Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Ngày xử cuối cùng vụ vợ Việt cắt 'của quý' chồng Mỹ

SANTA ANA (NV) - Tiến trình xử vụ người vợ gốc Việt cắt “của quý” của chồng kết thúc vào Thứ Năm, 25 Tháng Tư. Cuộc tranh luận giữa công tố viên và luật sư của bị cáo đề cập nhiều tình tiết quan trọng mới được phát hiện. Bồi thẩm đoàn đang nghị án trước khi đưa ra phát quyết cuối cùng.

catherine kieu cat cuaquyBà Catherine Kiều trong một phiên xử tại Tòa Thượng Thẩm California ở Santa Ana vì tội cắt “của quý” của chồng. (Hình: AP Photo/The Orange County Register)

Bà Catherine Kiều, 50 tuổi, bị bắt vào tối ngày 11 Tháng Bảy, 2011 sau khi  trói chồng bà, ông G. B., 60 tuổi, vào giường rồi dùng dao cắt phăng “của quý” của ông, cho vào máy xay rác. Tòa Thượng Thẩm California ở Santa Ana bắt đầu xử bà Catherine Kiều hôm Thứ Tư, 17 Tháng Tư.

Hôm đó, 11 Tháng Bảy, 2011, bà Kiều gọi điện thoại hỏi ông chồng sắp về nhà chưa, và dặn ông nhớ ăn món súp bà nấu. Súp có đậu hũ và thịt bò xay mà ông thích. Một ít lâu sau đó, ông về nhà, căn condo do ông đứng tên ở Garden Grove. Bà Kiều tuy không phụ trả tiền nhà, nhưng trả các chi phí khác như các hoá đơn, tiền chợ...

Trong cuộc trò chuyện trước khi vụ án xảy ra, giọng nói của hai người bình thường, không có vẻ gì là gây gỗ. Khi ông nói canh có vị mặn, bà Kiều đưa ông bánh mì ăn kèm. Trong súp, bà Kiều đã lén bỏ thuốc ngủ.

Khoảng 9 giờ tối, ông chồng bắt đầu mệt và leo lên giường. Nhân lúc đó bà Kiều dùng dây trói hai tay và hai chân nạn nhân vào bốn góc giường. Bà kéo quần ông xuống và chuẩn bị sẵn một con dao. Đợi lúc ông tỉnh dậy, bà Kiều nắm lấy “của quý” của ông, và cắt phăng “nó” bằng một nhất dao. Vừa cắt, bà vừa gằn giọng “đáng đời ông” (you deserve it). Kế đến, bà Kiều cầm mảnh thịt này xuống bếp, quăng vào máy xay rác trong bồn rửa chén.

Bà quay lại chỗ ông chồng và hoảng sợ khi thấy ông chảy máu quá nhiều. Bà lấy một khăn tắm đè chặt vết thương để cầm máu. Máu tiếp tục chảy. Bà Kiều hỏi ông chồng đang bị trói: “Muốn tôi lo hay muốn tôi gọi 911.” Rồi bà gọi cấp cứu. Trong khi nói chuyện với nhân viên 911, bà quay lại chỗ máy xay, nhấn xút cho máy chạy.

Nhân viên cấp cứu và cảnh sát ập tới, yêu cầu bà Kiều cởi trói cho ông chồng. Bà nói không ra lời, lẩm bẩm “tôi không mở được,” lập đi lập lại nhiều lần. Bà Kiều bị bắt và ông chồng được đưa vào bệnh viện UCI Medical Center, được giải phẫu, rồi về nhà. Cảnh sát chụp hình lại hiện trường, thu lại toàn bộ hình ảnh của nạn nhân còn đang bị trói trên giường, máu nhỏ trên nền nhà, chén súp, lọ thuốc ngủ...

Bằng chứng cũng cho thấy đây không phải là lần đầu tiên bà Kiêu âm mưu cắt "của quý" của ông G.B. Sau khi khai với bác sĩ là mất ngủ vì công việc, bà Kiều được cho toa mua thuốc ngủ. Bà đến WalMart mua hai lần, mỗi lần 30 viên. Ông G.B. khai có lần thấy súp mặn, nên không ăn. Lần này súp cũng bị mặn, nhưng ông vẫn ăn, và thế là "mất của quý."

Một trong những tang chứng đặc biệt, trở nên mấu chốt, là những đoạn thu âm, từ các máy ghi âm bà Kiều mua hơn một năm trước đó và đặt khắp nơi, trong nhà, trên xe nạn nhân. Chín tháng sau khi sự việc xảy ra tại Garden Grove, người chồng tìm thấy được một đoạn băng trong xe và nộp cho phía điều tra.

Thông tin từ các máy thu âm

Có khoảng 200 đoạn băng khác nhau, dài tổng cộng khoảng 100 tiếng đồng hồ, mà bồi thẩm đoàn mất 4 ngày rưỡi để theo dõi.

Các máy thu âm tự khởi động khi bắt được tiếng ồn. Có những đoạn ông G.B. nói chuyện với bạn, có những đoạn hai người gây gỗ, cũng có những đoạn do bà Kiều thu để ghi lại sự tức tối với chồng.

Bà Kiều ghen tức vì chồng quay lại với người tình cũ, bà M. Hai người quen nhau, từng ở chung trước khi ông G.B. quen và cưới bà Kiều.

Ông đòi ly dị bà Kiều với lý do “không còn yêu,” và ông không có bất cứ quan hệ yêu đương hay xác thịt gì với bà M. Khá mâu thuẫn với lời ông G.B., ông tỏ ra rất ngọt ngào với người tình cũ trong một đoạn băng. Lúc đó, ông đang đi sắm giày cho bà M. Trong một đoạn băng khác, ông G.B. đòi hôn bà M.

Nhiều đoạn băng thu được tiếng ông G.B. yêu cầu bà Kiều dọn ra khỏi nhà. Ông nói với giọng bình thường, không quát tháo. Ông có than phiền về bà Kiều cho bạn bè nghe qua điện thoại vì bà Kiều xài đồ đạc của ông, “mỗi ngày xài cả một cuộn giấy vệ sinh” là một ví dụ. Với người tình cũ, ông G.B. nói bà Kiều sẽ sớm dọn ra.

Có đoạn băng thu lại được toàn bộ tiếng động phát ra từ vụ cắt dương vật của ông G.B.

Một ngày trước khi vụ án xảy ra, bà Kiều có bàn chuyện đi tiệc với bạn bè, ông G.B. có nói chuyện với bạn về việc người này sẽ đến ngủ lại nhà. Hai người tranh cãi vì bà Kiều không muốn có khách ở lại, ông G.B. nói bà hãy sang nhà người khác ở.

Không có đoạn băng nào có thể dùng làm bằng chứng là ông G.B. áp bức tình dục và đánh đập vợ, như lời bà Kiều nói.

Thông tin từ những lời khai trước toà

Ngoài hai nhân vật chính là bà Kiều, ông G.B., có các bác sĩ và người nhà của bà Kiều lên làm nhân chứng.

Khi bị luật sư của bị cáo hỏi, ông G.B. cho biết 75% quan hệ tình dục mà bà Kiều dành cho ông là qua miệng. Khẩu dục cũng là “kiểu” ông thích. Ông không có điều gì phải phàn nàn trong quan hệ xác thịt vợ chồng với bà Kiều.

Ngược lại, bà Kiều cho biết bà bị “áp bức tình dục.” Bà có bằng chứng bị bệnh đau lưng, nhưng nhiều năm trước khi vụ án xảy ra. Ông G.B. nói có biết bà Kiều có bệnh đau lưng. Công tố viên cho rằng thời gian bà bị đau lưng là quá xa thời điểm vụ án, và bà Kiều có thể đi tập thể dục nên không thực sự có bệnh. Luật sư của bị cáo thì cho rằng ông G.B. có biết, nghĩa là bà Kiều có vấn đề lưng trong thời gian hai người quen biết. “Và kiều quan hệ tình dục mà ông G.B. thích chỉ mang lại khoái cảm cho ông, không hề cho bị cáo mà còn gây đau đớn.”

Bà Kiều khi nói chuyện với bên điều tra, nói là “không biết sẽ chảy nhiều máu như vậy” và “hai người sẽ vẫn là vợ chồng.”

Bạn bè và người nhà của bà Kiều nói bà là người trầm tĩnh, ít nói, ít tâm sự, và là người có chữ tín. Người chồng đầu của bà, một ông gốc Việt, nói họ chưa bao giờ gây gỗ. Một thợ cắt tóc mà bà Kiều thường lui tới nói từng thấy bà Kiều bị sưng mắt, rách miệng, và bầm tím đùi, nhưng không cho biết chính xác thời điểm. Các bác sĩ do phía bị cáo mời đề cập đến khả năng bị chấn thương tâm lý của bà Kiều. Phía công tố phủ nhận sự xác thật của những lời này.

Lập luận của luật sư đại diện bị cáo

Luật sư Frank Bittar, đại diện cho nghi can, khẳng định bà Kiều đã hành động vô ý thức khi cắt “của quý” của ông G.B. Để thuyết phục bồi thẩm đoàn, ông đưa ra các dẫn chứng để chứng minh tâm thần không ổn định của bà Kiều.

Ông đề cập đến lý lịch của bà Kiều. Theo lời ông, bà Kiều sinh ra ở miền Trung Việt Nam trong giai đoạn chiến tranh. Bà mất mẹ lúc 5 tuổi, ở với gia đình toàn đàn ông. Khi lên sáu, bà Kiều bị anh trai dắt lên gác để hãm hiếp, nhiều lần. Lúc 16 tuổi, bà Kiều đi theo gia đình người chị  họ để vượt biên. Họ tự làm đắm thuyền để được cứu. Bà sang đảo một thời gian thì được qua Mỹ, đến ở tại Westminster. Bà Kiều học trung học và đại học ở Mỹ. Bà tốt nghiệp ngành điện toán tại trường Cal State Long Beach. Khi đó, bà đang ở với người chồng và đứa con trai. Anh này nay đã trưởng thành và là người con duy nhất của bà. Bà Kiều còn có bằng hành nghề địa ốc. Trong khoảng thời gian gần thời điểm vụ án, bà Kiều không có việc làm, nhưng vẫn chi trả các chi phí sinh hoạt cùng ông G.B.

Luật sư Frank Bittar nhấn mạnh đến việc bà Kiều trải qua nhiều biến cố lớn trong cuộc sống, bị PTSD (chấn thương tâm lý) nhưng không hề có sự trợ giúp của chuyên viên tâm lý. Ông cũng nói đến thói quen của người Việt Nam thường giấu các vấn đề cá nhân. Ông cho rằng bà Kiều đã chịu đựng quá lâu nên cuối cùng bùng phát với việc cắt đứt “của quý” của chồng.

Luật sư Frank Bittar, tuy bày tỏ sự cảm thông với nỗi đau của nạn nhân, nhưng nói rằng ông này nói dối. Luật sư nói việc ông G.B. nói không có quan hệ với người tình cũ tên M. là một lời nói dối. Một ví dụ khác mà luật sư lên án là khi ông G.B. nói “cố không quan hệ tình dục với bà Kiều, lấy gối chặn lại giữa hai người” nhưng bị bà Kiều “thò tay sang.” Luật sư nói ông G.B. có tiểu sử dùng thuốc kích dục mỗi ngày.

Luật sư Frank Bittar mong bồi thẩm đoàn chỉ phán tội bà (không cố ý) gây thương tích cho nạn nhân.

Lập luận của công tố viên

Trong phiên tòa đầu tiên, công tố viên John Christl nói bà Catherine Kiều vì ghen tuông nên cố ý hãm hại nạn nhân, có chuẩn bị từ trước, phải xử tội cố ý gây thương tật và tra tấn nạn nhân.

Ông John Christl nói bà Kiều qua Mỹ khi mới 16 tuổi, đã ở Mỹ 32 năm. Vì những người có bệnh PTSD và những thuyền nhân vẫn có khả năng sinh hoạt, hành động như người bình thường, nên không thể xét bà Kiều vì tâm thần mà gây thương tật cho nạn nhân.

Ông cũng dùng một số thành công của bà khi sống tại Mỹ để nói là bà là một người thông minh, đã vượt qua được các biến cố trong quá khứ. Ông John còn nói bà Kiều đã có quyết định rời Việt Nam và gia đình khi thấy hoàn cảnh bất lợi, thì bà đã có thể bỏ chồng nếu ông áp bức tình dục và đánh đập bà. Nhắc lại, ông G.B. yêu cầu bà Kiều dọn ra khoảng 7 tháng trước vụ án.

Ông John khẳng định bà Kiều tra tấn ông chồng vì ghen tuông và lo sợ cho bản thân. Ông nói người tình cũ của chồng trẻ hơn bà mười mấy tuổi, trong khi bà đã 48 tuổi và khó mà kiếm được việc làm, chỗ ở nếu bị ly dị. Ông gọi ông G.B. là “điều tốt đẹp nhất trong đời bà Kiều.”

Phiên xử hôm Thứ Năm là lần cuối cùng luật sư và công tố viên có quyền nêu lên các lập luận. Ba giờ chiều, 12 bồi thẩm viên bắt đầu vào phòng riêng để nghị án. Chánh án cho những người còn lại trong phiên toà giải tán, chờ phán quyết cuối cùng của bồi thẩm đoàn.

Switch mode views: