lớn trên thế giới như Gucci, Prada theo các bộ sưu tập xuân, hạ, thu, đông; nào là kimono, áo truyền thống của Trung Quốc, áo đầm, áo lông choàng vào mùa đông.

Không chỉ được làm đẹp mà chú chó còn được chăm sóc chu đáo về sức khỏe. Từ lúc mới sinh, chú không bỏ qua mũi tiêm vắc-xin nào. Cũng như các cô gái đỏm dáng khác, thỉnh thoảng, chú chó này cũng được đi spa để có những giây phút thư giãn, được xấy gội tóc làm đẹp. Chú chó cảm thấy mình thật hạnh phúc khi được lọt vào gia đình này, trong khi xem trên truyền hình, bao nhiêu chú chó mèo phải lang thang và chú lây làm tiếc cho những con vật đáng thương này.

Thỉnh thoảng, chú chó cũng tự hỏi liệu cuộc sống trong nhung lụa thì hạnh phúc đấy nhưng có phải là điều mình muốn hay không ? Chú cũng mơ ước có một khoảng không gian rộng, với cuộc sống hoang dã và tự hỏi, phải chăng ông tổ của mình là chó sói ?

Bài báo còn biết cho biết, đến khoảng cuối những năm 1980, thú vật nuôi để bầu bạn còn khá hiếm tại các thành phố Trung Quốc, nếu không kế đến các chú chim hay dế mèn được những người cao tuổi nuôi trong lồng và dắt đi chơi. Khi cuộc sống khá giả, người ta bắt đầu quan tâm đến điều mà trước đây bị coi là phù phiếm, đó là thú nuôi súc vật để bầu bạn. Sau đó, mèo bắt đầu xuất hiện lại trong các gia đình.

Cuối những năm 1990, đó là trào lưu nuôi chó cảnh và tạo thành một thị trường thật sự trong khi thu nhập của người Trung Quốc tăng trong năm 2000.

Trào lưu này dẫn đến loài chó sinh sản nhanh chóng cộng với những sự cố mà súc vật gây ra tại Bắc Kinh nên vào năm 2003 một loại giấy phép nuôi chó ra đời, qui định các vấn đề về sức khỏe và trách nhiệm pháp lý của chủ các gia súc này. Ngày nay, chính quyền một số thành phố buộc chủ phải kê khai nuôi bao nhiêu con chó và cấm nuôi nhiều chó nguy hiểm hay chó cao hơn 35 cm.

Pháp : Cuộc chiến chống định kiến về nam-nữ

Trên hồ sơ xã hội, tạp chí Le Nouvel Observateur quan tâm đến giáo dục tại Pháp qua bài viết : « Cuộc chiến chống phân biệt giới tính có thể xảy ra ? ».

Tạp chí cho biết, phía cánh hữu đã chống đối trong việc hôn nhân đồng tính, bây giờ lại tấn công vào các sách giáo khoa tại trường do các sách này muốn loại bỏ những định kiến truyền thống về nam và nữ vốn tồn tại trong giáo dục tại Pháp. Ví dụ, nữ giỏi việc nội trợ còn nam thì tháo vát trong các việc nặng nhọc.

Bài báo trích một câu nói nổi tiếng của Simone de Beauvoir như sau : « Người ta sinh ra không phải đã là nữ mà người ta trở thành phụ nữ ». Câu này muốn nói lên trọng lượng của xã hội trong việc xây dựng và hình thành nên bản ngã của mỗi cá nhân.

Phía cánh tả thì phản đối xây dựng định kiến về bản ngã nam hay nữ trong sách giáo khoa vì họ cho rằng, tính cách nam hay nữ là do giáo dục và ảnh hưởng của xã hội. Do đó, không nên nhồi nhét vào đầu trẻ em những định kiến nặng nề này.

Trong khi đó, cánh hữu thì lại muốn duy trì một nội dung giáo dục tại trường mang tên: « lý thuyết về giới tính ». Ví dụ, người ta thấy trong sách giáo khoa dạy toán, có nhiều người đàn ông minh họa hơn là phụ nữ và phụ nữ không có vai trò chủ đạo…Trong một số biển được treo ở truờng học vào những năm 1950, phụ nữ làm các việc nữ công gia chánh như nấu ăn, hút bụi, lau nhà…

Tại trường học, nữ sinh vẫn thường giỏi các môn xã hội như sử, địa, văn học trong khi nam sinh thì mạnh về toán, khoa học…Bộ trưởng Giáo dục Vincent Peillon thì chống lại « lý thuyết về giới tính » này và tán thành sự bình đẳng giữa nam và nữ.


Switch mode views: