Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 23-05-2014
- Thứ Bảy, 24 tháng Năm năm 2014 00:06
- Tác Giả: Thụy My
Bạo động chống Trung Quốc : Các nhà đầu tư không bỏ rơi Việt Nam
Một nhà máy của Đài Loan tại Bình Dương bị thiệt hại trong vụ bạo động hôm 16/05/2014.
REUTERS/Stringer
Theo Le Monde, tranh chấp chủ quyền trên Biển Hoa Đông và Biển Đông giữa Trung Quốc với nhiều quốc gia châu Á, vẫn là nguồn gốc gây căng thẳng thường xuyên, tạo ra « một bối cảnh nguy hiểm tiềm tàng ».
Việt Nam loan báo một loạt các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại trong đợt bạo động. Nếu cơn sốt chống Trung Quốc dừng lại tại đây, thì chỉ có tác động hạn chế về mặt kinh tế.
Phụ trang kinh tế nhật báo Le Monde đề ngày hôm nay quan tâm đến việc chính phủ « Việt Nam loan báo một loạt các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại trong đợt bạo động chống Trung Quốc ». Bên cạnh đó, tờ báo cũng chú ý đến việc Hà Nội đe dọa sẽ kiện Bắc Kinh trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Tờ báo nhắc lại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi trả lời Reuters từ Philippines, là Việt Nam có thể kiện Trung Quốc : « Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình vì chủ quyền lãnh thổ, đặc biệt chủ quyền biển đảo là thiêng liêng ».
Philippines là nước đầu tiên trong khu vực kiện Bắc Kinh ra tòa án trọng tài quốc tế ở La Haye.
Theo Le Monde, trong vòng 10 ngày, các vụ bạo động đã làm ít nhất 4 người chết và trên 100 người bị thương, Bắc Kinh cho sơ tán 3.000 trên tổng số 10.000 người Trung Quốc về nước.
Bạo động không chỉ nhắm vào các nhà máy và tài sản có vốn đầu tư Trung Quốc mà cả Đài Loan, Singapore và Hàn Quốc.
Việt Nam thông báo các doanh nghiệp bị thiệt hại có thể được hoãn thời hạn đóng thuế đến hai năm. Thuế nhập khẩu và xuất khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt được giảm, và chính quyền cam kết cung ứng lao động nếu cần thiết.
Le Monde cho biết, đồng bạc Việt Nam đã ổn định trở lại từ hôm 13/5, và thị trường chứng khoán sau khi đã mất giá 8,8% nay đã bắt đầu lấy lại sức.
Hôm thứ Ba 20/5, ngay trước khi có thông báo của Thủ tướng Việt Nam, chủ tịch ngân hàng Taishin Financial của Đài Loan là Joseph Jao cho biết vẫn duy trì chương trình đầu tư tại Việt Nam.
Theo hãng tin Bloomberg, có 224 nhà máy Đài Loan bị hư hại và 18 nhà máy bị đốt phá trong đợt bạo động.
Ông Jao nói : « Có hy vọng rất lớn là tình hình sẽ yên tĩnh trở lại sau các vụ lộn xộn, vì đầu tư ngoại quốc đóng vai trò trọng yếu trong nền kinh tế Việt Nam ».
Có đến 60% luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam là từ ba nước : Nhật Bản (34%), Đài Loan (16%), Singapore (10%). Trung Quốc đứng hàng thứ tám với 2% tổng đầu tư trực tiếp, theo Sopanha Sa, nhà kinh tế của ngân hàng Société Générale.
Đầu tư trực tiếp chiếm vai trò hết sức quan trọng đối với tăng trưởng của Việt Nam (tăng 5% vào quý 1 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái). Sản xuất công nghiệp tăng 7% kể từ đầu năm, và đất nước này rất cần vốn để cải thiện cơ sở hạ tầng như đường sá, cầu cảng…, cung ứng năng lượng cho các doanh nghiệp và các hộ gia đình.
Tác giả Mahamoud Islam (Euler Hermès) nhận định, nếu cơn sốt chống Trung Quốc dừng lại tại đây, thì chỉ có « tác động kinh tế hạn chế ». Theo ông, « không ai có lợi khi tình hình bị xấu đi ». Ngược lại, nếu cuộc khủng hoảng tăng lên và kéo dài, các nhà đầu tư nước ngoài, theo dự báo của Coface, có thể sẽ nghi ngại.
Nền kinh tế Việt Nam chủ yếu hướng ngoại : xuất khẩu chiếm đến 90% tổng sản phẩm nội địa. Ông Islam nhận xét : « Với lực lượng lao động trẻ, giá rẻ và 90% có trình độ văn hóa cơ bản, quốc gia này có thể trở thành một trung tâm sản xuất cho Nhật Bản và Trung Quốc ».
Việt Nam sẽ có lợi nếu duy trì các ưu điểm của mình và chăm chút mối quan hệ với Bắc Kinh, mà từ giữa những năm 2000 đã trở thành một trong những đối tác thương mại hàng đầu.
Tuy vậy theo Le Monde, tranh chấp chủ quyền trên Biển Hoa Đông giữa Trung Quốc với Nhật Bản, và tại Biển Đông giữa Trung Quốc với nhiều quốc gia thành viên ASEAN trong đó có Việt Nam và Philippines, vẫn là nguồn gốc gây căng thẳng thường xuyên.
Luca Silipo, phụ trách châu Á của Natixis nhận định, vấn đề trên tạo ra « một bối cảnh nguy hiểm tiềm tàng ».
Theo nhà kinh tế này : « Cho đến cách đây hai, ba năm, hợp tác kinh tế tăng lên giữa các nước trong khu vực, tất cả đều là những mắt xích trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Nhưng ý đồ thay đổi chế độ kinh tế của Trung Quốc để nâng lên một cấp cao hơn đã làm mất ổn định thế quân bình trước đó ».
Ông Silipo phân tích : « Với sự thay đổi mô hình tăng trưởng của Trung Quốc, sẽ có ít việc làm hơn đối với một số nước, và chuỗi sản xuất thế giới sẽ bị rối loạn nặng nề.
Nhiều quốc gia trong khu vực sẽ không còn ở thế đôi bên cùng có lợi. Sẽ có ít khuyến khích hơn trong việc hợp tác, và có nhiều không gian cho căng thẳng về địa chính trị hơn ».
Thái Lan : Đảo chính quân sự, cách giải quyết đã thành truyền thống
Cũng về châu Á, Le Figaro nhận định các tướng lãnh mới là lực lượng nắm quyền tại Bangkok. Đúng là không phải là lần đầu tiên xảy ra đảo chính quân sự ở Thái Lan, chính vì thế mà Le Figaro rút tít bài báo : « Quân đội Thái trở lại với truyền thống đảo chính ».
Tờ báo nhắc lại, từ năm 1932, khi vương quốc Xiêm thiết lập nền quan chủ lập hiến, tính đến lần này thì Thái Lan đã trải qua 19 cuộc đảo chính quân sự cũng như ý đồ làm chính biến.
Gần đây nhất là năm 2006, quân đội đã lật đổ chính phủ của Thủ tướng Thaksin Shinawatra, giờ đang phải sống lưu vong. Cũng từ đó đến nay chính trường Thái Lan rơi vào cuộc khủng hoảng triền miên.
Thái Lan bị cuốn vào vòng xoáy các cuộc biểu tình, hết của phe Áo Đỏ ủng hộ Thaksin đến phe Áo Vàng bảo hoàng và chống đến cùng hệ thống của Thaksin. Cuộc đảo chính quân sự lần này được thông báo là nhằm mục đích vãn hồi trật tự, ổn định tình hình đất nước. Nhưng giới quan sát đặt câu hỏi, ngoài ra hành động của quân đội có nhằm mục đích nào khác ?
Le Figaro khẳng định « hiện tại không ai biết được ý đồ của quân đội ». Nhưng người ta biết giới quân nhân ở nước này đều xuất phát từ giới quyền chức của Hoàng gia và chính khách, đại diện tầng lớp ưu tú truyền thống của Thái Lan. Và quân đội cũng như những thiết chế lớn của đất nước, lần này có xu hướng ngả về phía những người biểu tình chống chính phủ.
Dù gì đi nữa thì biến cố trong chính trường Thái Lan hôm qua đã khiến phương Tây không khỏi quan ngại. Le Figaro cho biết, Liên hiệp châu Âu kêu gọi Thái Lan « nhanh chóng trở lại với tiến trình dân chủ chính đáng », còn Hoa Kỳ thì phản đối ngay rằng « không có biện minh nào cho hành động đảo chính » đồng thời Washington doạ « xét lại » sự hỗ trợ quân sự cho Bangkok.
Các chỉ huy quân đội Pháp doạ từ chức nếu cắt giảm ngân sách quốc phòng
Vẫn trên nhật báo Le Figaro, bài viết được chạy tựa trang nhất là : « Pháp cắt giảm ngân sách quốc phòng: Mối lo ngại lớn của quân đội ».
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn đang phải « giật gấu vá vai » để tìm ra được 50 tỉ euro bù vào bội thu ngân sách, chính phủ Pháp dự kiến có thể sẽ phải cắt giảm mạnh ngân sách dành cho Quốc phòng xuống dưới 30 tỉ euro cho một năm tài khoá.
Le Figaro cho biết, kế hoạch cắt giảm chưa được công bố chính thức nhưng những thông tin lọt ra đã gây lo lắng trong giới chức quân sự cấp cao của Pháp.
Thậm chí Tham mưu trưởng và ba tướng Tư lệnh Hải, Lục và Không quân Pháp đã đe dọa từ chức nếu chính phủ thực hiện kế hoạch cắt giảm thêm ngân sách quốc phòng vốn đã bị co lại trong thời kỳ khủng hoảng.
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp cũng đã lên tiếng cảnh báo việc cắt giảm ngân sách không chỉ làm quân đội, khả năng quân sự của Pháp bị suy yếu mà còn kéo theo nhiều hệ lụy cho ngành công nghiệp quốc phòng của nước Pháp, cho công ăn việc làm của người Pháp.
Đồng euro : Tồn tại hay không tồn tại ?
Gần đến kỳ bầu cử Nghị viện châu Âu, báo chí Pháp hôm nay dành nhiều bài vở cho đề tài này. Le Monde nói đến « Cựu Tổng thống Sarkozy đề nghị cặp đôi Pháp-Đức kết hợp chống lại Bruxelles ».
Nhật báo kinh tế Les Echos quan tâm đến « Tăng trưởng, việc làm, những bóng ma trước viễn cảnh kinh tế lại suy sụp », còn tờ báo cộng sản L’Humanité nêu ra « Bảy ưu điểm để bầu cho Mặt trận Cánh tả ».
Tựa chính của Le Figaro nói về « Ngân sách quốc phòng, sự quan ngại lớn lao của quân đội » đối với nguy cơ bị cắt giảm ngân sách. Riêng nhật báo công giáo La Croix chạy tựa « Đức Giáo hoàng Phanxicô hành hương về miền đất thánh ».
Trên lãnh vực kinh tế, báo Le Monde có một bài dài với tựa đề « Mô hình kinh tế nào cho Châu Âu » của cựu Chủ tịch Ngân hàng Châu Âu, Jean Claude Trichet. Chuyên gia này cho rằng đồng euro giúp tránh được khủng hoảng và nhấn mạnh « đến một lúc nào đó, các nghị sĩ Châu Âu phải có tiếng nói quyết định trong trường hợp sự ổn định của khu vực đồng euro bị đe dọa ».
Tuy nhiên, đáng chú ý là bài « Cần chấm dứt sự tồn tại của đồng euro » của kinh tế gia Jacques Sapir, giám đốc nghiên cứu tại Trường Cao đẳng Khoa học Xã hội (EHESS). Theo chuyên gia này, nhiều kinh tế gia đều đồng ý về sự thất bại thảm hại của việc lưu hành đồng tiền chung châu Âu.
Cuộc tranh luận về vai trò của đồng euro đang lan rộng tại Pháp với sự tham dự của nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia có tên tuổi, cũng như của các nhà báo chuyên trách về kinh tế.
Ban đầu, có rất nhiều mong đợi đối với đồng euro. Một số chuyên gia còn dự báo là việc tồn tại một đồng tiền chung sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và quá trình nhất thể hóa các thị trường. Thế nhưng, mọi việc không diễn ra như vậy và bản tổng kết cho thấy đây là một thất bại.
Cụ thể, về tăng trưởng, nếu nhìn vào giai đoạn 2000-2008, có nghĩa là trước khi có khủng hoảng tín dụng subprime ở Mỹ, người ta nhận thấy tăng trưởng tại các nước dùng đồng euro chậm hơn các nước phát triển khác.
Tình trạng chênh lệch này trở nên nghiêm trọng hơn trong giai đoạn khủng hoảng. Trong giai đoạn 2007 - 2011, tăng trưởng trung bình trong khu vực đồng euro là 0,4%, trong khi tại Mỹ là 1,3%. Tác động tiêu cực của euro đối với tăng trưởng càng rõ nét ngay trong các nước sử dụng đồng tiền chung.
Chỉ có Đức tận dụng được vai trò của đồng euro và có tổng sản phẩm quốc nội tăng đáng kể, tăng 3,34% so với thời điểm của năm 2008. Pháp bị trì trệ, với tỉ lệ 0,72%, còn Hy Lạp bị giảm tới 23,3%. Tình hình cũng thê thảm tương tự tại Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ý.
Một số người ủng hộ đồng euro cho rằng, các nước nói trên, tuy bị trì trệ hoặc tăng trưởng suy giảm, nhưng khắc phục được cán cân thương mại. Thế nhưng, để có được kết quả này, các nước đã phải chấp nhận giảm đầu tư và tiêu thụ.
Hậu quả nặng nề nhất là nạn thất nghiệp tại các nước dùng đồng euro : Hiện nay, tỉ lệ thất nghiệp tại Hy Lạp là 28%, Tây Ban Nha 26% và Bồ Đào Nha hơn 16%. Tại Pháp và Ý có thể lên tới 14%.
Nạn thất nghiệp khó có khả năng suy giảm trong bối cảnh nhiều nước Châu Âu phải áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng để giảm thâm thủng và tái cân bằng ngân sách.
Một hậu quả khác của việc sử dụng đồng euro là tỉ giá hối đoái. Hiện nay, một euro ăn 1,35 hoặc 1,40 đô la Mỹ. Đồng euro cao giá chỉ có lợi cho Đức, nước xuất siêu, nhưng rất bất lợi cho các nước khác.
Các kinh tế gia cho rằng, tỉ giá 1 euro ăn 1,1 đô la là phù hợp với nền kinh tế Pháp. Đối với Ý hoặc Tây Ban Nha là vào khoảng 0,95 đến 1,05 đô la. Như vậy, rõ ràng, không thể có một tỷ giá chung có lợi cho tất cả các nền kinh tế dùng đồng euro.
Mức độ chênh lệch quá lớn về tỉ giá giữa các nền kinh tế cho thấy việc tiếp tục dùng đồng euro không chỉ gây ra những hậu quả nghiêm trọng ở châu Âu mà còn đối với nền kinh tế thế giới. Theo tác giả bài báo, cần phải ghi nhận thực tế này và nhanh chóng xóa bỏ đồng tiền chung.
Tin mới
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 27-05-2014 - 27/05/2014 18:25
- Tình hình vùng biển Hoa Đông lại căng thẳng - 27/05/2014 17:02
- Nước Mỹ tưởng nhớ các binh sĩ bỏ mình vì nước - 26/05/2014 21:52
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 26-05-2014 - 26/05/2014 21:14
- Ðức Giáo Hoàng Francis khởi sự công du Trung Ðông - 25/05/2014 21:54
- Bethlehem : Giáo hoàng cổ vũ cho hòa bình giữa Israel và Palestine - 25/05/2014 21:32
- “Tình hữu nghị” nay là hiểm họa của kinh tế Việt Nam - 24/05/2014 17:47
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 24-05-2014 - 24/05/2014 17:38
- Mỹ lần đầu tiên triển khai máy bay dọ thám không người lái tại Nhật - 24/05/2014 17:20
- Israel siết chặt an ninh trước ngày đón Giáo hoàng Phanxicô - 24/05/2014 01:56
Các tin khác
- Một Huynh trưởng Gia Đình Phật tử Việt Nam tự thiêu tại Saigon - 23/05/2014 23:56
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 22-05-2014 - 22/05/2014 19:57
- Quân đội Thái Lan đảo chính - 22/05/2014 19:49
- Vụ giàn khoan Trung Quốc : Việt Nam phản công ngoại giao - 22/05/2014 19:32
- Lần đầu tiên một Hồng y Hàn Quốc thăm Bắc Triều Tiên - 21/05/2014 19:37
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 21-05-2014 - 21/05/2014 18:30
- Thủ tướng Việt Nam tuyên bố công khai : Trung Quốc đe dọa hòa bình - 21/05/2014 18:04
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 20-05-2014 - 20/05/2014 20:40
- Tổng thống Nga công du Trung Quốc tìm kiếm đồng minh - 20/05/2014 20:25
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 19-05-2014 - 19/05/2014 20:46