BỘ THƯƠNG LUẬT - VNCH - Quyển 4
- Thứ Sáu, 31 tháng Tám năm 2012 00:00
- Tác Giả: Việt Nam Cộng Hòa
QUYỂN THỨ TƯ
VỀ THƯƠNG MẠI HÀNG HẢI
CHƯƠNG THỨ NHẤT
ĐẠI CƯƠNG
Điều thứ 549 – Tàu biển là vật nổi được kiến trúc để tự di chuyển trên nước và được đem dùng trong những hải trình có phạm vi chánh là biển.
Điều thứ 550 – Được xem là biển, những vùng ngập nước theo sự ghi chú theo các hải đồ chánh thức và những đoạn sông ngòi, kinh rạch và luật lệ Việt nam đồng hoá với biển để thi hành các qui tắc hàng hải.
Điều thứ 551 – Tàu biển có quốc tịch, tên và cứ cảng là nơi lưu trữ chứng thư đăng kí và giấy tờ hành chánh khác.
CHƯƠNG THỨ II
VỀ TÀU BIỂN
Điều thứ 552 – Tàu biển là một động sản nhưng bắt buộc phải đăng kí và có thể đề dương.
TIẾT I
SỰ ĐĂNG KÍ VÀ VIỆT NAM HOÁ TÀU BIỂN
Điều thứ 553 - Bất cứ tàu biển nào có dung lượng nguyên tử một trăm đôn số trở lên đều phải được đăng kí vào sổ thương thuyền để có thể được cấp chứng thư Việt nam hoá
Không thể cùng một lúc, đăng kí một tàu biển tại hai hay nhiều nơi khác nhau.
Điều thứ 554 - Sự đăng kí được thực hiện bằng cách ghi theo số thứ tự vào sổ thương thuyền lưu trữ tại quản hạt nơi tàu biển chọn cứ cảng.
Điều thứ 555 - Muốn được đăng kí, tàu biển phải thuộc quyền sở hữu một thể nhân hay pháp nhân có quốc tịch Việt nam.
Nếu là pháp nhân thì phải có các điều kiện sau đây:
1) Hội sở phải đặt tên lãnh thổ quốc gia Việt nam;
2) Nếu là công ty nặc danh hay trách nhiệm hữu hạn, chủ tịch và đa số hội đồng quản trị, hội đồng kiểm soát, tổng giám đốc hay quản lý phải là người Việt nam;
3) Nếu là một hội hợp danh thì phần hùn của hội viên Việt nam ít nhất phải bằng 51% số vốn hội;
4) Nếu hội là một công ty nặc danh, thì những cổ phần đại diện cho năm mươi mốt phần trăm vốn ( 51%) bắt buộc phải là kí danh.
Điều thứ 556 – Trong mọi trường hợp:
1) Thuyền trưởng, sĩ quan điều hành phải là người Việt nam;
2) Thuỷ thủ đoàn phải ít nhất là phân nửa quốc tịch Việt nam trừ trường hợp tại hải cảng trang bị không có đủ thuỷ thủ Việt nam hội đủ điều kiện bó buộc.
Điều thứ 557 – Để được đăng ký, thuyền chủ phải nộp đơn tại ty quan thuế thuộc quản hạt nơi tàu biển chọn cứ cảng và kèm theo tài liệu chứng minh hội đủ các điều kiện dự liệu ở điều 555.
Ty quan thuế đo dung lượng nguyên của tàu biển, lập chứng thư dung lượng và ghi vào sổ hàng hải thương thuyền :
1) Tên tàu biển, dung lượng, trọng tải và các đặc tính quan trọng của tàu;
2) Tên họ, nghề nghiệp, trú quán và quốc tịch của thuyền chủ;
3) Hội sở, hội danh, số vốn, nguồn gốc vốn, tên họ của chủ tịch và hội đồng quản trị, của tổng giám nếu có và của quản lý.
Điều thứ 558 - Tổng trưởng tài chánh cấp phát chứng thư Việt nam hoá các thể thức dự liệu ở các điều 555, 556, 557 đã được thực sự thi hành.
Chứng thư Việt nam hoá thuyền chủ đại diện của người này.
Điều thứ 559 - Với sự cấp phát sự chứng thư Việt nam hoá, tàu biển thừa nhận có quốc tịch Việt nam được quyền mang quốc kì và hưởng những quyền kiên hệ.
Tuy nhiên, được miễn có chứng thư Việt nam hoá:
1) Các tàu của chính phủ với điều kiện là tàu này không làm những hành vi thương mại;
2) Các ghe xuồng phụ thuộc đặt trên tàu biển;
3) Những ghe thuyền chỉ lưu thông trong phạm vi của biển hay hải cảng;
4) Những ghe tàu dung lượng nguyên dưới 100 đôn số dùng vào việc khai thác hải sản hoặc chuyên chở hàng hoá xuyên quốc gia.
Điều thứ 560 - Chứng thư Việt nam hoá chỉ được đem dùng vào hải trình.
Cấn bán, cho mướn hoặc cho mượn chứng thư Việt nam hoá.
Mọi vi phạm vào sự cấm đoán này sẽ bị truy tố và xử phạt theo điều 564.
Điều thứ 561 - Một khi được ghi vào chứng thư Việt nam hoá, tên tàu biển không được đổi nếu không có giấy phép.
Điều thứ 562 - Nếu để mất chứng thư Việt nam hoá, thuyền chủ có thể xin một phó bản chứng thư.
Điều thứ 563 – Trong thời hạn ba tháng, thuyền chủ bắt buộc phải nạp chứng thư Việt nam hoá và khai báo cho chánh thu quan thuế thuộc quản hạt nơi tàu biển đã chọn cứ cảng, nếu:
1) Có sự thay đổi về đặc tính quan trọng của tàu biển đã ghi trong Việt nam hoá;
2) Tàu biển bị tiêu huỷ hay lâm vào tình trạng bất khả hành thuỷ;
3) Có những sự kiện mới gây ra sự khiếm khuyết của một điều kiện dự liệu bởi các điều 555, 556.
Ty quan thế kiểm nhận tính cách đích xác của sự việc này và tuỳ trường hợp, hoặc thu hồi hẳn chứng thư Việt nam hoá cũ hoặc xin Tổng trưởng tài chánh cấp phát chứng thư mới phù hợp với đặc tính hiện tại của tàu biển hơn, hoặc gạch bỏ sự đăng ký đó trừ những đăng ký đề dương hay sai áp.
Điều thứ 564 - Sẽ bị phạt vạ từ 100.000$00 đến 1.000.000$00, kẻ nào đã vi phạm điều 560.
Sẽ bị phạt tù từ 1 đến 5 năm kẻ nào đã dùng mánh khoé gian lận để được cấp chứng thư Việt nam hoá, hoặc đã giả mạo hay sử dụng chứng thư Việt nam hoá giả mạo.
TIẾT II
VỀ SỰ THUẬN MÃI TÀU BIỂN
Điều thứ 565 - Chỉ có thuyền chủ mà tên họ được ghi hợp lệ trong sổ đăng ký và trong chứng thư Việt nam hoá, hay người nào được sự uỷ quyền đặc biệt của người này mới có quyền thuận mãi một tàu biển trừ trường hợp tàu biển lâm vào tình trạng bất khả hành thuỷ dự liệu ở điều 564.
Điều thứ 566 - Sự thuận mãi có thể bao gồm toàn phần tàu biển hay chỉ liên quan đến một phần tàu biển, dù tàu đang cập bến hay đang hành trình.
Điều thứ 567 - Sự thuận mãi sẽ vô hiệu nếu khi ký kết khế ước đoạn mãi, tàu biển đã bị tiêu huỷ, trừ trường hợp đôi bên ký kết đã dự liệu việc này ngay trong khế ước.
Điều thứ 568 - Sự thuận mãi một tàu biển đã được Việt nam hoá hợp lệ tại Việt nam cho một thể nhân hay pháp nhân có ngoại tịch chỉ được thực hiện khi có giấy phép của Tổng thống.
Điều thứ 569 - Cấm thuận mãi một tàu biển bị để dương cho một người ngoại quốc dù là tại Việt nam hay ngoại quốc.
Vi phạm điều này sự thuận mãi bị coi như vô hiệu và người bán sẽ bị phạt về tội bội tín.
Điều thứ 570 - Sự thuận mãi tàu biển phải làm bằng văn thư, có thể dùng hình thức công chứng thư hay tư chứng thư có trước bạ.
Điều thứ 571 - Với tàu biển đã được Việt nam hoá, chứng thư thuận mãi phải ghi rõ :
1) Tên tàu và các đặc tính quan trọng ;
2) Ngày tháng và số của chứng thư Việt nam hoá;
3) Những chỉ dẫn cần thiết về chiếc tàu bán ;
Điều thứ 572 – Trong thời hạn một tháng sau ngày ký kết, chứng thư đoạn mãi phải đưa trình ty chánh thu quan thuế thuộc quản hạt nơi tàu biển có cứ cảng để được sang tên.
Sự thuận mãi chỉ có hiệu lực chuyển quyền sở hữu đối với đệ tam nhân từ lúc đã thực hiện xong sự sang tên tại ty chánh thu quan thuế.
Điều thứ 573 – Sau khi đã sang tên tại ty chánh thu quan thuế, sự thuận mãi phải được công bố trên Công báo Việt nam Cộng hoà và trên hai tờ báo hàng ngày được phép đăng các bố cáo tư pháp xuất bản nơi quản hạt mà tàu biển có cứ cảng; nếu tại đây không có báo hàng ngày thì có thể công bố trên hai tờ nhật báo xuất bản ở thủ đô.
Trong các bố cáo phải ghi:
1) Tên, dung lượng nguyên và cứ cảng của tàu biển;
2) Tên họ và trú quán của người mua và người bán;
3) Ngày thực hiện sự sang tên tại ty chánh thu quan thuế;
4) Trú quán tuyển chọn tại Việt nam của người mua.
Sự công bố nếu không theo đúng những thể thức bó buộc nói ở những khoản trên sẽ coi như vô hiệu.
Quá hạn hai tháng, sau ngày công bố, tính chất đặc quyền của các món nợ dự liệu bởI điều 575 sẽ bị tiêu diệt không kể những nguyên nhân thông thường về sự tiêu diệt trách vụ qui định bỡi thường luật.
Điều thứ 574 - Nếu có sự tranh chấp giữa các người mua, về quyền sở hữu tàu biển, thì người nào đã được sang tên hợp lệ trước tại ty chánh thu quan thuế có thẩm quyền sẽ được coi là chân chánh sở hữu chủ.
TIẾT III
VỀ ĐẶC QUYỀN HÀNG HẢI
Điều thứ 575 – Các trói quyền phát sinh trong thời gian mỗi cuộc hành trình được bảo đảm theo thứ tự ưu tiên dưới đây trên tàu biển và thủy cước hành trình ấy, cũng như trên các phụ khoản của tàu biển và thủy cước đã thủ đắc từ lúc khởi hành.
1) Các án phí tụng lệ đã xuất ra để phát mãi tàu biển và phân chia số tiền bán tàu biển;
2) Những khoản thuế đánh trên trọng lượng hay thuế bến và mọi sắc thuế khác cùng loại, chi phí về hoa tiêu, về sự quản thủ và gìn giữ tàu biển kể từ khi tàu cập bến sau cùng;
3) Những tiền lương của thuyền trưởng, thủy thủ đoàn và các nhân viên khác để làm việc trên tàu;
4) Những khoản tiền thù đáp về công việc cứu trợ tàu biển và khoản tiền mà tàu phải đóng góp vào hải tổn chung;
5) Những khoản tiền bồi thường vì thuyền đột hay tai nạn thủy hành khác hay vì những thiệt hại đã gây ra cho công trình kiến trúc của hải cảng và thủy lộ, những khoản tiền bồi thường vì những thiệt hại về thân thể gây ra cho hành khách, thủy thủ đoàn cùng những khoản tiền bồi thường về các tổn thất hàng hoá và hành lý;
6) Những trái quyền do những giao kèo đã ký kết hoặc do các nghiệp vụ đã thực hiện, bởi thuyền trưởng ngoài cứ cảng, chiếu những quyền hạn luật định của mình về những nhu cầu thật sự để giữ gìn tàu biển hay để tiếp tục chuyến đi, bất cứ thuyền trưởng có phải đồng thời là thuyền chủ hay không, bất cứ trái chủ là chính thuyền trưởng hay là những nhà cung cấp, sửa chữa, cho vay, hoặc những người kết ước khác.
Điều thứ 576 - Những phụ khoản về tàu biển và về thủy cước nói ở điều 575 gồm có:
1) Các khoản bồi thường cho thuyền chủ về những thiệt hại vật chất đã gây ra cho tàu biển và chưa được bồi thường hay về thủy cước thất thâu;
2) Những khoản tiền bồi thường cho thuyền chủ về những hải tổn chung, khi những hải tổn này cấu thành những thiệt hại vật chất gây ra cho tàu biển và chưa được bồi thường, hoặc những thủy cước thất thâu;
3) Những khoản tiền thù đáp cho thuyền chủ về cứu trợ đã thực hiện cho tới khi kết thúc chuyến đi, sau khi đem trừ các khoản tiền phải cấp cho thuyền trưởng và nhân viên phục vụ trên tàu.
Được đồng hoá với thủy cước, giá vé của hành khách và lâm thời số tiền khoán tiêu biểu cho thủy cước, dự liệu để giới hạn trách nhiệm của thuyền chủ.
Không thể coi như phụ khoản về tàu biển và về thủy cước, những tiền bồi thường thiếu của thuyền chủ chiếu các giao kèo bảo hiểm cũng như các khoản tiền thưởng, trợ cấp hay viện trợ khác của quốc gia hay của những tập thể công cộng.
Được coi như phá lệ của điều 575, đặc quyền dự liệu cho các nhân viên làm việc trên tàu biển; đặc quyền này tính trên toàn thể các thủy cước thu được trong tất cả các chuyến đi trong trọn thời gian của giao kèo tuyển dụng.
Điều thứ 577 - Những trái quyền cùng thuộc một chuyến đi ưu tiên theo thứ tự đã xếp trong điều 575.
Những trái quyền xếp cùng một hạng được tính trả theo tỷ lệ trong trường hợp tiền phát mãi không đủ để trả tất.
Tuy nhiên, về các trái quyền kể ở khoản 4 và 6 của điều 575, trong mỗi hạng của loại này, thì những trái quyền mới phát sanh sau được trả ưu tiên đối với các trái quyền trước.
Những trái quyền cùng một biến cố được coi như đã phát sanh cùng lúc.
Điều thứ 578 - Những trái quyền đặc ưu của mỗi chuyến đi được ưu tiên đối với những tái quyền đặc ưu thuộc về chuyến đi trước.
Tuy nhiên, những trái quyền phát sinh do một giao kèo tuyển dụng duy nhứt gồm nhiều chuyến đi, đều được xếp đồng hạng với những trái quyền thuộc chuyến đi sau cùng.
Điều thứ 579 – Các trái chủ được hưởng đặc quyền có thể khai trình toàn thể ngạch số trái quyền của họ mà không cần tôn trọng những nguyên tắc liên hệ đến sự giới hạn trách nhiệm dự định cho các thuyền chủ.
Tuy nhiên phần chia cho họ không được quá số tiền được hưởng chiếu theo các qui tắc này.
Điều thứ 580 - Những đặc quyền dự liệu ở điều 575 vẫn được duy trì theo tàu biển, dù quyền sở hữu được di chuyển sang tay người khác.
Đối với mọi trái quyền, tính chất đặc quyền này sẽ bị tiêu diệt sau hạn một năm, trừ những trái quyền về cung cấp nói ở khoản 6 của điều 575.
Trong trường hợp sau này, thời hạn được thu ngắn còn 6 tháng.
Điều thứ 581 - Thời hạn dự liệu bởi điều 580 bắt đầu:
1) Đối với những đặc quyền bảo đảm những khoản tiền thù đáp về công cứu trợ và cứu nạn, kể từ ngày mà các công tác này hoàn tất;
2) Đối với những đặc quyền bảo đảm các khoản tiền bồi thường về thuyền đột hay các tai nạn hàng hải khác hoặc về thiệt hại thân thể, kể từ ngày gây ra sự thiệt hại.
3) Đối với những đặc quyền bảo đảm các trái quyền phát sanh từ sự tổn thất hàng hoá và hành lý, kể từ ngày mà hàng hoá và hành lý được giao hay đáng lý phải giao cho chủ.
4) Đối với những đặc quyền bảo đảm những trái quyền về sự sửa chữa hay cung cấp và mọi trường hợp khác dự liệu ở khoản 6 điều 475, kể từ ngày mà trái quyền phát sanh.
Trong tất cả những trường hợp khác, thời hạn sẽ bắt đầu kể từ ngày trái quyền trở thành khả sách.
Trái quyền của thuyền trưởng, thủy thủ đoàn và nhân viên khác phục vụ trên tàu biển, sẽ không vì có sự ứng trước hay vay trước một phần lương mà coi như khả sách.
Điều thứ 582 – Ngoài những phương cách thông thường về sự tiêu diệt các trách vụ, tính chất đặc quyền hàng hảisẽ bị tiêu diệt:
1) Bởi quyết định tịch thu tàu biển vi phạm luật lệ quan thuế, cảnh sát hay an ninh;
2) Bởi sự phát mãi tư pháp tàu biển do phán quyết của toà án, theo những thể thức dự liệu bởi tiết V của chương này.
Điều thứ 583 – Có thể sử hành đặc quyền trên thủy cước, khi nào thủy cước còn thiếu chưa trả hay tiền thủy cước còn ở trong tay thuyền trưởng hoặc đại lý của thuyền chủ.
Qui tắc này cũng áp dụng cho đặc quyền đặt trên những khoản tiền phụ thuộc.
Điều thứ 584 - Những điều khoản từ 575 đến 583 được áp dụng cho các tàu biển khai thác hoặc bởi thuyền chủ, hoặc bởi người trang bị không phải thuyền chủ, hoặc bởi người thuê chánh, trừ phi họ bị tước đoạt quyền hành bởi một vi bất hợp pháp và nếu người chủ nợ không ngay tình.
TIẾT IV
VỀ ĐỀ DƯƠNG HÀNG HẢI
Điều thứ 585 - Khế ước đề dương tàu biển phải làm bằng văn thư; có thể dùng hình thức tư chứng thư có trước bạ.
Điều thứ 586 - Những đề dương hàng hải được xếp theo thứ tự đăng ký liền sau những trái quyền đặc ưu dự liệu bởi điều 575.
Tất cả những đặc quyền khác xếp sau các đặc quyền đề dương.
Điều thứ 587 - Chỉ có thuyền chủ hay người nào được sự ủy quyền đặc biệt của người này, mới có thể ưng thuận đề dương tàu biển.
Trong trường hợp tàu biển thuộc quyền cộng hữu của nhiều người, người đứng tên trang bị có thể vì nhu cầu trang bị hay hàng hải, đề dương tàu biển nếu được đa số chấp thuận theo điều 634 và chánh án cho phép theo điều 650.
Một cộng chủ tàu biển chỉ có thể đề dương phần cộng hữu của mình khi có phép của đa số như đã định ở điều 634.
Điều thứ 588 - Sự đề dương tàu biển hay một phần của tàu biển sẽ bao gồm cả thân tàu, đồ vật trang bị, máy móc và những phụ tùng khác, trừ phi có giao ước trái lại.
Điều thứ 589 – Có thể đề dương một tàu biển đang kiến tạo.
Trong trường hợp này, cần phải khai báo trước khi đề dương tại ty chánh thu quan thuế thuộc quản hạt nơi tàu biển đang được kiến tạo.
Sự khai báo phải ghi rõ chiều dài của lườn tàu và đại khái các kích thước khác cùng trọng lượng phỏng định của tàu. Sự khai báo cũng phải nêu rõ nơi tọa lạc xưởng đang đóng tàu này.
Điều thứ 590 - Sự đề dương được công bố rằng sự đăng ký vào một sổ đặc biệt tại ty chánh thu quan thuế thuộc quản hạt nơi tàu biển đang kiến tạo hay tại Ty nơi tàu đã đăng ký, nếu tàu được cấp chứng thư Việt nam hoá.
Điều thứ 591 - Sở hữu chủ một tàu biển được kiến tạo tại Việt nam, muốn xin cấp chứng thư Việt nam hoá cho tàu này, cần phải đính theo các giấy tờ bó buộc để được Việt nam hoá, một bản liệt kê tình trạng đăng ký đề dương trên tàu đang kiến tạo, hay một chứng thư xác nhận tàu không bị đề dương.
Chánh thu quan thuế sẽ tự động chuyển ghi những sự đăng ký chưa được gạch bỏ theo đúng thứ tự ngày tháng vào sổ bộ nơi tàu xin cấp chứng thư Việt nam hoá, nếu nơi này khác với nơi tàu biển được kiến tạo.
Nếu tàu biển thay đổi cứ cảng, ty chánh thu quan thuế tại cứ cảng mới cũng sẽ tự động chuyển ghi vào sổ bộ của cứ cảng mới này, những sự đăng ký chưa được gạch bỏ theo đúng thứ tự ngày tháng tương xứng.
Điều thứ 592 - Mọi tàu biển phải đem theo, ngoài các giấy tờ bó buộc, một bản kê khai cập nhựt những đăng ký đề dương tính đến ngày khởi hành. Bảng này chỉ ghi chú ngày tháng của trái quyền, tên họ trái chủ, các số tiền được đảm bảo bằng sự đề dương.
Điều thứ 593 - Để thực hiện đăng ký, trái chủ đưa trình để ký nạp cho Ty chánh thu quan thuế một bổn của chứng thư thiết lập đề dương.
Nếu là tư chứng thư hay công chứng thư chánh cấp thì ký nạp bản chánh, nếu là công chứng thư được chấp giữ nguyên bổn thì ký nạp bổn toàn sao.
Phải đính theo hai bản biên lục có chữ ký của đương đơn. Các bản biên lục phải ghi:
1) Tên họ và trú quán của trái chủ và trái hộ, nghề nghiệp của họ, nếu có;
2) Ngày và bản chất của chứng khoán;
3) Ngạch số của trái quyền ghi trong chứng khoán;
4) Các giao ước về tiền lời và sự hoàn trả;
5) Tên và đặc điểm của tàu biển đề dương, ngày của chứng thư Việt nam hoá hay ngày khai báo việc kiến tạo;
6) Trú quán tuyển chọn của trái chủ trong quản hạt của ty chánh thu quan thuế.
Điều thứ 594 – Chánh thu quan thuế ghi chép trên sổ của mình nội dung của các bản biên lục và giao lại cho đương đơn một bản biên lục trong đó ở phần cuối, viên chức này chứng thực là đã thực hiện việc đăng ký.
Điều thứ 595 - Mỗi khi đăng ký hay tái đăng ký đề dương hàng hải, chánh thu quan thuế sẽ gởi một bản sao biên lục có chữ ký của đương đơn lên trụ sở của tổng nha quan thuế.
Trong trường hợp có sự thay đổi trú quán, sang bộ, đại nhiệm, gạch bỏ, sai áp v.v... chánh thu quan thuế cũng phải gởi một trích lục những thỉnh nguyện hay biên bản liên hệ lên tổng nha quan thuế.
Những bản sao hay trích lục này được kèm gởi theo một phó bản thuận nhận Việt nam hoá, được chánh thu quan thuế thị thực. Tuỳ trừơng hợp, chánh thu quan thuế sẽ ghi những chỉ dẫn liên quan đến số thứ tự đăng ký, ngày trước bạ của các đăng ký, những thay đổi về trú quán đại nhiệm hay gạch bỏ.
Các bút lục này sẽ được lưu giữ trong 10 năm để dùng vào việc tái lập hồ sơ đề dương, nếu cần.
Điều thứ 596 - Nếu có hai hay nhiều đề dương trên cùng một tàu biển hay trên cùng một phần sở hữu của tàu biển, thứ bậc ưu tiên được định theo ngày đăng ký.
Những đề dương đăng ký cùng ngày, được xếp ngạch ngang nhau dù đã đăng ký vào những giờ khác nhau.
Điều thứ 597 - Sự đăng ký bảo tồn đề dương trong mười năm kể từ ngày đăng ký. Hiệu lực của đăng ký sẽ hết, nếu trước khi mãn hạn không có sự tái đăng trên sổ bộ quan thuế.
Điều thứ 598 - Nếu chứng thư thiết lập đề dương có điều khoản chiếu lệnh, thì sự nhượng dịch bằng cách bối thự có hiệu lực chuyển quyền đề dương.
Điều thứ 599 - Sự đăng ký bảo đảm hai năm tiền lời không kể tiền lời của năm thiết lập đăng ký. Sự bảo đảm này cùng thứ bậc với số nợ gốc.
Điều thứ 600 - Sự đăng ký được gạch bỏ hoặc do sự đồng ý của những người hữu quyền quan thiết hoặc do một bản án chung thẩm hay có uy lực của việc xử rồi.
Điều thứ 601 - Nếu không có án toà, chánh thu quan thuế chỉ có thể gạch bỏ toàn thể hay một phần sự đăng ký khi có một công chứng thư hay một tư chứng thư có trước bạ được ký nạp xác nhận sự ưng thuận gạch bỏ do trái chủ hay do người được nhượng quyền có giấy tờ chứng minh.
Trong trường hợp chứng thư thiết lập đề dương là tư chứng thư hay công chứng thư chánh cấp, thì liền đó chánh thu quan thuế sẽ ghi chú sự gạch bỏ toàn thể hay một phần trên chứng thư ấy.
Điều thứ 602 - Bất cứ ai cũng có thể xin chánh thu quan thuế cấp cho một bản trích lục lược kê các đăng ký đề dương còn hiệu lực trên một tàu biển, hay một chứng thư xác nhận không có sự đề dương nào.
Điều thứ 603 - Những trái chủ có đề dương đăng ký trên một tàu biển hay một phần tàu biển có quyền truy sách tàu biển, dù tàu có chuyển nhượng sang bất cứ tay ai, để ấn định thuận tự và trả tiền theo thứ tự đăng ký.
Nếu sự đề dương chỉ đăng ký trên một phần tàu biển, trái chủ chỉ có quyền sai áp và phát mãi phần tàu bị đề dương mà thôi. Tuy nhiên, nếu phần bị đề dương quá phân nửa tàu biển, trái chủ có thể, sau khi sai áp, cho phát mãi toàn thể tàu biển với điều kiện phải cho gọi các cộng chủ đến tham dự cuộc phát mãi.
Trong tất cả các trường hợp có tình trạng cộng hữu tàu biển, những đề dương thỏa thuận trong thời kỳ vị phân do một hay nhiều cộng chủ trên một phần của tàu biển sẽ tiếp tục duy trì hiệu lực dù có sự tương phân cạnh mãi để chia.
Tuy nhiên, nếu có sự cạnh mãi để chia do phán quyết của toà án theo các thể thức dự liệu bởi tiết V của chương này thì quyền của các trái chủ đề dương trên một phần của tàu biển sẽ giới hạn vào ưu quyền trên phần giá bán liên hệ đến phần tàu bị đề dương.
Điều thứ 604 - Muốn trách quyền truy sách dự liệu bởi điều trên, người mua tàu hay một phần tàu bị đề dương phải, trước khi có sự truy sách hay trễ nhứt trong thời hạn mười lăm ngày kể từ ngày có sự truy sách, tống đạt cho các trái chủ đăng ký trong sổ bộ của cứ cảng, tại trú quán tuyển chọn ghi trong sự đăng ký:
1) Một trích lục chứng khoán của mình ghi rõ ngày và đặc tính của chứng thư, tên họ người bán, tên, loại và trọng lượng của tàu biển và các đảm phụ đã tính chung trong giá bán.
2) Một bảng kê có ba cột, cột thứ nhứt liệt kê ngày đăng ký, cột thứ nhì tên họ trái chủ và cột thứ ba ngạch số các trái quyền được đăng ký.
Tờ tống đạt phải ghi rõ nơi tuyển định cư trú của người mua.
Điều thứ 605 – Cũng trong tờ tống đạt này người mua tuyên cáo sẳn sàng trả ngay các số nợ đề dương cho đến ngạch mức của giá mua không phân biệt nợ đã khả sách hay chưa.
Điều thứ 606 - Mọi trái chủ đều có thể yêu cầu xin phát mãi đấu giá tàu biển hay phần tàu biển bằng cách nâng giá lên một phần mười (1/10) và cung nạp bảo lãnh về sự trả tiền bán cùng các đảm phụ khác.
Điều thứ 607 – Văn thư yêu cầu phát mãi đấu giá kèm sự triệu hoán có chữ ký của trái chủ, phải cáo tri cho người mua trong hạn mười ngày kể từ khi nhận được tống đạt nói ở điều 604 kèm theo sự tiệu hoán người mua ra trước toà sơ thẩm nơi tàu hiện đậu, hay nếu tàu đang hành trình, nơi tàu đã được đăng ký, để nghe truyền cho phát mãi đấu giá.
Điều thứ 608 - Việc phát mãi đấu giá sẽ được thực hiện do sự mẫn cán hoặc của trái chủ đương đơn, hoặc của người mua, theo những thể thức ấn định cho sự sai áp phát mãi qui định ở tiết V, chương này.
Điều thứ 609 - Những đề dương ưng thuận ở ngoại quốc chỉ có hiệu lực đối với đệ tam nhân như những đề dương ưng thuận tại Việt nam kể từ ngày các đề dương này được đăng ký trên sổ bộ của chánh thu quan thuế thuộc quản hạt nơi tọa lạc cứ cảng của tàu biển.
Tuy nhiên, sẽ được coi như có giá trị, những đề dương thiết lập trên tàu biển mua ở ngoại quốc, trước khi tàu được đăng ký ở Việt nam, miễn là các sự đề dương này đã được lãnh sự Việt nam ghi hợp lệ trên chứng thư xuất thuyền tạm thời và được đem qua sổ bộ của chánh thu quan thuế nơi tàu sẽ được đăng ký.
Việc đem qua sổ bộ sẽ được thực hiện theo thỉnh cầu của trái chủ sau khi xuất trình biên lục ấn định tại điều 593.
Điều khoản này sẽ được ghi vào chứng thư Việt nam hoá .
TIẾT V
VỀ SỰ SAI ÁP VÀ PHÁT MẠI TÀU BIỂN
Điều thứ 610 – Tất cả các tàu biển đều có thể bị sai áp và phát mại bởi quyết định của tòa án, và đặc quyền của các trái chủ sẽ bị thanh tiêu bởi các thể thức định ở tiết này.
Điều thứ 611 – Không thể sai áp một tàu biển đang sắp khởi hành, trừ phi về những món nợ phát sanh vì những nhu cầu hành trình. Nhưng ngay trong trường hợp này cũng không được sai áp nếu các món nợ có bảo lãnh.
Tàu được xem như sắp hành trình khi thuyền trưởng có đủ mọi chứng thư cần thiết cho chuyến đi.
Điều thứ 612 - Sự sai áp chỉ có thể thực hiện 24 giờ sau khi chủ nợ, chấp hành án văn, để phát lệnh đòi tiền.
Điều thứ 613 - Tờ phát lệnh phải tống đạt đến tận tay hay tại trú quán của thuyền chủ.
Nhưng nếu là những trái quyền đặc ưu nói tại điều 575 thì chủ nợ có thể tống đạt tờ phát lệnh cho thuyền trưởng.
Điều thứ 614 - Thừa phát lại ghi trong vi bằng sai áp:
- Tên họ, nghề nghiệp, và trú quán của trái chủ.
- Chứng thư đem chấp hành.
- Số tiền truy thâu.
- Cơ sở tuyển trạch của trái chủ tại quản hạt toà án nơi sự phát mại và nơi tàu bị sai áp đang thả neo.
- Tên họ người chủ và thuyền trưởng.
- Tên, loại và trọng lượng của tàu biển.
Thừa phát lại liệt kê và mô tả những ca nô, phao, dụng cụ trang bị, động cơ, vật liệu. v.v… và đặt người quản thủ.
Điều thứ 615 – Trong thời hạn ba ngày, sau khi sai áp, người đứng sai áp phải tống đạt cho thuyền chủ bản sao vi bằng sai áp và triệu hoán người này ra trước toà sơ thẩm thuộc nơi sai áp để nghe xử về việc phát mại các vật bị sai áp.
Nếu thuyền chủ không cư ngụ trong quản hạt của toà thụ lý, thì phải cáo tri và triệu hoán thuyền trưởng của tàu bị sai áp, nếu thuyền trưởng cũng vắng mặt thì phải cáo tri và triệu hoán người đại diện thuyền chủ hay đại diện thuyền trưởng.
Nếu thuyền chủ không cư trú tại Việt nam và cũng không có đại diện tại đây, thì sự cáo tri và triệu hoán sẽ thi hành theo điều 29 Bộ luật Dân sự tố tụng.
Điều thứ 616 – Vi bằng sai áp sẽ được chuyển tả tại ty chánh thu quan thuế nơi tàu biển được kiến tạo hay nơi tàu biển được đăng ký, trong thời hạn ba ngày như đã định ở trên; thời hạn này được gia tăng mười lăm ngày nếu ty quan thuế không ở trong quản hạt toà thụ lý.
Trong thời hạn tám ngày, chánh thu quan thuế sẽ cấp một bảng liệt kê các đăng ký. Trong ba ngày sau khi được cấp bảng liệt kê (với sự gia tăng thời hạn như trên), chủ nợ sai áp sẽ cáo tri cho các trái chủ đăng ký tại những trú quán tuyển chọn của họ, với sự chỉ định ngày phải đến trình diện trước toà.
Thời hạn xuất đình sẽ là thời hạn qui định ở điều 29 Bộ luật dân sự tố tụng.
Điều thứ 617 – Toà sẽ tuyên án ấn định giá đặt và các điều kiện phát mại. Nếu đến ngày đã định để phát mại, không có người chịu mua với giá đã đặt, toà sẽ lên án định ngày cho một sự phát mại khác với một giá đặt thấp hơn giá trước.
Điều thứ 618 - Sự phát mại khai diễn trong một phiên nhóm đấu giá của toà sơ thẩm, mười lăm ngày sau khi đã cho niêm yết bích chương và đăng tải nội dung của bích chương trong một tờ báo phát hành tại quản hạt nơi tọa lạc toà án, nếu có, bằng không thì trong một những tờ báo phát hành tại thủ đô, không kể những thể thức công bố khác có thể được toà cho phép.
Tuy nhiên, toà án có thể tuyên định rằng sự phát mại sẽ khai diễn hoặc tại một toà sơ thẩm khác hoặc tại một văn phòng chưởng khế.
Trong những trường hợp sau này, án văn sẽ qui định cách công bố tại địa phương.
Điều thứ 619 – Các bích chương sẽ được niêm yết trên tàu bị sai áp tại những nơi dễ thấy nhứt, tại cửa chính toà nơi phát mại, tại một công trường hay tại một bến nơi tàu đang thả neo.
Điều thứ 620 - Bố cáo và bích chương phải ghi:
- Tên họ nghề nghiệp, trú quán, của người phát mại;
- Các chứng thư đem chấp hành;
- Số tiền truy thâu;
- Trú quán tuyển chọn của người phát mại trong quản hạt toà án nơi phát mại và đồng thời trong quản hạt nơi tàu bị sai áp đang thả neo;
- Tên họ, nghề nghiệp, trú quán của thuyền chủ chiếc tàu bị sai áp;
- Tên tàu biển, và nếu là tàu đã được trang bị hay đang trang bị, tên họ của thuyền trưởng;
- Đặc tính của cơ chế di chuyển, trọng lượng và tốc lực;
- Nơi tàu đang đậu;
- Giá đặt và những điều kiện của sự phát mại;
- Nơi, ngày giờ bán đấu giá.
Điều thứ 621 – Sự tăng giá cạnh mại sẽ không được chấp thuận trong trường hợp phát mại tư pháp.
Điều thứ 622 - Người đấu giá được trong cuộc sai áp phát mại, cũng như người đấu được giá trong cuộc tăng giá cạnh mại bắt buộc phải nộp giá tiền nhưng được miễn phí, cho quỹ cung thác trong thời hạn hai mươi bốn giờ kể từ khi đấu giá được, bằng không sẽ bị coi như cuồng đấu.
Điều thứ 623 - Sẽ được thâu nhận trong hạn ba ngày, kể từ ngày phát mại, những đơn xin ngăn chận việc chia giá tiền bán, quá hạn nói trên, đơn xin ngăn chận sẽ không được chấp nhận.
Điều thứ 624 – Các trái chủ ngăn chận phải xuất trình cho phòng lục sự những chứng từ về trái quyền của họ, trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được đốc thúc do trái chủ đứng sai áp hay do đệ tam nhân bị sai áp, nếu không, sẽ khởi sự phân chia số tiền phát mại và họ sẽ không được dự chia.
Điều thứ 625 – Sau hạn năm ngày, kể từ ngày phát mại, người đấu giá được phải đệ đơn lên chánh án toà sơ thẩm để xin chỉ định một thẩm phán thừa ủy. Các trái chủ sẽ được thẩm phán thừa ủy triệu thỉnh tại địa chỉ tuyển chọn của họ để thỏa thuận phân chia giá tiền bán được.
Thời gian triệu thỉnh là mười lăm ngày bất kể trú quán cách biệt xa gần.
Nếu có sự thỏa thuận, thẩm phán thừa uỷ lập một biên bản thanh quyết tương thuận và ra lịnh cho lục sự cấp phát biên lục thuận tự cho các trái chủ. Quỹ cung thác sẽ trả tiền cho các trái chủ khi họ nạp biên lục. Chánh thu quan thuế khi nhận được bản sao biên lục nói trên, sẽ gạch bỏ những đăng ký đề dương như sẽ nói ở điều 629 đoạn chót.
Điều thứ 626 - Những đơn xin trích xuất phải đệ nạp tại phòng lục sự toà án trước ngày đấu giá.
Nếu đơn xin trích xuất nạp sau ngày đấu giá thì sẽ đương nhiên được cải hoán thành thỉnh cầu ngăn chận việc chia giá tiền bán được.
Điều thứ 627 – Nguyên đơn xin trích xuất ngăn chận có ba ngày để xuất trình phương chước.
Bị đơn có ba ngày để kháng ngôn.
Vụ kiện sẽ được đem ra phiên xử do trát của phòng lục sự.
Điều thứ 628 – Trong trường hợp các trái chủ bất đồng ý kiến về sự phân chia số tiền phát mại, thẩm phán thừa ủy sẽ cho thiết lâp biên bản ghi nhận các yêu sách cùng kháng ngôn của họ.
Trong hạn tám ngày, chiếu theo biên bản trên, lục sự sẽ gởi thơ bảo đảm mời các trái chủ đến trước tòa để nghe tòa tuyên án.
Án tuyên sẽ có giá trị đối với mọi người, kể cả các trái chủ có đặc quyền.
Điều thứ 629 – Án văn sẽ được cáo tri trong thời hạn tám ngày, kể từ ngày tuyên xử tại trú quán tuyển chọn của các đương sự. Án văn này không thể bị kháng tố.
Thời hạn kháng cáo là mười lăm ngày, kể từ ngày án văn được cáo tri.
Trong hạn tám ngày , kể từ khi mãn hạn kháng cáo và nếu có kháng cáo, trong hạn tám ngày kể từ khi có phúc quyết của tòa thượng thẩm, thẩm phán thừa ủy sẽ cho thiết lập bảng liêt kê các trái khoản được định thuận tự, ghi riêng biệt tiền vốn, tiền lời và phí tổn. Khi án sơ thẩm đã thành nhứt định hay đã có phúc quyết của tòa thượng thẩm, tiền lời của các trái khoản đã được định thuận tự sẽ thôi không được tính nữa. Các tổn phí về những sự tranh nại để định thuận tự sẽ do người thất kiện gánh chịu và không được tính là án phí để khấu trừ vào số tiền phải chia.
Do án lệnh của thẩm phán thừa ủy, lục sự sẽ cấp các bản biên lục về sự định thuận tự, có hiệu lực chấp hành đối với quỹ cung thác. Án lệnh này còn cho phép chánh thu quan thuế gạch bỏ những sự đăng ký của cả trái chủ không được định thuận tự. Bất cứ đương sự nào có quyền lợi cũng đều có thể xin thực hiện sự gạch bỏ này.
Điều thứ 630 - Giữa các trái chủ đặc quyền và đề dương, sự định thuận tự các trái chủ và sự phân chia tiền phát mại được thi hành theo thứ bậc pháp định cho các đặc quyền và đề dương hàng hải, và giữa các trái chủ khác theo tỷ lệ trái quyền của họ.
Sự định thuận tự có hiệu lực ấn định thứ bậc chẳng những cho số tiền vay mà còn cho số tiền lời và phí tổn.
Điều thứ 631 - Sự bán đấu giá tàu biển bị sai áp có hậu quả chấm dứt nhiệm vụ của thuyền trưởng, ngoại trừ quyền đòi bồi thường của người này, nếu có.
CHƯƠNG THỨ III
VỀ THUYỀN CHỦ, NGƯỜI TRANG BỊ
ĐỂ KHAI THÁC, THUYỀN TRƯỞNG
VÀ CÁC ĐẠI LÝ TRÊN BỘ
CỦA THUYỀN CHỦ
TIẾT I
VỀ THUYỀN CHỦ
Điều thứ 632 – Thuyền chủ chịu trách nhiệm dân sự về những hành vi của thuyền trưởng và bị ràng buộc bởi những cam kết của thuyền trưởng về mọi việc liên quan đến tàu biển và hành trình.
Trong mọi trường hợp, thuyền chủ có thể tự giải trách đối với các nghĩa vụ nói trên bằng sự bỏ tàu và thủy cước.
Tuy nhiên, người nào vừa là thuyền trưởng. vừa là thuyền chủ hay cộng chủ tàu biển, thì không có năng quyền để bỏ tàu biển và thủy cước. Thuyền trưởng nếu là cộng chủ tàu biển, chỉ chịu trách nhiệm theo tỷ lệ ký phần mình về những cam kết liên quan đến tàu biển và cuộc hành trình.
Trong trường hợp tàu đắm tại một hải cảng, tại một bến gần biển, tại những thủy lộ dẫn đến những bến này cũng như trong trường hợp tàu gây thiệt hại cho những công sự tại bến, thuyền chủ có thể bỏ tàu và thủy cước để được giải nhiệm ngay cả đối với quốc gia về sự chi phí để trục tàu, sửa chữa cũng như về mọi khoản bồi thường thiệt hại.
Thuyền trưởng, nếu là thuyền chủ hay cộng chủ tàu biển cũng có năng quyền này, trừ trường hợp tai nạn đã xảy ra do lỗi của mình.
Điều thứ 633 - Thuyền chủ trực tiếp khai thác tàu biển có thể sa thải thuyền trưởng nhưng phải bồi thường, nếu sa thải quá lạm.
Điều thứ 634 - Nếu thuyền trưởng bị sa thải là cộng chủ tàu biển, thì có thể khước từ sự cộng hữu và đòi số vốn trị giá phần công hữu.
Phần cộng hữu này sẽ được định giá bởi một cuộc giám định tương thuận hay giám định tư pháp.
Điều thứ 635 - Về mọi việc liên hệ đến quyền lợi chung của các cộng chủ tàu biển, phải theo ý kiến của đa số.
Được coi như đa số, phần quyền lợi quá bán giá trị của tàu biển.
Nếu không có giao ước trái lại bằng văn thư, thì sự đấu giá để chia tàu biển chỉ có thể chấp thuận nếu có sự yêu cầu của những người cộng chủ mà quyền lợi hợp chung bằng phân nửa giá trị toàn thể của tàu biển.
TIẾT II
VỀ NGƯỜI KHAI THÁC TÀU BIỂN
Điều thứ 636 - Thuyền chủ có thể cho mướn trống tàu biển để người thuê tự ý trang bị và khai thác lấy.
Khi có trường hợp này, người khai thác sẽ chọn thuyền trưởng và khai thác nhơn danh mình.
Tuy nhiên, giao kèo cho mướn tàu trống phải xem như một khế ước thủy vận, nên phải lập theo thể thức dự liệu bởi điều 673.
Điều thứ 637 - Người trang bị khác đứng tên mình ký giao kèo chuyên chở hàng hải với những người gởi hàng, phải chịu trách nhiệm một mình đối với những người này về hư hao và thất lạc hàng hoá.
Điều thứ 638 – Dù có sự cho thuê nói ở điều 636, thuyền chủ đứng tên trong chứng thư Việt nam hoá phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại mà tàu biển đã gây ra cho đệ tam nhân.
Dù không chọn thuyền trưởng và thủy thủ đoàn, thuyền chủ vẫn chịu trách nhiệm về những hành vi của những người này theo sự dự liệu của điều 632.
Thuyền chủ có thể giải trách như đã nói ở điều 632.
Điều thứ 639 - Thuyền chủ đã bồi thường cho đệ tam nhân về những thiệt hại mà người trang bị khai thác hay nhân viên của người này đã gây ra, có thể sử hành các tố cầu phản hoàn.
TIẾT III
VỀ THUYỀN TRƯỞNG
Điều thứ 640 - Mọi thuyền trưởng được ủy thác việc điều khiển một tàu biển, trong khi thi hành nhiệm vụ phải chịu trách nhiệm về những lỗi của mình dù là lỗi nhẹ.
Điều thứ 641 – Thuyền trưởng chịu trách nhiệm về hàng hoá do mình nhận lãnh và cấp biên nhận.
Biên nhận này được gọi là tải hoá đơn.
Điều thứ 642 - Thuyền trưởng có nhiệm vụ thành lập thủy thủ đoàn, lựa chọn thuê mướn thủy thủ và nhân viên khác.
Tuy nhiên, thuyền trưởng đang ở nơi trú quán của thuyền chủ, phải phối hợp với người này để làm công việc tuyển chọn nói trên.
Điều thứ 643 - Thuyền trưởng giử một quyển sổ có đánh số và chữ ký tắt của một thẩm phán thuộc toà sơ thẩm và tại nơi không có toà án, của thị trưởng, tỉnh trưởng hay đại diện.
Được ghi trong quyển sổ này:
- Các quyết định trong chuyến đi.
- Số thu xuất thuộc tàu biển và nói chung mọi sự liên quan đến việc quản trị tàu biển.
Điều thứ 644 - Trứơc khi khởi hành, thuyền trưởng phải yêu cầu xét tàu theo những điều kiện và thể thức luật định.
Vi bằng xét tàu sẽ được ký nạp tại phòng lục sự của toà sơ thẩm.
Phòng lục sự sẽ cấp cho thuyền trưởng bản trích lục.
Điều thứ 645 - Thuyền trưởng giữ trên tàu:
- Chứng thư sở hữu tàu biển,
- Chứng thư Việt nam hoá,
- Danh sách thủy thủ đoàn,
- Khế ước thuyền tải và các tải hoá đơn,
- Vi bằng xét tàu,
- Biên nhận thanh toán hay bảo chứng thuế quan.
Điều thứ 646 – Khi tàu ra vào bến, hải cảng hay sông ngòi, thuyền trưởng phải có mặt trên tàu.
Điều thứ 647 – Trong trường hợp có sự vi phạm những nghĩa vụ bó buộc ở bốn điều trên đây, thuyền trưởng chịu trách nhiệm về mọi biến cố, đối với những người có quyền trên tàu biển và hàng hoá.
Điều thứ 648 - Nếu thuyền trưởng không có sự ưng thuận bằng văn thư của người gởi, mà đã cho chất hàng hóa lên boong tàu, thì sẽ phải chịu trách nhiệm về những tổn hại xảy ra cho các hàng hoá đó.
Điều thứ 649 - Chỉ khi có bằng cớ về tình trạng bất khả kháng, thuyền trưởng mới không còn trách nhiệm.
Điều thứ 650 - Thuyền trưởng đang ở nơi cư ngụ của các thuyền chủ hay những người đại diện của họ, nếu không có sự ủy quyền đặc biệt của những người này, thì không thể cho thuê tàu biển, vay tiền sửa chữa, mua máy móc, dụng cụ trang bị trên tàu.
Điều thứ 651 - Trước khi khởi hành từ một hải cảng ngoại quốc trở về Việt nam, thuyền trưởng phải gởi cho các thuyền chủ hay những người đại diện của họ một báo cáo có chữ ký của thuyền trưởng trong đó có ghi tình trạng và giá cả các hàng hoá chở trên tàu, các số tiền mà thuyền trưởng đã vay, tên họ và trú quán của những người cho vay.
Điều thứ 652 - Thuyền trưởng nào tự tiện đem tàu, lương thực trên tàu, đồ vật trang bị trên tàu làm bảo đảm để vay tiền, thế chấp hay bán các hàng hoá hoặc lương thực, hay đã ghi trong các sổ mục của mình, những hải tổn và chi tiêu giả định sẽ phải chịu trách nhiệm đối với người đã khai thác tàu biển và với tư cách cá nhân phải hoàn lại tiền đã lấy hay trả tiền những món hàng đã bán.
Ngoài ra, thuyền trưởng còn có thể bị truy tố và xử phạt cấm cố.
Điều thứ 653 – Ngoài trường hợp có sự bất khả hành thủy được kiểm chứng hợp pháp, thuyền trưởng không thể bán tàu biển nếu không có ủy quyền đặc biệt của thuyền chủ.
Nếu vi phạm, sự đoạn mại sẽ coi như vô hiệu. Ngoài ra thuyền trưởng có thể bị phạt về hình sự như nói tại điều trên.
Điều thứ 654 - Mọi thuyền trưởng được tuyển dụng cho một chuyến đi, có trách vụ hoàn tất chuyến đi đó, bằng không, phải chịu phí tổn và bồi thường thiệt hại cho các thuyền chủ và người thuê tàu.
Điều thứ 655 – Dù có sự nguy hiểm đến đâu, thuyền trưởng cũng không thể bỏ tàu đang hành trình mà không có ý kiến các sĩ quan và nếu có trường hợp phải bỏ tàu, thuyền trưởng phải đem theo tiền bạc và nếu có thể, những hàng hoá quí giá nhứt trên tàu, bằng không thuyền trưởng chịu trách nhiệm với tư cách cá nhân.
Nếu đồ vật mang theo lại bị thất lạc vì trường hợp bất khả kháng, thuyền trưởng sẽ được giải trách.
Điều thứ 656 – Trong vòng hai mươi bốn giờ sau khi tàu cập bến, thuyền trưởng phải làm phúc trình và đem trình chánh án chiếu khán sổ bộ.
Điều thứ 657 – Phúc trình được ký nạp tại phòng lục sự và phải nêu rõ:
- Nơi và thời tiết lúc khởi hành.
- Hải trình đã theo.
- Những việc rủi ro đã gặp.
- Những việc hổn độn đã xảy ra trên tàu và những hoàn cảnh đáng chú ý của chuyến đi.
Điều thứ 658 - Nếu tàu cập bến tại một thương cảng ngoại quốc, thuyền trưởng phải đến trình diện và phúc trình trước lãnh sự Việt nam để xin cấp một chứng thư kiểm nhận thời kỳ tàu tới và đi, tình trạng và bản chất của hàng hóa trên tàu.
Điều thứ 659 – Khi đang hành trình, nếu tàu buộc phải ghé một hải cảng Việt nam, thuyền trưởng phải đến khai báo với chánh án toà sơ thẩm tại chỗ những nguyên do của sự ghé bến này.
Nếu buộc phải ghé vào một hải cảng ngoại quốc, thuyền trưởng phải khai báo với lãnh sự Việt nam hay với thẩm phán tại chỗ, nếu nơi này không có lãnh sự Việt nam.
Điều thứ 660 – Trong trường hợp tàu bị đắm, thuyền trưởng nếu thoát nạn được một mình hay với một số nhân viên thủy thủ đoàn, phải đến trình diện trước thẩm phán tại chỗ, hay nếu tại đây không có thẩm phán, trước một cơ quan dân sự nào khác, để làm phúc trình và để nhân viên sống sót có mặt tại đây làm nhân chứng xác nhận tờ phúc trình rồi xin cấp bản sao phúc trình đó.
Điều thứ 661 - Để phối kiểm phúc trình của thuyền trưởng, thẩm phán hay cơ quan dân sự lấy lời khai của các nhân viên thuộc thủy thủ đoàn và nếu có thể, lời khai của hành khách, không kể những bằng chứng khác.
Những bản phúc trình không phối kiểm không được chấp nhận để miễn trách cho thuyền trưởng và không có tín lực trước toà án, ngoại trừ trường hợp thuyền trrưởng bị đắm tàu là người duy nhất sống sót tại nơi lập phúc trình.
Các đương sự có quyền trưng bằng cớ trái lại.
Điều thứ 662 – Ngoài trường hợp nguy kịch nhỡn tiền, thuyền trưởng không có thể cho bốc dỡ một món hàng nào, trước khi lập bản phúc trình nói ở điều 657.
Không tôn trọng khoản trên của điều này, thuyền trưởng có thể bị truy tố và xử phạt cấm cố.
Điều thứ 663 – Khi tàu biển phải vào hải cảng hay sông ngòi, kinh rạch, thuyền trưởng đã tự ý hay bắt buộc nhờ đến hoa tiêu, vẫn phải chịu trách nhiệm.
Thuyền chủ có thể thi hành những phương sách tố cầu đối với hoa tiêu, nếu chứng minh được lỗi cá nhân của người nầy khi thi hành nhiệm vụ.
TIẾT IV
CÁC ĐẠI LÝ TRÊN BỘ CỦA THUYỀN CHỦ
Điều thứ 664 - Thuyền chủ tự do lựa chọn người thụ thác tàu, để thay mặt mình làm các nghiệp vụ như nhận hàng của khách, giao hàng cho khách, thu góp thủy cước còn thiếu tại những bến hay hải cảng mà tàu biển của thuyền chủ phải ghé trong hành trình.
Thuyền trưởng cũng có thể vì nhu cầu hải trình, chỉ định người thụ thác tàu tại bến, hay hải cảng mà thuyền chủ chưa chọn người đại diện.
Điều thứ 665 - Thuyền chủ hay thuyền trưởng có thể thỏa thuận với những người gởi hàng để lựa chọn những người thụ thác và ghi tên họ người này vào khế ước thuyền tải hay tải hoá đơn.
Trong trường hợp này, những người nhận hàng bắt buộc phải giao dịch với người thụ thác được chỉ định.
Điều thứ 666 - Ngoại trừ trường hợp định ở điều trên, bất cứ lúc nào thuyền chủ cũng có thể chấm dứt nhiệm vụ của người thụ thác nhưng phải bồi thường, nếu không có lý do chánh đáng.
Điều thứ 667 - Người thụ thác được hưởng hoa hồng theo như giao ước vớI thuyền chủ.
Nếu không có giao ước, thì sẽ căn cứ trên tục lệ địa phương.
Điều thứ 668 – Khi tàu cập bến, người thụ thác tàu chỉ phụ tá thuyền trưởng trong việc kiểm điểm hàng mất hoặc hao bớt , nhận hay giao hàng cho khách.
Khi tàu rời bến, người thụ thác tàu sẽ thay thế thuyền chủ để làm mọi nghiệp vụ liên quan đến hoạt động thương mãi hàng hải của thuyền chủ.
Điều thứ 669 - Người thụ thác tàu có thể chính mình trực tiếp sử hành các tố cầu đối với những người nhận hàng để thu tiền thủy cước còn thiếu cho thuyền chủ.
Điều thứ 670 - Người thụ thác tàu không chịu trách nhiệm về sự không thi hành hay thi hành không đứng đắn các nghĩa vụ của thuyền chủ phát sanh từ khế ước chuyên chở.
Tuy nhiên, nếu phạm lỗi cá nhân, người thụ thác tàu có thể chịu trách nhiệm với tư cách riêng.
CHƯƠNG THỨ IV
VỀ SỰ VẬN TẢI HÀNG HÓA TRÊN BIỂN
TIẾT I
VỀ KHẾ ƯỚC MƯỚN TÀU CHỞ HÀNG
Điều thứ 671 - Thuyền chủ có thể cho thuê toàn thể hay một phần tàu biển để chở hàng hoá. Khế ước này phải làm bằng văn thư và được gọi là khế ước thuyền tải.
Điều thứ 672 - Khế ước thuyền tải ghi rõ:
- Tên và dung lượng tàu biển,
- Tên họ thuyền trưởng,
- Tên họ người cho thuê và người thuê,
- Nơi và ngày tháng thoả thuận để cất dỡ hàng,
- Ngạch gía thủy cước,
- Đặc tính của sự cho thuê; toàn thể hay một phần tàu biển,
- Bồi khoản thoả thuận về những trường hợp chậm trễ.
Điều thứ 673 - Thuyền chủ và người thuê tàu biển tự do ấn định thể thức thuê mướn và dự liệu các nghĩa vụ đôi bên miễn là phải tôn trọng các qui tắc thông thường về sự kết ước.
Điều thứ 674 - Người thuê có thể cho thuê lại phần tàu biển đã thuê, cũng như có thể nhận chở hàng hoá cho khách trên phần đã thuê.
Khi có trường hợp thứ hai, người thuê sẽ chịu trách nhiệm với tư cách người chuyên chở đối với khách.
TIẾT II
VỀ TẢI HOÁ ĐƠN
Điều thứ 675 - Người chuyên chở nhận chở hàng phải cấp tải hóa đơn cho người gởi hàng.
Tải hoá đơn phải ghi:
- Tên, dung lượng và quốc tịch tàu biển,
- Tên họ thuyền trưởng,
- Loại, trọng lượng hay thể tích và cách thức gởI hàng, số hàng, dấu hiệu và số hiệu của hàng,
- Tên họ địa chỉ người gởi hàng,
- Tên họ địa chỉ người nhận hàng,
- Bến cất hàng,
- Bến dỡ hàng,
- Thủy cước,
- Nơi và ngày thành lập tải hoá đơn.
Điều thứ 676 - Tải hoá đơn có thể lập dưới hình thức chiếu lệnh, vô danh hay ký danh.
Điều thứ 677 - Mỗi tải hoá đơn được lập ít nhất làm bốn bản chánh:
- Một bản cho người gởi,
- Một bản cho người nhận hàng,
- Một bản cho thuyền trưởng,
- Một bản cho người khai thác tàu biển.
Số bản chánh phải được ghi trong tải hoá đơn.
Điều thứ 678 – Các bổn chánh tải hoá đơn sẽ được thuyền trưởng và người gởi hàng ký tên trong hạn hai mươi bốn giờ , sau khi hàng hoá đã được cất lên tàu. Cũng trong thời hạn nói trên, người gởi hàng phải giao cho thuyền trưởng các biên lai thanh toán hay bảo chứng thuế quan về những món hàng đã cất trên tàu.
Thuyền chủ hay người khai thác có thể chỉ định đại lý để ký tên và cấp tải hoá đơn thay thế cho thuyền trưởng.
Điều thứ 679 – Trong trường hợp có tải hoá đơn được cấp cùng với khế ước thuyền tải, các ước khoản trọng tải dự liệu trong khế ước thuyền tải được áp dụng trừ phi tải hoá đơn định khác.
Riêng về các ước khoản miễn trách của khế ước thuyền tải thì hiệu lực tùy thuộc tư cách người cấp tải hóa đơn.
Nếu người khai thác tàu biển đã cấp tải hoá đơn thì ước khoản miễn trách của khế ước thuyền tải kết buộc người thuê tàu biển, người gởi hàng cũng như người nhận hàng.
Nếu người thuê tàu biển đã cấp tải hóa đơn, thì dầu cho tải hoá đơn đã quy chiếu khế ước thuyền tải, và khế ước này có dự liệu đặc khoản miễn trách, người thuê tàu cũng không thể đem đối kháng đặc khoản nầy với người gởi hàng cũng như người nhận hàng.
Điều thứ 680 - Để người chuyên chở hay đại diện để kiểm nhận hàng hoá và cấp tải hoá đơn, người gởi phải liệt kê trong một văn thư, các chi tiết liên quan đến những dấu hiệu, số kiện hàng, phẩm chất, trọng lượng…, tóm lại là những chỉ dẫn cần thiết để nhận biết dễ dàng món hàng gởi.
Những dấu hiệu phải ghi tên hàng hoá cách nào để còn có thể đọc được khi hàng tới bến.
Người chuyên chở hay đại diện có thể từ chối việc ghi vào tải hoá đơn những lời khai của người gởi về dấu hiệu, số lượng, phẩm chất hay trọng lượng của những hàng hoá gởi, nếu họ có lý do xác đáng để nghi ngờ về sự đứng đắn của các lời khai này hay nếu họ không có đủ phương tiện thích ứng để kiểm soát hàng hoá coi có đúng như lời khai hay không.
Tuy nhiên, người chuyên chở hay đại diện phải ghi rõ các lý do và sự trở ngại.
Trong trường hợp này, chính người gởi hay người nhận hàng phải trưng bằng cớ về sự thiếu hụt hàng hoá.
Biên nhận tạm mà người gởi hàng xin cấp phát cho mình trước khi cất hàng lên tàu sẽ được đổi lấy một tải hoá đơn khi hàng hoá đã đem lên tàu và được kiểm nhận.
Điều thứ 681 - Người gởi hàng nào đã khai báo không đúng sự thật về những dấu hiệu, số lượng, phẩm chất hay trọng lượng hàng hoá, sẽ chịu trách nhiệm đối với người chuyên chở về những thiệt hại, thất lạc hay chi phí phát sanh từ lời khai thất thiệt đó.
Tuy nhiên, người chuyên chở không được viện dẫn lời khai thất thiệt này để đối kháng với người nào khác hơn người gởi hàng.
TIẾT III
VỀ TÍN LỰC CỦA KHẾ ƯỚC THUYỀN TẢI
VÀ TẢI HOÁ ĐƠN
Điều thứ 682 - Về khế ước thuyền tải chỉ có thể dẩn chứng bằng văn thư.
Nếu có sự tương phản giữa các điều khoản của một khế ước thuyền tải viết tay và một khế ước thuyền tải bằng chữ in, thì các điều khoản viết tay sẽ có tín lực.
Điều thứ 683 - Tải hoá đơn lập đúng theo sự dự liệu của điều 675 có tín lực giữa mọi người quan thiết đến sự chở hàng và giữa những người này với những người bảo hiểm.
Điều thứ 684 – Trong trường hợp có sự khác biệt giữa các tải hoá đơn về một sự chở hàng nhứt định, sẽ có tín lực:
1) Tải hóa đơn do thuyền trưởng giữ, nếu được điền bằng chữ viết tay của người gởi này bằng chữ viết tay của người trọng mãi của người này.
2) Tải hoá đơn xuất trình do người gởi hay người thụ thác, được điền bằng chữ viết tay của thuyền trưởng.
Điều thứ 685 - Nếu có sự tương phản giữa khế ước thuyền tải và tải hoá đơn, thì các điều khoản nào viết tay sẽ được coi như có tín lực hơn các điều khoản bằng chữ in.
Nếu có sự tương phản của những điều khoản đều viết tay hay đều bằng chữ in giữa khế ước thuyền tải và tải hoá đơn, thì điều khoản của tải hoá đơn được coi như có giá trị.
Tuy nhiên, các trường hợp dị biệt giữa khế ước thuyền tải và tải hoá đơn có thể do hai bên dự liệu định trước cách giải quyết.
Điều thứ 686 - Bất cứ người trọng mãi hay thụ thác nào đã nhận các hàng hoá ghi trong các tải hoá đơn hay khế ước thuyền tải, đều phải cấp biên nhận cho thuyền trưởng theo sự yêu cầu của người này, bằng không, phải gánh chịu những phí tổn bồi thường thiệt hại cùng mọi sở phí về sự trễ nải.
TIẾT IV
VỀ THỦY CƯỚC
Điều thứ 687 – Giá thuê tàu biển được gọi là thủy cước. Thủy cước được thỏa thuận do các giao ước giữa các đương sự và chứng nhận bởi khế ước thuyền tải hay tải hoá đơn.
Điều thứ 688 - Nếu tàu biển được thuê tháng và nếu không có giao ước trái lại, thủy cước sẽ bắt đầu kể từ ngày tàu khởi hành.
Điều thứ 689 – Khi tàu được cho thuê toàn phần và người thuê không sử dụng hết dung lượng của tàu, thuyền trưởng vẫn không được nhận thêm hàng hoá khác nếu không có sự ưng thuận của người thuê.
Nếu ưng thuận cho sự chở thêm, người thuê sẽ hưởng thủy cước về số hàng hoá chở thêm trên tàu.
Điều thứ 690 - Người thuê không cất lên tàu đúng số lượng hàng hoá đã ghi trong khế ước thuyền tải, vẫn phải trả đủ thủy cước cho trọn phần đã thuê.
Nếu số hàng cất lên tàu trội hơn số lượng thuê, sẽ phải trả thêm tiền tính theo giá cả qui định bởi khế ước thuyền tải.
Nhưng, nếu chưa cất hàng lên tàu mà lại hủy chuyến đi trước khi khởi hành, thì người thuê chỉ phải trả cho thuyền trưởng một số bồi khoản bằng phân nửa ngạch giá thủy cước đã thoả thuận cho trọn phần thuê.
Nếu tàu biển chỉ nhận được một phần hàng phải chở và phải đi mà không chở đủ hàng, người thuê vẫn phải trả trọn thủy cước cho thuyền trưởng.
Điều thứ 691 - Thuyền trưởng nào đã khai tàu của mình có một trọng tải lớn hơn thực sự, thì phải bồi thường thiệt hại cho người thuê.
Được coi như không có sai lầm về sự khai trọng tải, nếu sự sai lầm không quá một phần bốn mươi, hay nếu sự khai báo phù hợp với chứng thư ghi nhận đôn số của tàu biển.
Điều thứ 692 - Nếu tàu biển chở hàng hoá cho nhiều người mà tính theo ta, theo đôn số hoặc tính khoán, người gởi hàng, có thể, trước khi tàu khởI hành, lấy lại hàng hoá của mình miễn là trả phân nửa thủy cước.
Người gởi phải chịu sở phí về sự cất hàng, dỡ hàng và cất lại những hàng khác đã phải dời chổ để lấy lại hàng. Người gởi cũng phải gánh chịu phí tổn nếu gây ra chậm trễ.
Điều thứ 693 - Thuyền trưởng có thể cho dở xuống, ngay tại nơi cất hàng, những hàng hoá không khai báo.
Thuyền trưởng cũng có thể giữ những hàng hoá nầy trên tàu và buộc người gởi phải trả giá thủy cước cao nhứt, áp dụng tại nơi cất hàng đối với những hàng hoá đồng tính chất.
Điều thứ 694 - Người gởi muốn lấy hàng hoá giữa cuộc hành trình, phải trả trọn thủy cước và mọi sở phí di chuyển do sự dỡ hàng này mà ra.
Nếu phải lấy lại hàng vì hành vi hay vì lỗi của thuyền trưởng, người này phải chịu trách nhiệm về mọi phí tổn.
Điều thứ 695 - Nếu hành vi của người thuê, mà tàu phải chậm khởi hành hay phải chậm trễ trong cuộc hành trình hay tại nơi dỡ hàng, thì người thuê phải chịu sở phí.
Điều thứ 696 - Nếu tàu được thuê khứ hồi thì dù trong bận về, tàu không chở hàng hay chỉ chở một ít hàng, người thuê vẫn phải trả trọn thủy cước khứ hồi và sở phí về chậm trễ nếu có.
Điều thứ 697 - Thuyền trưởng phải bồi thường thiệt hại cho người thuê, nếu vì hành vi của mình tàu biển phải chậm trễ lúc khởi hành, trong cuộc hành trình hay tại nơi dỡ hàng.
Những bồi khoản này sẽ do giám định viên ước lượng.
Điều thứ 698 – Trong cuộc hành trình nếu thuyền trưởng bắt buột phải sửa chữa tàu biển, thì người thuê tàu phải đợi, bằng muốn lấy lại hàng thì phải trả trọn thủy cước.
Trong trường hợp tàu không thể sửa chữa được, thuyền trưởng phải thuê một chiếc tàu khác.
Nếu thuyền trưởng không thuê được tàu thì hàng hoá chỉ phải chịu phần thủy cước tương đương với đoạn đường đã đi.
Điều thứ 699 - Nếu người thuê chứng minh được rằng ngay sau khi khởi hành tàu ở trong tình trạng bất khả hành thủy, thì thuyền trưởng chẳng những mất thủy cước mà còn phải bồi thường thiệt hại.
Dù có chứng thư xét tàu hợp lệ trước khi tàu khởi hành, vẫn có thể dẫn chứng để chống lại chứng thư này.
Điều thứ 700 - Nếu tàu biển đang đi đến một nước và bắt buột phải trở về với số hàng hoá đang chở vì có sự cấm đoán buôn bán với nước đó, thì thuyền trưởng chỉ được quyền hưởng thủy cước của chuyến đi dù tàu đã được thuê khứ hồi.
Điều thứ 701 - Nếu đang đi, tàu biển bị bắt giữ do lệnh của một cường quốc, thì sẽ không được tính thủy cước cho suốt thời gian tàu bị cầm giữ, nếu tàu thuê tháng và không được tăng thêm thủy cước, nếu tàu thuê từng chuyến.
Phí tổn về lương thực và tiền công của thủy thủ đoàn trong thời gian tàu bị cầm giữ sẽ được coi như hải tổn.
Điều thứ 702 - Thuyền trưởng được trả thủy cước về những hàng hoá đã phải vứt bỏ để cứu nguy, nhưng phải đóng góp trả hải tổn.
Điều thứ 703 - Những hàng hoá đã tiêu thất vì tàu đắm, mắc cạn bị cướp hay tịch thu bởi dịch quân, sẽ không phải chịu thủy cước. Thuyền trưởng phải hoàn lại phần thủy cước đã được trả trước, trừ phi có giao ước trái lại.
Điều thứ 704 - Nếu tàu biển và các hàng hoá được chuộc lại sau khi bị cướp, bị tịch thu hay nếu các hàng hoá được cứu thoát khỏi đắm, thì thuyền trưởng chỉ được trả thủy cước cho tới nơi tàu biển bị giữ hay bị đắm.
Thuyền trưởng có quyền thu trọn thủy cước nếu đã đóng góp vào số tiền chuộc và chở được hàng hoá đến nơi đã định.
Điều thứ 705 - Sự đóng góp để chuộc được tính trên phân nửa trị giá của tàu biển và thủy cước và trên thời giá của hàng hoá tại nơi dỡ hàng sau khi khấu trừ phí tổn. Tiền công của thủy thủ không được tính vào sự đóng góp.
Điều thứ 706 - Nếu người chủ hàng không chịu nhận, thuyền trưởng có thể xin tòa án cho phép bán hàng để được thanh toán thủy cước và ký thác số hàng còn lại tại hóa khố.
Nếu số tiền bán không đủ để trả thủy cước, thuyền trưởng vẫn còn quyền đòi người gởi khoản tiền thiếu.
Điều thứ 707 - Thuyền trưởng không thể lưu trì hàng hoá trên tàu vì lý do không được thanh toán thủy cước.
Nhưng thuyền trưởng có thể, trong khi dỡ hàng, xin ký thác hàng hoá trong tay đệ tam nhân cho đến khi thủy cước được thanh toán.
Điều thứ 708 – Về thuỷ cước còn thiếu, thuyền trưởng được ưu quyền trên hàng hoá đã chở trên tàu, trong hạn 15 ngày sau khi giao hàng, nếu các hàng hoá nầy chưa qua tay đệ tam nhân.
Điều thứ 709 – Trong hạn 15 ngày nói trên mà có sự khánh tận của những người gửi hàng hay những người nhận hàng, thuyền trưởng được ưu quyền trước mọi trái chủ khác để được trả thuỷ cước và hải tổn còn thiếu.
Điều thứ 710 – Ngoại trừ quyền đòi bồi thường, người gởi hàng không thể xin giảm bớt giá thuỷ cước, dù hàng bị hư hay đến chậm.
Điều thứ 711 – Người gởi hàng không thể, để khỏi trả thuỷ cước, bỏ những hàng hoá đã mất giá, hay hư hỏng vì hà tì bản chất hoặc do trường hợp ngẫu nhiên.
TIẾT V
SỰ THI HÀNH KHẾ ƯỚC VẬN TẢI
Điều thứ 712 – Thuyền chủ có trách vụ bảo đảm khả năng hành thuỷ của tàu biển chỉ định trong giao ước.
Điều thứ 713 – Thuyền trưởng phải đem tàu biển đến hải cảng chỉ định theo khế ước để cất hàng.
Nếu lúc ký khế ước hải vận, người thuê dành quyền chỉ định hải cảng, thì khi có sự yêu cầu của người thuê, tàu phải đến tận hải cảng đó.
Người thuê phải dành cho thuyền trưởng một thời gian đầy đủ để đem tàu đến hải cảng.
Thuyền trưởng có thể từ chối, nếu hải cảng chỉ định không đủ điều kiện an toàn hay không thích ứng cho tàu cập bến.
Điều thứ 714 – Người thuê tàu hay người gởi hàng chỉ được cất lên tàu những hàng hoá đã định rõ trong khế ước thuyền tải hay tải hoá đơn.
Điều thứ 715 – Trong trường hợp phải nhận hàng nơi đệ tam nhân, nếu thuyền trưởng không tìm được người nầy hay người nầy không chịu cất hàng lên tàu, thuyền trưởng phải lập tức thông báo cho người thuê biết.
Trong trường hợp nầy người thuê có thể cất hàng nhưng phải làm trong thời gian đã được dự liệu.
Điều thứ 716 – Dù không cất hàng hay cất hàng không đủ, người thuê tàu vẫn có quyền yêu cầu thuyền trưởng phải khởi hành.
Trong trường hợp nầy người thuê chẳng những phải trả đủ thuỷ cước và phí tổn vì không cất hàng mà còn phải ứng trước một khoản tiền để bảo đảm thuỷ cước và phí tổn, nếu thuyền trưởng hay người đại diện yêu cầu.
Điều thứ 717 – Người thuê tàu biển có trách vụ cất hàng lên tàu.
Tuy nhiên có thể giao ước để thuyền chủ hay người khai thác thực hiện các nghiệp vụ cất hàng.
Điều thứ 718 – Người làm công việc cất hàng sẽ gánh chịu những sự rủi ro xảy ra khi cất hàng.
Tuy nhiên có thể giao ước trước rằng chủ hàng gánh chịu lấy những sự rủi ro, mặc dù người làm công việc cất hàng là người chuyên chở.
Điều thứ 719 – Thuyền trưởng chịu trách nhiệm về sự sắp xếp các hàng hoá trên tàu.
Ước khoản miễn trách cho thuyền trưởng về việc nầy chỉ có giá trị trong khế ước thuyền tải chứ không có giá trị đối với sự chuyên chở theo tải hoá đơn.
Điều thứ 720 – Nếu sắp xếp hàng hoá không đúng cách, để hàng bị hư hỏng thì lỗi đó là lỗi thương mại chứ không phải lỗi thuỷ vận.
Điều thứ 721 – Trong trường hợp người thuê tàu tự cất hàng lên tàu, khi hết hạn dự liệu, thuyền trưởng có thể đòi khởi hành dù rằng người thuê chưa cất đủ số hàng phải chở.
Điều thứ 722 – Trước khi tàu khởi hành, nếu có sự cấm đoán buôn bán với các quốc gia mà tàu phải đến, các giao ước được huỷ bỏ và không đương sự nào được đòi bồi thường.
Người gởi hàng phải chịu các phí tổn, về sự cất và dỡ hàng.
Điều thứ 723 – Nếu vì có tình trạng bất khả kháng, trong một thời gian tàu bị chậm trễ khởi hành, các giao ước vẫn được duy trì và không có việc phải bồi thường vì chậm trễ.
Nếu tình trạng bất khả kháng xảy ra khi tàu đang hành trình, thì giao ước cũng được duy trì và không có việc phải trả thêm thuỷ cước.
Điều thứ 724 – Trong khi hành trình, tại các bến tàu ngừng, người gởi có thể dỡ hàng của mình, chịu lấy phí tổn nhưng phải cất hàng trở lại, nếu không, phải bồi thường cho thuyền trưởng.
Điều thứ 725 – Trong chuyến đi, thuyền trưởng có trách vụ chăm nom chu đáo các hàng hoá trên tàu và sẽ chịu trách nhiệm nếu có lỗi và lỗi nầy là lỗi thương mại.
Điều thứ 726 – Khế ước thuyền tải hay tải hoá đơn chỉ định bến mà thuyền trưởng phải đến để giao hàng.
Trong trường hợp bến giao hàng chỉ định bị phong toả, thuyền trưởng trừ phi có lệnh trái lại phải đưa tàu đến một trong những bến kế cận của cùng một quốc gia, nếu được phép cập bến.
Điều thứ 727 – Các thời hạn để cất và dỡ hàng sẽ được ấn định trong khế ước, nếu không sẽ áp dụng tục lệ địa phương.
Điều thứ 728 – Đối với việc cất hàng, thời hạn bắt đầu kể từ lúc cập bến, khi thuyền trưởng bố cáo tàu đã sẵn sàng nhận hàng.
Đối với việc dỡ hàng, thời hạn chỉ bắt đầu khi tàu đã thật sự vào bến, sau khi thuyền trưởng đã lập xong thủ tục khai báo quan thuế và khi tàu đã nằm ở vị trí sẵn sàng để dỡ hàng.
Thời hạn nầy là thời hạn tròn.
Chúa nhật và ngày lễ không tính trong thời hạn.
Điều thứ 729 – Khi có biến cố có tính cách bất khả kháng làm cho người gởi hàng và người nhận hàng không thể thi hành trách vụ của mình, thì thời hạn sẽ hưu hoãn.
Điều thứ 730 – Khi nào sự dỡ hàng và cất hàng không hoàn tất trong thời hạn, người thuê tàu phải bồi thường thiệt hại về sự tăng hạn cho thuyền chủ hay người khai thác.
Nếu không có giao uớc, giá xuất bồi thường cho mỗi ngày tăng hạn sẽ tính theo tục lệ nơi dỡ hay cất hàng.
Các ngày lễ và ngày nghỉ được tính trong thời gian tăng hạn.
Thời gian tăng hạn sẽ không hưu hoãn bất cứ vì lý do gì.
Điều thứ 731 – Người nhận hàng hay đại diện phải đến bến chỉ định để nhận hàng.
Điều thứ 732 – Thuyền trưởng phải giao hàng cho:
1) Người có tên trong tải hoá đơn, nếu là tải hoá đơn ký danh.
2) Người có tên họ bối thự trên tải hoá đơn, nếu là tải hoá đơn chiếu lệnh.
3) Người cầm tải hoá đơn, nếu là tải hoá đơn vô danh.
Điều thứ 733 – Người nhận hàng có một tố quyền cá nhân và riêng biệt đối với người chuyên chở.
Thuyền trưởng cũng có thể đòi thẳng người nhận hàng số thuỷ cước cùng sở phí về món hàng chuyên chở.
TIẾT VI
VỀ TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI CHUYÊN CHỞ
PHỤ TIẾT I
VỀ TRÁCH NHIỆM THEO KHẾ ƯỚC THUYỀN TẢI
Điều thứ 734 – Trách nhiệm của người chuyên chở theo khế ước thuyền tải là một trách nhiệm giao ước.
Các đương sự tự do ấn định nghĩa vụ của đôi bên, nhưng phải tôn trọng các điều có tính cách bó buộc của phụ tiết nầy.
Điều thứ 735 – Tuy nhiên, mặc dù có trách nhiệm giao ước như nói trên, thuyền chủ không chịu trách nhiệm về những hà tì ẩn của tàu biển, trừ phi người thuê dẫn chứng được sự thật rằng hà tì nầy phát sanh từ sự khiếm khuyết kiểm soát việc đóng tàu biển hay khiếm khuyết nghĩa vụ tu bổ thông thường tàu biển.
Điều thứ 736 – Thuyền chủ không chịu trách nhiệm nếu sự mất mát hay hư hao là do lỗi của người thuê tàu biển.
Người thuê bị coi là có lỗi:
1) Nếu đã khai gian bản chất của hàng hoá chuyên chở;
2) Hay nếu của hàng hoá chuyên chở có hà tì bản chất nên không chịu nổi sự hành trình trên biển.
Điều thứ 737 – Nếu hàng hoá chuyên chở là vật liệu nguy hiểm, thuyền trưởng có quyền cho dỡ hay vứt bỏ, khi có sự nguy kịch cho tàu biển.
Điều thứ 738 – Thuyền chủ cũng không chịu trách nhiệm, khi sự thiệt hại xảy ra do trường hợp ngẫu nhiên hay bất khả kháng, hoặc do những biện pháp chuyên quyết của nhà cầm quyền, hoặc do những cuộc đình công hay giải công toàn diện của công nhơn nơi bến tàu phải neo.
Điều thứ 739 – Thuyền chủ có thể dự liệu trong khế ước thuyền tải những uớc khoản miễn trách cho mình đối với người thuê tàu về những hành vi bất hợp pháp, bất cần, vụng về hay lỗi lầm của thuyền trưởng, hoa tiêu, thuỷ thủ đoàn và mọi người khác phục dịch trên tàu biển.
Tuy nhiên thuyền chủ mất quyền viện dẫn các ước khoản nói trên, nếu sự thiệt hại gây ra cho hàng hoá tuy là do lỗi của những người thừa sai hàng hải, nhưng lỗi nầy phát sinh do chính thuyền chủ hay các đại lý trên bộ.
Cũng có mất quyền viện dẫn ước khoản nói trên, nếu thuyền chủ nhận về mình lỗi của người thừa sai hay nhơn lỗi của người thừa sai mà được thủ lợi.
Các ước khoản miễn trách chỉ có giá trị giữa các đương sự kết ước và không thể đem đối kháng với đệ tam nhơn.
Điều thứ 740 – Thuyền chủ cũng có thể giao ước không chịu trách nhiệm về các sự mất mát, hư hao, nếu người thuê tàu không chứng minh được thuyền chủ có phạm lỗi.
Được coi là ước khoản “Không chịu trách nhiệm”:
1) Những ước khoản liên quan đến sự kiểm nhận hàng hoá cất lên tàu, mà trên thực tế thuyền trưởng không làm xuể nên đã dự phòng bằng cách ghi chú, “trọng lượng không rõ”, “số lượng không rõ” hay những câu dè vặt tương tự.
2) Những ước khoản liên quan đến một vài thứ hải tổn như hư bể, hư chảy, thấm nước, những sự thiệt hại gây ra do chuột hay sâu bọ.
3) Những ước khoản liên quan đến một vài nguyên do của hải tổn như hoả hoạn, tai nạn phát sinh từ máy móc, từ hà tì ẩn nặc của tàu biển v.v. . .
PHỤ TIẾT II
VỀ TRÁCH NHIỆM THEO TẢI HOÁ ĐƠN
Điều thứ 741 – Phụ tiết nầy chỉ qui định riêng việc chuyên chở hàng hoá bằng đường biển theo tải hoá đơn và chỉ áp dụng kể từ khi hàng hoá được nhận dưới cần trục cho đến lúc được giao dưới cần trục.
Phụ tiết nầy không áp dụng cho các khế ước thuyền tải, nhưng nếu có tải hoá đơn được cấp thì sẽ áp dụng các điều khoản trong phụ tiết nầy.
Điều thứ 742 – Người chuyên chở phải chịu trách nhiệm mọi sự mất mát, hư hao hay thiệt hại gây ra cho hàng hoá, trừ phi chứng minh được rằng sự thất lạc, hư hỏng hay thiệt hại đó phát sanh do những nguyên nhân sau đây:
1) Lỗi hàng hải củ thuyền trưởng, thuỷ thủ, hoa tiêu hay mọi thừa sai khác.
2) Hà tì ẩn nặc của tàu biển.
3) Trường hợp ngẫu nhiên hay bất khả kháng.
4) Sự đình công, giải công hay mọi sự ngăn cản công nhơn tại bến làm việc, dù toàn diện hay một phần và bất kỳ vì lý do gì.
5) Hà tì bản chất của hàng hoá hay sự sơ xuất trong việc bao gói hay ghi dấu, sự thất thoát về lượng khối trong lúc hành trình trong giới hạn do quán lệ chấp nhận tại các hải cảng phải đến.
6) Hành vi cứu trợ hay toan cứu trợ hay cứu nạn, hay sự thay đổi đường đi tàu biển để thực hiện mục đích nầy.
Tuy nhiên, trong những trường hợp ngoại lệ trên, người gởi hàng vẫn có thể trưng bằng cớ rằng những sự mất mát và thiệt hại là do lỗi của người chuyên chở hay do lỗi không có tính cách hàng hải của những thừa sai.
Điều thứ 743 – Trong mọi trường hợp trách nhiệm bồi thường của người chuyên chở không thể quá số tiền 100.000$00 cho mỗi kiện hàng hay mỗi đơn vị đo lường, trừ phi tính chất và giá trị của những món hàng nầy được người gởi khai báo trước khi cất lên tàu.
Lời khai nầy phải được ghi trong tải hoá đơn và có tín lực đối với người chuyên chở, trừ phi người nầy có bằng chứng tương phản.
Người chuyên chở nếu dị nghị sự chính xác của sự khai báo vào ngay lúc đó có quyền ghi vào tải hoá đơn những sự dự phòng có viện dẫn lý do. Trong trường hợp nầy, chính người gởi và nhận hàng phải trưng bằng cớ chứng minh giá trị thực sự của món hàng.
Mọi ước khoản giới hạn trách nhiệm cho người chuyên chở dưới số tiền ấn định nơi khoản I của điều nầy đều vô giá trị.
Điều thứ 744 – Khi người gởi hàng cố ý gây thất thiệt bản chất hay giá trị của những món hàng gởi, người chuyên chở khỏi phải chịu trách nhiệm về sự mất mát hay thiệt hại đã xảy ra cho những hàng hoá nầy.
Điều thứ 745 – Đối với những hàng hoá thuộc loại dễ cháy, dễ nổ hay nguy hiểm mà người chuyên chở, nếu biết rõ, ắt đã không chịu cho cất lên tàu thì người chuyên chở có quyền cho dỡ xuống, huỷ bỏ hay khử trừ tính chất nguy hiểm bất cứ lúc nào, hay nơi nào, mà khỏi phải bồi thường, ngoài ra, người gởi hàng còn phải chịu trách nhiệm về mọi thiệt hại và sở phí do sự cất lên tàu những món hàng đó.
Nếu đã biết rõ bản chất của những món hàng nầy mà người chuyên chở vẫn nhận cất lên tàu, thì chỉ có thể cho dỡ xuống, huỷ bỏ hay khử trừ tính chất nguy hiểm khi hàng hoá nầy làm cho tàu biển và hàng hoá khác bị lâm nguy. Người chuyên chở sẽ không phải bồi thường, trừ phi với tính cách là hải tổn chung, nếu có.
Điều thứ 746 – Trong trường hợp có sự mất mát hay thiệt hại xảy ra cho hàng hoá, người nhận hàng phải phản kháng bằng văn thư gởi cho người chuyên chở hay đại diện của người nầy tại bến dỡ hàng, chậm nhứt vào lúc lãnh hàng, bằng không sẽ bị ức đoán là đã lãnh đúng những hàng hoá mô tả trong tải hoá đơn, trừ phi có bằng cớ trái lại.
Nếu sự mất mát và thiệt hại không thấy rõ bên ngoài thì sự phản kháng có thể được làm trong thời hạn ba ngày sau khi lãnh hàng, ngày lễ sẽ không tính vào thời hạn.
Người chuyên chở có quyền xin mở một cuộc kiểm nhận đối tịch về tình trạng của hàng hoá lúc được nhận lãnh.
Trong mọi trường hợp, tố quyền chống người chuyên chở về mọi sự mất mát và thiệt hại xảy ra cho hàng hoá, sẽ bị thời tiêu sau một năm kể từ lúc giao hàng và nếu không có sự giao hàng, thì kể từ ngày mà hàng hoá đáng lý phải được giao.
Điều thứ 747 – Sẽ vô giá trị và vô hiệu lực, ước khoản nào của tải hoá đơn hay mọi chứng thư chuyên chở hàng hoá đã trực tiếp hay gián tiếp, có đối tượng giải trừ cho người chuyên chở trách nhiệm mà thường luật hay phụ tiết nầy kết buộc, hay đảo lộn nghĩa vụ dẫn chứng được quy định bởi luật lệ hiện hành và phụ tiết nầy.
Được coi như ước khoán giải trừ trách nhiệm ước khoản nhượng cho người chuyên chở biệt lợi lãnh tiền bảo hiểm hàng hoá hay mọi ước khoản tương tợ.
Điều nầy không áp dụng cho sự chuyên chở hàng hoá trên boong tàu hay cho sự chuyên chở súc vật.
Điều thứ 748 – Những tố quyền chánh tố hay phản hoàng sẽ đưa ra trước các toà án chiếu các qui tắc về thẩm quyền theo thường luật.
Tuy nhiên, nếu bến dỡ hàng thuộc lãnh thổ Việt Nam thì người lãnh hàng, người gởi hàng và những người thụ quyền của họ, đều có thể khởi tố người chuyên chở trước toà án hải cảng nầy.
Trong mọi trường hợp, không thể dùng ước khoản trọng khoán để giao trọn quyền cho trọng tài điều giải đôi bên với toàn quyền thẩm lượng không cần tuân theo luật lệ, thủ tục.
CHƯƠNG THỨ V
SỰ CHUYÊN CHỞ HÀNH KHÁCH
TIẾT I
VỀ KHẾ ƯỚC CHUYÊN CHỞ HÀNH KHÁCH
Điều thứ 749 – Khế ước chuyên chở hành khách thành tựu khi người chuyên chở và hành khách đã thoả thuận với nhau về điều kiện và giá chuyên chở.
Đôi bên tự do kết ước miễn là phải tôn trọng các điều bó buộc dự liệu trong chương nầy.
Điều thứ 750 – Vé tàu phải ghi rõ:
- Tên và quốc tịch tàu biển.
- Nơi và ngày cấp vé.
- Nơi đi và nơi đến.
- Các bến sẽ ghé, nhưng người chuyên chở có thể dành quyền thay đổi.
- Tên họ và địa chỉ của người chuyên chở.
Tuy nhiên, không thể vì vé không được cấp hay vì bị mất vé, hoặc vì không được cấp theo đúng thể thức nói trên mà khế ước chuyên chở bị như không có hay vô giá trị.
Bất cứ người quan thiết nào cũng có thể chứng minh khế ước chuyên chở hành khách bằng mọi phương tiện.
Điều thứ 751 – Trong trường hợp vé tàu có ghi tên hành khách thì không thể nhượng vé cho người khác, trừ phi có giao ước trái lại.
Điều thứ 752 – Hành khách đã nhận vé có ghi rõ những điều kiện chuyên chở được kể như đã chấp nhận những điều kiện nầy.
TIẾT II
VỀ SỰ THI HÀNH KHẾ ƯỚC CHUYÊN CHỞ HÀNH KHÁCH
Điều thứ 753 – Trong thời hạn ấn định, hành khách phải lên tàu và lo liệu để đem hành lý lên tàu.
Điều thứ 754 – Hành khách không được mang các hàng hoá nguy hiểm theo hành lý. Hành khách phải chịu mọi rủi ro về các hành lý mang tay.
Điều thứ 755 – Khi đã lên tàu, hành khách chịu quyền kỷ luật của thuyền trưởng.
Điều thứ 756 – Thuyền trưởng có thể không cho lên tàu hành khách nào bệnh nặng hay mắc bệnh truyền nhiễm.
Điều thứ 757 – Trước khi tàu khởi hành, hành khách có thể xin hủy khế ước chuyên chở và chịu một nửa giá vé.
Trừ phi hành khách mệnh một hay bị ngăn cản, vì mắc bệnh nặng hoặc vì một trường hợp bất khả kháng, thì được hoàn lại cả giá vé.
Điều thứ 758 –Thuyền trưởng có quyền khởi hành hay tiếp tục cuộc hành trình, nếu hành khách không lên tàu trong thời gian ấn định, trong trường hợp nầy hành khách phải trả trọn vé đi.
Sau khi tàu đã khởi hành, hành khách nào không muốn tiếp tục cuộc hành trình cũng phải chịu trọn giá vé. Nếu những nguyên do dự liệu ở điều 757 xảy ra khi tàu đang đi, người chuyên chở có thể hoặc lấy phân nửa giá tiền của chuyên đi hoặc lấy một khoản tiền tương xứng với đoạn đường đã đi.
Điều thứ 759 – Trường hợp giá tiền của chuyến đi chưa trả, người chuyên chở có đặc quyền trên hành lý của hành khách, để đảm bảo khoản tiền thiếu.
Điều thứ 760 – Tố quyền để đòi trái khoản nầy sẽ tiêu diệt một năm sau khi chuyến đi kết thúc.
Điều thứ 761 – Giữa cuộc hành trình, nếu cần phải sửa chữa tàu biển, người chuyên chở chịu phí tổn về ăn ở của hành khách theo những điều kiện vừa phải, nếu không thuê được một tàu biển khác đủ tiện nghi để đưa hành khách đến bến dự định.
Điều thứ 762 – Trong trường hợp hành khách mệnh một khi tàu đang đi, thuyền trưởng phải giữ gìn hành lý cho người nầy bằng cách nào cho hợp với quyền lợi của các thừa kế.
Điều thứ 763 – Hành khách bị tai nạn trên tàu có quyền khởi tố để buộc người chuyên chở bồi thường theo thường luật.
Người chuyên chở có thể dự liệu trước trong khế ước những điều khoản miễn trách hay giới hạn trách nhiệm, nhưng sự giới hạn nầy không thể đến mức làm cho người chuyên chở thực tế, được như miễn trách: những điều khoản miễn trách chỉ có hiệu lực buộc hành khách phải dẫn chứng thay vì người chuyên chở.
Điều thứ 764 – Các thân nhân của hành khách tử nạn trong cuộc hành trình có quyền khởi tố người chuyên chở để xin bồi thường.
Người chuyên chở không thể đem đối kháng với các người nầy, những điều khoản miễn trách hay giới hạn trách nhiệm đã dự liệu trong khế ước chuyên chở.
Điều thứ 765 – Trái quyền của hành khách bị nạn trong cuộc hành trình được hưởng đặc quyền theo khoản 5 của điều 575.
Điều thứ 766 – Toà án có thẩm quyền để xét đơn đòi bồi thường là toà án nơi cư trú của người chuyên chở, nơi hải cảng xảy ra tai nạn, nơi kết ước hay nơi trả tiền vé.
Đôi bên kết ước cũng có thể tuyển chọn toà án khác. Ước khoản nầy không thể đối kháng với thân nhân của hành khách tử nạn, khi họ khởi tố nhơn danh chính mình.
CHƯƠNG THỨ VI
VỀ HẢI TỔN HẢI NẠN VÀ BẢO HIỂM HÀNG HẢI
TIẾT I
VỀ HẢI TỔN
PHỤ TIẾT I
ĐIỀU KHOẢN CHUNG
Điều thứ 767 – Được kể như hải tổn:
1) Mọi chi tiêu đặc biệt dùng chung cho cả tàu biển, lẫn hàng hoá chở trên tàu, hay dùng riêng biệt cho tàu biển, hoặc cho hàng hoá chở trên tàu.
2) Mọi thiệt hại xảy ra cho tàu biển và cho hàng hoá kể từ lúc cất hàng và khởi hành cho đến lúc trở về và dỡ hàng.
Điều thứ 768 – Nếu không có giao ước đặc biệt giữa các đương sự, những điều khoản sau đây sẽ áp dụng cho các hải tổn.
Điều thứ 769 – Có hai loại hải tổn: hải tổn chung và hải tổn riêng.
PHỤ TIẾT II
VỀ HẢI TỔN CHUNG
Điều thứ 770 – Thuyền trưởng hành động vì quyền lợi chung, có thể tự ý gây thiệt hại cho tàu biển và hàng hoá chở trên tàu hay tiêu dùng một số chi phí đặc biệt với mục đích cứu thoát tàu biển và hàng hoá ra khỏi tình trạng nguy kịch hiển nhiên, trong trường hợp nầy những thiệt hại gây ra cho tàu biển và hàng hoá cũng như mọi sở phí tiêu dùng đều được gọi là hải tổn chung.
Được xem đại để như hải tổn chung:
1) Những đồ vật hay tiền bạc đã bỏ ra để chuộc lại tàu biển và hàng hoá.
2) Những đồ vật đã vất xuống biển.
3) Giây cáp và cột buồm đã gẫy hay chặt bỏ.
4) Neo và đồ vật phải bỏ để cứu nguy.
5) Những thiệt hại mà sự vứt đồ xuống biển đã gây ra cho hàng hoá còn lại trên tàu.
6) Những khoản tiền thuốc men cho thuỷ thủ bị thương trong việc bảo vệ tàu, tiền công và tiền ăn cho các thuỷ thủ trong thời gian tàu phải ngưng hành trình vì bị cầm giữ theo lịnh của một cường quốc, hay trong thời gian cần thiết để sửa chữa những thiệt hại tự ý chịu đựng, nếu tàu cho thuê tháng.
7) Những chi phí dỡ hàng để làm nhẹ tàu và để vào bến hay sông nhỏ, khi tàu bắt buộc phải làm như vậy để tránh bão hay tránh sự săn đuổi của kẻ địch.
8) Những chi phí dùng để kéo tàu xuống nước, nếu tàu đã tự ý để mắc cạn để khỏi phải rơi vào tay địch hay mất toàn diện.
Điều thứ 771 – Trong trường hợp có sự vứt bỏ hàng hoá để cứu nguy, thì những vật kèm cần thiết, nặng nề và ít giá trị sẽ bị vứt bỏ trước tiên, kế đó những hàng hoá cất lên boong nhứt.
Điều thứ 772 – Ngay khi thuận tiện, thuyền trưởng phải ghi sự vứt bỏ nói trên vào sổ. Phải ghi rõ:
- Lý do vứt bỏ hàng hoá.
- Những đồ vật đã vứt bỏ hay đã bị thiệt hại vì sự vứt bỏ.
Điều thứ 773 – Trong vòng hai mươi bốn giờ, sau khi tàu cập bến thứ nhứt kể từ lúc có sự vứt bỏ hàng hoá, thuyền trưởng phải xác nhận các sự việc đã xảy ra, như đã nói tại điều 656.
Điều thứ 774 – Thuyền trưởng phải mẫn cán nhờ các giám định viên nơi tàu biển dỡ hàng xác định tình trạng mất mát và hư hại.
Nếu tàu dỡ hàng tại một hải cảng Việt Nam, thì giám định viên sẽ do chánh án toà sơ thẩm nơi đó chỉ định.
Nếu tàu dỡ hàng tại một bến ngoại quốc, thì lãnh sự Việt Nam tại đây sẽ cử giám định viên và nếu không có lãnh sự Việt Nam thì giám định viên sẽ do chánh án toà sở tại chỉ định.
Điều thứ 775 – Những hàng hoá bị vứt bỏ sẽ được ước tính theo thời giá tại nơi dỡ hàng, phẩm chất sẽ căn cứ vào tải hoá đơn hay hoá đơn, nếu có.
Điều thứ 776 – Các giám định viên phân phối sẽ được cho chấp hành bởi Lãnh sự Việt Nam và nếu không có Lãnh sự Việt Nam, bởi toà án có thẩm quyền tại chỗ.
Hải tổn chung sẽ phân bổ để chung chịu.
Điều thứ 777 – Hải tổn chung sẽ phân bổ để chung chịu giữa các hàng hoá, đồ vật được cứu thoát cũng như bị vứt bỏ, và phân nửa giá tàu biển cũng như phân nửa thuỷ cước, nhiều ít tuỳ theo tỉ lệ giá trị của những thứ ấy tại nơi dỡ hàng.
Điều thứ 778 – Nếu đã khai man phẩm chất của hàng hoá trong tải hoá đơn và thực sự giá trị cao hơn thì hàng hoá phải đóng góp theo giá trị nầy, nếu được cứu thoát.
Trái lại, nếu hàng mất thì trả tiền cho chủ theo phẩm chất ghi trong tải hoá đơn.
Đối với những hàng hoá mà phẩm chất kém hơn phẩm chất trong tải hoá đơn, sự đóng góp sẽ tính theo phẩm chất trong tải hoá đơn, nếu hàng hoá được cứu thoát.
Trái lại, nếu hàng bị vứt bỏ hay hư hại thì trả tiền cho chủ theo giá trị thật sự.
Điều thứ 779 – Lương thực và y phục của thuỷ thủ đoàn dù được cứu thoát cũng không góp phần vào việc trả hải tổn, nhưng nếu bị vứt bỏ thì sẽ được thường hoàn.
Điều thứ 780 – Những đồ vật không có tải hoá đơn hay không có sự khai nhận của thuyền trưởng không được trả tiền nếu bị vứt bỏ, nhưng phải góp phần nếu được cứu thoát.
Điều thứ 781 – Những đồ vật chở trên boong tàu phải góp phần nếu được cứu thoát.
Nếu đồ vật nầy bị vứt bỏ hay hư hại vì sợ vứt hàng, thì sở hữu chủ không thể đòi bồi thường hải tổn, nhưng đòi thuyền trưởng bồi thường.
Điều thứ 782 – Nếu vứt bỏ hàng hoá mà không ai cứu được tàu thì không phải đóng góp.
Nếu có hàng hoá được cứu sau nầy, sẽ khỏi bài bồi hoàn cho hàng hoá bị vứt bỏ, hay bồi thường cho những hàng bị thiệt hại.
Điều thứ 783 – Nếu vứt hàng hoá mà cứu được tàu, nhưng tàu bị đắm khi tiếp tục hành trình thì những hàng hoá sẽ góp phần theo trị giá vào lúc đó, sau khi khấu trừ các phí tổn cứu vớt.
Điều thứ 784 – Trong mọi trường hợp, các đồ vật vứt bỏ khỏi phải góp phần để trả những thiệt hại xảy ra sau khi có sự vứt bỏ, cho những hàng hoá đã được cứu thoát.
Hàng hoá đó cũng phải góp phần để gánh chịu giá trị chiếc tàu bị đắm hay bị lâm vào tình trạng bất khả hành thuỷ.
Điều thứ 785 – Nếu tàu bị đục phá để lấy hàng ra thì các hàng hoá phải đóng góp vào sự sửa chữa.
Điều thứ 786 – Trong trường hợp có sự mất mát hàng hoá đã được dỡ xuống ghe để làm cho tàu được nhẹ đặng dễ vào hải cảng hay sông ngòi, thì tàu biển và toàn thể hàng hoá cất trên tàu phải đóng góp trả sự mất mát đó.
Nếu tàu đắm với số hàng hoá còn lại trên tàu, thì các đồ vật đã được dỡ xuống ghe khỏi phải đóng góp dù được nguyên vẹn đưa đến bến.
Điều thứ 787 – Trong những trường hợp kể trên, thuyền trưởng và thuỷ thủ đoàn có đặc quyền trên hàng hoá hay giá tiền bán hàng hoá về tiền hải tổn mà chủ hàng hoá phải đóng góp.
Điều thứ 788 – Sau khi hải tổn đã được phân bổ, nếu các sở hữu chủ tìm lại được những đồ vật đã vứt bỏ, thì phải giao lại cho thuyền trưởng và các người quan thiết cho số tiền bồi thường đã nhận, sau khi khấu trừ phần thiệt hại gây cho đồ vật và phí tổn đã bỏ ra để tìm kiếm các đồ vật đó.
PHỤ TIẾT III
VỀ HẢI TỔN RIÊNG
Điều thứ 789 – Được coi là hải tổn riêng, những sở phí đã bỏ ra hay sự thiệt hại đã xảy ra hoặc cho riêng tàu biển, hoặc cho riêng hàng hoá, kể từ lúc cất hàng, tàu khởi hành cho đến lúc cập bến và dỡ hàng xong.
Được xem đại để như hải tổn riêng:
1) Sự thiệt hại xảy ra cho hàng hoá vì hà tì bản chất, vì bão tố, vì tàu bị bắt giữ, vì tàu đắm hay mắc cạn.
2) Những chi phí đã phải bỏ ra để cứu hàng hoá.
3) Sự mất mát giây cáp, neo buồm hay mọi vật trang bị khác, do bão tố hay mọi tai nạn hàng hải.
4) Những sở phí gây ra do sự ghé bến bắt buộc vì rủi ro mất mát những đồ vật nói trên, vì nhu cầu tiếp tế lương thực, hoặc vì tàu hỏng phải sửa chữa.
5) Tiền ăn và tiền công thuỷ thủ trong thời gian tàu bị giữ, khi tàu phải ngưng hành trình do lệnh của một cường quốc, và trong thời gian mà tàu bắt buộc phải sửa chữa, nếu tàu được thuê.
6) Tiền ăn và tiền công thuỷ thủ trong thời gian tàu bị cô lập vì biện pháp y tế.
Điều thứ 790 – Các hải tổn riêng sẽ được gánh chịu bởi sở hữu chủ đồ vật bị thiệt hại hay đã gây ra sở phí.
Điều thứ 791 – Những thiệt hại xảy ra cho các hàng hoá do sơ xuất của thuyền trưởng và thuỷ thủ đoàn là những hải tổn riêng mà sở hữu chủ hàng hoá phải chịu, nhưng có thể kiện thuyền trưởng và chủ tàu để đòi thường hoàn.
Điều thứ 792 – hững phí tổn về hoa tiêu để ra vào bến hay sông ngòi, những sắc thuế xuất khẩu, neo bến và mọi thuế khác về hàng hải, đều không phải là hải tổn mà là những phí tổn thường do tàu phải chịu.
PHỤ TIẾT IV
VỀ TỐ QUYỀN THANH TOÁN HẢI TỔN
Điều thứ 793 – Những ước khoản miễn thường hải tồn giải trừ cho các nhà bảo hiểm trách vụ bồi thường mọi hải tổn dù chung hay riêng, ngoại trừ những trường hợp cho phép vứt bỏ đồ vật bảo hiểm, trong những trường hợp nầy, người được bảo hiểm có quyền lựa chọn giữa sự bỏ đồ vật bảo hiểm và tố quyền đòi bồi thường hải tổn.
Điều thứ 794 – Tố quyền đòi hải tổn chung sẽ thời tiêu sau năm (5) năm kể từ ngày người bị thiệt hại biết có xảy ra hải tổn.
TIẾT II
VỀ THUYỀN ĐỘT
Điều thứ 795 – Trong trường hợp có thuyền đột giữa các tàu biển hay giữa tàu biển và tàu bè dùng trong thuỷ nội, thì bất luận tai nạn xảy ra tại thuỷ phận nào, việc bồi thường về những thiệt hại xảy ra cho tàu, vật hay người trên tàu, đều phải theo các điều khoản của tiết nầy.
Điều thứ 796 – Nếu thuyền đột do sự ngẫu nhiên hay do tình trạng bất khả kháng hay nếu nguyên nhân gây ra tai nạn không rõ rệt thì mỗi bên phải tự gánh chịu sự thiệt hại của mình, không cần phân biệt tàu nào đang đi hay đang đậu.
Điều thứ 797 – Nếu thuyền đột do lỗi của môt trong những tàu biển, thì tàu có lỗi phải bồi thường cho những tàu khác.
Điều thứ 798 – Nếu mỗi tàu đều có lỗi, thì trách nhiệm của mỗi bên sẽ ấn định phải tương xứng với sự nặng nhẹ của phần lỗi mình, tuy nhiên, nếu chiếu hoàn cảnh không thể định được tỉ lệ lỗi của đôi bên, hay lỗi đôi bên sấp sỉ nhau, thì trách nhiệm sẽ được chia đồng.
Những tàu biển có lỗi, sẽ tuỳ theo tỉ lệ lỗi mà gánh chịu trách nhiệm, không liên đới về những thiệt hại đã gây ra cho tàu, hoặc cho hàng hoá chở trên tàu, hoặc cho đồ vật hay tài sản khác của thuỷ thủ đoàn, của hành khách hay của mọi người khác trên tàu.
Những tàu biển có lỗi phải chịu trách nhiệm liên đới về những thiệt hại gây tử thương hay thương tích, nhưng tàu nào đã trả một phần tiền cao hơn phần mình phải chịu theo sự dự liệu của khoản trên đây, thì có thể đòi tàu phạm lỗi hoàn lại phần tiền trả trội.
Điều thứ 799 – Trách nhiệm quy định trong các điều khoản trên được áp dụng cho cả trường hợp thuyền bị đột do lỗi của hoa tiêu, dù việc nhờ hoa tiêu có tính cách bắt buộc.
Điều thứ 800 – Các điều khoản trên cũng được áp dụng cho trường hợp tàu biển gây thiệt hại cho một tàu khác, hoặc cho người và vật trên hai tàu vì điều khiển vụng về hay thiếu điều khiển hay vì không tuân theo các qui lệ hàng hải, dù rằng không có thuyền đột.
Điều thứ 801 – Trong trường hợp thuyền đột, nguyên đơn có thể khởi tố trước toà sơ thẩm nơi trú quán của bị đơn , hoặc trước toà án nơi hải cảng Việt Nam mà liền sau khi xảy ra tai nạn một trong hai tàu đụng đã đến để tạm trú.
Nếu thuyền đột đã xảy trong hải phận Việt Nam, thì có thể khởi tố trước toà án gần nơi xảy ra tai nạn.
TIẾT III
VỀ SỰ CỨU TRỢ HÀNG HẢI
Điều thứ 802 – Các điều khoản của tiết nầy qui định sự cứu trợ những tàu biển lâm nguy, cũng như mọi dịch vụ đồng tính cách tương trợ giữa những tàu biển và tàu sông, bất luận sự cứu trợ đã xảy ra trong thủy phận nào.
Điều thứ 803 – Mọi hành vi cứu trợ nếu có kết quả hữu ích được đền bù bằng một khoản thù lao tương xứng.
Không có thù lao, nếu hành vi cứu nguy không có kết quả hữu ích.
Trong mọi trường hợp, số tiền phải trả không thể cao hơn giá trị của những đồ vật đã cứu được.
Điều thứ 804 – Nếu tàu lâm nguy đã minh thị và hữu lý cấm chỉ, những người đã tự ý cứu trợ sẽ không được hưởng thù lao.
Điều thứ 805 – Tàu kéo chỉ được hưởng thù lao cứu trợ nếu có làm những dịch vụ đặc biệt khác ngoài sự thi hành theo khế ước tàu kéo.
Điều thứ 806 – Vẫn phải trả thù lao dù sự cứu trợ được thi hành giữa những tàu biển cùng thuộc quyền sở hữu của một người.
Điều thứ 807 – Số thù lao được ấn định theo giao ước giữa các đương sự, nếu không có giao ước thì toà án sẽ định thù lao phải trả.
Cũng theo thể lệ ấy để phân chia thù lao hoặc giữa các người cứu trợ, hoặc giữa các thuyền chủ, thuyền trưởng và thuỷ thủ đoàn của mỗi chiến tàu đã tham dự vào việc cứu trợ.
Nếu tàu cứu trợ là tàu ngoại quốc thì sự phân chia thù lao giữa thuyền chủ, thuyền trưởng và thuỷ thủ đoàn sẽ theo luật lệ quốc gia của tàu đó.
Điều thứ 808 – Mọi giao ước cứu trợ cam kết dưới ảnh hưởng của tai nạn đều có thể bị hủy bỏ hay sửa đổi bởi toà án, theo đơn xin của một trong các đương sự, nếu toà án xét rằng các điều kiện giao kết không công bình.
Trong mọi trường hợp, khi có bằng chứng rằng sự ưng thuận của một trong các đương sự đã bị hà tì vì có sự gian trá giấu giếm, lừa lọc của bên kia hay khi số thù lao xét ra quá đáng so với dịch vụ đã làm, toà án có thể huỷ giao ước theo đơn xin của bên bị thiệt hại.
Điều thứ 809 – Toà sẽ định thù lao căn cứ trên giá trị của đồ vật cứu được; trên thành quả thâu lượm được, công lao của những người cứu trợ, mức độ của sự nguy cơ đối với tàu ngộ nạn, đối với hành khách và thuỷ thủ cùng hàng hoá; mức độ của sự nguy cơ đối với tàu cứu trợ, thời gian dùng cho việc cứu trợ, sở phí và thiệt hại của tàu cứu trợ.
Qui tắc trên đây cũng áp dụng cho sự phân chia thù lao dự liệu tại khoản 2 điều 807.
Toà án có thể giảm hay không cho thù lao, nếu những người cứu trợ đã do lỗi của chính họ, làm cho sự cứu trợ trở nên cần thiết hay nhơn sự cứu trợ mà phạm tội trộm cắp, oa trữ hay những hành vi gian lận khác.
Điều thứ 810 – Cứu nhân mạng không được đòi nạn nhân trả thù lao.
Tuy nhiên, những người cứu nhơn mạng đã trải qua những nguy hiểm chung với những người cứu trợ khác sẽ có quyền đòi những người nầy chia lại một phần thù lao tương xứng.
Điều thứ 811 – Tố quyền đòi thù lao cứu trợ sẽ thời tiêu sau hai năm kể từ ngày công việc cứu trợ hoàn tất.
Tuy nhiên, thời hạn nầy không khởi lưu, nếu tàu được cứu trợ, sau đó, không thể sai áp được ở Việt Nam vì không lưu nhập một thời gian nào ở hải phận Việt Nam.
TIẾT IV
VỀ BẢO HIỂM HÀNG HẢI
PHỤ TIẾT I
VỀ HÌNH THỨC VÀ ĐỐI TƯỢNG
CỦA KHẾ ƯỚC BẢO HIỂM
Điều thứ 812 – Khế ước bảo hiểm phải làm bằng văn thư và ghi:
- Tên họ và trú quán của người xin bảo hiểm, tư cách là sở hữu hay là trọng mãi.
- Tên và mọi chi tiết khác về tàu biển.
- Tên họ thuyền trưởng.
- Nơi mà hàng hoá đã được đưa lên tàu hay phải đưa lên tàu.
- Hải cảng khởi hành của tàu biển.
- Những bến mà tàu phải cập hay cất hàng, dỡ hàng.
- Tính chất và giá tiền hay ước giá của đồ vật bảo hiểm.
- Thời gian bảo hiểm.
- Số tiền bảo hiểm tới mức nào và nói chung, tất cả mọi điều kiện khác mà đôi bên đã thoả thuận.
Tuy nhiên, có thể bảo hiểm hàng hoá mà không chỉ định đích danh người được bảo hiểm, hoặc không chỉ định hàng hoá, miễn là sẽ khai báo sau.
Điều thứ 813 – Mọi bảo hiểm trùng phức tức bảo hiểm hai lần về cùng một tài vật đều bị cấm chỉ.
Trong những trường hợp có bảo hiểm trùng phức, nếu có sự gian trá của người được bảo hiểm thì sự bảo hiểm chỉ vô giá trị đối với người nầy mà thôi; nếu không có sự lừa dối hay gian trá, thì sự bảo hiểm sẽ được giảm bớt xuống bằng giá trị của vật đã được bảo hiểm hai lần. Nếu đã có hai hay nhiều bảo hiểm liên tiếp, sẽ giảm trên bảo hiểm mới nhứt.
Điều thứ 814 – Trong trường hợp có sự ước giá gian lận đồ vật bảo hiểm, có sự tráo hàng hay gian lận nào khác, người bảo hiểm có thể xin mở cuộc kiểm tra và định giá lại các đồ vật nầy không kể những sự truy tố khác về dân sự hay hình sự
Điều thứ 815 – Nếu đồ vật được ước giá bằng ngoại tệ trong khế ước bảo hiểm sẽ được ước lượng theo hối suất chánh thức của ngoại tệ đó đối với đồng bạc Việt Nam vào ngày ký khế ước
Điều thứ 816 – Nếu trong khế ước không có định giá các hàng hoá, thì có thể dùng hoá đơn hay sổ sách để chứng minh; bằng không, có thể ước tính theo thời giá tại nơi cất hàng, tính gộp với mọi sắc thuế và phí tổn đã bỏ ra cho tới lúc hàng được đem lên tàu.
Điều thứ 817 – Nếu khế ước bảo hiểm không định thời gian cho những rủi ro được bảo hiểm thì thời gian bảo hiểm:
1) Đối với tàu biển và phụ tùng, bắt đầu từ ngày tàu khởi hành cho tới lúc tàu thả neo tại nơi phải đến.
2) Đối với hàng hoá, bắt đầu từ ngày hàng được cất lên tàu hay cất lên ghe để được cất lên tàu cho đến ngày hàng được giao trên bộ.
Điều thứ 818 – Người bảo hiểm có thể nhờ người khác tái bảo hiểm những đồ vật đã nhận bảo hiểm.
Người được bảo hiểm lại có thể đem bảo hiểm cả tiền bảo phí.
Bảo phí tái bảo hiểm có thể cao hơn hay thấp hơn bảo phí bảo hiểm.
Điều thứ 819 – Nếu bảo khoản ký trong thời bình có dự liệu một sự gia tăng bảo phí vì tình trạng chiến tranh có thể xảy ra nhưng lại không định trước tỉ lệ, thì toà án chiếu những rủi ro, hoàn cảnh và những ước khoản trong bảo khoản để định sự gia tăng.
Điều thứ 820 – Trong trường hợp hàng hoá đuợc hiếm chở trên tàu và bị mất là chính của thuyền trưởng, thuyền trưởng phải chứng minh với hãng bảo hiểm việc mua hàng và xuất trình một tải hoá đơn có chữ ký của hai nhân viên chính trong thuỷ thủ đoàn.
Điều thứ 821 – Nếu người bảo hiểm bị khánh tận, trong khi khế ước bảo hiểm chưa chấm dứt người được bảo hiểm có thể yêu cầu được bảo lãnh hay xin giải ước.
Người bảo hiểm cũng có quyền nói trên đối với người được bảo hiểm bị khánh tận.
Điều thứ 822 – Mọi sự ẩn nặc, mọi sự khai man của người được bảo hiểm, mọi sự sai biệt giữa khế ước bảo hiểm và tải hoá đơn đều làm cho sự bảo hiểm vô giá trị, nếu làm thay đổi đối tượng hay giảm thiểu sự ước tính rủi ro bảo hiểm.
Sự bảo hiểm vô giá trị dẫu rằng sự ẩn nặc, khai man hay khác biệt nói trên không có ảnh hưởng gì đến sự thiệt hại hay mất mát của đồ vật được bảo hiểm.
PHỤ TIẾT II
VỀ TRÁCH VỤ CỦA ĐÔI BÊN KẾT ƯỚC
Điều thứ 823 – Nếu sự chuyên chở hàng hoá được bảo hiểm bị huỷ bỏ trước khi tàu biển khởi hành, dù do hành vi của người được bảo hiểm, sự bảo hiểm cũng được huỷ bỏ theo và người bảo hiểm được một khoản bồi thường là nửa phần trăm của số tiền bảo hiểm.
Điều thứ 824 – Người bảo hiểm phải chịu những rủi ro về tất cả thiệt hải xảy ra cho đồ vật bảo hiểm vì mọi tai biến hàng hải như bão tố, tàu đắm, mắc cạn, thuyền đột ngẫu nhiên, thay đổi cưỡng bách hướng đi v.v. . .
Điều thứ 825 – Người bảo hiểm không phải chịu hậu quả về những sự thay đổi hướng đi, chuyến đi hay bất cứ sự thiệt hại về sự gì gây ra cho đồ vật được bảo hiểm nếu những sự thay đổi, thiệt hại ấy là do hành vi của người được bảo hiểm gây ra. Ngoài ra tiền bảo kim được coi như thụ đắc cho người bảo hiểm nếu người nầy đã bắt đầu nhận lãnh sự rủi ro.
Điều thứ 826 – Người bảo hiểm không phải chịu trách nhiệm về những hao hụt do hà tì bản chất của đồ vật bảo hiểm và những thiệt hại xảy ra do hành vi hay lỗi lầm của các sở hữu chủ, người thuê tàu hay người gởi hàng.
Điều thứ 827 – Người bảo hiểm không có trách nhiệm về các lỗi của thuyền trưởng và thuỷ thủ đoàn cố ý gây ra hải tổn, trừ phi có giao ước trái lại.
Điều thứ 828 – Người bảo hiểm không có trách nhiệm phải trả phí tổn về sự dẫn tàu và mọi sắc thuế đánh trên tàu và các hàng hoá.
Điều thứ 829 – Trong bảo khoản, phải ghi rõ hàng hoá nào do bản chất dễ hư hỏng hay hao hụt, nếu không, người bảo hiểm sẽ không phải chịu trách nhiệm về sự thiệt hại xảy ra, trừ phi chính người được bảo hiểm cũng không biết rõ tính chất của hàng cất lên tàu khi ký bảo khoản.
Điều thứ 830 – Một khế ước bảo hiểm hay tái bảo hiểm ưng thuận với một số tiền cao hơn giá trị thật sự của đồ vật cất trên tàu, chỉ vô giá trị đối với người được bảo hiểm, nếu có bằng cớ người nầy đã gian lận.
Điều thứ 831 – Nếu không có gian lận, khế ước chỉ có hiệu lực tới mức giá trị sẽ được ước lượng hay được thoả thuận chấp thuận của đồ vật cất lên tàu.
Người bảo hiểm không được đòi bảo kim về giá trị khai tăng cho đồ vật, nhưng được hưởng một số tiền bồi thường bằng nửa phần trăm giá trị nầy.
Trong trường hợp có sự mất mát, mỗi người bảo hiểm phải đền bù theo tỉ lệ số tiền mà họ chịu lãnh bảo hiểm.
Điều thứ 832 – Nếu có nhiều khế ước bảo hiểm cùng được lập không gian lận trên một số hàng chở trên tàu, và nếu khế ước nầy đã bảo hiểm trọn vẹn giá trị của số hàng nầy thì chỉ riêng có khế ước đầu tiên tồn tại.
Những người bảo hiểm kế tiếp đều được giải trách, họ chỉ được nửa phần trăm của số tiền bảo hiểm.
Nếu giá trị của đồ vật cất trên tàu chưa được bảo hiểm trọn vẹn bởi khế ước đầu, những người bảo hiểm kế tiếp có trách nhiệm đối với dư khoản còn lại theo thứ tự ngày tháng của các khế ước.
Điều thứ 833 – Nếu số hàng chuyên chở ngang với số tiền bảo hiểm và có một phần bị tiêu thất, phần đó sẽ do tất cả những người bảo hiểm phải trả theo tỷ lệ quyền lợi của họ.
Điều thứ 834 – Nếu một số hàng được bảo hiểm phải cất trên nhiều tàu được chỉ định và có ghi rõ số tiền được bảo hiểm riêng cho số hàng trên mỗi chiếc tàu, và nếu trọn số hàng được cất lên một chiếc tàu hay trên một số tàu ít hơn số chỉ định trong khế ước bảo hiểm, người bảo hiểm chỉ phải chịu số tiền bảo hiểm về chiếc tàu hay những tàu đã nhận hàng, dù rằng tất cả các tàu chỉ định bị đắm; và người bảo hiểm được nhận nửa phần trăm số tiền bảo hiểm về những khế ước bị huỷ bỏ.
Điều thứ 835 – Trong trường hợp thuyền trưởng được tự do vào các hải cảng khác nhau để lấy thêm hay trao đổi hàng, người bảo hiểm chỉ phải chịu những rủi ro xảy đến cho các đồ vật được giữ nguyên trên tàu mà thôi, trừ phi có giao ước trái lại.
Điều thứ 836 – Người bảo hiểm được giải trách đối với mọi rủi ro và vẫn thủ đắc bảo kim, nếu đồ vật được bảo hiểm được gửi xa hơn nơi khế ước chỉ định, dù vẫn trên một hải trình.
Sự bảo hiểm giữ nguyên hiệu lực, nếu chuyến đi được rút ngắn.
Điều thứ 837 – Mọi khế ước bảo hiểm lập sau khi đồ vật bảo hiểm đã mất hay đã đến nơi đều vô giá trị nếu có bằng cớ rằng trước khi ký khế ước người được bảo hiểm đã có thể biết là hàng đã mất hay người bảo hiểm đã có thể biết là hàng đã đến nơi.
Điều thứ 838 – Trong trường hợp có bằng chứng là người được bảo hiểm không ngay tình thì người nầy phải trả cho người bảo hiểm một số tiền gấp đôi số bảo phí.
Trong trường hợp có bằng chứng là người bảo hiểm không ngay tình người nầy phải trả cho người được bảo hiểm một số tiền gấp đôi số bảo phí thoả thuận, ngoài việc hoàn lại số bảo phí đã thâu rồi.
Người gian tình có thể bị truy tố ra trước toà tiểu hình.
TIẾT III
SỰ NHƯỢNG BỎ ĐỒ VẬT BẢO HIỂM
Điều thứ 839 – Có thể nhượng bỏ đồ vật bảo hiểm trong trường hợp sau đây:
- Tàu bị bắt giữ,
- Tàu đắm,
- Tàu mắc cạn và bị vỡ,
- Bất khả hành thuỷ vì tai nạn hàng hải,
- Tàu bị một cường quốc chận giữ,
- Đồ vật bảo hiểm bị tiêu thất hay hư hại đến ba phần tư.
Có thể bỏ đồ vật bảo hiểm khi có sự ngăn chận của Chánh phủ sau khi chuyến đi bắt đầu.
Điều thứ 840 – Không thể nhượng bỏ đồ vật bảo hiểm trước khi thời gian bảo hiểm khởi lưu như đã định ở điều 817.
Điều thứ 841 – Không thể chỉ nhượng bỏ một phần đồ vật bảo hiểm hay nhượng bỏ với điều kiện.
Điều thứ 842 – Người được bảo hiểm phải nhượng bỏ trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày nhận được tin rủi ro.
Điều thứ 843 – Trong trường hợp có thể nhượng bỏ đồ vật, cũng như trong trường hợp mọi tai nạn khác được bảo hiểm, bảo viên phải tống đạt cho người bảo hiểm những báo thị nhận được về những tai nạn đã xảy ra.
Phải tống đạt trong hạn ba ngày kể từ khi nhận được báo thị.
Điều thứ 844 – Sau thời hạn sáu tháng, kể từ ngày tàu khởi hành hay từ ngày nhận được những tin tức cuối cùng, người được bảo hiểm nếu không còn nhận được tin tức gì, thì có thể nhượng bỏ đồ vật bảo hiểm để được bồi thường không cần phải có giấy chứng nhận sự tiêu thất.
Sự nhượng bỏ trong trường hợp nầy cũng phải làm trong thời gian định tại điều 842.
Điều thứ 845 – Trong trường hợp bảo hiểm có hạn định thời gian, quá hạn định dự liệu ở điều trên, sự tiêu thất được ức đoán là đã xảy ra trong thời gian bảo hiểm.
Điều thứ 846 – Người được bảo hiểm có thể, do sự tống đạt nói ở điều 843, tuyên bố nhượng bỏ đồ vật bảo hiểm và đốc thúc người bảo hiểm phải trả bồi thường trong thời hạn ước định, hoặc dành quyền nhượng bỏ trong thời hạn pháp định.
Điều thứ 847 – Người được bảo hiểm khi nhượng bỏ đồ vật phải khai báo mọi sự bảo hiểm khác, bằng không, thời hạn trả tiền bồi thường đáng lý bắt đầu kể từ ngày nhượng bỏ, sẽ hoãn lại đến ngày tống đạt sự khai báo nói trên, song việc nầy không triển hạn thời gian ấn định cho sự nhượng bỏ.
Điều thứ 848 – Trong trường hợp khai gian, người được bảo hiểm sẽ mất hết quyền lợi đối với hãng bảo hiểm.
Điều thứ 849 – Trong trường hợp tàu đắm hay mắc cạn bị vỡ, người được bảo hiểm phải gắn cứu các đồ vật bị hoạ, việc nầy không làm thiệt hại đến quyền nhượng bỏ sau nầy.
Người được bảo hiểm sẽ được trả phí tổn đến mức giá trị của những đồ vật cứu được.
Điều thứ 850 – Người bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm, ba tháng sau khi nhận được tống đạt bỏ hàng, nếu khế ước không ấn định thời kỳ.
Điều thứ 851 – Trong trường hợp nhượng bỏ cũng như trong các trường hợp khác, trước khi khỏi tố người bảo hiểm để đòi bồi thường, phải tống đạt cho người nầy các chứng thư minh xác sự cất hàng và sự tiêu thất.
Người bảo hiểm có thể dẫn chứng tương phản những sự kiện đã nêu trong các chứng thư nầy.
Điều thứ 852 – Một khi sự nhượng bỏ hàng đã được tống đạt và chấp nhận hay được xử là có giá trị thì các vật bảo hiểm sẽ thuộc về người bảo hiểm kể từ lúc bỏ.
Sau nầy người bảo hiểm không thể lấy cớ tàu đã trở về để khỏi phải trả tiền bồi thường.
Điều thứ 853 – Trong trường hợp tàu bị chận giữ do lệnh của một cường quốc, người được bảo hiểm phải tống đạt cho người bảo hiểm trong hạn ba ngày sau khi nhận được tin.
Chỉ có thể nhượng bỏ đồ vật bị chận giữ trong thời hạn sáu (6) tháng kể từ ngày tống đạt.
Trong trường hợp hàng bị chận giữ thuộc loại dễ hư hỏng, thì thời hạn nhượng bỏ sẽ là 20 ngày.
Điều thứ 854 – Không thể nhượng bỏ tàu vì lý do bất khả hành thủy nếu tàu mắc cạn có thể trục lên, sửa chữa để tiếp tục đi đến nơi chỉ định.
Trong trường hợp nầy, người được bảo hiểm có quyền đòi người bảo hiểm bồi thường phí tổn và hư hao do sự mắc cạn gây ra.
Điều thứ 855 – Trong trường hợp tàu bất khả hành thủy, thuyền trưởng phải hành động mẫn cán để có một chiếc tàu khác chở hàng hoá đến nơi chỉ định.
Người bảo hiểm sẽ chịu các rủi ro về hàng hoá chở trên tàu thay thế cho đến lúc hàng nầy đến bến và được dỡ.
Ngoài ra, người bảo hiểm còn phải gánh chịu các sự hư hỏng, phí tổn dỡ hàng, lưu kho, cất hàng trở lại, thuỷ cước phụ trội và mọi phí tổn khác đã bỏ ra để cứu hàng cho đến ngạch số được bảo hiểm.
Điều thứ 856 – Nếu, trong thời hạn định ở điều 853 thuyền trưởng không tìm được một chiếc tàu khác cất lại hàng và chở hàng hoá đến nơi chỉ định, người được bảo hiểm có quyền nhượng bỏ hàng.
Điều thứ 857 – Trong trường hợp tàu bị tước đoạt do dịch quốc hay một quốc gia tham chiến, người được bảo hiểm có quyền tự ý chuộc đồ vật nếu không thể báo thị sự tướt đoạt cho người bảo hiểm.
Người được bảo hiểm phải tống đạt cho người bảo hiểm sự chuộc đồ vật ngay khi có phương tiện.
Điều thứ 858 – Người bảo hiểm có thể thuận nhận việc chuộc đồ vật, hoặc từ chối, và phải báo thị quyết định của mình cho người được bảo hiểm trong hai mươi bốn giờ sau khi nhận được tống đạt nói ở điều trên.
Nếu nhận, người bảo hiểm phải góp ngay phần chuộc chiếu theo khế ước bảo hiểm và khế ước nầy tiếp tục thi hành.
Nếu từ chối, người bảo hiểm phải trả tiền bồi thường và không có quyền gì trên đồ vật đã chuộc.
Nếu không tống đạt sự lựa chọn trong thời hạn hai mươi bốn giờ nói trên, người bảo hiểm được coi như đã từ chối.
CHƯƠNG THỨ VII
VỀ THỜI HIỆU VÀ KHÁNG CHẤP
TIẾT I
VỀ NHỮNG THỜI HIỆU
Điều thứ 859 – Tố quyền xin nhượng bỏ hàng sẽ thời tiêu theo thời hạn dự liệu ở điều 842.
Điều thứ 860 – Mọi tố quyền xuất phát từ một khế ước bảo hiểm sẽ thời tiêu sau năm năm kể từ ngày ký khế ước
Điều thứ 861 – Sẽ thời tiêu sau một năm mọi tố quyền:
1) Đòi tiền thuỷ cước của tàu biển, kể từ khi chuyến đi đã hoàn tất.
2) Về các sự tiêu thất, hải tổn hay chậm trễ chở hàng, kể từ lúc giao hàng, thì kể từ ngày mà hàng đáng lý phải được giao.
3) Của hành khách đòi thuyền trưởng, thuyền chủ bồi thường mọi sự thiệt hại xảy ra cho bản thân hay cho hành lý trong cuộc hành trình.
TIẾT II
VỀ NHỮNG KHÁNG CHẤP
Điều thứ 862 – Không thể chuẩn chấp:
- Mọi tố quyền chống thuyền trưởng hay những người bảo hiểm về thiệt hại xảy ra cho hàng hoá, nếu hàng đã được nhận lãnh không có kêu nài, dị nghị.
- Mọi tố quyền chống người thuê tàu về những hải tổn, nếu thuyền trưởng đã giao hàng hoá và nhận tiền trả thuỷ cước của người nầy mà không phản đối dị nghị.
Những sự phản đối dị nghị nói trên đều vô giá trị, nếu không được làm theo thể thức và thời hạn định ở điều 746.
Điều thứ 863 – Mọi tố quyền đòi bồi thường thiệt hại do thuyền đột trong các trường hợp dự liệu ở điều 795 và kế tiếp đều thời tiêu sau hai năm kể từ ngày xảy ra tai nạn.
Tuy nhiên, tố cầu dự liệu bởi điều 798 đoạn chót sẽ chỉ thời tiêu sau một năm kể từ ngày trả tiền.
Những thời hạn dự liệu ở hai khoản trên đây sẽ không khởi lưu, nếu tàu biển gây tai nạn, sau đó không vào hải phận Việt Nam đủ để có thể bị sai áp.
MỤC LỤC * QUYỂN 1 * QUYỂN 2 * QUYỂN 3 QUYỂN 5
Tin mới
- APALC kêu gọi cộng đồng Việt góp ý cho dự luật cải tổ di trú - 31/03/2013 19:20
- Dự thảo cải tổ di trú: Bỏ diện bảo lãnh anh em và con trên 21 - 30/03/2013 02:55
- Tối Cao Pháp Viện bắt đầu xử vụ Propostion 8 - 27/03/2013 14:46
- LS Nguyễn Công Bình đắc cử Chủ Tịch Hội LGVN/California - 11/03/2013 22:18
- Tình Nghĩa Đôi Ta Có Thế Thôi - 21/10/2012 15:37
- Luật mới lái xe ở Cali - 27/09/2012 22:44
- BỘ THƯƠNG LUẬT - VNCH - Mục Lục - 31/08/2012 00:00
- BỘ THƯƠNG LUẬT - VNCH - Quyển 1 - 31/08/2012 00:00
- BỘ THƯƠNG LUẬT - VNCH - Quyển 2 - 31/08/2012 00:00
- BỘ THƯƠNG LUẬT - VNCH - Quyển 3 - 31/08/2012 00:00