Biển Đông: Bí mật về những con đường ngầm dưới biển
- Thứ Tư, 26 tháng Mười năm 2016 18:37
- Tác Giả: RFI
Tầu ngầm USS George Washington (SSBN-598) của Hoa Kỳ.
(@wikipedia.com)
« Những con đường ngầm dưới Biển Đông » ẩn chứa đầy « bí ẩn » là nhận định của phóng viên Igor Gauquelin, đăng trên trang mạng Asialyst, ngày 20/10/2016.
Tác giả dẫn phân tích của một số chuyên gia Pháp khẳng định những tranh chấp tranh lãnh hải tại đây chỉ là những « cãi cọ vặt vãnh ».
Trên thực tế, sự thật nằm sâu dưới lòng Biển Đông, và có liên quan đến những thiết bị quân sự đang được cất giấu ở đó, tức những chiếc tầu ngầm.
RFI Việt ngữ lược dịch và giới thiệu lại.
Tác giả trích dẫn các phân tích của hai nhà nghiên cứu Pháp. Một người là tướng Daniel Schaeffer, từng là tùy viên quân sự Pháp tại Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc, hiện là cố vấn chiến lược doanh nghiệp về Trung Quốc và Việt Nam và là thành viên hội cố vấn về châu Á.
Người thứ hai là nhà địa lý học François-Xavier Bonnet, nghiên cứu tại Manila, cộng tác viên của Viện Nghiên cứu về Đông Nam Á đương đại (IRASEC).
Cả hai ông cho rằng tranh giành quyền kiểm soát đánh bắt thủy hải sản và chiếm hữu nguồn dầu khí được cho là dồi dào chỉ là những nguyên do thứ yếu.
Bởi vì cho đến lúc này, người ta vẫn chưa bao giờ chứng minh được về trữ lượng dầu khí tại đây.
Theo hai chuyên gia, những tham vọng và các nước đi cụ thể của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, xung quanh bãi cạn Scarborough hay tại những vùng bãi đá ngầm bí ẩn thuộc dải Macclesfield là thuần tính chất quân sự.
Các nghiên cứu của hai ông đưa ra hai cách nhìn bổ sung cho nhau về mặt địa chất, để rồi từ đó đi đến cùng một kết luận : Không những Trung Quốc muốn độc quyền kiểm soát lưu thông trên Biển Đông, mà còn muốn là cường quốc duy nhất có quyền tự do đi lại bằng tầu chiến và cụ thể hơn là bằng tầu ngầm phóng tên lửa SNLE, vũ khí răn đe hạt nhân tối tân nhất.
Ngay từ năm 2010, tướng Daniel Schaeffer đã viết : Bắc Kinh « muốn là chỉ có hải quân nước này mới có thể thao diễn an toàn trên biển và sâu dưới nước, mà không muốn cho bất kỳ tàu chiến nước ngoài nào đến lưu thông tại đây mà không có sự đồng thuận của Trung Quốc và không áp dụng các luật lệ hàng hải của chính nước này.
Chính vì lý do này, mà nếu một ngày nào Trung Quốc buộc phải từ bỏ yêu sách ‘đường chín đoạn’ dưới áp lực quốc tế, Bắc Kinh đã sắp xếp một giải pháp thoái lui bằng cách tạo ra những đường cơ bản ngay xung quanh những quần đảo trên Biển Đông ».
Hành lang tầu ngầm « bí mật » ngay giữa lòng Trường Sa
Nghiên cứu của hai nhà khoa học dựa trên một định đề : Ngay giữa lòng Biển Đông, có những vùng nước sâu đã được biết đến từ lâu. Bởi vì, độ sâu vẫn là điều kiện tiên quyết bảo đảm tính bí mật cho các hoạt động của tầu ngầm, tránh được những chiếc máy bay tuần tiễu trên biển có trang bị các công cụ dò tìm.
Nhất là những vùng nước sâu đó lại nằm ngay giữa lòng quần đảo Trường Sa, trái với những gì được phổ biến rộng rãi hiện nay cho rằng xung quanh khu vực này chỉ là vùng nước nông.
Không những thế, những con đường nước ngầm này cho phép tầu ngầm có thể ra vào dễ dàng một cách an toàn từ bốn phía quần đảo.
Ông François-Xavier Bonnet trên thực tế đã phát hiện ra là nhiều hành lang thực sự đi xuyên quần đảo Trường Sa, cho phép đi lại sâu dưới lòng biển, giữa các bãi đá ngầm nổi tiếng là nguy hiểm cho lưu thông hàng hải.
Kiểm soát những điểm chiến lược
Tướng Daniel Schaeffer phát triển một tầm nhìn bao quát hơn về tình hình Biển Đông, tập trung vào chiến lược ngoài khơi xa của Bắc Kinh.
Về điểm này, ông Schaeffer còn đưa ra những giả thuyết hấp dẫn, chẳng hạn khi ông tập trung chú ý vào những vị trí tiền đồn tại dải Macclesfield, rất quý giá đối với Trung Quốc mà thoạt nhìn chẳng vì một lý do hiển nhiên nào.
Nằm ở phía đông nam quần đảo Hoàng Sa, những mỏm đá ngầm nửa chìm nửa nổi thuộc dải Macclesfield là một « quần thể bãi đá ngầm chìm dưới biển ».
Nếu căn cứ theo luật biển, những mỏm đá ngầm này chẳng thể nào là đảo và do đó không thể nào được hưởng quy chế lãnh thổ để mà có thể thực thi một quyền chủ quyền lãnh thổ.
Chính ở đây Bắc Kinh che giấu các ý đồ thật sự của mình. Để chứng minh những yêu sách chính đáng, Trung Quốc đã dùng một « mưu mẹo », gọi đó là quần đảo Trung Sa và tự tuyên bố có chủ quyền cùng với Hoàng Sa và Trường Sa, thậm chí biến dải Macclesfield (mà Trung Quốc gọi là Trung Sa) thành một đơn vị hành chính để quản lý.
Về mặt cơ bản, khó có thể hiểu được quần đảo Trung Sa là gì, một nhóm vị trí đảo rời rạc nằm cách xa nhau trên biển, và duy chỉ có một điểm có thể thấy rõ lúc thủy triều xuống là bãi cạn Scarborough.
Nhưng đối với Trung Quốc việc biến chúng thành một thực thể duy nhất của mình còn mang một lợi ích khác : Cần phải bảo đảm lối ra cho các chiếc tầu ngầm đi từ Tam Á về hướng nam, và do đó cần phải kiểm soát các điểm chiến lược nhất của lộ trình hàng hải này.
Những khám phá hải trình sâu dưới biển của Anh và Mỹ
Lục tìm trong các hồ sơ lưu trữ liên quan đến các nghiên cứu địa lý thủy văn và đo nước sâu do người Anh tiến hành trong khoảng 1925-1938, người Mỹ trong khoảng những năm 1930 đến tận những năm 1970 rồi của người Nhật, ông François-Xavier Bonnet đã tìm được một nhân chứng, chỉ huy Harry Mathis, và cũng có thể là người đầu tiên đã đi xuyên qua quần đảo Trường Sa bằng tầu ngầm hạt nhân vào tháng 4/1972 trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam.
Những hải trình này có thể cũng đã được biết đến từ thời Đệ Nhị Thế Chiến. Trong một bài viết gần đây, ông Bonnet viết rằng : Các tầu ngầm của Mỹ đã « từng tuần tra trên Biển Đông và thường đi xuyên qua » quần đảo Trường Sa.
Các nghiên cứu của ông Bonnet cho thấy ít nhất có hai trục hải trình cho tầu ngầm có thể lưu thông được đã từng được biết đến : Trục Đông – Tây (do Mỹ phát hiện) và trục Bắc – Nam (Anh).
Bất chấp những chi tiết không rõ ràng trong các hồ sơ lưu trữ của Mỹ, nhưng ông François-Xavier Bonnet có thể đưa ra giả định là hải trình xuyên Trường Sa từ Đông sang Tây, bắt nguồn từ phía bờ biển đảo Palawan của Philippines kết thúc tại ngã ba phía tây Trường Sa, trước bãi Đá Chữ Thập không xa mấy.
Như vậy, lộ trình này cho phép một chiếc tầu ngầm có thể đi vòng qua bãi đá ở phía bắc hay phía nam để đổ về phía tây của Biển Đông, gần Việt Nam hay Malaysia.
Điều đó giải thích vì sao Đá Chữ Thập hiện là một vị trí quan trọng trong chiến lược bố trí quân sự của Trung Quốc tại Trường Sa.
Tin mới
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 28-10-2016 - 29/10/2016 00:40
- FBI mở lại điều tra vụ email của bà Clinton - 29/10/2016 00:27
- Nếu Hillary Clinton Làm Tổng Thống HK - 28/10/2016 22:26
- Mộ Chúa Jesus được mở lần đầu tiên - 28/10/2016 19:41
- Quốc tế lập khu bảo tồn biển lớn nhất thế giới tại Nam Cực - 28/10/2016 18:27
- Tổng thống Putin : Nga không can thiệp vào bầu cử Mỹ - 28/10/2016 18:11
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 27-10-2016 - 27/10/2016 23:00
- Philippines và Nhật Bản cam kết bảo vệ tự do hàng hải tại Biển Đông - 27/10/2016 14:55
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 26-10-2016 - 26/10/2016 23:25
- Thông cáo chung sau khóa họp thứ sáu Tòa Thánh và Việt Nam - 26/10/2016 20:20
Các tin khác
- Irak : Chiến dịch giải phóng Mossoul bước sang tuần thứ hai - 26/10/2016 18:26
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 25-10-2016 - 26/10/2016 16:54
- FORMOSA CÚT! ĐẢNG CSVN CHẾT! - 25/10/2016 23:49
- Vatican nhận làm trung gian giữa chính quyền Venezuela và đối lập - 25/10/2016 14:45
- Pakistan: Trường cảnh sát bị tấn công, ít nhất 59 người chết - 25/10/2016 14:06
- Lần đầu tiên Hạm Đội 3 của Mỹ tham gia tuần tra Biển Đông - 25/10/2016 14:00
- AT&T sáp nhập Time Warner với giá $85 tỉ - 24/10/2016 17:17
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 24-10-2016 - 24/10/2016 17:05
- Bỏ Mỹ theo Tàu : Bốn điều tổng thống Philippines cần biết - 24/10/2016 16:08
- Mỹ và Bắc Triều Tiên bí mật gặp nhau ở Malaysia - 24/10/2016 13:15