Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 07-06-2017
- Thứ Tư, 07 tháng Sáu năm 2017 18:39
- Tác Giả: Trọng Thành
Vùng euro trước ngưỡng cửa một ‘‘thập niên vàng’’ ?
Đồng euro. Ảnh chụp tại khu vực Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu, Frankfurt, Đức.
REUTERS/Kai Pfaffenbach
Cơn bão tan đi, ánh mặt trời hé rạng là cảm nhận của Le Monde hôm nay, 07/06/2017, về viễn cảnh của khu vực đồng euro, sau hơn một thập niên lao đao. ''Vùng euro trước buổi bình minh của một ‘‘thập niên xán lạn’’ ? '' là tựa của bài viết.
Le Monde dẫn hàng loạt nhận định của các chuyên gia kinh tế, từ ngân hàng Thụy Sĩ Pictet, ngân hàng Pháp Natixis, đến nhật báo tài chính Anh Financial Times, vốn thường tập trung vào những yếu kém của châu Âu lục địa.
Financial Times nhận xét : « Sự hồi phục của khu vực đồng euro là một ngạc nhiên về kinh tế của năm 2017 ».
Trả lời phỏng vấn hãng tin Mỹ Bloomberg, ông Philipp Hilderbrand đương kim phó chủ tịch quỹ đầu tư BlackRock – được coi là quỹ đầu tư lớn nhất thế giới - dự đoán : liên minh tiền tệ châu Âu đang đứng trước « một thập niên xán lạn ».
Tình hình được đánh giá là chưa bao giờ lạc quan như vậy kể từ khởi đầu cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007. Đa số các chỉ số cơ bản đều chuyển sang « màu xanh ».
Thất nghiệp ở mức thấp nhất kể từ năm 2009, với khoảng bảy triệu việc làm mới được tạo thêm. Vào tháng 4/2017, tỉ lệ thất nghiệp là 9,3%. Sức mua của dân chúng được đánh giá là « vững chắc ».
Các điều kiện cơ bản cho sự phục hồi được nhấn mạnh là lãi suất cho vay thấp « chưa từng thấy » và chính sách về ngân sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển. Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu dự kiến tăng trưởng của khối sẽ đạt 1,8% năm nay.
Bên cạnh nhu cầu nội địa tăng mạnh, sự phục hồi của khối euro cũng được hưởng lợi từ mức tăng trưởng nói chung của thương mại toàn cầu, 4% trong năm nay, mức cao nhất kể từ năm 2008.
Điều kiện chính trị thuận lợi
Trong số các điều kiện thuận lợi cho sự trỗi dậy trở lại của khu vực đồng euro, Le Monde nhấn mạnh đến « mặt trận chính trị ».
Nếu như chỉ cách đây ít tháng thôi, « không khí hoài nghi châu Âu dâng cao », sau quyết định Brexit, bóng đen bao phủ tương lai khu vực đồng euro, thì chiến thắng của Emmanuel Macron tại Pháp đã « mở ra những chân trời mới ».
Đứng trước xu thế co cụm của nước Mỹ dưới thời Donald Trump, một nghịch lý đã xảy ra là Liên Âu đang nỗ lực đoàn kết lại và tìm cách đứng trên đôi chân của chính mình.
Theo một số dự báo, tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng euro năm nay có thể vượt Hoa Kỳ, như trong năm ngoái 2016 (1,7% so với 1,6%).
Lạc quan, nhưng Le Monde cũng điểm ra những khó khăn lớn mà khu vực euro phải đối mặt. Cụ thể là mức lạm phát 1,4% (trong tháng 5/2017) được coi là không đủ để thúc đẩy tăng trưởng.
Hy Lạp vẫn chìm trong khoản nợ công kỷ lục và tỉ lệ thất nghiệp rất cao. Các nhà đầu tư tiếp tục lo ngại về hệ thống ngân hàng nước Ý.
Trở lại nước Pháp, một đầu tàu của khu vực đồng euro, bài xã luận của Le Monde lưu ý là để có thể khai thác được « thời điểm thuận lợi cho châu Âu và cho nước Pháp », tổng thống Emmanuel Macron cần phải có được sự ủng hộ của cử tri để có được đa số trong Quốc Hội, trong cuộc bầu cử tới.
Pháp cần môi trường kinh doanh « ổn định », giảm nợ công, lành mạnh hóa lĩnh vực tài chính, để « giảm bớt khoảng cách cạnh tranh » so với Đức.
Đây chính là một điều kiện cơ bản cho một thập niên vàng của khu vực đồng euro, theo lãnh đạo quỹ đầu tư BlackRock.
Khối Anh-Mỹ đánh mất ngọn cờ đạo lý ?
Nói đến châu Âu, không thể không nhìn vào mối tương quan giữa lục địa già và khối Anh-Mỹ. Les Echos có bài phân tích mang tựa đề « Cương vị lãnh đạo tinh thần của khối Anh-Mỹ đang suy sụp ».
Theo Les Echos, thái độ của thủ tướng Anh Theresa May chọn con đường « chia tay đứt đoạn » (hard Brexit) với Liên Âu và của tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục cắt đứt các thỏa thuận hợp tác quan trọng với đồng minh và đối tác bắt nguồn sâu xa từ « sự khủng hoảng » của một chủ nghĩa tư bản « khép kín », « bài ngoại », « ưa bạo lực », ám ảnh bởi mục tiêu « thu lợi trong thời gian ngắn », « gây ô nhiễm » môi trường. Tóm lại, một chủ nghĩa tư bản bất chấp đạo lý.
Nhà phân tích của Les Echos mệnh danh chủ nghĩa tư bản Anh – Mỹ hiện nay là « T-BUGS », chữ viết tắt của Trump-Brexit-Uber-Goldman Sachs.
Bên cạnh một loạt quyết định của Donald Trump như xây bức tường biên giới với Mêhicô, ra khỏi thỏa thuận Khí hậu, phủ nhận các cam kết với Iran hay giảm cam kết với NATO, Les Echos đặc biệt nhấn mạnh đến chủ trương quay lưng lại của Anh Quốc đối với châu Âu, vừa « đáng lên án », vừa « không hiệu quả », cụ thể trong ý định tiến hành cuộc chiến chống khủng bố độc lập với Liên Âu, theo gợi ý của thủ tướng May hồi tháng Giêng 2017.
Vụ khủng bố tại Anh cuối tuần qua là một ví dụ báo động về những hệ quả tồi tệ của xu hướng cắt giảm hợp tác.
Les Echos cũng dẫn ra hai ví dụ khác cho thấy « sự thất bại về đạo lý và chính trị » của một chủ nghĩa tư bản đang được cổ vũ tại Luân Đôn, cũng New York.
Ví dụ như việc công ty Uber lợi dụng không khí sau khủng bố tại Luân Đôn để tăng giá gấp đôi ngay trong buổi tối hôm ấy.
Hay việc ngân hàng Goldman Sachs bỏ hơn 800 triệu đô la mua lại các cổ phiếu của Venezuela, chẳng khác nào « tài trợ » cho chính quyền độc tài của tổng thống Maduro.
Les Echos kết luận là để thoát ra khỏi « ngõ cụt » của chủ nghĩa tư bản nói trên, thế giới cần đến tiếng nói của châu Âu, của nước Pháp.
Thế kỷ XXI là thế kỷ của « sinh thái », thế kỷ của sự đoàn kết các dân tộc, « không loại trừ » ai, « không bài bác » ai. Trung Quốc cũng có « vai trò lớn » trong sự thay đổi lịch sử này. Liên Âu cần xây dựng thành công một thứ « chủ nghĩa tư bản mới ».
Khủng hoảng Cận Đông : Qatar bị cô lập với thế giới
Khủng hoảng Cận Đông, với việc Qatar bị khối Ả Rập - do Ả Rập Xê Út lãnh đạo - cô lập là một tâm điểm của thời sự quốc tế.
Vẫn Les Echos có bài mô tả các hệ quả đối với tiểu quốc giầu có này.
Bài « Doha gần như tách khỏi thế giới » cho thấy sau quyết định của các nước vùng Vịnh hôm thứ Hai, Qatar ngay lập tức biến thành một Venezuela, với hàng dòng người dài xếp hàng tại các siêu thị để mua đồ nhu yếu phẩm dự trữ.
Hàng hóa nhanh chóng cạn kiệt chỉ sau vài giờ. Hôm qua, dân chúng tiếp tục đổ đi mua sữa, gạo, thịt gà, và nhất là đường, một thực phẩm được tiêu thụ nhiều trong kỳ chay Ramadan đang diễn ra.
Theo một chuyên gia kinh tế của Gulf State Analytics, Qatar nhập khẩu đến 99% thực phẩm. Quốc gia 2,5 triệu dân này phụ thuộc nặng nề vào nguồn cung từ láng giềng Ả Rập Xê Út.
Khoảng 80% thực phẩm được chuyển vào tiểu quốc thông qua đường bộ từ Ả Rập Xê Út. Mỗi ngày có khoảng 800 xe tải vận chuyển thực phẩm từ Liban, từ vùng Vịnh, từ Ấn Độ tới Qatar qua ngả này.
Kể từ sáng thứ hai, giao thông trên bộ hoàn toàn bị chặn lại, và các vương quốc vùng Vịnh cũng cắt đứt cả đường không với Qatar. May mắn thay là tiểu quốc không hoàn toàn bị phong tỏa, bởi đường biển vẫn hoạt động bình thường.
Khủng hoảng nói trên tại vùng Vịnh là một bận tâm mới của Paris. Theo Le Monde, tổng thống Pháp đã lên tiếng khẳng định ủng hộ mọi sáng kiến để thúc đẩy hòa dịu, và tuyên bố sẵn sàng đối thoại với các bên.
Paris sẵn sàng đứng ra làm môi giới, cho dù không công khai tuyên bố. Tuy nhiên, theo một người hiểu rõ về khu vực này, thì các mâu thuẫn kiểu như thế này là « việc trong nhà » và « trước hết phải được giải quyết trong nội bộ ».
Ngoại trưởng Ả Rập Xê Út hiện có mặt tại Paris cũng khẳng định là sẽ không đặt vấn đề môi giới trong chuyện này. Quan điểm của Ả Rập Xê Út là buộc Qatar phải ngưng các hoạt động ủng hộ các nhóm thánh chiến.
Cải cách luật lao động tại Pháp : Một « mùa hè nóng bỏng »
Dự án cải cách luật lao động tại Pháp của tân chính phủ, ngay trong mùa hè này, là tâm điểm thời sự nước Pháp, sau khi chính phủ công bố lộ trình làm việc từ nay cho đến tháng 9, ít ngày trước vòng một bầu cử.
Theo nhật báo thiên hữu Le Figaro, « vững tin ở sự ủng hộ rộng rãi của cử tri theo các thăm dò dư luận », chính phủ không đợi kết thúc bầu cử Quốc Hội, trong mươi ngày nữa, mà công bố ngay lịch trình làm việc với các nghiệp đoàn.
Xã luận Le Figaro, với tựa đề « Phải chăng phong trào Tiến Bước (của tổng thống) đang hướng đến cải cách ? », bày tỏ hy vọng đây sẽ là lần đầu tiên tại « xứ sở của đấu tranh giai cấp », một cải cách lớn trong lĩnh vực lao động sẽ không làm bùng lên xung đột quốc gia.
Theo Le Figaro, thì có quyền hy vọng - cho dù mọi thứ có thể đổ bể - bởi có một thực tế là sau khi thủ tướng chuyển cho các nghiệp đoàn dự án cải cách luật lao động « thông qua các sắc lệnh », đã không có một phản ứng dữ dội nào.
Các nghiệp đoàn có một thái độ kiềm chế « đáng ngạc nhiên ».
Theo Le Figaro, để có được một kết quả bước đầu như vậy, chính phủ Pháp đã có một cách làm việc « hiệu quả ». Toàn bộ nội dung cải cách được trình bày một cách rõ ràng, và được thông báo rộng rãi trong suốt thời gian tranh cử tổng thống.
Về phần mình, Libération thiên tả có phản ứng trái ngược. « Luật lao động, cú động đất mà họ đang chuẩn bị » là hàng tựa trang nhất nhật báo.
Libération tóm lược tinh thần của cuộc cải cách, đó là tạo nên một sự mềm dẻo « chưa từng có » trong thị trường lao động tại Pháp.
Tờ báo đặt câu hỏi liệu chủ trương giải phóng thị trường lao động để tạo điều kiện cho việc gia tăng tuyển dụng và giảm thất nghiệp có mang lại kết quả như mong muốn ?
Libération so sánh với Đức, nơi quyền của người làm công cũng được bảo vệ như ở Pháp, nhưng thất nghiệp lại ít hơn.
Libération hoài nghi về cuộc cải cách, với cái giá phải trả là gia tăng sự bấp bênh về phía người làm công ăn lương.
Theo tờ báo, những thông tin về cải cách mới có được từ bộ Lao Động cho thấy có nhiều điều đáng lo ngại hơn những gì đã được biết.
Cũng về cuộc cải cách luật lao động, báo kinh tế Les Echos nhấn mạnh đến việc chính phủ Pháp đã rất thận trọng trong quá trình chuẩn bị thương thuyết với các nghiệp đoàn, « mọi phát biểu dễ gây tranh luận » đều tránh không được đưa ra.
Về phần mình, La Croix khẳng định mùa hè sắp tới sẽ là « nóng bỏng » đối với chính phủ, các tổ chức của giới chủ và nghiệp đoàn.
Tờ báo Công Giáo ghi nhận chính sách chung của tổng thống Macron là vừa giải phóng thị trường lao động, vừa tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn việc làm cho người lao động.
Vì vậy, La Croix tỏ ra thông cảm với « nỗi bất an » của nhiều người làm công ăn lương, khi thấy chính phủ ưu tiên thực hiện cải cách luật lao động trong giai đoạn một, nhằm khuyến khích tuyển mộ, nhưng lại chuyển hồ sơ cải cách bảo hiểm thất nghiệp và đào tạo nghề sang giai đoạn sau.
Tin mới
- Cựu giám đốc James Comey: ‘Chính phủ Trump hủy hoại thanh danh FBI’ - 08/06/2017 19:01
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 08-06-2017 - 08/06/2017 18:53
- Khủng bố tại Teheran : Sáu thủ phạm là người Iran theo Daech - 08/06/2017 15:22
- Anh : 47 triệu cử tri đi bầu Quốc Hội trong bối cảnh khủng bố - 08/06/2017 13:46
- Khủng hoảng Trung Đông : Tổng thống Mỹ điện đàm với lãnh đạo Qatar - 08/06/2017 13:28
- Thay đổi chính sách cộng đồng : Một bài toán khó cho nước Anh - 07/06/2017 22:49
- Qatar : Khủng hoảng ngoại giao và hệ lụy tới chiến lược ngoại giao thể thao - 07/06/2017 20:18
- CNN : Nga đứng sau vụ tin tặc truyền thông Qatar - 07/06/2017 19:27
- Khủng bố : An ninh và tình báo Anh bị chỉ trích nặng nề - 07/06/2017 19:14
- Khủng bố ở Teheran: 12 người chết, Daech nhận trách nhiệm - 07/06/2017 19:05
Các tin khác
- Sau vụ hỏa hoạn, Tượng Đức Mẹ không hề hấn gì - 07/06/2017 16:03
- Dùng búa tấn công cảnh sát bên ngoài nhà thờ Notre Dame Paris, một người bị bắn - 06/06/2017 18:49
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 06-06-2017 - 06/06/2017 18:23
- Qatar thường xuyên bị nghi «ủng hộ khủng bố» - 06/06/2017 14:32
- Đối Thoại Shangri-La: Cơ hội để Pháp tỏ rõ hướng xoay trục qua Châu Á - 06/06/2017 14:03
- Ả Rập Xê Út và các đồng minh tố Qatar «ủng hộ khủng bố» và cắt đứt quan hệ ngoại giao - 05/06/2017 18:54
- Chiến dịch “Đá Vành Khăn”: Trump mạnh tay với Trung Quốc ở Biển Đông - 05/06/2017 18:05
- Hàng chục ngàn người Hồng Kông tưởng niệm Thiên An Môn - 05/06/2017 17:53
- Cam Bốt : Phe đối lập đột phá trong bầu cử hội đồng thành phố - 05/06/2017 17:45
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 05-06-2017 - 05/06/2017 15:54