Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Yêu cầu cấp thiết ở Việt Nam

VN economy pmi

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Yêu cầu cấp thiết ở Việt Nam

 

Một nhà máy sản xuất quần áo ở tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh chụp ngày 23/05/2017.
Mức tăng của tiêu thụ điện năng vẫn rất cao, nhất để đáp ứng nhu cầu sản xuất.Reuters

Từ nhiều năm nay, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng ngày càng tăng, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu than cho các nhà máy nhiệt điện, nhập xăng dầu và nhập thêm điện.

 

Nói chung là Việt Nam ngày càng thiếu các nguồn năng lượng bảo đảm cho một sự phát triển kinh tế bền vững, bảo đảm tốt cho sinh hoạt của người dân.

Ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước ở khu vực châu Âu hay Bắc Mỹ, nhu cầu năng lượng chỉ tăng khoảng 1%/năm, có những nước đạt tăng trưởng âm, do áp dụng công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Trong khi đó nhu cầu năng lượng và tiêu thụ năng lượng của Việt Nam hiện nay là khoảng 10%, theo lời thứ trưởng bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khi trả lời báo chí vào đầu tháng 3/2019, nhân một cuộc hội thảo Việt Nam – Nhật Bản về năng lượng sạch.
Theo ông Hoàng Quốc Vượng, điều này đang gây tác hại ngày càng nhiều lên môi trường, làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Trước tình trạng nhu cầu và mức tiêu thụ năng lượng tăng quá nhanh, bên cạnh việc khai thác các nguồn năng lượng mới, nhất là các năng lượng sạch, vấn đề sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng đang được đặt ra ngày càng cấp thiết ở Việt Nam.

Chính sách sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Vào giữa tháng 3 vừa qua, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030.

Chương trình đặt mục tiêu đạt mức tiết kiệm năng lượng 5,0 đến 7,0% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2025; giảm mức tổn thất điện năng xuống thấp hơn 6,5%.
Trả lời RFI Việt ngữ, giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện Nguyên tử Đà Lạt, nhận định về chương trình này:

“ Ít ra là hai lần, Việt Nam đã công bố chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các kế hoạch trước đây.
Những lần đấy vẫn chưa được tổng kết một cách thật rõ ràng là các mục tiêu có đạt được hay không, đạt được đến mức nào.

Lần này mục tiêu đặt ra thấy cũng tương đối rõ.
Ví dụ như hàng năm phải tiết kiệm từ 5 đến 7% từ giờ cho đến 2025, rồi sau đó tiết kiệm nhiều hơn nữa.
Riêng điện thì mức tổn thất phải được rút xuống còn 6%. Hiện nay, ở Việt Nam tổn thất về điện trên đường dây và trên hệ thống là vào khoảng 8-9% .

Rõ ràng nếu chúng ta có vấn đề sử dụng năng lượng không hiệu quả, thì phải phải làm rõ cái chuyện: ai là người sử dụng không hiệu quả, hay nói nặng nề hơn một tí: ai là thủ phạm?

Các tập đoàn nhà nước, các địa phương, các ngành? Trong chương trình này có ghi một điểm quan trọng, đó là phải xây dựng một cơ sở dữ liệu, phù hợp với xu thế hiện nay.
Và phải làm thế nào cho mọi ngành, mọi tập đoàn, mọi công ty sử dụng năng lượng đều phải đưa số liệu lên đấy để xem xét.”

Tiêu chí để đánh giá

Nhưng phải xem xét dựa trên tiêu chí gì để đánh giá là sử dụng năng lượng có tiết kiệm, có hiệu quả hay không? Giáo sư Phạm Duy Hiển cho biết:

“Cái tiêu chí rất đơn giản, rất kinh điển mà không phải ai cũng để ý đến, tức là anh dùng một Kilowatt giờ ( Kwh ) điện thì tạo ra được bao nhiêu sản phẩm GDP tính theo đôla Mỹ chẳng hạn.

Hay nói ngược lại, để có được một đôla Mỹ thì anh phải dùng bao nhiêu Kwh.
Trong khoa học, khái niệm này có tên là cường độ điện năng, hay cường độ năng lượng. Phải sử dụng bao nhiêu năng lượng để tạo ra một đôla Mỹ.

Việt Nam cho đến những năm gần đây muốn tạo ra một đôla Mỹ GDP thì phải sử dụng gần 1 Kwh điện.
Trong khi đó, quốc gia cũng xài một cách tương đối không hiệu quả là Trung Quốc còn ít hơn mình 1,5 lần.

Cường độ điện năng của Việt Nam như vậy là hơn gấp đôi Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia và một số nước khác và gấp bốn lần so với Philippines, Indonesia, và thậm chí gấp từ gần 7, 8 lần đến 10 so với các nước tiên tiến như Nhật, Singapore, Hồng Kông, Úc.

Căn cứ trên số liệu ấy, ta thấy là Việt Nam sử dụng điện năng rất là lãng phí. Nếu mình giảm lượng tiêu thụ điện năng cho có hiệu quả để đạt cường độ điện năng bằng như Thái Lan, Malaysia thì mình đã giảm bớt một nữa rồi, bằng như Philippines, Indonesia thì giảm được 4 lần.

Một điều quan trọng nữa là trong khi phần lớn các nước khác càng ngày càng giảm đi, kể cả Trung Quốc, còn các nước tiên tiến thì đã giảm từ lâu rồi, nhưng Việt Nam thì cứ tăng lên.

Trong những năm tới, Việt Nam chưa có khả năng giảm đi được, là bởi vì theo cách tính toán về khoa học, khi tăng trưởng điện năng hàng năm mà cao hơn tăng trưởng GDP, thì cường độ điện năng không bao giờ giảm.

Trong những năm trước đây, tăng trưởng điện năng luôn gấp đôi tăng trưởng GDP.
Bây giờ phải làm thế nào giảm lượng tiêu thụ năng lượng xuống thì mới có hiệu quả.

Thế thì tại sao ở Việt Nam tăng trưởng điện năng cứ cao như thế?

Các nhà khoa học phải vào cuộc để giải đáp bài toán này. Nhưng vấn đề chính là trước hết phải làm thế nào có hết được tất cả các số liệu về sử dụng năng lượng của các tổ chức, các đơn vị.”

Tăng giá điện: Biện pháp cần thiết

Với lý do là để có đủ tiền thanh toán cho các đối tác, từ ngày 20/03 vừa qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam ( EVN ) vừa điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân lên thêm 8,36%.

Đây vẫn là một vấn đề rất nhạy cảm ở Việt Nam, vì việc tăng giá điện bao giờ cũng gây nhiều lo ngại về ảnh hưởng tới đời sống người dân và hoạt động của các doanh nghiệp.

Thế nhưng, theo giáo sư Phạm Duy Hiển, Việt Nam bắt buộc cần điều chỉnh lại giá điện năng cho đúng với giá thị trường, để qua đó tạo áp lực buộc các tổ chức và người dân ý thức nhiều hơn về vấn đề tiết kiệm điện:

“ Giá về năng lượng hiện nay ở là gần như quốc tế, bởi vì ta nhập dầu của thế giới, nhưng giá điện năng là vấn đề luôn gây tranh cãi.
 Giá điện đưa về người dân cũng như đưa về cho sản xuất hiện nay vẫn thấp hơn nhiều nước.
Chúng ta không sử dụng được cái cơ chế giá đó để giải quyết bài toán về tiêu thụ điện năng.

Giá điện thấp khiến người ta không quan tâm nhiều đến việc giảm chi phí về điện năng. Điều đấy đã từng xảy ra.
Ví dụ cách đây nhiều năm, thép của Việt Nam có thời gian sản xuất dư thừa, trong khi đó giá điện chi phí cho sản xuất thép không cao lắm, chỉ vào khoảng 10%, cho nên các nhà sản xuất thép không quan tâm.

Vấn đề giá điện và giá năng lượng là vấn đề nhà nước cần lưu ý. Mục tiêu là đưa nó lên đúng với giá thị trường, tạo ra một thị trường cạnh tranh về năng lượng.
Điều này rất tế nhị vì cứ nói như thế thì sẽ có nhiều người phản đối, nói rằng mức sống của người dân tại tăng giá?
Nhưng theo tôi, nói một cách rất công minh thì không thể không tăng giá được.

Công nghệ tiết kiệm năng lượng

Ở đây còn có vấn đề công nghệ. Vì giá điện thấp như thế, cho nên người ta không quan tâm đến vấn đề công nghệ tiết kiệm năng lượng.

Bây giờ phải làm thế nào áp đặt cái đó vào. Và song song với việc điều chỉnh giá cả cho ngày càng phù hợp với thị trường, với quy luật cạnh tranh, phải có những biện pháp, thậm chí những biện pháp chế tài, không cho phép những công nghệ tiêu tốn năng lượng, tàn phá năng lượng tồn tại.
Chương trình này phải được thực hiện quyết liệt cho đến lúc có nhiều nhà máy phải đóng cửa nếu không cải tiến các công nghệ.

Có như thế thì mới giải quyết thành công bài toán này. Ngay từ đầu, khi xin cấp phép cho các dự án đầu tư, anh phải đưa vào dự án đầu tư đó mục tiêu sử dụng năng lượng của anh và nhà nước phải có bộ phận theo dõi để bảo đảm là công nghệ mà anh đưa vào là những công nghệ tốt, những công nghệ tiết kiệm năng lượng và không tàn phá môi trường.”


Switch mode views: