Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Ba sai lầm lớn của phương Tây tại Trung Đông

usa syria 1

Đoàn xe liên quân chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo do Hoa Kỳ lãnh đạo tại tỉnh Deir Ez-Zor, Syria, ngày 22/11/2018.
Matthew Crane/US Army/REUTERS

 

Chỉ trong vòng một thập niên, phương Tây nhanh chóng mất dần ảnh hưởng ở Trung Đông.

Việc Hoa Kỳ thông báo rút quân khỏi Syria là một dấu hiệu cuối cùng cho thấy rõ vai trò quan trọng của phương Tây đã bị giảm tại khu vực chiến lược này của thế giới.

 

Nhà báo Renaud Girard trên Le Figaro (12/01/2019) khẳng định : « Phương Tây bất lực tại Trung Đông ».

RFI Tiếng Việt xin giới thiệu.

Mọi việc bắt đầu từ đầu thập niên 2010. Phong trào phản kháng mà báo chí phương Tây gán cho tên gọi mỹ miều « Mùa xuân Ả Rập » đã cho thấy rõ một sự đối kháng giữa hai hệ tư tưởng : Một bên là theo xu hướng tự do phương Tây và bên kia là tư tưởng Hồi giáo cực đoan bắt nguồn từ phong trào Huynh Đệ Hồi Giáo.

Theo tác giả, đó là một cuộc chiến mà không một bên nào là người thắng cuộc, nhưng lại đặt nền móng cho con đường quay lại thực tế quốc gia.

Thay vì bị xóa nhòa, các đường biên giới được vạch rõ hơn bao giờ hết. Người dân không còn tin tưởng vào một thế giới Ả Rập được toàn cầu hóa và hiện đại hóa qua việc tự do ngôn luận trên các mạng xã hội.
Giấc mơ một vương quốc tập hợp nhiều nước theo đạo Hồi trong khu vực cũng tan theo mây khói.

Làn sóng trở lại với khái niệm quốc gia đang tiếp diễn ở Trung Đông. Khi người ta nhìn sự việc từ bên trong khu vực, người ta nhận ra rằng các quốc gia không ngừng tự củng cố.
Họ thực hiện điều đó thông qua cạnh tranh cũng như qua các mối liên minh mà những nước đó thiết lập giữa họ với nhau hay với nước ngoài.

Nhưng khi nhìn sự việc từ bên ngoài, người ta nhận thấy một hiện tượng còn đáng chú ý hơn nữa đang diễn ra ngay từ đầu năm 2019 : Phương Tây đang bất lực về mặt chiến lược tại Trung Đông.
Hiện tượng này được thấy rõ khắp nơi, ở tất cả các nước trong khu vực.

Vùng ảnh hưởng rơi rụng như lá mùa thu

Tác giả bài viết lần lượt điểm lại những nơi mà tiếng nói của phương Tây không còn có trọng lượng.
Trong hồ sơ Syria, phương Tây hầu như không có gì để mà nói. Mọi quyết định giờ đây nằm trong tay « câu lạc bộ Astana », bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Nga, bất chấp những khác biệt về lợi ích giữa ba cường quốc này tại Syria.

Với Thổ Nhĩ Kỳ, phương Tây cũng không thuyết phục được tổng thống Erdogan trong vấn đề người Kurdistan tại Syria, một chiếc gai cần phải nhổ đối với Ankara.

 Không những phương Tây bất lực nhìn Thổ Nhĩ Kỳ tấn chiếm vùng Afrin từ tay người Kurdistan, mà uy tín của phương Tây cũng xói mòn theo quyết định rút quân của tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tại Liban, quốc gia Hồi giáo do Pháp dựng nên năm 1920, phương Tây không còn có ảnh hưởng hơn Iran, mà phong trào Hezbollah chính là đứa con tinh thần của Teheran.

Ở Yemen, phương Tây không thể nào ngăn cản thảm họa nhân đạo xảy ra do các chiến dịch can thiệp quân sự của liên quân Ả Rập do Ả Rập Xê Út dẫn đầu, nhằm chống lại quân nổi dậy người Huthi, được Iran yểm trợ và hiện đang kiểm soát thủ đô Sanaa.

Còn tại vùng Vịnh, phương Tây như « chết đứng » trước những sai lầm to lớn liên tiếp trong chính sách đối ngoại của hoàng thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed Ben Salman, mà phương Tây trông đợi như một nhà cải cách, như ủng hộ phe nổi dậy thánh chiến cực đoan nhất ở Syria, hiện đang mất dần các vùng lãnh thổ, rồi can dự vào nội chiến ở Yemen, và nhất là việc lôi kéo đồng minh cô lập Qatar nhưng vẫn không làm khuất phục được tiểu vương quốc Ả Rập này.

Và còn nhiều hồ sơ khác nữa như tại Libya, Palestine và nhất là hồ sơ Iran.
Nếu như các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ vẫn chưa làm cho chế độ Teheran bị thay đổi như mong muốn của Mỹ, thì các biện pháp này lại đặt Anh và Pháp, những đồng minh thân cận của Mỹ trong thế « bất lực chiến lược » do việc các ngân hàng của họ buộc phải tuân thủ các điều kiện của Mỹ nhằm tránh bị Washington trả đũa.

Ba sai lầm lớn

Từ những quan sát trên, tác giả chua chát nhận định : Khi phương Tây bày tỏ mong muốn về tương lai Trung Đông thì không còn ai nghe theo nữa, bất kể là về đối nội hay đối ngoại.
Làm thế nào mà phương Tây có thể đi đến một sự bất lực chiến lược như thế ?
 Nhà báo Renaud Girard cho rằng phương Tây đã phạm ba sai lầm lớn.

Sai lầm thứ nhất là do tư tưởng tân bảo thủ.
Trào lưu này tin rằng người ta có thể áp đặt bằng vũ lực mô hình dân chủ cho người dân các nước khác.
Không có một tình trạng hỗn loạn khủng khiếp nào bằng cuộc chiến xâm lược Irak năm 2003, dù rằng nước Pháp đã can đảm lên án.
Việc Hoa Kỳ rút quân sớm năm 2010 là một sai lầm chiến lược to lớn bởi vì lẽ ra họ chỉ nên rút quân một khi Irak được bình ổn.

Lỗi lầm thứ hai của phương Tây là chính sách đối ngoại phải tuân theo các đòi hỏi của cử tri trong nước.
 Các tính toán trong chính sách đối nội có liên quan chặt chẽ với quyết định của ông Nicolas Sarkozy (tổng thống Pháp nhiệm kỳ 2007-2012) can thiệp quân sự vào Libya, cũng như là chính sách của tổng thống Trump với Iran, vốn dĩ bị tầng lớp cử tri của ông căm ghét từ 40 năm qua.

Hai ví dụ tai hại về Irak và Libya cũng đủ thuyết phục người dân Trung Đông rằng phương Tây rốt cuộc chẳng thèm đoái hoài gì đến cuộc sống ấm no của người dân ở đây, nhất là khi các nước này can thiệp quân sự vào Trung Đông.

Sai lầm cuối cùng chính là thái độ do dự của phương Tây.
Đã bao lần phương Tây cho thấy không có khả năng ra quyết định.
 Đề nghị của ông Tchourkine vào tháng 02/2012 là một ví dụ hiển nhiên nhất.

Năm đó, đại sứ của Nga tại Liên Hiệp Quốc Vitali Tchourkine đã có một đề nghị với phương Tây, tức là với nhóm P3 (Mỹ, Pháp và Anh) bởi vì ông hiểu rất rõ là chế độ Damas đang lung lay và có thể nên tìm một giải pháp, nghĩa là tìm đường để ông Bachar al Assad ra đi trong danh dự nhằm thiết lập một chính phủ chuyển tiếp.
Câu trả lời của ba nước phương Tây là « Không, chẳng cần phải thảo luận bởi vì, dù sao đi nữa, Bachar cũng sẽ bị người dân tống khứ trong vài tuần nữa ! »

Tác giả ngán ngẩm nhận định : Về Trung Đông, điều hay thấy ở những nước phương Tây, đó là suy nghĩ viển vông, mong ước, thường thế chỗ cho những chính sách.

Phương Tây bị « xóa sổ »

Và hậu quả của những sai lầm đó là phương Tây bị « xóa sổ » và ngay lập tức được thay bằng nước Nga, một cường quốc thực dụng.

Không những đã có hai căn cứ quân sự trên lãnh thổ Syria, nước Nga của ông Vladimir Putin như có tài phù phép, lần lượt cải thiện quan hệ với nhiều đồng minh của Hoa Kỳ như Ả Rập Xê Út (bị các nước phương Tây chỉ trích mạnh mẽ sau vụ tai tiếng sát hại nhà báo đối lập Khashoggi), với Israel cũng như là với Ai Cập hay Libya.

Thế nhưng, nhà báo Girard cũng lưu ý là việc phương Tây bị xóa sổ ở Trung Đông không phải là một tin tốt lành cho khu vực. Bởi vì, trong quá khứ, phương Tây cũng từng đóng góp nhiều ý tưởng hay.
 Để giải phóng Koweit, bị Irak xâm lược ngày 02/08/1990, Hoa Kỳ đã thành lập được một liên quân lớn quy tụ nhiều nước Ả Rập.

Tháng 10/1991, Mỹ từng triệu tập một Hội nghị lớn cho Hòa bình ở Madrid, Tây Ban Nha mà Palestine là khách mời.
Để rồi chưa đầy hai năm sau đó, Palestine của ông Arafat và Israel thời thủ tướng Rabin đã bắt tay nhau trước thềm Nhà Trắng.

Thế nhưng, vụ ám sát thủ tướng Israel tháng 11/1995 bởi một phần tử Do Thái giáo cực đoan đã nhanh chóng dập tắt tiến trình hòa bình cho khu vực.

Giờ đây, Hoa Kỳ, không còn cần đến dầu hỏa của Trung Đông, đã quyết định giảm can dự quân sự và chính trị trong một khu vực mà ở đó chiến lược của Washington chỉ giới hạn trong việc bóp nghẹt Cộng hòa Hồi giáo Iran nhằm thay đổi chế độ nước này.
 Còn Anh và Pháp thì quá yếu về mặt quân sự để có thể nắm giữ lại vai trò quan trọng này.

Từ đó, tác giả kết luận : Hiện tượng bất lực chiến lược của phương Tây có nhiều nguy cơ còn kéo dài.

Switch mode views: