Brexit : Rủi ro và cơ hội cho Anh Quốc
- Thứ Ba, 02 tháng Tư năm 2019 16:07
- Tác Giả: Thanh Hà
Logo Brexit.Reuters
10 ngày trước hạn chót để nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, Nghị Viện Anh một lần nữa bác bỏ những kịch bản ly hôn.
Từ khi 52% cử tri Anh quyết định chia tay với mái nhà chung châu Âu, hàng loạt những nghiên cứu của các cơ quan tài chính, ngân hàng và hay định chế đa quốc gia đồng loạt nêu lên những thiệt hại "to lớn" hàng chục tỷ đè nặng lên nước Anh và cả với 27 thành viên châu Âu còn lại.
Dù vậy, nước Anh có nhiều lợi thế khi "vươn ra biển lớn".
Động cơ nào đã thúc đẩy cử tri Anh năm 2016 quay lưng lại với Liên Hiệp Châu Âu sau hơn 40 năm chung sống ?
Chia tay với Liên Âu nước Anh sẽ được những gì và mất những gì ?
Luật sư Hoàng Đức Thắng, làm việc tại một văn phòng luật sư ở Luân Đôn lần lượt phân tích về lập luận chính của phe ủng hộ Brexit và những cơ hội mở ra cho Luân Đôn một khi rời mái Liên Âu.
LS Hoàng Đức Thắng :
Theo các đánh giá của cơ quan thống kê Anh đã được trình bày tại Nghị Viện, Anh Quốc là một trong ba nước đóng góm nhiều nhất cho ngân sách chung của châu Âu – đứng hàng thứ nhì (sau Đức), hay thứ ba (sau Đức và Pháp) nếu tính luôn cả khoản chiết giảm đã thỏa thuận được với Liên Âu.
Hiện tại, Luân Đôn đóng cho châu Âu trên 14 tỷ bảng Anh một năm.
Về mậu dịch, châu Âu chiếm khoảng 44 % tổng kim ngạch xuất khẩu của Anh ; 56 % còn lại là với các nước khác trên thế giới.
Có hai điều cần lưu ý. Thứ nhất là Anh chưa bao giờ thặng dư về thương mại với Liên Âu nhưng ngược lại, thì luôn trong thế xuất siêu với phần còn lại của thế giới - ở khoảng 80 tỷ bảng Anh một năm.
Thứ hai là tỷ lệ thương mại của Anh với Liên Hiệp Châu Âu có xu thế giảm từ 15 năm nay.
Tính từ 2005 đến 2017 tỷ lệ xuất khẩu của Anh sang châu Âu giảm đi dần, từ 55 % xuống còn 44 %.
Tương tự như vậy, tỷ lệ nhập khẩu của Anh với châu Âu thì đang từ 58 % giảm đi còn 53 %.
Cần nói thêm là với châu Âu, điểm mạnh của Anh là dịch vụ, nhưng đổi lại thì nước Anh nhập siêu đặc biệt là về nông sản (...). Như vậy thua thiệt trong quan hệ với Liên Âu là rõ ràng.
RFI : Phe Brexit coi Liên Hiệp Châu Âu như một cản lực cho đà phát triển của Anh Quốc ?
LS Hoàng Đức Thắng : Phát triển không thuần túy dựa vào các con số nhập siêu hay xuất siêu mà là tổng thể của nhiều yếu tố, từ văn hóa đến chính trị. Trong nhiều trường hợp, thương mại cũng có yếu tố chính trị trong đó chứ không chỉ có kinh tế mà thôi.
Anh Quốc đóng góp nhiều cho châu Âu, nhưng đổi lại mỗi năm cũng nhận được bốn tỷ bảng Anh đầu tư của châu Âu vào các vùng khác nhau (...).
Dù vậy tính đi tính lại, Luân Đôn hàng năm vẫn chi ra khoảng 10 tỷ cho châu Âu.
Phe chủ trương Brexit cho rằng nước Anh đóng góp nhiều cho Liên Âu mà chẳng được cái gì.
Nhưng điều quan trọng hơn ở đây là người ta nói đến ba rào cản đối với đà phát triển của nước Anh.
Rào cản thứ nhất là Liên Hiệp Châu Âu tự khoác lên mình quy chế chung tương đối ngặt nghèo về các chuẩn mực kỹ thuật đối với kinh tế.
Những chuẩn mực đó có nhiều nét tiến bộ - chẳng hạn như về lao động, về mức lương tối thiểu hay đòi hỏi nguồn gốc rõ ràng của một số sản phẩm...
Nhưng với tất cả những chuẩn mực đó, chi phí để sản xuất và xuất khẩu hàng vào châu Âu tăng lên cao.
Và đây chính là rào cản thứ hai cho tăng trưởng của Anh.
Trong hoàn cảnh này, đặt ra vấn đề là những nước nghèo trong Liên Âu hưởng lợi rất là lớn từ quy định chung vừa nêu.
Ngược lại, những nước phát triển nhất, như Anh, Pháp, Đức, thì luật chơi của châu Âu lại mang tính bó buộc.
Bó buộc đó khiến các quốc gia này khó có được những bước đột phá về thương mại.
Thứ nữa, những quy định của châu Âu về giao thương với nước ngoài (vì để phát triển kinh tế không chỉ trông vào tiết kiệm mà phải phát triển cả về thương mại) không cho phép phát triển thương mại một cách độc lập.
Nếu xem châu Âu là một ngôi nhà chung và thu hẹp trao đổi giữa 28 thành viên thì không thể giúp Liên Âu thịnh vượng một cách tuyệt đối được.
Vả lại sự phát triển nội khối của Liên Hiệp Châu Âu đã đặt mức gần như cực đại rồi. Khó tạo thêm thặng dư thương mại giữa các thành viên (...).
Anh, Pháp và Đức nếu muốn đẩy mạnh thương mại với các đối tác ngoài Liên Âu thì bị quy định của Bruxelles ràng buộc.
Do vậy, muốn có những hoạt động thương mại độc lập với các đối tác ngoài châu Âu, bắt buộc phải tách rời khỏi Liên Âu.
Đây là con bài lớn nhất của phe Brexit, muốn nước Anh chia tay châu Âu.
RFI : Còn yếu tố thứ ba ?
Luật sư Hoàng Đức Thắng :
Yếu tố thứ ba là quyền lực mềm. Mỗi nước đều có một thế mạnh khác nhau (...) Anh, Pháp được coi là hai nước có quyền lực mềm lớn hơn so với Đức.
Anh, Pháp là thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, là chủ thể của 5 quyền lực hạt nhân trên thế giới.
Bên cạnh đó nước Anh còn có những lợi thế khác.
Thứ nhất, Anh lãnh đạo khối Thịnh Vượng Chung. Commonwealth có tính ưu việt hơn, thoáng hơn và đi đầu về kinh tế hơn so với khối Francophonie của Pháp.
Thứ hai là ưu thế về tiếng Anh và phong cách làm việc của người Anh : phong cách mang tính văn hóa và hiệu quả của nó ở quy mô toàn cầu là rất lớn.
Điểm thứ ba là quan hệ đồng minh hết sức đặc biệt giữa Anh và Mỹ. Tôi tin rằng sự liên kết giữa hai nước này sẽ hiệu quả hơn nữa trong tương lai.
Trong trường hợp như vậy, quyền lực mềm của Anh sẽ lớn hơn rất nhiều nếu Anh tách ra khỏi Liên Âu.
RFI : Làm sao giải thích thái độ chân trong chân ngoài của Anh đối với Liên Hiệp Châu Âu từ trước tới nay ?
LS Hoàng Đức Thắng :
Xét về mặt lịch sử, ngay sau khi kết thúc Thế Chiến Thứ Hai, tổng thống Mỹ đã đề nghị với thủ tướng Anh, Winston Churchill lãnh đạo liên minh châu Âu trong kế hoạch tái thiết.
Nhưng cả Churchill lẫn Nghị Viện Anh đều từ chối (...) vì những lý do không chỉ đơn thuần về kinh tế.
Bởi triết lý và việc hình thành một thể chế châu Âu mang tính thực dân mới nằm ngoài truyền thống và logic của người Anh. (...).
Nhìn nhận vai trò của liên minh châu Âu không có cái thực tế tốt như vậy không chỉ là quan điểm của giới tinh hoa, mà còn là quan điểm của cả dân chúng nữa.
Cho nên khi đưa ra những cương lĩnh tranh cử, từ trước tới nay, châu Âu luôn là đề tài gây nhiều tranh cãi (...) Đến năm 1973 dưới sức ép của Mỹ, Luân Đôn đã chính thức tham gia khối châu Âu.
RFI : Giờ đây chia tay với châu Âu, Anh Quốc "được gì và mất gì" ?
LS Hoàng Đức Thắng :
Các đánh giá của từ Ngân Hàng Thế Giới đến Ngân Hàng Anh hay Ngân Hàng Châu Âu ... đều nói rằng, trong ngắn hạn Anh Quốc bị thiệt hại nhưng từ năm 2030 trở đi thì nước Anh sẽ có được lợi thế thương mại vượt trội.
RFI : Brexit bao hàm nhiều rủi ro và cơ hội đối với nước Anh ?
LS Hoàng Đức Thắng :
Điểm này hoàn toàn đúng. Trong tương lai, Anh Quốc sẽ phải chịu một cú sốc bất kể Brexit dưới kịch bản nào và phải chịu một số thiệt hại nhất định về kinh tế.
Nhưng tiềm năng phát triển là có. Rất khó định lượng về tiềm năng, nên phe chống Brexit coi đây là một bước chân đi vào bóng tối, thậm chí là một bước lao thẳng xuống bờ vực.
Nhưng bên cạnh đó, xét về những tư duy kinh tế và phát triển - mà điều này cũng phù hợp với tinh thần chinh phục của người Anh, thì cơ hội luôn luôn là một phần của cuộc đời, của cuộc chơi (...).
Trong trường hợp này, đi ra khỏi Liên Âu, là để nắm lấy cơ hội. Cơ hội đó có thực tế hay không ?
Tôi cho rằng có nhiều yếu tố thực tế, bởi như vừa nói, Anh Quốc có những thế mạnh rất lớn, có tiềm năng kinh tế rất mạnh.
Nước Anh thu được lợi lớn từ lĩnh vực dịch vụ. Tôi không thể nói thay được các diễn biến thực tế, nhưng có nhiều căn cứ để nghĩ rằng Anh sẽ có được một tương lai kinh tế tốt trong dài hạn.
Related news items:
Tin mới
- Mỹ tìm ra bằng chứng Hoa Vi vi phạm cấm vận - 05/04/2019 16:24
- Thương mại : Donald Trump lạc quan, Tập Cận Bình kêu gọi sớm ký kết thỏa thuận - 05/04/2019 16:00
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 04- 4-2019 - 04/04/2019 21:33
- NATO mừng sinh nhật thứ 70 - 04/04/2019 14:20
- Putin sẽ trị vì suốt đời như các nhà độc tài Liên Xô cũ? - 04/04/2019 13:57
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 03- 4-2019 - 04/04/2019 01:27
- Mỹ đã nghĩ đến việc đưa pháo tới Philippines răn đe Trung Quốc - 04/04/2019 00:47
- Mỹ tẩy chay thượng đỉnh về Con Đường Tơ Lụa Mới ở Bắc Kinh - 04/04/2019 00:23
- Donald Trump và tài “hô phong hoán vũ” thị trường dầu lửa - 03/04/2019 23:25
- Thiết bị cấy ghép y khoa : Dấu kiểm định chất lượng châu Âu có đáng tin cậy ? - 03/04/2019 20:36
Các tin khác
- Thương mại Trung Quốc: Đối sách mạnh của Trump được ủng hộ rộng rãi - 02/04/2019 14:35
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 02- 4-2019 - 02/04/2019 14:19
- Tình hình kinh tế Ý ngày càng ảm đạm - 02/04/2019 14:03
- Tấn công tình dục : Pháp luật Việt Nam chưa đủ nghiêm minh - 02/04/2019 01:03
- Bầu cử tổng thống Ukraina vòng 1 : "Anh hề" Zelensky về đầu - 02/04/2019 00:22
- Đài Bắc tố cáo hai tiêm kích Trung Quốc xâm phạm không phận Đài Loan - 01/04/2019 23:54
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 01 -4-2019 - 01/04/2019 23:41
- Vụ án Kim Jong Nam : Đoàn Thị Hương sẽ được tự do vào tháng Năm - 01/04/2019 16:12
- Zuzana Caputova, nữ tổng thống đầu tiên của Slovakia - 01/04/2019 03:17
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 30 -3-2019 - 30/03/2019 17:31