Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Vụ Khashoggi : Paris « đánh khẽ » Riyad vì sợ thâm hụt « hầu bao » ?

salman-macron

Tổng thống Emmanuel Macron (T) tiếp thái tử Ả Rập Xê Út Mohamed Ben Salman tại điện Elysee, Paris, ngày 10/04/2018.
REUTERS/Philippe Wojazer

Trong vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại ngay trong tòa lãnh sự Ả Rập Xê Út tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, nước Pháp có những phản ứng dè dặt và cực kỳ cẩn trọng.
Paris cho rằng còn quá sớm để đưa ra kết luận và không vội vã đưa ra các lệnh trừng phạt.

Cuộc điều tra về vụ sát hại cây bút xã luận người Ả Rập Xê Út, nổi tiếng với những bài chỉ trích vương quốc Ả Rập Xê Út, tập trung xoay quanh câu hỏi nóng bỏng : Hoàng thái tử đầy quyền lực Mohamed Ben Salman can dự đến mức nào trong vụ việc này ?

Bất chấp kết luận của CIA khẳng định thái tử MBS đã ra lệnh hạ sát nhà báo Khashoggi, tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố không gì lay chuyển quan hệ Washington – Riyad.

Nước Pháp của tổng thống Macron tương tự, nối gót Hoa Kỳ, cũng tìm cách duy trì mối quan hệ với Ả Rập Xê Út.
Nhưng không như Washington và Berlin, chính quyền Paris chưa đưa ra một biện pháp trừng phạt nào nhắm vào Riyad.

Không những thế, chính phủ Pháp còn có những lời lẽ ôn hòa hơn, tuyên bố cuộc điều tra đang đi đúng hướng với thông báo truy tố 15 nghi phạm. Vì sao như vậy ?
Pháp lo bị trả đũa thương mại ? Hay ngại va chạm ngoại giao với Ả Rập Xê Út liên quan đến mối đe dọa Iran ở Trung Đông ?

Quả thật, đối với Pháp và nhiều nước phương Tây, Ả Rập Xê Út có một vị trí chiến lược quan trọng, không chỉ giữ thế cân bằng trong khu vực trước mối họa Iran mà còn cả trong vấn đề hợp tác quân sự và cung cấp năng lượng như dầu hỏa, khí đốt.
Do vậy, theo quan điểm của ông Georges Malbrunot, nhà báo và chuyên gia về Trung Đông trên Le Figaro, trừng phạt Riyad sẽ là một bài toán « tế nhị » đối với Paris.

Bởi vì, Riyad không chỉ là một khách hàng vũ khí quan trọng của Paris mà còn là một nguồn cung ứng tài chính quan trọng cho các chiến dịch quân sự của Pháp ở châu Phi.

Chuyên gia Malbrunot nhắc lại rằng một trong những quan chức có liên can đến vụ việc, tướng Ahmed Al Assiri vừa bị sa thải, nhân vật số hai của ngành tình báo Ả Rập Xê Út, từng tốt nghiệp trường đào tạo sĩ quan danh tiếng Saint-Cyr của Pháp là người rất được Paris trông cậy trong vụ thương lượng hợp đồng cung cấp một thiết bị vệ tinh quan sát quân sự cho Ả Rập Xê Út.

Lịch sử quan hệ Paris-Riyad cho thấy thái độ của Pháp hiện nay không phải là điều gây ngạc nhiên.
Ả Rập Xê Út, quốc gia dầu hỏa vốn dĩ nắm giữ trong tay nhiều lá chủ bài để gây áp lực với Paris.

Theo lời thuật của một cựu lãnh đạo ngành tình báo Pháp, « năm 1981, vì e ngại ông François Mitterand – cánh tả - lên nắm quyền, Ả Rập Xê Út đã ngưng hẳn chương trình đào tạo lực lượng biệt động do tình báo Pháp DGSE đảm trách và toàn quyền cung cấp thiết bị ».

Cũng theo vị cựu lãnh đạo này, tại châu Phi, cách hai khoảng hai chục năm, Ả Rập Xê Út đã chi trả toàn bộ chi phí cho việc thiết lập Lực lượng can thiệp tại nước Zaire (tên cũ nước Cộng hòa Dân chủ Congo ngày nay) thời chế độ độc tài Mobutu.

Và gần đây nhất, Riyad còn cam kết hỗ trợ 100 triệu đô la cho Lực lượng chống khủng bố G5 dưới sự chỉ huy của Pháp tại vùng Sahel.
Ngược lại, cùng với các đồng minh phương Tây, nước Pháp cũng muốn gây áp lực với MBS để tiến hành thương thuyết hòa bình cho Yemen.

 Câu hỏi đặt ra : Liệu Pháp có đủ can đảm vượt qua được sức cám dỗ của đồng đô la đến từ Ả Rập Xê Út ?
Hiện Riyad đang nghiên cứu khả năng bộ trưởng Thương Mại đến thăm Paris trong những ngày sắp tới.

Switch mode views: