Nước Anh yếu thế trước đàm phán Brexit
- Thứ Hai, 19 tháng Sáu năm 2017 22:50
- Tác Giả: RFI, Lê Hải
Treo cờ chuẩn bị cho đàm phán Brexit giữa Anh Quốc và Liên Hiệp Châu Âu, Bruxelles, ngày 19/06/2017.
REUTERS/Francois Lenoir
Ngày 19/06/2017, Luân Đôn và Bruxelles chính thức bắt đầu cuộc đàm phán Brexit, tức là về các điều khoản để Anh Quốc rút lui khỏi Liên Hiệp Châu Âu.
Cuộc đàm phán này, dự kiến kéo dài 2 năm, được bắt đầu một cách mờ nhạt trong bối cảnh nước Anh vẫn chưa có chính phủ chính thức và Luân Đôn lại vừa tiếp tục bị tấn công nghi là khủng bố.
RFI: Trên nguyên tắc, Anh và Liên Hiệp Châu Âu hôm nay chính thức bắt đầu cuộc đàm phán về Brexit. Luân Đôn đã chuẩn bị cuộc đàm phán cho hôm nay như thế nào ?
Lê Hải: Ngày 19/06 lẽ ra là một ngày rất quan trọng đối với nước Anh, nhưng tin hàng đầu trên trang nhất đều tập trung vào vụ xe tải nhỏ lao vào đám đông hồi nửa đêm, đang được xử lý như một vụ tấn công khủng bố nhắm vào những người Hồi giáo trong mùa lễ Ramadan.
Thay vì họp bàn phương án thực hiện đàm phán Brexit, chính phủ phải tổ chức phiên họp khẩn cấp chống khủng bố có tên gọi là Cobra.
Mà trên thực tế thì nước Anh vẫn chưa chính thức có chính phủ, vì mãi đến thứ Tư 21/06 này mới hi vọng có được bài diễn văn của nữ hoàng trước quốc hội, tức là biểu tượng chính thức công nhận đảng cầm quyền có đủ đa số quá bán để thông qua kế hoạch ngân sách.
Cho đến giờ đảng Bảo Thủ của bà Theresa May vẫn chưa đạt được thỏa thuận với đảng Dân Chủ Liên Hiệp DUP vì nhóm 10 nghị sĩ Quốc Hội muốn đòi nhiều quyền lợi cho xứ Bắc Ailen ví dụ miễn thuế sân bay như giống Ireland và nhiều ưu đãi cho công dân cộng hòa Ireland, tức cũng là một nước thành viên của Liên Hiệp Châu Âu.
Bản thân các lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu cũng ngồi vào bàn đàm phán với tâm thế không biết những người đang ngồi ở phía đối diện có đủ tư cách và uy tín để nói chuyện hay không.
Bởi vì, đằng sau họ không phải là một chính phủ đủ mạnh để thực hiện cam kết, lại đang phải xử lý một loạt những vấn đề khẩn cấp về an ninh, từ dư âm của các vụ khủng bố cho đến đám cháy kinh hoàng ở Luân Đôn vừa qua.
RFI: Công luận Anh quốc giờ có ý kiến thế nào, một năm sau khi bỏ phiếu Brexit trong cuộc trưng cầu dân ý ?
Sự bất mãn của dư luận đối với chính phủ của bà May có lẽ đã lên đến đỉnh điểm với cuộc biểu tình tự phát sau đám cháy, nối tiếp bằng một cuộc biểu tình phản đối liên minh với DUP.
Nhật báo Independent chạy bài tường thuật khảo sát dư luận mới nhất của Survation ghi nhận đa số người Anh muốn tổ chức lại một cuộc trưng cầu dân ý về việc có đồng ý rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu hay không, một sự đảo chiều rõ ràng so với khảo sát trước đó vào tháng Tư.
Đi sâu vào chi tiết thì có đến 69% người được hỏi không chấp nhận rút khỏi khu vực thuế quan chung, chính là điều khoản quan trọng nhất trong cuộc đàm phán sắp tới đây.
Thủ tướng Anh từng nói rằng thà không có thỏa thuận còn hơn là thỏa thuận yếu thế, nhưng giờ đây, có vẻ như là nếu không đạt được thỏa thuận gì thì tương lai sẽ là một thảm họa cho nước Anh và người dân Anh.
RFI: Nói tóm lại, Anh bước vào đàm phán hoàn toàn trong thế yếu?
Tờ báo chuyên về các đề tài chính trị của Liên Hiệp Châu Âu xuất bản tại Bruxelles là tờ Politico có trong tay các tài liệu mật hướng dẫn đàm phán của các bên, nhận định rằng cuộc đàm phán Brexit bắt đầu với thế mạnh và quyền kiểm soát trong tay Liên Hiệp Châu Âu.
Bản thân tổng thống Pháp hồi tuần trước khi mời thủ tướng Anh sang ăn tối và xem bóng đá đã chìa cánh tay ân huệ ra cho nước Anh nếu kịp nghĩ lại thì cuộc hôn nhân với Liên Hiệp Châu Âu vẫn sẽ tiếp tục như cũ như chưa từng có lời lẽ nào về chuyện chia tay.
Thế nhưng, tối qua trưởng phái đoàn Anh là David Davis vẫn gửi thông điệp khẳng định chắc chắn là muốn rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu.
Đây chính là tử huyệt của nước Anh hiện nay, khi mà người dân không biết nghe theo ai, và các lãnh đạo thì mạnh ai người ấy nói và ủng hộ một kiểu Brexit khác nhau.
Tổng thống Pháp trong cuộc họp báo cùng thủ tướng Anh lắng nghe tiếng Anh lưu loát và nhấn mạnh chuyện ông biết tiếng Anh nhưng dùng tiếng Pháp để trả lời, trong lúc bà May thì lúng túng dùng phiên dịch qua tai nghe, và làm rơi bài diễn văn chuẩn bị sẵn.
Điều đó khiến nhiều khán giả và bình luận viên truyền hình sợ hãi trước viễn cảnh nếu nước Anh rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu thì tiếng Anh cũng biến mất luôn trong hệ thống văn bản châu Âu và hoàn toàn suy yếu trên thế giới, trong khi rất nhiều người Anh và cả một hệ thống đại học đồ sộ của đất nước này đang sống bằng nghề dạy tiếng Anh.
Tờ Politico có tranh biếm họa vẽ bà thủ tướng Anh tự tay cầm cây súng Brexit đưa vào miệng tự sát. Nước Anh đúng là đang vô vọng húc vào bức tường chắn mà ngay chính Liên Hiệp Châu Âu cũng không muốn dựng lên.
Bộ trưởng Tài Chính Đức cũng lên tiếng giống tổng thống Pháp, hi vọng nước Anh sẽ đổi ý, nhưng nếu không thì thảm cảnh là điều không thể tránh khỏi.
RFI: Đó là về mặt chính trị, còn về kinh tế thì sẽ như thế nào?
Các lãnh đạo của Ủy Ban Châu Âu cũng tỏ ý thương hại nước Anh trong hoàn cảnh thiếu chuẩn bị, nhưng Liên Hiệp châu Âu không thể làm gì khác hơn là dứt khoát rũ bỏ không thương tiếc trên bàn đàm phán.
Trùm tài chính George Soros nhận định tình huống của cuộc đàm phán Brexit là cả hai bên đều sẽ thua đậm, và khuyên thủ tướng Anh nên cố gắng giữ vị trí trong liên minh kinh tế để tránh đổ vỡ cho cuộc sống đang vốn khó khăn của người dân Anh hiện nay.
Hai vấn đề chính mà Liên Hiệp Châu Âu đã nêu cụ thể và chuyển văn bản cho nước Anh nghiên cứu là quyền công dân và bồi thường tài chính, nhưng có vẻ như chính phủ Anh vẫn chưa có thời gian để tập trung nghiên cứu, và thậm chí còn chưa hồi phục sau một tuần lễ gánh chịu đủ mọi lời chỉ trích từ cả dân chúng và phe đối lập lẫn ngay các đồng sự trong đảng vừa bị mất chức nghị sĩ quốc hội sau cuộc bầu cử đầy ngớ ngẩn vừa qua.
Tin mới
- Syria : Mỹ muốn tái lập liên lạc với quân đội Nga tại Syria - 20/06/2017 18:59
- Tín đồ Hồi giáo Anh lo sợ sau vụ tấn công gần nhà thờ Finsbury Park - 20/06/2017 18:49
- Khủng bố ở Champs Elysées: Pháp phát hiện một kho vũ khí tại nhà hung thủ - 20/06/2017 18:11
- Pháp : Hai bộ trưởng từ chức vì tai tiếng, nội các thay đổi quan trọng - 20/06/2017 17:47
- Triển lãm Giacometti tại Anh và Pháp - 20/06/2017 17:39
- Trung Quốc và Nga sẽ tập trận chung trên biển Baltic - 20/06/2017 14:23
- Sinh viên Mỹ Warmbier qua đời, Donald Trump cáo buộc Bình Nhưỡng « tàn nhẫn » - 20/06/2017 14:17
- Mỹ điều động oanh tạc cơ B1 răn đe Bắc Triều Tiên - 20/06/2017 14:11
- Thủy thủ gốc Việt thiệt mạng vụ tàu Philippines đụng chiến hạm Mỹ - 20/06/2017 00:32
- Sinh viên Mỹ qua đời sau khi rời nhà tù Bắc Hàn - 19/06/2017 23:22
Các tin khác
- Luân Đôn và Bruxelles bước vào đàm phán chính thức về Brexit - 19/06/2017 22:25
- Chính trị Pháp: Tổng thống Macron củng cố thế thượng phong - 19/06/2017 19:22
- Tai nạn tàu chiến ở Nhật : Hải quân Mỹ tìm được thi thể 7 thủy thủ - 19/06/2017 18:55
- Thịt heo rớt giá : Hồi chuông cảnh báo sản xuất nông nghiệp - 19/06/2017 18:48
- Pháp khai mạc triển lãm hàng không quốc tế Le Bourget - 19/06/2017 18:34
- Bắc Hàn cáo buộc Mỹ ‘ăn cướp’ - 19/06/2017 03:34
- Hải sâm, vú nàng, máu và nước mắt - 18/06/2017 21:36
- Mỹ ngừng tìm thủy thủ mất tích của tàu Fitzgerald - 18/06/2017 21:18
- Hỏa hoạn ở Luân Đôn : Cảnh sát thừa nhận 58 người thiệt mạng - 18/06/2017 18:09
- Hiệu ứng nhà kính : Pháp lập Quỹ khí hậu để thu hút nhân tài... Mỹ - 18/06/2017 18:02