Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 29- 12-2017

2017: Năm của những vụ đầu cơ khổng lồ

wall street

Một biểu ngữ của Snapchat đính trên tường trụ sở thị trường tài chính New York, Hoa Kỳ, ngày 23/01/2017
REUTERS / Brendan McDermid

Các nhật báo Pháp ra số cuối năm hôm nay đều có chung một xu hướng là nhìn lại những sự kiện ấn tượng của năm 2017 sắp đi qua.

Trên góc độ kinh tế, nhật báo Les Echos nhìn lại năm cũ với một nhật xét : « Thế giới đã trở thành cỗ máy sản sinh các loại bong bóng đầu cơ ».

Bài phân tích của Les Echos đưa ra 4 cái tên: Neymar, Apple, Leonard de Vinci và bitcoin.
Thoạt nhìn thì chúng chẳng có gì liên quan với nhau, nhưng theo tác giả, mỗi cái tên đó trong năm nay đều gắn với một sự kiện và đều cho thấy thế giới này đã trở thành cỗ máy khổng lồ để sản xuất các bong bóng đầu cơ thế nào?

Thế giới tài chính đã tách khỏi môi trường kinh tế thực để đẩy giá trị của một số tài sản lên đến mức phi lý ra sao?

Les Echo cho biết: «Năm 2017, Neymar danh thủ bóng đá người Brazil được chuyển nhượng về câu lạc bộ Paris Saint Germain với 222 triệu euro, gấp đôi giá chuyển nhượng kỷ lục thời điểm bấy giờ.

Apple gần đạt 1000 tỷ euro vốn chứng khoán trên thị trường Wall Street.
Bức tranh «Salvator Mundi» của danh họa Leonard de Vinci được bán với giá 450 triệu đô la.
Tiền ảo bitcoin, trong vòng 1 năm tăng giá trị gấp 15 lần làm cả thế giới nhớn nhác».

Theo Les Echos, đó là những hiện tượng bong bóng đầu cơ mới cùng với những bong bóng đầu cơ bất động sản, tín dụng ...
 Các thể loại bong bóng đầu cơ giờ có ở khắp nơi. Chúng được nuôi dưỡng bởi 3 hiện tượng kinh tế đương đại: Siêu thanh khoản, toàn cầu hóa và «hiệu ứng Pavaroti»

Bài báo phân tích nguyên nhân đầu tiên: Hiện tượng siêu thanh khoản.
Những năm qua, các ngân hàng trung ương đã áp dụng chính sách lãi suất cực thấp, gần như cho không và đổ một khối lượng thanh khoản khổng lồ vào hệ thống tài chính.

Chính sách này, thời hậu khủng hoảng là cần thiết để tránh cho thế giới rơi vào tình trạng như cuộc đại khủng hoảng 1929, tuy nhiên đã làm tăng khối lượng tiền tệ lưu hành lớn chưa từng thấy.
Lượng tiền của các ngân hàng tạo ra giờ đây chiếm 30% GDP của thế giới, trong khi cuối những năm 1990 con số này chỉ chiếm có 6%.
Núi tiền này đã gây rối loạn mối liên hệ giữa giá trị thực của tài sản và cái giá được trao đổi.

Tiếp đến là quá trình toàn cầu hóa.
Theo Les Echos, toàn cầu hóa kết nối 3 thành tố tạo nên của cải vật chất: Vốn, nguyên vật liệu cơ bản và lao động.
Vốn thì từ lâu nay vẫn thuộc về độc quyền của các nước giàu có, nguyên vật liệu thì ở châu Phi, Trung Đông, lao động thì ở châu Á.

Trở thành công xưởng thế giới, Trung Quốc đã tích lũy được một khối lượng dự trữ tài chính khổng lồ.
Giờ họ cần tung ra đầu tư, chủ yếu tại các nước phát triển.
Tương tự như các nhà sản xuất dầu mỏ ở Trung Đông, lâu nay ngồi trên đống tiền thu từ vàng đen bây giờ có thể ném vào các đầu tư ở châu Âu hay Hoa Kỳ.

Tờ báo kinh tế nhận thấy, đằng sau vụ bùng nổ giá chuyển nhượng cầu thủ bóng đá luôn có bóng dáng của các mạnh thường quân Qatar, bu Dhabi hay Trung Quốc, hay như đứng sau vụ mua bức tranh Salvator Mundi chính là hoàng tử Ả Rập Xê Út.
Nguyên nhân cuối cùng là «hiệu ứng Pavaroti».
Đây là thuật ngữ do nhà kinh tế François Meunier tạo ra.

Xuất xứ của nó là giọng nam cao người Ý Pavaroti đã trở thành huyền thoại, đẹp đến mức công chúng khi nói đến ca hát chỉ nhắc đến tên ông và lúc sinh thời, ông có được những khoản thu khổng lồ.
Trong lĩnh vực kinh tế, nhờ có công nghệ số phát triển mà những cái tên như Apple, Google, Amazon hay Alibaba trở nên thống trị khách hàng thế giới.

Thêm vào đó những Uber, Airbnb hay Spotify đã lật đổ nhiều ngành nghề truyền thống.
Tất nhiên, các công ty này kiếm bộn tiền và những đồng tiền đó sẽ được quay trở lại đổ vào các khoản đầu tư kỷ lục.

Les Echos nhận định: «hệ quả là chúng ta đang bước vào kỷ nguyên bong bóng đầu cơ thường trực.
Việc dồi dào thanh khoản đã khiến chúng ta chuyển từ nền kinh tế phục vụ nhu cầu thiết yếu sang một nền kinh chạy theo sở thích, ở đó khái niệm giá cả trở nên không mấy xác đáng».

Từ tiền thực đến tiền ảo. Giờ đây bitcoin, đồng tiền số hóa, không lệ thuộc bất kỳ quốc gia, ngân hàng nào nhưng vẫn phát tán khắp thế giới và những tháng gần đây đã gây náo động trên thị trường tiền tệ.
Đây mới là bong bóng đầu cơ tiêu biểu của thời hiện đại. Les Echos kết luận.

2017: Trái đất nóng kỷ lục

Tiếp tục với chủ đề nhìn lại năm cũ, nhưng trên hồ sơ khí hậu toàn cầu.
 Nhật báo le Monde chạy tựa lớn trang nhất: « 2017, khí hậu nổi xung» trên nền tấm ảnh lớn cảnh người dân lội đến ngực trong vùng lụt đảo Mindanao Philippine sau cơn bão trong tháng 12 này.

Tờ báo cho biết, năm 2017 là năm thứ 3 liên tiếp trái đất lập kỷ lục nóng lên.
Theo Tổ Chức Khí Tượng Thế Giới (OMM), cho dù không nằm trong chu trình của hiện tượng El Nino (hiện tượng tự nhiên thường kéo theo nhiệt độ trái đất tăng), năm 2017 vẫn sẽ là một trong ba năm nóng nhất từ khi thế giới bắt đầu thống kê nhiệt độ hồi cuối thế kỷ 19.

Tổng thể, nhiệt độ trái đất đã tăng trung bình cao hơn giai đoạn 1981-2010 là 0,4°C và cao hơn ngưỡng 1°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Một trong những nguyên nhân là lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính vẫn tiếp tục tăng.
 Hậu quả của khí hậu ấm lên, theo le Monde, đã có thể thấy ngay qua những hiện tượng thời tiết bất thường, cực đoan xảy ra ở khắp nơi trên thế giới.

Thiệt hại kinh tế do bão gây ra cũng đạt con số kỷ lục.
Riêng cơn bão Harvey đổ vào Mỹ đã gây thiệt hại 200 tỷ đô la.
Rồi tiếp đến những thiệt hại của cơn bão Irma và Maria cũng có thể đạt tới 400 tỷ. Những con số lớn chưa từng có.

 Bên cạnh đó người ta cũng ghi nhận một mùa hè nóng bức kéo dài. Hiện tượng này đã trở nên thường xuyên gây hạn hán, hỏa hoạn ở khắp nơi trên thế giới.
 Đặc biệt ở California, đến sát dịp Noel, người ta vẫn còn phải vật lộn với những đám cháy rừng lớn chưa từng có.

Tấn công Bắc Triều Tiên: Chuyện không đơn giản

Năm 2017 còn được đánh dấu bằng cuộc khẩu chiến dữ dội giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên, khiến cả thế giới hoang mang lo sợ về một cuộc chiến tranh có thể xảy ra.
 Les Echos trích dẫn tờ Financial Times của Anh đề cập đến cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên nhưng ở một khía cạnh khác: Khâu chuẩn bị và hậu cần cho cuộc chiến tranh.

Cuộc tấn công «trút lửa giận dữ» vào đất nước của Kim Jong Un như tổng thống Trump Mỹ đã dọa không hề đơn giản chút nào.
Theo Financial Times, một cuộc tấn công như vậy nếu xảy ra đòi hỏi một sự chuẩn bị kỹ lưỡng về quân sự và đặc biệt trong lĩnh vực hậu cần vận tải.

Sau khi tham khảo ý kiến nhiều chuyên gia quân sự, nhật báo kinh tế Anh khẳng định, sự chuẩn bị quá phức tạp đến mức mà rất ít có khả năng xảy ra một cuộc tấn công như vậy.

Trước hết đó là vấn đề 200 nghìn công dân Mỹ đang sống tại Hàn Quốc, thêm vào đó còn có 50 nghìn người Mỹ tại Nhật Bản.
Trước khi mở tấn công Bắc Triều Tiên, chắc chắn Washington sẽ phải tính đến chuyện di tản các kiều dân của mình.
 Nhưng mở chiến dịch vận tải quy mô lớn như vậy có khi lại trở thành ngòi nổ để chế độ Bình Nhưỡng tấn công phủ đầu trước, Financial Times ghi nhận.

Còn cựu chỉ huy các lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương, Dennis Blair thì nhấn mạnh vào những thách thức về mặt quân sự. Đó là việc vận chuyển quân dụng và khí tài cần thiết cho cuộc chiến, gọi quân dự bị, tổ chức trú ẩn cho thường dân ….

Chuyên gia Kim Yeol-soo của Viện Quân sự Hàn Quốc thì nhận định, một cuộc tấn công Bắc Triều Tiên sẽ phải huy động 700 nghìn lính Mỹ, 160 tàu chiến, 1600 máy bay và 2,7 triệu quân dự bị Hàn Quốc.

Khó khăn cuối cùng là cho dù Mỹ có biết chính xác kho vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên nằm chỗ nào, cách duy nhất để phá hủy nhanh, không cho đối phương kịp trở tay sẽ phải là dùng vũ khí hạt nhân trước. Đây là một giả thuyết mà ông Dennis Blair cho là «không thể chấp nhận được».

George Weah từ Quả Bóng Vàng đến tổng thống Liberia

Người dân Liberia đã chọn thần tượng bóng đá của họ, danh thủ George Weah làm tổng thống với tỷ lệ phiếu bầu 60%.
George Weah là cái tên đã gắn bó với làng bóng Pháp và nổi tiếng ở các sân cỏ châu Âu ở thập niên 1980-1990.

Nhiều tờ báo Pháp đã coi đây là sự kiện quan trọng và dành những bài viết dài về vị tổng thống tân cử của một trong những nước nghèo nhất châu Phi, bị nội chiến làm cho điêu tàn và suy sụp vì dịch Ebola làm.

Tờ báo thể thao L’Equipe dành một bài viết dài, chủ yếu trở lại với hào quang quá khứ của một George Weah danh thủ bóng đá. Ông đã từng khoác áo các câu lạc bộ Paris Saint-Germain của Pháp và AC Milan của Ý.
 Cho đến giờ ông vẫn là cầu thủ châu Phi duy nhất giành Quả Bóng Vàng của làng bóng đá châu Âu, được trao tặng năm 1995.

Trong khi đó, Le Figaro chú ý nhiều đến những thách thức vô cùng lớn đang chờ đợi vị tổng thống tân cử của Liberia cho dù ông không phải bây giờ mới bước chân vào con đường chính trị.

Sau khi từ giã sự nghiệp sân cỏ, George Weah đã có thời gian dài chuẩn bị học vấn và tích lũy kinh nghiệm trên chính trường.
Ông có bằng đại học ở Mỹ và năm 2014 từng được bầu làm thượng nghị sĩ một địa phương đông dân nhất Liberia.
Nay khi ở tuổi 51, George Weah bước lên bục cao quyền lực.

Nhật báo Pháp nhắc lại George Weah đã hứa ngăn chặn nạn tham nhũng, ưu tiên hành động cho lĩnh vực y tế.
Người ta vẫn chưa quên, năm 2014, đại dịch Ebola đã làm 5000 người dân nước này thiệt mạng.
Qua nạn dịch đó, người ta càng nhận thấy hệ thống y tế của đất nước này quá tồi tàn trong một nền kinh tế đang hấp hối do nội chiến triền miên.

Switch mode views: