Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 26-2-2019

Thượng đỉnh Trump - Kim : Cả hai đều mong sớm đạt kết quả

 

buu chinh


Bưu chính Việt Nam phát hành loại tem đặc biệt nhân thượng đỉnh Mỹ - Bắc Triều Tiên tại Hà Nội, ngày 26/02/2019.
REUTERS/Ann Wang

 

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Bắc Triều Tiên lần 2 tại Hà Nội ngày 27 và 28/02/2019 đang là sự kiện thu hút báo chí cả thế giới từ vài ngày qua.

 

Trước thềm cuộc gặp, nhật báo Le Monde có bài nhận định : « Trump và Kim, hai người đàn ông gấp gáp tìm đồng thuận ».

 

Theo tờ báo, cả lãnh đạo Bắc Triều Tiên cũng như Mỹ đều muốn thể hiện được sự thành công ngoại giao trong lần gặp thứ 2 này.

Le Monde nhìn thấy một điểm chung của tổng thống Donald Trump và chủ tịch Kim Jong Un khi đến với cuộc gặp lần này là « Người đầu tiên thì đang vấp phải những khó khăn trong nội bộ, muốn gặt hái nhanh nhất một thành tích ngoại giao.

Đó là thành tích của vị tổng thống Mỹ đầu tiên làm được việc chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, giúp nước Mỹ thoát khỏi nguy cơ bị tấn công hạt nhân.
Còn người thứ hai thì hy vọng giải tỏa căng thẳng với Hoa Kỳ sẽ cho phép kinh tế Bắc Triều Tiên thoát ra được lối mòn kinh tế ».

Bài viết nhắc lại : Kể từ cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên tại Singapore tháng 06/2018, tổng thống Donald Trump đã không bỏ lỡ cơ hội tán dương quan hệ với chủ tịch Kim Jong Un.

Đó là cách để ông Trump tạo sự khác biệt với những người tiền nhiệm, những người mà theo ông đã đẩy nước Mỹ đến rất gần cuộc chiến tranh với Bắc Triều Tiên.

Ông Trump đang rất muốn đẩy nhanh tiến trình hòa giải với Bắc Triều Tiên vì nếu để chậm trễ thì có nguy cơ làm ảnh hưởng đến lịch trình tranh cử tổng thống Mỹ khi mà chỉ còn một năm nữa bắt đầu cuộc chạy đua trong nội bộ đảng.

Mặc dù cơ quan tình báo Mỹ vẫn tỏ hoài nghi về tiến trình giải trừ hạt nhân của Bắc Triều Tiên, nhưng ông Trumpvẫn liệt kê các thành công thu được từ cuộc gặp lần trước :
« Với Hoa Kỳ, quan hệ với Bắc Triều Tiên tốt đẹp hơn bao giờ hết. Không có vụ thử tên lửa nào, hài cốt lính Mỹ được trả, con tin được trở về Mỹ.
Chúc cho phi hạt nhân hóa có cơ hội tốt », trên Twitter tổng thống Trump viết.

Le Monde nhận định, trạng thái tinh thần đó của tổng thống Mỹ có thể sẽ tạo thuận lợi cho các nhượng bộ, ít ra cũng để Kim Jong Un cũng tiến thêm dù là bước nhỏ.

Về phần Kim Jong Un, Le Monde phân tích thấy lãnh đạo Bắc Triều Tiên cũng có lý do để tiến nhanh.
Trước hết là để tận dụng tâm trạng tốt của người đối thoại và tận dụng quyền hành ông đang nắm trong tay, nhằm đưa đất nước thoát khỏi tình trạng bị bế tắc trước Hoa Kỳ.

Theo le Monde, với một thể chế độc tài như Bắc Triều Tiên, dư luận công chúng không phải là yếu tố quan trọng, nhưng rõ ràng từ khi lên nắm quyền năm 2011, ông Kim Jong Un đã nhiều lần nhắc lại cam kết cải thiện đời sống người dân.
 Từ đó đến nay, Bắc Triều Tiên đang thay đổi diện mạo so với nhiều thập kỷ trước.

Đất nước Triều Tiên đang cần một cuộc cải cách kinh tế toàn diện và điều này không thể làm được trong vòng vây cấm vận, trừng phạt.
Theo tờ báo, gỡ bỏ các trừng phạt trở nên cấp bách để Bắc Triều Tiên thoát ra khỏi lối mòn và giúp phát động trở lại hợp tác với Hàn Quốc mà các dự án giờ đang sẵn sàng chỉ còn chờ tín hiệu « đèn xanh » về chính trị.

Trong khi đó tờ báo cũng nhấn mạnh là Bắc Triều Tiên không muốn phụ thuộc vào Trung Quốc, Nga hay bất cứ nước nào.
Le Monde nhận định ông Kim ý thức được cần phải tiến nhanh và chơi lá bài Trump.

Từ một năm nay, ông với tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In cùng thông đồng làm việc đó.
 Ông Moon Jae In, nhân vật chủ chốt, năng nổ trong việc lấy lại vận mệnh của người Triều Tiên, cũng rất hối hả.
Ông Moon cũng chỉ còn hai năm trong nhiệm kỳ để những việc đã làm được không bị đảo lộn.
Tờ báo kết luận, nhưng yếu tố như vậy có thể sẽ dẫn đến người này hay người khác có nhượng bộ, dù là bên ngoài mặt.

Chủ nhà Thượng đỉnh Mỹ - Triều : Việt Nam lợi cả đôi đường

Vẫn trong khuôn khổ chủ đề thượng đỉnh Mỹ - Triều, Le Monde có một bài viết khác về nước chủ nhà Việt Nam.

Theo Le Monde, được chọn là địa điểm cho sự kiện lớn này, « chế độ Hà Nội hy vọng tăng cường hình ảnh của một « đối tác chiến lược » với Washington cũng như cả với Bình Nhưỡng và Seoul ».

Tờ báo nhận xét : Nếu như cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tại Singapore tháng 06/2018 mang tính lịch sử thì cuộc gặp lần 2 tại Hà Nội sẽ mang nhiều biểu tượng.

Trước tiên vì cả ba nước Việt Nam, Mỹ và Bắc Triều Tiên đều từng đối mặt nhau trong các cuộc chiến tranh chết chóc.
 Mặt khác, có thể Việt Nam sẽ là mô hình cho Bắc Triều Tiên trên phương diện mở cửa, hiện đại hóa đất nước và bình thường hóa quan hệ với kẻ thù của ngày hôm qua là : Hoa Kỳ.

Theo quan sát của tác giả bài viết, một thỏa thuận giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên dù thế nào đều có lợi cho Việt Nam.
Đó sẽ là một bước tiến quan trọng về mặt ngoại giao đối với Việt Nam, được ví như là một mũi tên trúng 3 đích.

Tờ báo dẫn lời chuyên gia Nguyễn Việt Phương phân tích trên trang The Diplomat :
« Can dự vào một giải pháp hòa bình cho khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên sẽ giúp Việt Nam cải thiện mối quan hệ đối tác chiến lược với Washington, Seoul và vẫn giữ được quan hệ anh em với Bắc Triều Tiên ».

Liên quan đến mối quan hệ « anh em » đó, Le Monde nhấn mạnh Việt Nam và Bắc Triều Tiên có những tương đồng và khác biệt.
Cả hai nước trong quá khứ đã có chiến tranh với Mỹ trong một cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Việt Nam đã thoát khỏi cuộc chiến và hòa giải với Mỹ.

Bắc Triều Tiên, từ hơn 60 năm nay, vẫn coi Mỹ như là kẻ thù, đất nước vẫn bị chia cắt.
 Điểm chung là « cả hai nước đều đã là con tin của lịch sử không phải của họ là : Cuộc chiến tranh lạnh ».

Nhưng quan hệ giữa Hà Nội và Bình Nhưỡng đã trải qua những thăng trầm.
Việt Nam đã bắt tay cả với Hàn Quốc và Mỹ và đang có những thành công kinh tế nhất định.
Tuy nhiên, theo tác giả bài báo, hoàn cảnh của Bắc Triều Tiên bây giờ khác với Việt Nam của những năm 1980.

Thương mại Mỹ - Trung : Bắc Kinh trút thở phào

Chuyển sang với Les Echos, tờ báo kinh tế chú ý đến sự kiện hôm qua, 25/02, tổng thống Trump quyết định kéo dài thời hạn đình chiến thương mại ra sau ngày 01/03.
Les Echos có bài viết : « Bắc Kinh nhẹ người với viễn cảnh đạt thỏa thuận với Washington » trong cuộc đọ sức thương mại.

Tờ báo nhận định : « Dù không đưa ra tuyên bố chính thức nào, quyết định của Mỹ không áp dụng tăng thuế đánh vào hàng Trung Quốc từ ngày 1 tháng 3 chắc chắn được các lãnh đạo ở Bắc Kinh đón chào nồng nhiệt ».

Một chuyên gia về Mỹ thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Trung Quốc nhận định :
 « Mục tiêu đầu tiên của Bắc Kinh đã đạt được. Tức là không có leo thang trong cuộc chiến thương mại.
Đó là một tín hiệu tích cực vì ông Trump đã tỏ ý cho thấy sắp tới có thể đạt được thỏa thuận với Trung Quốc.

Quyết định của Mỹ không chỉ giải tỏa căng thẳng trong nội bộ chế độ Bắc Kinh, đang có ý kiến trái ngược nhau về việc xử lý vụ tranh chấp thương mại với Mỹ, mà còn là luồng dưỡng khí quý giá cho kinh tế Trung Quốc ».

Ông Tập Cận Bình, hơn ai hết, là người lo sợ nhất leo thang xung đột thương mại với Mỹ.
Từ cuối năm 2018, kinh tế Trung Quốc liên tục có dấu hiệu giảm tốc, trong khi đó tác động của cuộc chiến thương mại với Mỹ tiếp tục đè nặng trên các doanh nghiệp và hộ gia đình Trung Quốc.

Tuy vậy, theo các chuyên gia kinh tế được Les Echos trích dẫn, các cuộc thương lượng về thương mại sẽ còn khó khăn hơn ở giai đoạn cuối.

Bản thân Tân Hoa Xã, hãng tin chính thức Trung Quốc, cũng bình luận : « Cần phải giữ vững tinh thần, tranh chấp thương mại Mỹ-Trung còn kéo dài, phức tạp và căng thẳng ».

Algeri : Tổng thống Bouteflika ra ứng cử nhiệm kỳ 5

Một thời sự khác chiếm trang nhất nhiều báo Pháp là cuộc bầu cử tổng thống sắp tới tại Algeri với việc vị tổng thống 81 tuổi, già yếu Bouteflika vẫn tiếp tục ra tái ứng cử cho thêm nhiệm kỳ nữa đang làm dấy lên làn sóng phản đối trong dân chúng Algeri.

Xã luận báo Le Monde viết : Một tuần mới mở ra tại Algeri đang có những dấu hiệu quyết định.
 Giới sinh viên hôm nay thông báo biểu tình, nhiều lời kêu gọi biểu tình khác vào thứ Sáu tuần này, tức là hai ngày trước khi hết hạn nộp đơn ứng cử tổng thống, diễn ra vào ngày 18/04…

Đất nước Algeri đang thức tỉnh.
Hàng chục nghìn người từ hôm thứ Sáu tuần qua đã xuống đường biểu tình phản đối ông tổng thống bệnh tật ra ứng cử nhiệm kỳ thứ 5.

Còn Libération trích dẫn một câu khẩu hiệu của người biểu tình làm tựa lớn trang sự kiện :
« Algeri : Không nhiệm kỳ của sự xấu hổ ».

Xã luận tờ báo bình luận bằng lời lẽ khá cay nghiệt : Một tổng thống bị tai biến tim mạch, không có phát biểu nào trước công chúng từ 7 năm qua và chỉ còn xuất hiện trong các nghi lễ dưới các bức ảnh chụp.
Đó không còn gọi là bù nhìn nữa mà là xác ướp.

Những người ủng hộ thấy ở ông một sự bảo đảm ổn định. Đúng là sự ổn định hoàn hảo, bởi tổng thống bị câm, bất động, như là bức tượng sáp trong bảo tàng Grevin.

Thế là giới trẻ Algeri vùng lên. Libération đặt câu hỏi : Phải chăng sẽ có một mùa xuân Ả Rập mới ?
Có thể nhưng sẽ gặp nhiều khó khăn, tờ báo kết luận.

Switch mode views: