Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Nhân quyền: Mỹ siết chặt gọng kềm với Trung Quốc

usa congress TQ

Capitol, trụ sở Quốc Hội Mỹ, Washington DC. Ảnh chụp ngày 20/01/2018. REUTERS/Joshua Roberts



Chưa đối phó xong với hai ngón đòn tấn công từ phía Mỹ trong vấn đề Hồng Kông và Tân Cương, kể từ nay, Trung Quốc đã phải lo lắng thêm về hồ sơ Tây Tạng, với việc Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện Mỹ, ngày 18/12/2019 bật đèn xanh cho một đạo luật kêu gọi chính phủ Mỹ hậu thuẫn mạnh mẽ hơn cho tôn giáo và nhân quyền tại Tây Tạng.

Mang tên gọi chính thức: “Đạo luật về Chính Sách và Hậu Thuẫn cho Tây Tạng - Tibetan Policy and Support Act”, luật mới này được cho là cứng rắn hơn với Trung Quốc so với “Đạo Luật Chính Sách Tây Tạng”, từng được thông qua vào năm 2002.

Theo một số điều khoản trong dự luật mới về Tây Tạng, bất kỳ quan chức Trung Quốc nào can thiệp vào vấn đề chuyển thế (tái sinh) của đức Đạt Lai Lạt Ma đều sẽ phải chịu các biện pháp trừng phạt, bao gồm việc phong tỏa tài sản của họ ở Hoa Kỳ và từ chối thị thực nhập cảnh Hoa Kỳ đối với những người này.

Ngoài ra, dự luật cũng yêu cầu không cho Trung Quốc thành lập một lãnh sự quán mới tại Mỹ, trước khi Hoa Kỳ được đặt lãnh sự quán ở Lhasa, thủ phủ vùng Tây Tạng.

Tiến trình thông qua luật mới về Tây Tạng mới ở bước đầu.
Sau khi được Ủy Ban Đối Ngoại thông qua, văn kiện này còn phải được đưa ra bỏ phiếu tại phiên toàn thể của Hạ Viện mà ngày giờ chưa được ấn định, để rồi được chuyển lên Thượng Viện để thông qua.

Sau đó, hai viện Quốc Hội Mỹ lại còn phải thống nhất với nhau trên một văn bản luật duy nhất để chuyển qua Nhà Trắng cho tổng thống Mỹ ký ban hành.
Cho dù dự luật về Tây Tạng mới chỉ ở bước đầu như kể trên, Bắc Kinh đã lập tức cực lực phản đối.

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng vào hôm qua đã lớn tiếng tố cáo Mỹ vi phạm luật pháp quốc tế, “can thiệp thô bạo” vào vấn đề nội bộ Trung Quốc và bắn đi “một tín hiệu sai lạc” cho phe đòi độc lập cho Tây Tạng.

Theo giới quan sát, phản ứng gay gắt của Trung Quốc cũng dễ hiểu, vì Tây Tạng là ngón đòn mới nhất mà Washington tung ra để tấn công Bắc Kinh trên mặt trận nhân quyền.

Riêng tại Quốc Hội Hoa Kỳ, dự luật về Tây Tạng đã được ủy ban chịu trách nhiệm bật đèn xanh, chỉ ít lâu sau khi dự luật về người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương đã được toàn thể Hạ Viên thông qua ngày 03/12 với một tỷ lệ áp đảo 407 – 1 phiếu.

Văn kiện về Tân Cương này cũng đặc biệt cứng rắn với Trung Quốc, yêu cầu tổng thống Mỹ lên án các hành vi đàn áp người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ, kêu gọi Bắc Kinh đóng cửa các trại ở Tân Cương, và đòi áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với quan chức Trung Quốc can dự vào chiến dịch đàn áp ở Tân Cương, trong đó có một ủy viên Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Trung Quốc là ông Trần Toàn Quốc, bí thư Đảng Ủy Tân Cương.

Trước đó, vào tháng 11, luật mang tên rõ ràng là “Đạo Luật Dân Chủ và Nhân Quyền Hồng Kông'' cũng đã được tổng thống Mỹ Donald Trump ký thông qua vào hôm 27/11, sau khi được Quốc Hội lưỡng viện Hoa Kỳ tán đồng cũng với một đa số áp đảo.

Mỹ không đơn độc trên mặt trận chống Trung Quốc về mặt nhân quyền, đặc biệt là trên hồ sơ Duy Ngô Nhĩ đã gây chấn động trên thế giới, với Liên Hiệp Châu Âu càng lúc càng tỏ rõ thêm lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc.

Nghị Viện Châu Âu vào hôm qua 19/08 đã yêu cầu Liên Hiệp Châu Âu phải có những biện pháp mạnh hơn đối với những quan chức Trung Quốc can dự vào chính sách đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Trước đó, ngày 18/12, tân lãnh đạo ngành đối ngoại châu Âu là ông Josep Borell, đã cam kết thúc đẩy 28 quốc gia thành viên bày tỏ lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc trên vấn đề Tân Cương.

Kể từ khi lên nắm quyền lãnh đạo ngành ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu vào đầu tháng, ông Borell đã đề cập đến hai vấn đề Tân Cương và Hồng Kông với ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.

Phát biểu trước Nghị Viện Châu Âu, ông khẳng định:
“Không ai tranh chấp quyền của bất kỳ quốc gia nào trong việc thực hiện các biện pháp hợp pháp để chống khủng bố và đảm bảo an ninh.

 

Nhưng theo cách hiểu của chúng tôi, các chính sách được áp dụng ở Tân Cương dường như không tương ứng với mục đích đã nêu là đấu tranh chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan.”

Switch mode views: