Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 07-01-2020

Iran-Hoa Kỳ: Thời khắc của các thế lực diều hâu

Iran funeral

Đông đảo người dân Iran dự đám tang của tướng Qassem Soleimani tại thành phố Kerman quê hương ông, ngày 07/01/2020. Atta KENARE / AFP


Nhiều báo Pháp hôm nay, 07/01/2020, dành trang nhất cho dịp 5 năm vụ thảm sát tại tòa soạn báo trào phúng Charlie, một biểu tượng cho tinh thần tự do tư tưởng.

Về thời sự quốc tế, sự chú ý của công luận thế giới hướng hẳn về vùng Trung Đông, nơi nguy cơ đụng độ vũ trang giữa Mỹ và Iran ngày càng nhãn tiền.

 

Le Monde có bài xã luận :''Iran-Hoa Kỳ: Thời khắc của các diều hâu''.

Le Monde nhấn mạnh là ba ngày sau vụ tướng Soleimani, được coi là ''kiến trúc sư của chính sách khu vực của chế độ Iran'', bị giết theo lệnh của tổng thống Trump, căng thẳng tại Trung Đông dâng cao trên nhiều lĩnh vực.
 ''Đe dọa bạo lực qua lại giữa Mỹ và Iran'', giữa các thế lực đối kháng trong vùng gia tăng, ''càng làm tăng cường vị thế của phe cứng rắn trong tất cả các bên''.

Tại Iran, cuộc tuần hành lớn đưa đám tướng Soleimani, hôm Chủ Nhật, càng khiến cho chế độ Hồi Giáo thêm sắt máu.
Cũng chính là chế độ này vừa tiến hành đàn áp tàn khốc chống lại một làn sóng phản kháng chưa từng có trong nước.
Tiếng nói của thành phần ôn hòa trong chế độ, như ngoại trưởng Javad Jarif, bị chìm lấp trong không khí sẵn sàng chiến tranh.

Về phần mình, nước láng giềng Irak, bị giằng xé giữa một bên là Teheran và bên kia là Washington, buộc phải chọn đường.
Hôm Chủ Nhật, Quốc Hội đã yêu cầu quân Mỹ rút khỏi nước này. Chính phủ Irak sẽ phải đưa ra quyết định.

Về phía nước Mỹ, lời lẽ khuấy động chiến tranh của tổng thống Trump ''không còn biết đến điểm dừng''.
Bị công luận chỉ trích vì đe dọa tấn công nhiều địa điểm văn hóa tiêu biểu của Iran, để trả đũa, trong trường hợp xung đột bùng nổ, ông Trump khẳng định rõ đòn trả đũa của Washington sẽ là khủng khiếp.

 

Tổng thống Mỹ cũng đe dọa sẽ trừng phạt Irak rất nặng, nếu Bagdad trục xuất lính Mỹ ra khỏi lãnh thổ nước này.
Cũng hôm Chủ Nhật vừa qua, chỉ huy lực lượng 6.000 binh sĩ Mỹ, triển khai tại Irak, trong liên quân chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daech), ngừng toàn bộ các hoạt động chống thánh chiến, để tập trung cho việc tự vệ.

Le Monde đánh giá đây là một quyết định rất nguy hại, bởi sẽ để ngỏ không gian cho Daech tăng cường thế lực tại Syria và Irak.
Thỏa thuận hạt nhân với Iran tan vỡ hoàn toàn và sự trỗi dậy của Daech là hai nỗi ám ảnh lớn của các nước châu Âu.

TT Trump đe dọa tấn công di sản nhân loại ?

Le Figaro đặc biệt chú ý đến đe dọa của tổng thống Mỹ tấn công vào các địa điểm văn hóa tiêu biểu của Iran, mà chắc chắn trong đó có những điểm nằm trong số 24 công trình được UNESCO xếp vào di sản của nhân loại.

Tấn công vào các di sản nhân loại bị xếp vào ''tội phạm chiến tranh''.
Le Figaro chua xót nhắc lại ''những kẻ cuồng tín điên rồ'' mới đây thôi đã hủy diệt các tượng Phật tại Afghanistan, hay các văn bản cổ Hồi Giáo cổ xưa thế kỷ XIII tại Tombouctou, Mali…

 Ngoại trưởng Iran thì so sánh tổng thống Donald Trump với những thế lực tàn bạo Daech mới đây đã hủy diệt có hệ thống các di sản văn hóa trên lãnh thổ mà chúng kiểm soát.
Cựu đại sứ Mỹ tại NATO, Nicholas Burns, khẳng định các tuyên bố của tổng thống Trump hoàn toàn đi ngược lại ''những giá trị của người Mỹ''.

Trump gây căng thẳng dữ dội tại Quốc Hội Mỹ

Theo Les Echos, các quyết định đơn phương của tổng thống Mỹ bị phản đối ngay trong nội bộ chính giới, đặc biệt trong hàng ngũ đảng Dân Chủ nắm quyền kiểm soát tại Hạ Viện.

Các dân biểu nhấn mạnh chỉ có Quốc Hội lưỡng viện mới có thể cho phép triển khai quân dài hơn thời hạn 60 ngày.
Theo một thăm dò dư luận hồi tháng 9, khoảng ba phần tư người Mỹ phản đối chiến tranh với Iran.
Và trong số họ, đa số cho rằng chính sách của ông Trump góp vào căng thẳng hiện nay.

Le Monde dành một hồ sơ mô tả cuộc tranh luận tại Mỹ về ''tính hợp pháp'' của quyết định hạ sát tướng Iran Soleimani của tổng thống Trump.

Trump và châu Á: ''Cuộc ly hôn lớn''

Về tính chất nguy hiểm của chính sách cực đoan, co cụm và manh động của tổng thống Mỹ, Les Echos có bài ''Trump và châu Á : Cuộc ly hôn lớn'', của thông tín viên Yann Rousseau từ Tokyo, điểm lại những thất bại liên tiếp của ông Trump trên mặt trận ngoại giao trong năm vừa qua và trước đó.

Từ hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, đến quan hệ đồng minh keo sơn hơn nửa thế kỷ với Nhật Bản và Hàn Quốc, từ việc rút khỏi Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), vốn được chính quyền tiền nhiệm chuẩn bị sẵn, cho đến việc thả lỏng ở Biển Đông cho Trung Quốc lấn lướt, khiến các quốc gia Đông Nam Á bất an.

Les Echos ghi nhận, tại Nhật Bản và Hàn Quốc, công luận ngày càng không chịu nổi thái độ con buôn của tổng thống Mỹ đối với các đồng minh.
Bài ''Trump và châu Á: 'Cuộc ly hôn lớn'' tỏ ra bi quan khi cho rằng ''bị Hoa Kỳ phản bội, Tokyo và Seoul buộc phải cùng nhau xích gần lại với chế độ độc tài Trung Quốc''.

''Thế giới phức tạp hơn, con người cần nghĩ khác''

Cũng Les Echos có bài ''Sống và hành động trong một thế giới ngày càng trở nên phức tạp hơn'' của nhà bình luận Jean-Marc Vittori, không đến mức bi quan như vậy, nhưng nhấn mạnh nhiều hơn đến tính chất biến đổi phức tạp bội phần và ngày càng khó lường của thế giới trong thập niên vừa mở ra.
Đầy bất trắc. Với các căng thẳng như bên bờ vực chiến tranh giữa Mỹ và Iran, tại Trung Đông, khu vực cung cấp khoảng một phần ba nhu cầu dầu mỏ của thế giới.

Với cuộc bầu cử tại Đài Loan – hòn đảo được Hoa Kỳ hậu thuẫn - vào cuối tuần này, mà kết quả dự kiến sẽ là một hành động sỉ nhục đối với Bắc Kinh.
Với phong trào xã hội chống cải cách hưu trí tại Pháp hay tình hình Brexit hiện chưa biết đi về đâu.
Tác giả nhấn mạnh là những biến đổi phức tạp này đòi hỏi mỗi người chúng ta phải ''suy nghĩ và hành động khác''. Bây giờ chính là lúc cần ''sáng tạo lại cách tư duy''.

''Ba cuộc chiến tranh của năm 2020''

Với Le Monde, có ''ba cuộc chiến tranh'' đánh dấu tình hình thế giới năm 2020.
Thứ nhất là bối cảnh đang ngày càng hội tụ cho một cuộc chiến tranh thực sự bùng phát tại Trung Đông, như chúng ta đang chứng kiến.

 Thứ hai là ''cuộc chiến tranh lạnh'' giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, đặc biệt là về công nghệ đỉnh cao.
Sau 30 năm tham gia vào ''toàn cầu hóa'', Trung Quốc thoát khỏi nghèo khó, giờ đây tự tin có thể không cần dựa vào công nghệ của phương Tây.

Chính quyền Mỹ tuyên chiến với Bắc Kinh trên lĩnh vực thương mại, ''bức màn sắt'' sập xuống.
Trao đổi thương mại song phương sụt giảm 9%. Đầu tư trực tiếp giảm 60%.

Theo nhật báo kinh tế Anh The Economist, việc hai bên cắt quan hệ về công nghệ, khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn, gây thiệt hại khoảng 2.000 tỉ đô la, tương đương với khoảng 6% GDP của hai nước.
Tiến trình toàn cầu hóa diễn ra hàng thế kỷ qua đang bị đảo ngược.

Cuộc chiến thứ ba, theo Le Monde, là ''cuộc chiến của con người chống lại chính mình''.
Một ví dụ tiêu biểu là nạn cháy rừng kinh hoàng tại nước Úc kéo dài từ nhiều tháng nay, nhắc nhở chúng ta rằng một khi Thiên nhiên trả thù, thì hậu quả sẽ tàn khốc như thế nào.

Điều đáng lo ngại là, các hiểm họa do Trái đất nóng lên, với bão tố, khô hạn, lũ lụt… tăng vọt, thay vì khiến con người đoàn kết lại, lại đang gây chia rẽ.

Le Monde nhấn mạnh Liên Âu – khối quốc gia xuất khẩu số một thế giới - nằm ở tâm điểm của ba tai họa toàn cầu này.
Và cũng chính Liên Âu đang tự đặt ra cho mình mục tiêu hóa giải ba tai họa kinh hoàng, biến những áp lực bảo vệ môi trường thành các điều kiện cho công cuộc chuyển hóa sang nền kinh tế Xanh và đưa lại một tấm gương về một lục địa rộng mở, cho ''phần còn lại của thế giới, đang bị xu thế co cụm, bài ngoại chi phối''.
Mong sao Liên Hiệp Châu Âu thành công !

Cải cách hưu trí: Chính phủ tìm thỏa hiệp với nghiệp đoàn cải cách

Trở lại tình hình nước Pháp, cuộc đàm phán giữa chính phủ với các nghiệp đoàn để tìm giải pháp cho khủng hoảng cải cách hưu trí diễn ra hôm nay.
Le Monde ra tối qua chạy tựa trang nhất:
''Thủ tướng Philippe bị đa số đảng cầm quyền áp lực buộc phải đạt được thỏa hiệp''.

 

Nhiều nghị sĩ thiên tả, đảng cầm quyền Cộng Hòa Tiến Bước của tổng thống Macron, lên án thủ tướng Edouard Philippe quá cứng rắn với các nghiệp đoàn cải cách, vốn sẵn sàng ủng hộ chính phủ.
Theo họ, thủ tướng Philippe làm như vậy là để lấy lòng các cử tri cánh hữu đang ủng hộ ông.

Theo Le Figaro, thì cùng với nhiều nghị sĩ đảng cầm quyền, tổng thống Macron cũng đang gia tăng áp lực lên thủ tướng Philippe.
Les Echos thì cho hay thủ tướng Philippe để ngỏ cánh cửa cho thảo luận về ''tuổi về hưu cân bằng'' (được hưởng lương hưu cơ bản toàn phần) (tức ''l’âge pivot'').
Le Monde cho biết các nghiệp đoàn chống cải cách coi tuần lễ này là một cơ hội tranh đấu quan trọng.

Tinh thần trào phúng Charlie bất diệt !

Về cuộc kỷ niệm 5 năm vụ thảm sát tại tòa báo tuần trào phúng Charlie Hebdo, trong lúc Le Figaro chú ý đến ''đe dọa khủng bố thường trực'' tại Pháp, thì báo Libération có hồ sơ nhấn mạnh đến tinh thần tự do của Charlie.
Libération chạy tựa ''Charlie còn mãi'' trên nền màu đen tang tóc.

Tuần báo trào phúng vẫn ngoan cường, vẫn tiếp tục vẽ.
Nhật báo thiên tả ghi nhận là từ 5 năm nay, tờ báo trào phúng chưa bao giờ thôi tiếp tục thổi bùng lên ngọn lửa vì tự do ngôn luận, ''bất chấp không khí cô đơn và những chỉ trích mà Charlie liên tục phải gánh chịu''.

Về phần mình, La Croix ghi nhận 5 năm sau, Charlie nay đã phục hồi, ngọn lửa tự do vẫn cháy.
Trang nhất nhật báo Công Giáo đăng chân dung các phóng viên, họa sĩ của Charlie đã qua đời, tất cả lung linh trong ngọn lửa, phía dưới là cây bút chì, cây bút vẽ, cây bút sáng tạo tiếp tục tiếp năng lượng cho ngọn lửa tự do bất khuất.

La Croix vinh danh các nhà báo-họa sĩ với 7 họa phẩm trào phúng.
Một trong các bức là hình nấm mồ của ''le politiquement correct'' (tạm dịch là : Nơi đây yên nghỉ ''thái độ chính trị giáo điều - cơ hội'').

Một số người đồng nhất Charlie với một tạp chí châm biếm tôn giáo (Hồi Giáo hay Thiên Chúa Giáo), nhưng tinh thần châm biếm mọi thái độ độc tài, bảo vệ tự do tư tưởng, bảo vệ sự khác biệt, tôn trọng người khác mình, mới chính là điều làm nên bản sắc của Charlie.
Và đây cũng chính là điều đang bị đe dọa từ mọi phía.

Switch mode views: