Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Trung Quốc cố dùng kỹ thuật cao để chống khói mù ô nhiễm

CHINA-POLLUTION 7

Khói bụi ô nhiễm mờ mịt ở Thiên An Môn (ảnh chụp ngày 09/12/2015)
REUTERS/Stringer

Vào hôm thỏa thuận lịch sử về khí hậu được thông qua tại Paris, Bắc Kinh lại bị ngộp thở dưới màn sương mù ô nhiễm dầy đặc.

Nhưng trong tương lai, Trung Quốc có thể ra lệnh đóng cửa các nhà máy để phòng tránh, nhờ một hệ thống kỹ thuật cao chuyên phân tích các dữ liệu và dự báo các giai đoạn « airpocalypse » - (tận thế về ô nhiễm, từ ngữ gần đây dùng để nói về những thời kỳ ô nhiễm cao độ).

Tại cơ quan môi trường Bắc Kinh, một ê-kíp kỹ sư được trang bị những siêu máy tính nghiên cứu kỹ lưỡng tình trạng ô nhiễm của thủ đô.

 Các máy tính này được nhập liệu đủ loại thông tin, từ ảnh chụp hồng ngoại tuyến các nhà máy cho đến các tin tức đăng trên mạng xã hội, để tổng hợp dự báo ô nhiễm trong vòng ba ngày - cụ thể ở mức một kilomet vuông và xu hướng trong mười ngày sắp tới.

Chương trình tin học do tập đoàn Mỹ IBM thảo ra là một trong số nhiều loại vũ khí kỹ thuật cao của Trung Quốc, bên cạnh các thiết bị không người lái, vệ tinh và thiết bị cảm ứng khác, để đối phó với nạn dịch ô nhiễm đang tấn công vào các thành phố.

Trong một đất nước mà các camera quan sát hiện diện cùng khắp, và chính quyền cộng sản quản lý một hệ thống giám sát chặt chẽ, điều nghịch là muốn có được những thông tin cụ thể về ô nhiễm lại hết sức gian nan.

Hậu quả: Bắc Kinh và các tỉnh lân cận « không thể phối hợp » được các sáng kiến chống khói mù, để mặc cho các xí nghiệp thiếu ý thức mặc tình thải khí ô nhiễm.

Chen Long, tổng giám đốc Encanwell, một công ty sản xuất hệ thống giám sát chất lượng không khí cảnh báo như trên.
 Tham vọng của ông là nhận diện một cách rất cụ thể xuất xứ của sương mù độc hại, để chận trước trong tương lai.

Trong khi các đợt khói độc thường xuyên trùm lên Bắc Kinh, và « báo động đỏ » lần đầu tiên đã được đưa ra vào tuần trước, Trung Quốc đang trong ngõ cụt.
Trước khi diễn ra Thế vận hội 2008, Bắc Kinh đã đóng cửa các nhà máy, công trường xây dựng và buộc phân nửa số xe hơi tư nhân không được lưu thông trên đường.
Một chiến lược có kết quả nhưng tốn kém đến mấy trăm triệu euro.

Biện pháp tương tự cũng được áp dụng nhân hội nghị thượng đỉnh các lãnh đạo APEC năm 2014, Đại hội Điền kinh Thế giới tháng 8/2015 hay diễn binh kỷ niệm kết thúc Đệ nhị Thế chiến tháng 9/2015, gây ra nhiều thiệt hại cho một nền kinh tế đang xuống dốc.

Tuy vậy nếu án binh bất động trước các giai đoạn ô nhiễm không khí nghiêm trọng, sẽ càng làm tăng sự bất bình nơi dân chúng.

Hervé Robin, chịu trách nhiệm về kỹ thuật của airvisual.com, cung cấp các công cụ theo dõi ô nhiễm tại Trung Quốc, cho biết :
« Đó là một vấn đề phức tạp, gây tác động đến xã hội, công nghiệp, kinh tế và sức khỏe ».

Một màn sương mù dày đặc ập xuống Bắc Kinh hai lần trong hai tuần qua, một kịch bản có thể lặp lại từ nay cho đến cuối tháng 12, theo cơ quan khí tượng Trung Quốc.
Nhưng ông Robin cảnh báo : « Nếu cứ mỗi lần điều kiện khí tượng dẫn đến ô nhiễm mà đóng cửa toàn bộ, thì chính quyền sẽ phải làm như thế hàng tuần ».

Hồi tháng Bảy, Bắc Kinh đã kêu gọi thiết lập một mạng lưới quốc gia nhằm phát hiện ô nhiễm, huy động nhiều công cụ kỹ thuật trên mặt đất, trên không trung và khí quyển.

Cho đến nay, phần mềm của IBM chỉ có thể dự báo chính xác ở mức 75% trong thời gian mười ngày sắp tới.

Tham vọng đối với Thế vận hội mùa đông ở Bắc Kinh 2022 là có thể nhắm đến những hoạt động đặc thù trong những thời điểm cụ thể, như vậy sẽ ảnh hưởng ít hơn đến hoạt động kinh tế và đời sống hàng ngày.

Tuy nhiên việc giám sát bằng kỹ thuật số không thể thay thế hoàn toàn sự hiện diện trên thực địa. Trong thời gian báo động đỏ ở Bắc Kinh, 12 ê-kíp thanh tra đã kiểm tra hàng trăm doanh nghiệp gây ô nhiễm ở thủ đô và các vùng lân cận.

Trên các mạng xã hội, địa phương khoe khoang sáng kiến áp dụng luật pháp, trong đó có việc phạt vạ các nhà máy không kích hoạt hệ thống giảm ô nhiễm.
Hervé Robin giải thích, đó là do một số nơi đã lắp đặt các trang bị cần thiết nhưng lại không sử dụng « vì tốn tiền ».

Hiện nay Bắc Kinh có gần 40 điểm giám sát.
Nhưng theo ông Robin, để có thể nhận diện được những tác nhân gây ô nhiễm « trong một thành phố lớn như New Delhi hay Bắc Kinh, số lượng này phải lên đến vài trăm ».


Switch mode views: