Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 31-10-2012
- Thứ Năm, 01 tháng Mười Một năm 2012 00:57
- Tác Giả: Lê Phước
Một cửa hàng dạy tiếng Nhật bị lục soát bởi người biểu tình ở Trung Quốc vào ngày 15 Tháng Chín năm 2012. (Reuters) . (REUTERS)
Chủ nghĩa dân tộc quá khích bùng phát vừa qua tại Trung Quốc và Nhật Bản không chỉ đe dọa quan hệ ngoại giao mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế của hai nước.
Nhật báo Le Monde đặc biệt có bài nhìn vào thiệt hại kinh tế đối với Nhật Bản với dòng tựa khá ấn tượng : «Chủ nghĩa dân tộc hủy diệt ».
Năm 2011, thảm họa sóng thần và hạt nhân đã khiến cho kinh tế Nhật gặp nhiều khó khăn. Cũng năm ngoái, trận lũ lụt lịch sử tại thủ đô Thái Lan đã khiến nhiều nhà máy sản xuất ô tô của Nhật ở Thái Lan bị ảnh hưởng nặng nề.
Đến hiện tại, hậu quả của thiên tai vẫn còn chưa được khắc phục xong. Đến năm 2012 các doanh nghiệp Nhật Bản lại bị một phen chao đảo bởi những căn thẳng ngoại giao với Trung Quốc do những tranh chấp lãnh hải giữa hai nước.
Đến với hãng Honda, chủ nghĩa dân tộc bùng phát ở hai nước về tranh chấp lãnh hải đã khiến cho hãng này phải hạ bớt 20% mức lợi nhuận hàng năm.
Hãng Toyota và Nissan dù chưa công bố kết quả kinh doanh chính thức, nhưng trong bối cảnh này, chắc chắn viễn cảnh cũng không có gì tươi sáng.
Trong tháng 9 rồi, lượng sản phẩm bán ra của Honda đã giảm tới 40%, của Nissan giảm 35%, và của Toyota giảm phân nữa. Hãng Toyota vừa tạm đình chỉ hoạt động sản xuất tại nhà máy ở Thiên Tân, một trong bốn thành phố trực thuộc trung ương của Trung Quốc, và buộc phải từ bỏ mục tiêu sản xuất trên 10 triệu chiếc ô tô cho năm nay.
Trong khi đó, hãng Volkswagen của Đức và hãng Hyundai của Hàn Quốc đã nhân cơ hội người Trung Quốc tẩy chay hàng Nhật Bản để tăng thị phần tại Trung Quốc. Trong tình hình hiện tại, các hãng xe hơi Nhật Bản sẽ khó có thể giành lại được thị phần này.
Theo Le Monde, thảm họa do thiên nhiên gây ra cũng gây hậu quả nặng nề cho ngành công nghiệp, nhưng sau khi đánh giá mức độ thiệt hại thì người ta có thể dự trù được bao nhiêu nhân tài vật lực sẽ được sử dụng để khắc phục hậu quả, thế nhưng, hậu quả do chủ nghĩa dân tộc gây ra thì khó lòng mà đánh giá thiệt hại và khó lòng mà dự trù được tương lai.
Đặc biệt trong trường hợp chủ nghĩa dân tộc quá khích tại Trung Quốc, thiệt hại đối với ngành công nghiệp ô tô của Nhật sẽ rất nặng nề, bởi Trung Quốc hiện tại là thị trường ô tô lớn nhất thế giới.
Nhật Bản hạ chỉ tiêu tăng trưởng
Đúng với câu « Họa vô đơn chí », kinh tế Nhật không chỉ bị ảnh hưởng bởi thảm họa thiên nhiên và chủ nghĩa dân tộc quá khích của Trung Quốc, mà còn bị khó khăn bởi nhiều nguyên nhân khác.
Nhìn toàn diện trong nền kinh tế Nhật Bản, nhật báo Le Figaro có bài chạy tựa : «Nhật Bản hạ dự báo tăng trưởng cho năm 2012-2013 ».
Hôm qua, Ngân hàng trung ương Nhật Bản đã chính thức hạ xuống mức 1,5% dự báo tăng trưởng cho năm tài khóa 2012-2013, trong khi mức dự phóng trước đó là 2,2%. Đến tận tháng 9 rồi, kinh tế Nhật còn tăng trưởng tốt nhờ vào các công trình tái thiết sau thảm họa sóng thần xảy ra hồi năm ngoái. Thế nhưng, sau đó tăng trưởng đã đình trệ bởi sản xuất công nghiệp giảm sút và tình hình xuất khẩu cũng lắm khó khăn.
Đi sâu vào ngành công nghiệp, tờ báo cho biết, hồi tháng 9 rồi, sản xuất công nghiệp của Nhật Bản đã giảm đi 4,1%. Nếu tính theo năm, thì con số này sẽ là 8,1%. Lãnh vực tiêu dùng cũng đang ảm đạm. Tình trạng thất nghiệp vẫn chưa được cải thiện, vẫn ở mức 4,2%.
Trong bối cảnh đó, chính phủ ông Noda lại bị chỉ trích quản lý tài chính lỏng lẻo, bởi một phần trong gói ngân sách dành cho việc tái thiết các vùng bị thảm họa sóng thần và hạt nhân đã bị sử dụng không đúng mục đích. Thêm vào đó, phân nửa số tiền dành cho tái thiết vẫn chưa được giải ngân, hiện vẫn còn đến gần 340 000 người chưa được tái định cư do tình trạng quan liêu và lập lờ của chính quyền các cấp.
Đại sứ Trung Quốc tại Pháp : Điếu Ngư thuộc về Trung Quốc
Theo dòng thời sự, nhật báo Le Monde đã cho đăng trên trang « Ý kiến độc giả» bài viết của đại sứ Trung Quốc tại Pháp với dòng tựa khẳng định chủ quyền : «Trung Quốc là chủ sở hữu quần đảo Điếu Ngư, chứ không phải Nhật Bản ».
Trên hồ sơ tranh chấp lãnh hải, đại sứ Trung Quốc khẳng định : nhiều tài liệu lịch sử đã chứng minh quần đảo Điếu Ngư là một phần không thể tách rời của Trung Quốc. Ông cũng trưng ra bằng chứng lịch sử từ phía Pháp mà ông tiếp cận được tại Thư viện Quốc gia Pháp tại Paris : bản đồ của Guillaume Delisle năm 1972, của Didier Robert và Vaugondy 1778, của Alexandre Blondeau 1817. Vị đại sứ Trung Quốc khẳng định rằng, tất cả những bản đồ này đều cho thấy Điếu Ngư thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Ông nhắc lại, khi ông còn là phát ngôn nhân bộ Ngoại giao Trung Quốc cách đây 12 năm, khi ấy, Nhật Bản bắt đầu cho xây dựng các cột hải đăng trên đảo Điếu Ngư. Rồi mới đây, chính phủ Nhật lại khơi dậy chủ nghĩa dân tộc khi tiến hành quốc hữu hóa quần đảo tranh chấp.
Vị đại sứ cho rằng, việc trả lại Điếu Ngư cho Trung Quốc là « trách nhiệm » của Nhật Bản với tư cách Nhật Bản là « nước bại trận » trong thế chiến thứ hai, và theo đúng các hiệp ước đã ký sau cuộc chiến này.
Còn trong hiện tại, đại sứ Trung Quốc nhấn mạnh, Trung Quốc và Nhật Bản gần gũi về địa lý, tương đồng về văn hóa. Thêm vào đó, sau 40 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao, hai nước đã « lệ thuộc lẫn nhau » về kinh tế và thương mại một cách sâu sắc, đến mức mà « không có gì có thể làm đổ vỡ sự lệ thuộc lẫn nhau này ».
Trong bối cảnh kinh tế thế giới đầy bất ổn, đại sứ Trung Quốc kêu gọi Trung Quốc và Nhật Bản « tay trong tay để đẩy mạnh hợp tác ».
Tình hình Syria còn lắm rối ren !
Tiếp tục thông tin về cuộc xung đột tại Syria, Le Monde có bài phân tích đề tựa : «Syria trong cuộc nội chiến : sự phân chia manh múng của đất nước ».
Xung đột tại Syria ngày càng khốc liệt bất chấp những nỗ lực cộng đồng quốc tế. Tờ báo cho rằng, để có giải pháp hiệu quả, cần phải hiểu rõ tình hình thực địa tại Syria. Từ đó, tờ báo cho biết, đất nước Syria hiện tại bị chia thành 6 vùng chiến thuật khác nhau, cụ thể như sau :
Vùng thứ nhất đó là thủ đô Damas. Quân đội chính phủ Assad hoàn toàn kiểm soát được vùng này. Thế nhưng, tại đây đa phần người dân thuộc nhánh hồi giáo Sunnite, trong phe ông Assad lại thuộc dòng Hồi Giáo Chiite. Bởi thế, người dân luôn có tâm lý chống lại chính quyền Assad. Trong tình cảnh đó, chính phủ Assad dường như có thể kiểm soát Damas về vật chất, còn về tư tưởng thì không !
Vùng thứ hai thuộc khu vực duyên hải trãi dài từ tỉnh Latakia đến tỉnh Tartus. Đây là vùng hậu cứ của phe Assad và hiện vẫn còn trung thành với chính phủ Damas. Đây cũng là cứ địa cuối cùng của phe ông Assad khi Damas thất thủ.
Thứ ba là vùng có phần lớn do phe nổi dậy kiểm soát nhưng thường xuyên bị không quân của chính phủ Assad oanh tạc Vùng này bao gồm tỉnh Idlib và Alep ở miền bắc Syria, khu vực thung lũng Euphrate, từ tỉnh Dier ez-Zor đến Abu Kamal.
Vùng thứ tư là vùng hai bên đang tranh quyền kiểm soát nên chiến sự xảy ra thường xuyên, bao gồm những khu vực ngoại vi của một số thành phố lớn như Damas, Daraa hay Hama. Cũng có khi hai bên đánh nhau ngay cả trong nội ô như ở Homs do xung đột sắc tộc, hay như ở Alep do xung đột giai cấp.
Kế đến là vùng bao gồm tỉnh Hassaké miền tây bắc Syria và tỉnh Souweida ở miền Nam.
Đây là vùng do các nhóm dân quân người Kurd thân cận với Đảng Công Nhân người Kurd (PKK) tại Thổ Nhĩ Kỳ, có liên hệ chặt chẽ với chính quyền Damas. Ngoài ra còn có một phần lớn của tỉnh Ar-Raqqah miền trung Syria, đây là khu vực có nhiều người Bédouin theo Hồi Giáo dòng Sunnite sinh sống, nhưng có lập trường ủng hộ Assad.
Đây là vùng không có chiến tranh, nhưng người dân thường xuyên xuống đường ủng hộ phe nổi dậy. Quân đội chính phủ Assad vẫn duy trì kiểm soát an ninh ở những khu vực này và thường xuyên cho trực thăng bay thị uy.
Cuối cùng là các khu vực ranh giới, hiện có nơi do chính phủ kiểm soát có nơi do quân nổi dậy kiểm soát. Vùng này rất căng thẳng, trước tiên là do chịu áp lực của dòng người Syria tản cư sang các nước lân cận, kế đến là vùng có thể khiến cho cuộc nội chiến tại Syria lan sang các nước trong khu vực. Chẳng hạn như các vụ leo thang quân sự hồi tháng rồi giữa quân đội Assad và Thổ Nhĩ Kỳ, chẳng hạn như việc lực lượng Hezbollah tại Liban đang tiếp tay cho chính phủ Assad.
Bầu cử Mỹ thiếu vắng hồ sơ biến đổi khí hậu
Tranh cử tổng thống Mỹ đề cập đến đủ thứ chủ đề, nhưng lại thiếu chủ đề biến đổi khí hậu.
Nhật báo Le Monde chú ý đến chi tiết này với bài viết : «Biến đổi khí hậu vắng mặt trong quá trình tranh cử ». Tờ báo cho biết, trong chiến dịch tranh cử vừa qua, từ « biến đổi khí hậu » dường như không được nhắc đến. Và cũng không trong ba cuộc tranh luận tay đôi trên truyền hình của hai ứng cử viên.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên kênh MTV hôm 26, vừa qua, ông cho biết rất ngạc nhiên vì đã không được hỏi về chủ đề này.
Trong khi đó, theo báo cáo của công ty bảo hiểm Munich Re, trong giai đoạn từ năm 1980 đến 2011, khu vực Bắc Mỹ phải gánh chịu nhiều mất mác về người và tài sản do thiên tai : có đến 30 000 thiệt mạng và thiệt hại vật chất lên đến 1060 tỉ đô la.
Báo cáo chỉ rõ, tại vùng Bắc Mỹ, số lượng thiên tai tăng lên gấp 5 lần trong khi ở Châu Âu chỉ có 2 lần. Đương nhiên có nhiều yếu tố gộp vào gây ra hiện tượng này, nhưng báo cáo chỉ rõ, yếu tố then chốt đó là tình trạng biến đổi khí hậu.
Chích ngừa cúm để bảo vệ tim ?
Trong lĩnh vực y tế, Le Figaro có bài thông tin đáng chú ý : «Vắc-xin ngừa cúm bảo vệ tim ».
Tại một hội thảo về bệnh tim mạch tại Canada vừa qua, một nghiên cứu quan trọng đã được công bố theo đó « Vắc-xin ngừa cúm có thể giảm nguy cơ các căn bệnh về tim như bệnh nhồi máu cơ tim chẳng hạn ».
Nghiên cứu được tiến hành trên 3 227 người có hoặc không có bệnh lý về tim. Phân nửa trong số họ được tiêm vắc-xin cúm.
Kết quả là, sau một năm, những người được tiêm vắc-cin giảm đi một nữa nguy cơ bị trụy tim hay tai biến mạch máu não.
Còn nguy cơ tử vong đối với tất cả các căn bệnh nói chung, thì ở những người này cũng giảm bớt 40%.
Hồi tháng sáu rồi, kết quả nghiên cứu một nhóm chuyên gia Đài Loan cũng đã cho thấy, những người trên 65 tuổi từng có bệnh về tim, nếu chích ngừa bệnh cúm, cũng giảm được nguy cơ tử vong và nguy cơ phải nhập viện.
Tin mới
- Senkaku/Điếu Ngư : Trung Quốc áp dụng "chiến tranh hao mòn" - 03/11/2012 22:52
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 03-11-2012 - 03/11/2012 22:39
- Lãnh đạo mới của Trung Quốc đối mặt với các thách thức kinh tế - 03/11/2012 05:41
- Cử tri Mỹ gốc Việt chờ ngày bỏ phiếu - 03/11/2012 05:31
- Campuchia cho xây đập ở sông Mekong - 03/11/2012 05:16
- Chủ tịch Sacombank từ nhiệm - 02/11/2012 22:34
- LHQ kêu gọi Bắc Kinh giải tỏa nỗi ấm ức của người Tây Tạng - 02/11/2012 22:22
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 02-11-2012 - 02/11/2012 22:15
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 01-11-2012 - 02/11/2012 05:24
- Mỹ tuyển mộ hacker cho chiến tranh điện toán - 01/11/2012 01:38
Các tin khác
- Đặc sứ Liên Hiệp Quốc : Trung Quốc phải "tích cực" trên hồ sơ Syria - 31/10/2012 23:20
- Châu Âu kêu gọi Việt Nam tôn trọng nhân quyền - 31/10/2012 20:50
- Trung Quốc đồng ý bắt tay với Đài Loan bảo vệ chủ quyền Biển Đông - 31/10/2012 20:42
- Những Tiểu Bang Quyết Định - 31/10/2012 18:25
- Bầu Cử TT Và Bão Sandy - 31/10/2012 18:05
- Hậu quả nặng nề của bão Sandy - 31/10/2012 06:32
- Trí thức gửi thư về vụ Phương Uyên - 31/10/2012 06:15
- Hầu hết dân Mỹ tin Obama thắng cử - 31/10/2012 06:01