Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Biển Đông: Trung Quốc lần đầu tiên cho tàu cứu hộ đồn trú ở Trường Sa

avion chine subi

Ảnh vệ tinh ngày 28/04/2018: Máy bay vận tải quân sự Thiểm Tây Y-8 (Shaanxi Y-8) của Trung Quốc trên Đá Xu Bi, Trường Sa (Ảnh chụp màn hình website AMTI)
(Capture d'image @amti.csis.org)

Bắc Kinh vừa quyết định phái một chiếc tàu cứu hộ xuống neo đậu lâu dài tại Đá Xu Bi, một trong 7 tiền đồn mà Trung Quốc bồi đắp tại vùng quần đảo Trường Sa (Biển Đông).

Báo mạng Nhật Bản The Japan Times ngày 29/07/2018 trích dẫn truyền thông Trung Quốc cho biết như trên, đồng thời cho rằng hành động chưa từng thấy đó nhằm củng cố quyền kiểm soát thực tế của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Theo Tân Hoa Xã Trung Quốc, được Japan Times trích dẫn, thì chiếc tàu Nam Hải Cứu 115 (Nan Hai Jiu) của Trung Quốc, thuộc loại tàu có bãi đáp để triển khai trực thăng cứu hộ cỡ trung, sẽ bắt đầu hoạt động ngay khi đến Đá Xu Bi vào hôm nay, 30/07.

Tân Hoa Xã xác định đây là lần đầu tiên Bắc Kinh đưa tàu cứu hộ tới neo đậu lâu dài tại Trường Sa kể từ khi bắt đầu các hoạt động nạo vét bồi đắp đảo nhân tạo trong khu vực kể từ năm 2013.

Hãng tin chính thức của Trung Quốc dẫn lời một quan chức tại Bắc Kinh nhấn mạnh đến nhiệm vụ của chiếc tàu cứu hộ này là « nâng cao các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ tại quần đảo Trường Sa cũng như các khu vực lân cận để thực hiện nghĩa vụ và bổn phận cứu trợ hàng hải theo thông lệ quốc tế ».

Một quan chức khác cũng khẳng định là Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng các tàu cứu hộ lớn hơn và tối tân hơn, có tầm hoạt động xa hơn.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng sẽ triển khai trực thăng để tìm kiếm cứu hộ tốt và nhanh hơn.

Tuy nhiên, theo báo Japan Times, quyết định của Trung Quốc cho tàu cứu hộ đồn trú tại Trường Sa nằm trong những động thái được nhiều chuyên gia cho là tính toán có phối hợp nhằm áp đặt quyền kiểm soát thực tế trên Biển Đông, nơi mà các láng giềng Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền.

Để khống chế Trường Sa, Bắc Kinh dựa trên tam giác gồm ba hòn đảo nhân tạo Xu Bi, Chữ Thập và Vành Khăn – đều có sân bay quân sự.
Các thông tin tình báo được tiết lộ gần đây còn cho biết khả năng Trung Quốc bố trí trên các đảo nhân tạo trong tay họ ở Trường Sa các loại tên lửa, nhà chứa máy bay, vũ khí to lớn, và một loạt các thiết bị có thể theo dõi vệ tinh, hoạt động quân sự và thông tin liên lạc của quân đội nước ngoài.

Theo Trung Quốc, các cơ sở họ đặt trên các đảo chỉ nhằm mục đích phòng thủ, còn bản thân các đảo được bồi đắp để phục vụ mục tiêu dân sự, và sẽ cung cấp các dịch vụ điều hướng cho tàu bè trong khu vực.

Theo Japan Times, một số nhà quan sát đã bày tỏ thái độ quan ngại là các hành động của Bắc Kinh tại Trường Sa sẽ giúp Trung Quốc áp đặt yêu sách chủ quyền của họ trên quần đảo Trường Sa cũng như toàn bộ Biển Đông.

Switch mode views: