Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Diễn đàn Lan Thương – Mêkông vì lợi ích của Trung Quốc?

Mekong 2

Lượng cá trên dòng sông Mêkông ngày càng khan hiếm. Ảnh chụp ngày 05/01/2018, một cặp vợ chồng người Cam Bốt làm nghề chài lưới trên sông Mêkông tại tỉnh Kandal, Cam Bốt.
TANG CHHIN SOTHY / AFP

Trước đây không lâu, Mêkông vẫn được coi là một trong những dòng sông lớn thông thoáng nhất thế giới.

 Nhiều thập kỷ chiến tranh đã cản trở việc xây dựng đập hay các công trình quy hoạch sông. Thế nhưng thời kỳ đó đã qua từ khi Trung Quốc và cả các nước vùng hạ lưu sông Mêkông lao vào cuộc chạy đua khai thác dòng sông để đáp ứng nhu cầu phát triển năng lượng và giao thông.

Mêkông đang bị băm nát bằng những công trình đập thủy điện gây ra những hậu quả tai hại không chỉ đối với chất lượng nước, đa dạng sinh học mà còn cả cuộc sống của hàng triệu người từ bao đời nay sống hai bên sông.
 Lãnh đạo chính phủ 6 nước có sông Mêkông chảy qua hôm nay 10/01/2018 tham dự diễn đàn hợp tác Lan Thương - Mêkông tại Phnom Penh.

Tầm quan trọng của sông Mêkông

Sông Mêkông bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng có chiều dài gần 5000 km chảy qua 6 nước.
Tổng diện tích lưu vực sông Mêkông rộng gần 800 nghìn km2. Từ tỉnh Vân Nam Trung Quốc cho đến vùng châu thổ cực nam Việt Nam, con sông là nguồn sống, tạo dựng một nền tảng văn hóa của nhiều cộng đồng dân cư từ bao đời nay.

Ước tính có khoảng 60 triệu dân đang sống trong hạ lưu sông Mêkông tại Cam Bốt, Lào, Thái Lan và Việt Nam.

Sông Mêkông là nguồn cung cấp nước sạch, thực phẩm, giao thông vận tải và năng lượng không thể thiếu được cho sự tồn tại của cộng đồng dân cư trên.
Vùng lưu vực sông là nơi sinh sống của từ 1200 đến 1700 loài cá. Sự đa dạng sinh học trên sông Mêkông chỉ xếp sau Amazonie và Congo.

Không thể đánh giá được hết tầm quan trọng về kinh tế của Mêkông đối với khu vực hạ lưu, đặc biệt trong lĩnh vực an toàn lương thực.
Riêng trong vùng đồng bằng Thái Lan, lưu vực sông Mêkông đã chiếm một nửa diện tích đất canh tác.

Ở Cam Bốt, biển hồ Tonle Sap luôn luôn là một nguồn cung cấp nước ngọt và thủy sản bảo đảm cung cấp một lượng lớn thức phẩm cho đất nước còn rất nghèo này.
Nghề đánh bắt thủy sản dọc con sông này chiếm 3% tổng sản lượng tôm cá đánh bắt trên thế giới và 17% lượng cá nước ngọt, đủ để nuôi sống 70 triệu dân.

 Tại việt Nam, châu thổ sông Mêkông sản xuất ra 1/3 lượng gạo của cả nước .
Từ Vientiane đến Phnom Penh qua thành phố Hồ Chí Minh, những thành phố lớn này không chỉ gắn bó mà còn lệ thuộc vào con sông lớn này.

Đã có một thời gian dài, khác với các dòng sông lớn trên thế giới, Mêkông là con sông trù phú và yên bình bởi không bị quy hoạch khai thác năng lượng .
Đáng tiếc là chỉ trong vòng một hai thập kỷ trở lại đây, dòng sông Mêkông đã có những thay đổi nhanh.

Hiện có hai mối đe dọa lớn đối với hệ sinh thái của dòng sông liên quan trực tiếp đến cuộc sống của hàng triệu con người: Xây dựng đập thủy điện và cải tạo các tuyến giao thông đường thủy mới trên thượng lưu (khai ngòi, nạo vét dòng chảy, đào kênh… )

Mêkông và cơn khát năng lượng Trung Quốc

Ở Trung Quốc, Mêkong được gọi là sông Lan Thương (Lancang). Trung Quốc đã đẩy mạnh đầu tư dọc thượng nguồn dòng sông để xây dựng các con đập thủy điện và tuyến hàng hải.

Đến giờ đã có 7 con đập lớn được hoàn thành và 20 dự án khác đang trong quá trình thực hiện hoặc nằm trong kế hoạch khai thác sông Mêkông của Trung Quốc, tại Tây Tạng, Vân Nam hay Thanh Hải, theo số liệu của International Rivers, tổ chức phi chính phủ bảo vệ môi trường và nhân quyền có trụ sở tại Mỹ.

Các đập thủy điện của Trung Quốc xây dựng trên sông Mêkông có khả năng ngăn giữ một nửa lưu lượng dòng chảy của toàn bộ sông.
Việc thay đổi dòng chảy, lưu lượng của con sông lớn giờ đây không phụ thuộc vào các yếu tố tự nhiên mà phụ thuộc vào nhu cầu sản xuất năng lượng của các thành phố và khu công nghiệp Trung Quốc.

Trung Quốc đi đầu kéo theo các nước ở vùng hạ lưu cũng chạy theo theo.
Trong bối cảnh bùng nổ kinh tế và giá năng lượng trong khu vực, các nước ở hạ lưu Mêkông lại lôi ra những dự án thủy điện cũ, góp thêm phần đe dọa cuộc sống của những cộng đồng dân cư dọc dòng sông.
Hiện có khoảng 11 dự án có thể đã và đang được triển khai trong vùng hạ lưu sông Mêkông.

Năm 1995, Cam Bốt, Lào, Thái Lan và Việt Nam đã thành lập Ủy ban sông Mêkông để có thể trao đổi các dữ liệu, thông tin nhằm quản lý tốt hơn Mêkông.
Có điều là Trung Quốc vẫn từ chối tham gia Ủy ban này, cũng như họ đã phản đối Hiệp định khung của Liên Hiệp Quốc về việc sử dụng các dòng sông vào mục đích khác ngoài giao thông đường thủy.

Trong khi đó các hoạt động đơn phương khai thác sông Mêkông trên thượng nguồn để phục vụ nhu cầu phát triển riêng của Trung Quốc ngày càng được đẩy mạnh, gây không ít lo ngại cho các nước hạ nguồn.

Các nhà bảo vệ sinh thái và nhiều chính phủ đã không ít lần tỏ lo ngại về những tác hại của việc Trung Quốc xây đập tràn lan trên thượng nguồn Mêkông. Năm 2016, khi Việt Nam trải qua đợt hạn hán chưa từng có trong 90 năm qua, nhiều chuyên gia khẳng định một phần trách nhiệm của tai họa đó là do các con đập và hồ chứa nước mà Trung Quốc đã xây ở đầu nguồn Mêkông.

Bắc Kinh còn dự án mở tuyến đường thủy trên sông Mêkông giữa Thái Lan và Lào cho phép các tàu lớn vận chuyển hàng hóa có thể qua lại.
Kế hoạch này đã vấp phải sự phản đối gay gắt của cư dân ven sông và những tổ chức bảo vệ môi trường tại Thái Lan.

Lan Thương - Mêkông phục vụ lợi ích Trung Quốc

Tháng trước, các bộ trưởng Ngoại Giao của 6 nước vùng sông Mêkông đã gặp nhau tại Trung Quốc để chuẩn bị dự án phát triển 5 năm trên con sông này và sẽ được trình lên cuộc gặp thượng đỉnh tại Cam Bốt hôm nay (10/01).

Thực tế, diễn đàn hợp tác Lan Thương- Mêkông đã được Bắc Kinh lập ra từ năm 2015.
Đây là một cơ chế hợp tác được đánh giá là để cạnh tranh với Ủy ban sông Mêkông đã tồn tại từ nhiều thập kỷ qua, nhưng không có sự tham gia của Trung Quốc và Miến Điện.

Trong hai năm sau khi hình thành cơ chế hợp tác Lan Thương- Mêkông, Trung Quốc đã tổ chức 3 hội nghị ngoại trưởng và đầu tư nhiều tỷ đô la cho khoảng 45 dự án hợp tác khu vực.
Trong một bài viết hôm 08/01 về những mối đe dọa sông Mêkông từ các con đập Trung Quốc, AFP đã nhận định:

 Với sự kiểm soát ở đầu nguồn sông Mêkông, Bắc Kinh có thể xây đập ngăn dòng ở đoạn sông chảy qua nước này trong khi những tác động từ việc này được cảm nhận rõ rệt ở hạ lưu.

Trung Quốc giờ đang muốn giành quyền kiểm soát thông qua Diễn đàn Hợp tác Lan Thương - Mêkông, đồng thời cố gắng xoa dịu các nước ở hạ lưu dòng sông bằng những khoản đầu tư và viện trợ.

"Có một mối quan ngại lớn cho rằng vai trò dẫn dắt và ảnh hưởng tương đối của Trung Quốc sẽ khiến nước này đặt những lợi ích riêng của họ lên trên những hợp tác có ý nghĩa", chuyên gia Maureen Harris, giám đốc chương trình Đông Nam Á của tổ chức International Rivers, cảnh báo.
"Phần lớn lợi ích thuộc về các công ty, tập đoàn trong khi các cộng đồng dân cư dọc theo dòng sông bị ảnh hưởng nặng nề nhất", chuyên gia Harris nói thêm.

Đến nay, các công ty Trung Quốc đã và đang đầu tư hàng triệu đô la Mỹ vào nhiều dự án đập thủy điện, nhưng không tiến hành đánh giá các tác động môi trường và xã hội một cách toàn diện.

Switch mode views: