Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Obamacare và ba cao một thấp


obamacare 1
Obamacare là đạo luật cải tổ chính sách bảo hiểm y tế của Hoa Kỳ ban hành năm 2010 và đã bắt đầu được áp dụng từng phần từ ngày 1/1/2014. Chương trình này sẽ có hiệu lực toàn bộ trong vài năm tới. Đảng Cộng hòa đã nhiều lần tìm cách ra luật mới để vô hiệu Obamacare nhưng không thành công.

Khi rời Bạch Ốc vào đầu năm 2017, nếu người kế vị là một ứng viên Đảng Dân chủ, thì Obamacare sẽ là dấu ấn chính sách quốc nội quan trọng nhất mà Tổng thống Obama để lại sau hai nhiệm kỳ. Nếu người kế nhiệm là một ứng viên Đảng Cộng hòa và một quốc hội cũng do Đảng Cộng hòa nắm đa số, Obamacare có thể sẽ được điều chỉnh lại, không toàn bộ thì cũng từng phần, vì có nhiều khác biệt về chính sách y tế giữa hai đảng.

obamacare 2
H01: Luật cải tổ chính sách bảo hiểm y tế được Tổng thống Barack Obama ký ban hành vào tháng 3/2010
.
Đảng Dân chủ muốn toàn dân có bảo hiểm nên Obamacare buộc người dân phải mua bảo hiểm y tế, nếu không sẽ bị phạt. Phía Cộng hòa không muốn ép buộc dân phải có bảo hiểm, để tự do quyết định là quyền của dân, khi có chuyện gì xảy ra và cần đến việc chăm sóc y tế, một người dân có thể trả tốn phí hay không tùy thuộc vào mức thu nhập đang có. Còn nếu là người nghèo, lúc nào cũng được chữa trị miễn phí tại các cơ sở y tế nhà nước nếu có nhu cầu về sức khoẻ.

Khi có dịp ngồi lại với bạn bè bàn chuyện ảnh hưởng của Obamacare ra sao trong hai năm qua và thấy có những thay đổi. Những ai có công việc bền vững từ lâu và với lương khá cao, trên 100 nghìn đô cho gia đình, thì chi phí bảo hiểm y tế ngày một tăng. Tiền đóng bảo hiểm tuy vẫn do công ti trả - có đến 20 nghìn đô-la một năm cho sức khoẻ, thuốc, răng và mắt - nhưng có những thay đổi là khi gặp bác sĩ, cần xét nghiệm, soi chụp đều phải trả vài chục đô-la mỗi lần. So với trước đây không tốn đồng nào. Mua thuốc trước đây gần như miễn phí hay chỉ trả dưới 10 đô, nay phải trả năm bảy chục. Còn các dịch vụ y tế phòng ngừa như tiêm chủng, khám tổng quát theo định kỳ thì vẫn không tốn lệ phí.

Những gia đình có lợi tức thấp, dưới 50 nghìn đô một năm thì hai vợ chồng và hai người con mua bảo hiểm y tế chưa tới 500 đô một tháng. Với mức thu nhập dưới 30 nghìn đô sẽ được chính phủ trợ cấp mua bảo hiểm giá rẻ.

Những dịch vụ thông thường như khám bác sĩ, mua thuốc, xét nghiệm thì tùy theo đối tượng mua bảo hiểm ở mức nào thì mỗi lần phải trả nhiều hay ít. Nhưng trong trường hợp bệnh nặng, điểm quan trọng của chính sách Obamacare là không giới hạn mức chi tiêu cho một bệnh nhân khi mắc phải chứng bệnh nguy hiểm kéo dài thì bệnh viện vẫn phải chữa trị bằng mọi cách có thể mà không bị giới hạn tài chánh làm ngăn cản.

Với những công dân ở tuổi ngoài 65 Obamacare không đem lại thay đổi. Hầu hết các cụ có Medicare thì nay vẫn còn Medicare. Khám bệnh vẫn thường xuyên, thuốc thang vẫn đầy đủ.

Obamacare có đem lại lợi ích cho những di dân trên 65 tuổi mới đến Mỹ mà không còn khả năng làm việc. Những di dân này trước đây khó mua bảo hiểm vì tuổi già sức yếu và nhiều bệnh, nay Obamacare giúp mua được bảo hiểm với giá rẻ. Sau khi sống ở Mỹ với tư cách là thường trú nhân trên 5 năm thì sẽ có những chương trình chăm sóc y tế do chính phủ tài trợ.

Nói chung, chính sách Obamacare nhằm thu tiền của những người có thu nhập cao và buộc những người có lý lịch sức khoẻ tốt vẫn phải mua bảo hiểm để có ngân sách chi tiêu cho việc cung cấp bảo hiểm y tế cho người không lợi tức hay có lợi tức thấp.

Chính sách này phù hợp với chủ trương của Đảng Dân chủ là muốn đánh thuế cao hơn vào người giầu để có ngân sách chi phí cho các dịch vụ giúp người nghèo.

Obamacare bắt đầu được áp dụng năm 2014. Mỗi năm, chương trình mở ra từ đầu tháng 11 cho đến hết tháng giêng năm sau để người dân chọn các chương trình bảo hiểm hợp với nhu cầu tài chánh cũng như tùy theo tình trạng sức khoẻ của mỗi gia đình.

Trước khi có Obamacare, một người nếu có bệnh hiểm nghèo từ trước có thể bị các cơ quan bán bảo hiểm y tế từ chối cung cấp dịch vụ hoặc nếu mua được sẽ phải trả với giá rất cao, giống như trường hợp người lái xe có nhiều giấy phạt hay có lỗi đã gây ra tai nạn. Với Obamacare, sẽ không ai bị từ chối dù có bệnh hay phải mua bảo hiểm với giá quá cao.

Với chính sách mới, các cơ quan chăm sóc y tế buộc phải cung cấp những dịch vụ căn bản cho mọi người có bảo hiểm như khám bệnh, định bệnh, phòng bệnh, nằm bệnh viện khi cần, sinh đẻ, dịch vụ cấp cứu, mua thuốc, phục hồi sức khoẻ mà trước đây có những thứ chỉ là lựa chọn tùy theo nhu cầu và điều kiện tài chánh của người mua, nếu không mua dịch vụ nào, khi có sự việc xảy đến sẽ không được chữa trị.

Với Obamacare, bắt đầu từ năm 2016 những cơ sở thương mại hay công ti với số nhân viên trên 50 người làm việc toàn thời gian cũng bị bắt buộc phải mua bảo hiểm y tế cho công nhân.

Từ gần nửa thế kỷ qua, sau nhiều cố gắng hình thành một chính sách chăm sóc y tế toàn dân, với đề xuất của cố Thượng Nghị sĩ Edward Kennedy thời 1970, đến Đệ nhất Phu nhân Hillary Clinton đầu thập niên 1990 nhưng không thành công.

Tổng thống Barack Obama cũng đưa ra nhiều dự luật và sau những lần bổ sung, thay đổi một số điều khoản, luật Affordable Care Act - tức Obamacare - đã được quốc hội thông qua và tổng thống ký ban hành.

Sau hai năm thi hành, các cơ sở dịch vụ y tế ngày nay đang tranh nhau tìm khách hàng vì người dân ai cũng phải mua bảo hiểm, không có bảo hiểm, nhà nước sẽ tự động phạt qua hình thức thu thuế với mức 2.5% trên tổng số thu nhập của gia đình.

Những ai chưa đến tuổi 65, để được hưởng dịch vụ y tế theo luật định có thể tìm mua bảo hiểm qua các cơ sở được sự tài trợ của chính phủ liên bang. California có Covered California với nhiều chương trình bảo hiểm khác nhau để tùy khách hàng chọn.

Đối với người già trên 65 tuổi, trước nay vẫn có dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cho các cụ. Ngay cả thường trú nhân ở Mỹ, như nhiều cụ người Việt chưa thể vào quốc tịch, thì khám bác sĩ tại bệnh viện quận hạt hay chọn bác sĩ có trong chương trình của chính phủ, mua cả chục loại thuốc uống để phòng bệnh vẫn không phải trả một đồng xu nào.

Chính phủ Mỹ, bất kỳ do đảng nào cầm quyền, cũng lo cho công dân cao niên một cách chu đáo vì họ là những người siêng năng tham gia bầu cử nhất. Theo một thống kê thì tỉ lệ người cao niên tham gia bầu cử cao gấp ba tỉ lệ của giới trẻ từ 18 đến 24 tuổi. Đối với các cụ, công ăn việc làm và kinh tế không phải là điều quan tâm như giới trẻ, nhưng quyền lợi về y tế, phúc lợi an sinh xã hội là quan tâm chính. Nếu có tăng thuế, lãnh đạo nhắm vào thành phần còn đi làm chứ không dám động đến các cụ cao niên.

Chính vì đảng nào cũng muốn bảo vệ quyền lợi của các cụ nên tỉ lệ người cao niên ủng hộ hai đảng cộng hòa và dân chủ ngang nhau. Trong kỳ bầu chọn tổng thống năm 2000 ở tiểu bang Florida, là nơi có đông các cụ sinh sống, kết quả hết sức xít xao, với vài trăm phiếu khác biệt trong số gần 6 triệu phiếu bầu vì thế đã có một cuộc đếm phiếu lại kéo dài mấy tuần lễ, vì có những lá phiếu của các cụ, có lẽ vì tay run và yếu nên khi nhấn máy chọn bầu ai đã không đủ mạnh để có dấu ấn rõ ràng khiến giới quan sát phải xem xét lại những lá phiếu bằng mắt thường, có khi bằng kính lúp, để biết rõ ý định của các cụ trên từng lá phiếu.

Các cụ luôn hăng hái đi bầu, mà ở tuổi các cụ là thời điểm của bốn cao và một thấp: cao máu, cao mỡ, cao đường và phong thấp. Như thế thử hỏi có lãnh đạo nào dám cắt giảm quyền lợi y tế dành cho các cụ.

Ở Mỹ làm người cao niên có lẽ sướng nhất vì được chính phủ quan tâm và tận tình chăm sóc.

Switch mode views: