Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Nhà Tôi Nam Kỳ

3 mien VN

Vâng, nếu bảo nhà tôi Nam Kỳ đơn thuần như bao nhiêu người khác thì cũng chẳng có gì đáng nói, chỉ có điều đáng nói ở đây tôi lại là dân Bắc Kỳ quý vị ạ.


Ngày xưa, thuở còn môi nồng mắt biếc, chưa nếm mùi chồng con, chưa đeo gông vào cổ, mẹ tôi thường dặn lũ con gái như kinh tụng hằng ngày:
– Các con chớ có lấy chồng người Nam, nó ăn nhậu say sưa tối ngày, về nhà còn đánh đập vợ con nữa…
Hoặc là:
– Chồng người Nam không biết thương vợ, hay bắt nạt vợ và không biết lo cho gia đình… chi bằng ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn.
Hoặc lại:
– Trâu ta ăn cỏ đồng ta…
vân vân và vân vân…

Thế nhưng, con gái cưng của mẹ tôi có thèm nghe lời mẹ dặn dò đâu lại dính ngay với một anh chàng ngâm đen Nam Kỳ đặc để rồi ngày nay Nam Bắc xung đột cứ như văn hóa Đông, Tây vậy đó.

Thật ra, Ông xã tôi biết uống rượu nhưng không uống, nhưng nếu có lỡ uống thì cũng quên béng vợ con đúng y như lời bà cụ dặn dò “Chồng người Nam không biết thương vợ con, ăn nhậu tối ngày…”.

Ông xã tôi biết hút thuốc nhưng không nghiện.
Chỉ có mỗi một tội là thích có mèo, thích nói dối và thích thề ẩu như cuội.
Cũng rất may là những lúc nhà tôi thề bán sống bán chết như vậy, Thần Thánh bận ngao du sơn thủy mãi đâu nên không biết đến những lời thề cứ như thật của nhà tôi.

Được thể ăn quen nên thề hoài mà chẳng sợ Thần thánh quở phạt gì cả. Bởi thế cho nên nhiều lúc, tôi như rơi vào những cơn lốc của nhà tôi tưởng chừng như bị xoáy nát bởi những lời thề độc địa đó.

Cái tính Nam Kỳ của nhà tôi lại khác với cái tính Nam Kỳ của thiên hạ. Ai bảo người Nam dễ tính, dễ mời chứ ông xã Nam Kỳ của tôi thì lại khó tính, khó mời.
Nể lắm thì cũng nhấm nháp ly nước dù đói meo cả bụng, đến nỗi có người cứ tưởng nhà tôi ăn chay cơ đấy.

Chả bù cho tôi, dù mang tiếng Bắc Kỳ khách sáo, kiểu cách thế nhưng nếu đã nhập tiệc hoặc đang đói bụng là cứ thật tâm chiếu cố, chẳng ngại ngùng gì cả.
Nhà tôi có cằn nhằn thì tại: “Con tim em chân chính không biết nói dối…” hay tại kiếp trước tôi là dân Nam Kỳ?

Ngày xưa, mỗi lần đưa tôi về, gặp cơm chiều, ba mẹ có mời, anh chàng cũng chỉ ăn qua loa, mẹ tôi thấy vậy cứ thắc mắc:
– Sao anh ấy ăn ít thế? Hay là tại mẹ nấu không ngon?

Thế nhưng, cách nói chuyện của nhà tôi thì cứ như người đi xe không thắng, tuột từ một dốc cao. Nhà tôi chả ý tứ gì cả, nhiều lúc tôi cứ phải phụ nhĩ:
– Mình nhớ nhé, đừng có nói như vậy nhé!…

Dù biết dặn dò thương yêu như vậy có bị trừng mắt, gầm gừ đi chăng nữa tôi cũng cứ giả lờ để rồi cứ phải “mình nhé” trước khi ra khỏi nhà.
Cái này thì thật đúng là dân Nam Kỳ chính hiệu, không lai căng tí nào cả (xin lỗi quý vị Nam Kỳ nhé, ý tôi chỉ muốn nói cái Nam Kỳ của nhà tôi thôi).

Đúng ra, nhà tôi thuộc loại người ít nói, thành ra đi đâu tôi cũng bị hàm oan là nói nhiều. Nhưng quý vị cũng phải hiểu rằng nếu gặp phải ông chồng ít nói thì mình phải nói phải không quý vị?
 Chẳng lẽ ngồi vào bàn tiệc cứ ăn từ đầu đến cuối thì trông sao được?

 Nhưng nếu nhà tôi bắt trúng tầng số của ai đó trong bàn tiệc hoặc của người bên cạnh thì thật là cái sự nói nhiều của tôi chẳng thấm vào đâu cả.

 Những lúc nhà tôi hăng say như thế, thỉnh thoảng tôi cứ phải đưa tay lén nhéo nhà tôi một cái thật đau mà miệng thì cứ giả vờ cười tươi như hoa, vì cái lưỡi trơn tru của nhà tôi bắt đầu tuột dốc.

Vấn đề chính trị của nhà tôi đôi khi cũng làm tôi nhức đầu, đôi khi cũng làm tôi giật mình vì người đối diện đã vô tình thao thao bất tuyệt với nhà tôi về một khía cạnh chính trị nào đó.

Nhà tôi như bị khơi trúng niềm đau của người bị bỏ lại nên đã chẳng góp chuyện mà còn phang một câu chí tử làm tôi hoảng quá, nhéo mạnh sau lưng nhà tôi, miệng nhanh nhẹn chen vào câu chuyện để người đối diện quên câu nói vô ý của nhà tôi lúc nãy.

Vào những năm trước, khi phong trào kháng chiến bắt đầu rầm rộ khắp mọi nơi, đang hăng say rạo rực tâm hồn người Việt hải ngoại, khi mà các đồng chí kháng chiến còn đang đậm đà tình huynh đệ, chưa có những vụ tố khổ nhau, đi đâu cũng nghe người ta bàn tán về kháng chiến, về hoạt động của tổ chức này, của đoàn thể nọ…

Ông cụ đang thao thao nói về kháng chiến, về cứu quốc một cách say mê với nhà tôi, nhưng nhà tôi ác quá, lại phang ngay một câu:
– Rồi cũng chẳng làm nên trò trống gì, ngày xưa có binh lính trong tay còn chưa làm được huống chi bây giờ chỉ là một con số không… các ông ấy giỏi sao không ở lại kháng chiến, bỏ chạy sang đây làm gì để bay giờ đòi kháng chiến, đòi cứu quốc.

Ông cụ cụt hứng, đang định cự lại… tôi phải nhanh nhẹn chêm vào, miệng nói, tay thúc lưng nhà tôi:
– Mình nói gì kỳ vậy? Nếu ai cũng nghĩ như mình thì làm gì có ngày về?… Mình không làm được thì để người khác làm phải vậy không cụ? Mình nói vậy người ta bảo mình là Cộng Sản đó!

Nhưng nói là nói thế, chứ với thời gian trôi qua, cộng thêm cái khí hậu bất thường của tiểu-bang chúng tôi đang ở đã thay đổi tính tình của nhà tôi lúc nào mà “ngài” ấy cũng chẳng hay nữa.

Bởi vậy theo lời các cụ thường bảo: “Việc nhà thì lười, việc chú bác thì siêng”, hoặc “ăn cơm nhà đi vác ngà voi” là vậy.
Nhà tôi không còn bác bỏ hay chê bai hội đoàn này, kháng chiến nọ nữa mà còn tích cực tham gia một cách rất ư là hết mình.
Kể từ ngày các hội đoàn như trăm hoa đua nở khắp mọi nơi, binh chủng nào cũng thành lập hội đoàn, chỉ có binh chủng Công Binh của ông Cụ tôi là chẳng thấy ai thèm nhắc đến, không ai thèm đoái hoài đến, chắc tại binh chủng của Ông cụ tôi không hào hoa, không dữ dằn chỉ biết hàn gắn những gì đổ nát do chiến tranh tàn phá, không biết đến bom đạn là gì…

Vậy nếu quý vị Công Binh nào đúng lên thành lập Hội Công Binh, xin nhớ cho tôi được hân hạnh thay mặt ông cụ làm hội viên nhé, tôi xin hứa sẽ tham gia nồng nhiệt, hăng say như nhà tôi vậy.

Nói đến chuyện mê say hội họp của nhà tôi thì không thể nào không nhắc đến chuyện nhà tôi mải mê hội họp đến nỗi quên cả giờ đón con, để thằng con trai quý của chúng tôi phải đứng chờ ngoài trời lạnh giữa mùa đông lạnh giá đến chảy cả máu, nứt cả môi thì quý-vị mới có thể hiểu được sự hăng-say của nhà tôi như thế nào rồi nhé.

Sự xung khắc tư tưởng Nam-Bắc cũng luôn xảy ra giữa chúng tôi, kể cả cách sinh hoạt hằng ngày, đôi khi làm tôi thắc mắc và tự hỏi, không hiểu những cặp vợ chồng Việt-Mỹ thì thế nào nhỉ?

Liệu họ có xung đột Đông-Tây như chúng tôi? Hay là tại chúng tôi chưa yêu nhau đến độ có thể quên tất cả dị biệt, cá tính của mỗi miền để có thể sống “dưới túp lều tranh với hai quả tim vàng?” .

Con trai tôi sanh đẻ nơi này nên đôi khi không thể tránh được những lời nói vừa Việt, vừa Mỹ, vì chúng tôi cũng như bao nhiêu cha mẹ khác, đi làm suốt ngày, chỉ gặp con cái vài ba tiếng sau giờ làm việc.

Vài tiếng đồng hồ đó nào lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, tắm rửa con cái nên không đủ thời gian để kéo dài tiếng mẹ đẻ như thời gian ở trường học.

Bởi vậy nhiều lúc nói chuyện với con, chúng tôi lại phải dùng ngôn-ngữ này để cắt nghĩa ngôn-ngữ kia, khổ thêm một điều là ngôn ngữ của chúng tôi không thuần nhất mà lại người Nam, kẻ Bắc.

Một hôm cho con ra bờ hồ hóng mát, nhà tôi chỉ ngay đám vịt trời hỏi con:
– Ba đố Vũ con gì kia?
– Con biết rồi, con Duck phải không ba?
– Ba biết đó là con Duck, nhưng ba muốn hỏi tiếng Việt Nam gọi con
Duck là con gì?
Thằng bé tiu nghỉu:
– Con không biết, tiếng Việt Nam gọi là con gì hả ba?
Nhà tôi hí hửng trả lời:
– Tiếng Việt Nam gọi là con “dịt”
Tôi giật mình, nhẹ nhàng sửa lại:
– Con “Vịt” con ạ, con phải gọi là con ” Vịt” mới đúng.
Nhà tôi cãi:
– Con “dịt” chứ con “Vịt” là con gì?
– Con “Vịt” thì là con “Vịt” chứ là con gì? thế con Vịt mình viết thế nào? Mình viết làm sao thì phải đọc y như vậy… nói thiệt cho mình biết, mình mà là học trò của tôi thì chỉ có ăn trứng Vịt thôi.

Về nấu ăn, nhà tôi cũng luôn chê bai bảo tôi không biết nấu ăn gì cả. Điều này tôi vui vẻ công nhận mà chẳng dám phàn-nàn, vì trước khi lấy chồng, tôi ít được hân hạnh xuống bếp nấu ăn.
Mỗi lần xuống bếp là phải có lũ nhóc em tôi đi theo phụ dọn, bởi vậy mẹ tôi cứ nhẹ nhàng từ chối khéo mà không bao giờ buồn lòng tôi cả, nào là “con nhặt rau hộ mẹ, con nhặt rau sạch”, hay “con chẻ rau ngon, con chẻ hộ me, để mẹ nấu cho…” .
Vả lại cách nấu ăn, uống cũng Nam, Bắc phân tranh, bất đồng ý kiến nữa, nhà tôi ăn cái gì cũng cho đường, cái gì cũng ngọt, xào rau thì phải xào lạt để còn chấm nước tương… trong khi người Bắc xào vừa ăn để khỏi phải chấm lôi thôi.
 Bởi vậy mỗi lần nhà có khách, nhà tôi phải yểm trợ tôi bằng cách xuống bếp để 2 đứa cứ gầm gừ vì bất đồng ý kiến, khách dễ dãi cười:
– Thấy anh chị hạnh phúc quá đến thèm lấy vợ.
Nhà tôi vội vàng:
– Ấy chớ, chớ có dại dột… tại chưa thấy quan tài nên chưa nhỏ lệ đấy.

Nhà tôi thật đúng là người ích kỷ, quý vị nào còn độc thân đừng có dại dột nghe lời nhà tôi mà ở giá đấy nhé… biết mình nấu ăn dở, tôi luôn cố gắng để khá hơn mọi ngày, bằng chứng là sau những năm lấy chồng, tôi nấu ăn cũng chẳng tệ cho lắm, một phần cùng vì muốn nấu những món ăn Nam nên cứ phải vác điện thoại hỏi cô em chồng cách nấu để cố làm vừa lòng Ông xã quý, thế mà Ông xã tôi lại chẳng quý tôi tý nào cả.

Trong khi tôi không biết ăn những món ăn người Nam, nhưng vì thương chồng tôi cũng ráng tập ăn, không biết nấu những món ăn người Nam, tôi cũng cố mà tập nấu.
Ngược lại, Ông xã tôi chẳng biết điệu tý nào, cứ chê ong-óng rằng món ăn của người Bắc không ngon. Mỗi lần thèm ăn cà ghém chấm mắm tôm thì ôi thôi!… thật là khổ tâm, nhà tôi cứ hết ra lại kêu khắm, hết vào lại kêu hôi, tại nhà tôi người Nam nhưng lại không biết ăn mắm, thật là vô phước cho tôi phải không quý vị?

Có lẽ nhà tôi không có dịp làm rể như cái anh chàng nào đó trong văn-chương, ca-dao VN “Công anh làm rể chương đài, một năm anh ăn hết 20 vại Cà, em ơi! mở cửa cho anh vào, kẻo anh chết khát vì Cà nhà em…”

Đọc đến đây, chắc ai cũng phải đồng ý với tôi là quá tội nghiệp cho cái anh chàng không may mắn này, đã khát nước vì Cà nhà em mà còn phải năn-nỉ mở cửa nữa… chả bù cho Ông xã tôi, mỗi lần vợ ăn có mấy quả cà là cứ nhăn với nhó, bảo món ăn chẳng có gì hấp dẫn để mê cả.
Nhà tôi có biết đâu, mỗi lần thiên hạ nhắc đến những món ăn quốc thuần, quốc tuý, người ta đều kể đến Cà ghém và canh rau đay, hoặc mùng tơi, những món ăn ấy mới nói lên tình quê hương, tình dân tộc phải không quý vị?

Nhớ đến năm nào, hứng chí, tôi trồng một ít rau đay sau vườn, vì nhà có sẵn nên khỏi đi mua tốn kém vô ích, cứ thỉnh-thoảng được dịp nấu canh rau đay với tôm khô ăn cho đã thèm.
Nhà tôi được ăn đã không cám ơn có vợ đảm đang mà còn than vắn, than dài với bạn bè trong hãng là ngày nào cũng phải ăn canh rau đay. Sáng rau đay, trưa rau đay và chiều cũng lại canh rau đay…
 Ông xã tôi thật lắm lời, làm gì có thời giờ để ăn sáng, ăn trưa tại nhà? chỉ có nói oan cho vợ thôi.
Con gái Bắc chúng tôi đảm đang lắm cơ, chả thế mà nhiều vị muốn lấy con gái Bắc nhưng có gặp duyên, gặp nợ đâu? thế nhưng Ông xã tôi may mắn lấy được vợ Bắc Kỳ đã chẳng biết cám ơn mà lại cứ ngoay-ngoảy rằng thì là con gái Bắc chúng tôi chua như dấm, dzữ như sư-tử Hà-Đông.
Chắc ở ngoài Bắc có sư tử còn trong Nam thì không, nên quý vị đàn ông mới ác mồm, ác miệng bảo chúng tôi như thế…

Ngày xa xưa, ngày chưa dại dột đeo gông vào cổ, đeo cùm vào chân, giọng nói của tôi cũng ngọt ngào, dễ thương làm nhiều người cũng ngẩn-ngơ lắm cơ đấy.
Nếu hôm nay nhà tôi chê bai bảo không êm tai thì cũng lỗi tại nhà tôi chứ đâu phải lỗi ở tôi. Từ khi lấy chồng, nhà tôi đã vô tình làm hỏng cuộc đời của tôi mà nhà tôi không hề biết hối hận là gì. Nhiều lúc tủi-thân, tôi bảo khẽ nhà tôi:

– Kiếp này lỡ rồi, kiếp sau nếu có thấy em, mình làm ơn tránh xa ra nhé, đừng có xông vào đó, khổ một kiếp này thôi.

Nhưng dù sao, nhà tôi cũng có những cái một nửa để tôi thương, một nửa để tôi ghét.
Một nửa để tôi thương chẳng hạn như biết hút thuốc nhưng nhà tôi không hút. Biết uống rượu nhưng nhà tôi ít uống. Biết đánh bài nhưng nhà tôi không cờ bạc, và biết nhảy đầm thì nhà tôi lại… chết mê vì nhảy đầm, thành ra… Thôi, cũng được phải không quý-vị?

Vậy thôi, đành vậy mình nhé! ráng thương nhau trọn kiếp này nhé Ông xã Nam Kỳ của em!

Nguyễn Thị Tê Hát

Switch mode views: