Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 15-03-2018

Luân Đôn - Matxcơva : Theresa May đọ sức với Vladimir Putin
britain-russia

Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu trước nghị viện Anh Quốc, ngày 14/03/2018.
Reuters

"Chiến tranh lạnh", thủ tướng Anh "đi thêm một nước cờ", "so càng", "trả đũa", "giọng điệu cực kỳ cứng rắn".

Báo chí Paris mượn nhiều thuật ngữ trong binh thư khi bình luận về phản ứng mạnh mẽ của Luân Đôn sau vụ cựu điệp viên hai mang Skripal và con gái bị đầu độc.
Nhìn từ số 10 Downing Street, thủ phạm là nước Nga của Vladimir Putin.

Vụ đầu độc hai bố con ông Skripal là "giọt nước làm tràn ly", buộc Luân Đôn phải ra tay sau 14 vụ ám sát liên quan đến các nhà đối lập Nga trên đất Anh, theo ghi nhận của báo La Croix.

Les Echos nói đến "Đợt trục xuất các nhà ngoại giao quy mô nhất", khi Luân Đôn gia hạn một tuần lễ cho 23 nhà ngoại giao Nga rời khỏi nước Anh.
Luân Đôn cũng đình chỉ mọi đối thoại với Matxcơva ở cấp cao, rút lại lời mời ngoại trưởng Lavrov sang Anh và sẽ không có một quan chức cao cấp nào trong thành phần chính phủ hay trong hoàng gia đến dự cúp bóng đá Thế Giới, lần đầu tiên tổ chức tại Nga và mở ra trong chưa đầy một trăm ngày nữa.

Riêng nữ thủ tướng Theresa May, bà không ngần ngại "nêu đích danh" ông Vladimir Putin trong vụ đầu độc hai cha con cựu điệp viên Serguei Skripal hôm 04/03/2018 khi lên án "Nhà nước Nga sử dụng vũ lực bất hợp pháp nhắm vào nước Anh".
Để trả đũa, Luân Đôn hứa sẽ phong tỏa tài sản của Nga ở "bất kỳ nơi nào mà nước Anh có được bằng chứng là những tài sản đó được dùng vào mục đích đe dọa các công dân Anh".

Thái độ cứng rắn của nữ thủ tướng May khiến "hàng ngàn người Nga sống tại Luân Đôn và cả khu trung tâm tài chính City lạnh xương sống", bởi vì, như bá Libération giải thích :
 "Kiều dân Nga mỗi năm, vẫn rót hàng tỷ đồng bảng vào các ngân hàng, vào thị trường địa ốc trên tại vương quốc Anh".

Thông tín viên của Libération tại Luân Đôn lưu ý, lời lẽ "cực kỳ cứng rắn của nữ thủ tướng Anh lần này, trái ngược hắn với sự thờ ơ và phản ứng rất dè dặt của chính quyền Anh trong vụ cựu điệp viên Alexandre Litvinenko bị đầu độc bằng chất Polonium 210 có nồng độ phóng xa rất cao, hồi năm 2006.
Phải mất 10 năm, công chúng mới được biết sự thật. Theresa May ở cương vị bộ trưởng Nội Vụ trong một thời gian dài đã ngăn cản công cuộc điều tra". Bà luôn chủ trương Luân Đôn "nên giữ quan hệ ngoại giao với nước Nga" là hơn.

Tính toán của thủ tướng May

Trong nhiều năm, Luân Đôn không mấy hào hứng trước việc "trực tiếp đối đầu" với Matxcơva. Vậy, lần này có gì khác ?
Về mặt đối nội, bà May đang cần được Quốc Hội yểm trợ trong lúc bà đang bị cả đối lập lẫn đảng bảo thủ chỉ trích về hồ sơ Brexit.

Còn về đối ngoại, Libération nhận thấy thủ tướng Anh đang tìm cách "lôi kéo cộng đồng quốc tế về phía Luân Đôn" trong cuộc đọ sức với Matxcơva, làm sống lại bầu không khí những năm tháng "chiến tranh lạnh".
Le Monde bình luận, trong mọi trường hợp, tính toán của bà Theresa May "hết sức tế nhị".

Ba ngày trước bầu cử tổng thống Nga mà kết quả đã được báo trước, chiến lược cứng rắn của Luân Đôn càng tô điểm thêm hình ảnh của một Vladimir Putin một mình đương đầu với phương Tây. Lá bài ấy giúp ông Putin kiếm phiếu của cử tri.

Angela Merkel, một nhiệm kỳ mới với nhiều thách thức

Nhân vật nữ thứ nhì chiếm nhiều trang trên các tờ báo Pháp là thủ tướng Đức Angela Merkel, sau khi bà chính thức tuyên thệ nhận thêm nhiệm kỳ thứ tư.
Phải mất sáu tháng sau bầu cử, bà Merkel mới thành lập được nội các với tỷ lệ tín nhiệm ở Quốc Hội thấp hơn dự kiến.

"Chưa gì mà đa số ủng hộ Merkel ở Quốc Hội đã bị thu hẹp" là tựa một bài báo trên Le Figaro.
Les Echos nêu bật những thách thức chờ đợi bà Angela Merkel ở nhiệm kỳ vừa chính thức mở ra hôm 14/03/2018 : "Có 15 bộ trưởng, trong đó có 7 phụ nữ, ưu tiên của nội các mới là phải vượt qua những bất ổn chính trị trong nước có thể cản trở mọi kế hoạch cải tổ, trong đó có tham vọng cải tổ Liên Hiệp Châu Âu."

Chính sách nhập cư và thương mại là những hồ sơ nhậy cảm không kém.
Le Monde đi sâu hơn vào chi tiết trong bài xã luận: "25 tuần lễ để thành lập chính phủ và đà vươn lên của phe cực hữu là hai thách thức chờ đợi thủ tướng Merkel trên chính trường Đức.

Còn trên trường quốc tế, đành rằng, đồng euro không còn bị đe dọa như hồi năm 2009, nhưng trên cả Lục Địa Già, các làn sóng bài châu Âu đang dâng cao.
Trung Quốc, Nga, và cả Thổ Nhĩ Kỳ đang trở thành những chế độ độc đoán, còn nước Mỹ của Donald Trump đang mở ra một cuộc chiến thương mại với toàn thế giới.  Angela Merkel bước vào một nhiệm kỳ thủ tướng mới trong hoàn cảnh bất thuật lợi hơn bao giờ hết".

Iran, Bắc Triều Tiên : hai hồ sơ nhạy cảm trong tay phe "diều hâu"

Hồ sơ quốc tế thứ ba được cáo báo Pháp tiếp tục bình luận nhiều là sự kiện bộ Ngoại Giao Mỹ đổi chủ.
 Theo La Croix, để chuẩn bị cho hai sự kiện ngoại giao quan trọng trong tháng 05/2018, Nhà Trắng đã chọn nhân vật "diều hâu" Mike Pompeo đứng đầu bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.

Hai sự kiện ngoại giao đó gồm việc Mỹ tuyên bố có rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hay không và cuộc họp thượng đỉnh giữa tổng thống Donald Trump với lãnh đạo Bắc Triều Tiên, Kim Jong Un.

Tờ báo lo ngại rằng tổng thống Mỹ không chọn đúng người để đứng đầu bộ Ngoại Giao : "Từng phục vụ trong quân đội, từng là một doanh nhanh trước khi ra làm chính trị, nhưng tài ngoại giao của ông này tới nay còn là một ẩn số".

Đầu năm 2017, khi được chỉ định đứng đầu cơ quan tình báo CIA, Mike Pompeo đã chủ trương là để cơ quan này thành công, CIA phải "hung hăng, thô bạo, không dung tha, quyết liệt và không nương tay".
 La Croix đặt câu hỏi : Liệu đó có là kim chỉ nam trong đường lối đối ngoại giao của người sắp thay thế ông Rex Tillerson hay không ?
Le Monde, trong bài viết mang tựa đề "Ngoại giao Mỹ trong tay một nhân vật cứng rắn", nói đến một sự "gần gũi" giữa hai nhân vật Donald Trump và Mike Pompeo.

Giám đốc CIA làm việc với tổng thống Mỹ hàng ngày và trong lúc mọi người chỉ trích những tin nhắn thô bạo của Donald Trump trên Twitter thì Mike Pompeo cho rằng chính những Twitt đó đã "có tác động thực sự để chúng ta hiểu được thế giới chung quanh".
Le Monde bình luận thêm : "Lời ca tụng đó không lọt khỏi tai người được khen".

Bắc Triều Tiên trong mắt tân ngoại trưởng Mỹ

Về lập trường của ngoại trưởng Mỹ tương lai trên hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, tác giả bài báo, Gilles Paris, chờ đợi Mike Pompeo đưa ra một cái nhìn "bi quan hơn".
 Trong một phát biểu gần đây, giám đốc CIA từng khẳng định, Kim Jong Un trang bị vũ khí nguyên tử không chỉ để bảo đảm chế độ được tồn tại. Mục tiêu sau cùng của Bình Nhưỡng là "thống nhất bán đảo Triều Tiên".

Le Monde kết luận, có tin đồn là sớm muộn gì cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, tướng McMaster cũng sẽ ra đi.
Khi đó, chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ sẽ được đặt trong tay ba nhân vật là Donald Trump, ngoại trưởng Pompeo và đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bà Nikki Haley. Nhân vật này nổi tiếng là hiếu chiến.

Syria, một dân tộc quá mệt mỏi vì cuộc nội chiến

Ở cách rất xa Washington, tại Damas, người dân "mệt mỏi vì chiến tranh". Nhưng chủ đề này không thu hút báo chí bằng việc ngoại trưởng Rex Tillerson bị cách chức một cách thô bạo.

La Croix chạy tựa trên trang nhất : "Syria, cả một dân tộc đang kiệt sức".
Cuộc nội chiến tại Syria bước sang năm thứ 8, gần nửa triệu người thiệt mạng, 80 % dân số sống trong cảnh bần cùng, một số ít lợi dụng chiến tranh và lệnh cấm vận làm giàu.
La Croix là tờ báo duy nhất dành hai trang để nói về chủ đề này.
"Đến khi nào tai họa mới chấm dứt ? Biết đến bao giờ du khách trên thế giới mới trở lại Syria ?" là câu hỏi mà nhiều dân cư ở thủ đô Damas đã hỏi phóng viên của báo La Croix.

Nhưng ngay cả khi im tiếng súng, làm thế nào để xóa đi dấu vết của chiến tranh, khi mà trong suốt 7 năm trời đã nảy sinh nhiều nghi kỵ giữa chính những con người sinh ra trên cùng một đất nước ?
Syria làm thế nào để hàn gắn vết thương khi cuộc nội chiến đã cướp đi hơn 350 ngàn sinh mạng ?

Người Ả Rập cổ xưa tin rằng, những người bị ám sát, đêm đêm hiện hồn về đòi công lý, họ mang hình hài của những con chim, cất tiếng kêu thấu trời cho đến khi nào thủ phạm đền tội mới thôi.
Một nhà văn Syria nói với phóng viên của La Croix, "sẽ có bao nhiêu con chim cất tiếng gào thét như thế trong đêm ?"

Tiền bạc chung quanh gia tài của Jonny Hallyday

Lơ là với thảm họa nhân đạo ở Syria, Le Monde, Le Figaro hay Libération đều mổ xẻ hiệp một trong cuộc đọ sức pháp lý giữa Laeticia, người vợ góa của nam danh ca Johnny Hallyday và hai người con lớn của ông là Laura Smet và David Hallyday.

 Mấu chốt trong hiệp đầu này liên quan tới đĩa hát cuối cùng của nam danh ca Johnny Hallyday sắp được cho ra mắt công chúng.
Laura và David đều là nghệ sĩ, thậm chí David từng soạn nhạc cho cha, đòi được quyền "can thiệp" vào đĩa hát cuối cùng của thần tượng Johnny.
Can thiệp ở đây cần hiểu theo nghĩa là cả nghệ thuật và tác quyền. Libération chán ngán chạy tựa : Gia tài của Hallyday, giữa hai phe "chỉ có tiền bạc".

Các nhà văn Nga nghĩ gì về nước Nga của Putin ?

Vào lúc Hội chợ sách Paris 2018 sắp mở cửa, với khách mời danh dự năm nay là Nga, La Croix dành một hồ sơ lớn để nói về "Nước Nga của Putin trong mắt các nhà văn Nga".
Khoảng 30 cây bút của làng văn học Nga đương đại sẽ không đi bầu lại tổng thống vào Chủ Nhật này, vì họ đang ký sách ở Hội chợ Paris.
Khi được hỏi về tình hình chính trị tại đất nước, nhiều người bực mình cho rằng họ đến Paris để nói chuyện về văn chương, chí không để bình luận về chính sách của Putin.

Một vài cây bút khác, như nhà văn nữ Narina Abgaryan, 47 tuổi thì không ngần ngại tâm sự : nước Nga của tổng thống Putin là nơi "không có dân chủ, không có bình đẳng trước pháp luật và hệ thống tư pháp không được độc lập".

Theo nhận định của La Croix, giới văn nghệ sĩ ở Nga "chán nản, mệt mỏi". Văn sĩ Dmitri Danilov không vòng vo : bầu cử tổng thống tại Nga là "một trò hề để phục vụ một ứng cử viên mà ai cũng biết là đã cầm chắc phần thắng trong tay.
Bầu cử tổng thống Nga, chẳng có gì đáng để chú ý".

Switch mode views: