Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Tổng thống Pháp cổ vũ Tunisia "quá độ" dân chủ thành công


TUNIS HOLLANDE


Tổng thống Pháp François Hollande và đồng nhiệm Tunisia Moncef Marzouki 04/07/2013 (REUTERS /Anis Mili)


Hôm qua, 04/07/2013, tổng thống Pháp François Hollande tới Tunisia.
Đây là chuyến công du đầu tiên của một tổng thống Pháp kể từ khi phong trào cách mạng Mùa xuân Ả Rập bùng nổ tại đây, đầu năm 2011.


Trong chuyến thăm lịch sử này, tổng thống Pháp đã cân nhắc từng từ một, trong mỗi phát biểu, để xua tan những hiểu lầm và làm ấm lại quan hệ song phương, hàn gắn lại « những vết thương », sau một số căng thẳng trong những tháng gần đây.

Ca ngợi quá trình chuyển hóa dân chủ « được kiểm soát » tại Tunisia, khác với những gì diễn ra ở Ai Cập, tổng thống François Hollande khẳng định nghĩa vụ của nước Pháp giúp một tay để Tunisia trở thành một ví dụ mẫu mực trong cuộc chuyển đổi dân chủ về chính trị và thể chế.

Phát biểu trước Quốc hội lập hiến Tunisia hôm nay, tổng thống François Hollande bày tỏ niềm tin vào « một nước Tunisia mới », liên kết được đạo Hồi với nền dân chủ, và khẳng định quyết tâm của ông trong việc xây dựng lại quan hệ Pháp-Tunisia, vượt qua « những vết thương » trong quá khứ.

Chiều qua, khoảng 20 thỏa thuận đã được ký kết trong nhiều lĩnh vực như đường sắt, giáo dục, hợp tác nông nghiệp, nước hay môi trường... Pháp là đối tác thương mại số một của Tunisia, hiện đã có hơn 1.300 doanh nghiệp Pháp hoạt động tại nước này, tạo 125.000 chỗ làm.

Hôm nay, tổng thống Pháp cho biết Paris sẽ viện trợ cho Tunis 500 triệu euro giúp cho quá trình chuyển hóa dân chủ, bên cạnh đó, nhiều khoản nợ sẽ được chuyển thành đầu tư phát triển.

Ông François Hollande cũng mời các công dân Pháp ưu tiên chọn Tunisia làm nơi du lịch trong các kỳ nghỉ.

Tổng thống Pháp hứa hẹn sẽ giúp Tunisia thu hồi các tài sản bất hợp pháp của gia tộc cựu tổng thống độc tài Ben Ali, phần lớn hiện đang ở tản mát khắp nơi trên thế giới.

Căng thẳng Pháp – Tunisia  

Mới đây, quan hệ ngoại giao Pháp – Tunisia có nhiều căng thẳng, với việc các bộ trưởng Pháp kêu gọi trả tự do cho nhóm ba phụ nữ Femen người châu Âu, bị chính quyền Tunisia giam giữ vì các biện pháp đấu tranh quyết liệt của họ.

Trước đó, hồi tháng 2/2013, ngay sau khi luật sư Chokri Belaid, một nhà hoạt động chính trị đối lập nổi tiếng của Tunisia bị ám sát, bộ trưởng Nội vụ Pháp Manuel Valls đã tố cáo « chủ nghĩa phát xít Hồi giáo » ở Tunisia.
Kể từ đó, Paris thường xuyên bị Tunis lên án là can thiệp vào công việc nội bộ của nước này.

Đối với nhiều người Tunisia, việc chính phủ Pháp, thời ông Sarkozy ủng hộ chế độ Ben Ali khi cách mạng mới nổ ra, để lại một dư vị cay đắng.

Vào thời điểm đó, bộ trưởng Quốc phòng Pháp Michèle Alliot-Marie thậm chí đã đề nghị trợ giúp kỹ thuật cho cảnh sát Tunisia trong các cuộc trấn áp những người đấu tranh dân chủ.

Cuối cùng, ông Nicolas Sarkoz, tổng thống lúc đó đã nhìn nhận sai lầm và cách chức bộ trưởng Quốc phòng.

Tuy nhiên, tổng thống Pháp khẳng định điều cơ bản là, nhiều công dân Pháp thuộc các giới hiệp hội, chính trị cũng như công đoàn đã ủng hộ cuộc cách mạng tại Tunisia vào thời điểm đó.

Một động tác có ý nghĩa biểu tượng khác của tổng thống Pháp là quyết định giải mật các lưu trữ liên quan đến vụ ông Farhat Hached, nhà lãnh đạo dân tộc chủ nghĩa và nghiệp đoàn Tunisia, bị sát hại năm 1952, mà nhiều người cho là do lực lượng bán quân sự thời thực dân.

Pháp lưu ý Tunisia về một số trường hợp vi phạm nhân quyền

Về tình trạng nhân quyền ở Tunisia, trong cuộc nói chuyện được tổ chức tại trường trung học Gustave Flaubert (Tunis), với các thanh niên Tunisia thuộc nhiều hiệp hội, tổng thống Pháp khẳng định ông đã lưu ý các lãnh đạo Tunisia về một số trường hợp công dân Tunisia bị kết án tù chỉ vì bày tỏ chính kiến riêng, như nghệ sĩ rap Weld El 15, bị tù treo, vì một bài hát nhạo báng cảnh sát, hay người thanh niên vô thần Jabbeur Mejri, bị kết án 7,5 năm tù, vì các biếm họa nhà tiên tri Mahomet… và mới đây một nhà hoạt động nữ quyền, thuộc phong trào Femen nổi tiếng, bị giam từ giữa tháng 5/2013, chỉ vì vẽ dòng chữ « Femen » ở một nơi công cộng.

Trước chuyến công du của tổng thống Pháp, nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền đã kêu gọi gây sức ép lên Tunis để bảo vệ quyền tự do ngôn luận.

Switch mode views: