Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Trung Quốc: Điện ảnh Pháp chinh phục công chúng sau năm 2016 thất thu

luc besson


Đạo diễn người Pháp Luc Besson được hâm mộ tại Trung Quốc nhờ những bộ phim theo kiểu Hollywood.
AFP / VASILY MAXIMOV

Điện ảnh Pháp thất thu ở Trung Quốc năm 2016 vì mất đến 90% khán giả.

Nhưng sự xuất hiện của các phòng chiếu « nghệ thuật và tác phẩm đầu tay » có thể sẽ giúp nền nghệ thuật thứ bẩy của Pháp tìm lại vị trí tại thị trường quan trọng này, nơi có đến 1.600 rạp chiếu phim mở cửa trong vòng 12 tháng.

Năm 2016, chỉ có 1,38 triệu khán giả xem một trong số năm bộ phim Pháp được chiếu tại Trung Quốc (Le chant de la mer (Khúc ca biển cả), Les nouvelles aventures d’Aladin (Những cuộc phiêu lưu mới của Aladin), Les saisons (Các mùa), Antigang (Chống băng nhóm tội phạm) và Colt 45).
Đây là sự sụt giảm đáng kể so với 14,7 triệu khán giả của năm 2015, trong khi Trung Quốc là thị trường xuất khẩu phim lớn nhất của Pháp, trước cả Bắc Mỹ.

Giải thích nguyên nhân của sự sụt giảm mạnh mẽ trên, ông Jean-Paul Salomé, chủ tịch Unifrance, cơ quan phụ trách quảng bá điện ảnh Pháp ở nước ngoài, cho AFP biết : « Năm đó, chúng tôi có các phim của Luc Besson (Taken 3 và The Transporter Refueled), luôn thu hút khán giả với nhịp độ theo kiểu Hollywood. Năm 2016 thì không có ».

Đạo diễn Luc Besson hiện đang tham gia một phái đoàn (trong đó có cả diễn viên Dany Boon) đến Trung Quốc quảng bá cho ngành điện ảnh Pháp, nhân dịp Festival Phim Quốc Tế Bắc Kinh, bế mạc vào Chủ Nhật 23/04.

Điện ảnh Pháp phải cạnh tranh với Hollywood tại Trung Quốc

Hàng năm, khoảng 60-70 bộ phim nước ngoài được phép chiếu tại Trung Quốc phải cạnh tranh với khoảng 300 bộ phim do nước này sản xuất.
Trong khi đó, phim của Hollywood chiếm phần lớn số lượng giành cho điện ảnh nước ngoài, còn Pháp chỉ có thể được phát hành 6 hoặc 7 phim mỗi năm.

Thế nhưng, theo nhận xét của ông Jean-Paul Salomé, ngay với số lượng phim trên, dù không phải là nhiều, được phép chiếu tại khoảng 3.000 rạp ở Trung Quốc, điện ảnh Pháp vẫn không đáp ứng đủ con số đó.

Phim « bom tấn » của Pháp lại càng hiếm hoi. Thực vậy, khán giả Trung Quốc, thường nằm trong độ tuổi 15-28, rất mê các tác phẩm điện ảnh Hollywood, phim hài và hài kịch lãng mạn nội địa.
Ngoài vấn đề quota, Trung Quốc không có một kênh phát hành mang lại lợi nhuận cho các bộ phim « khó tính hơn » và đây là một trở ngại cho điện ảnh Pháp.

Tuy nhiên, một hệ thống phòng chiếu « nghệ thuật và tác phẩm đầu tay », mới được thành lập tháng 11/2016, có thể sẽ làm thay đổi tình hình.
Hệ thống này giúp các phim Trung Quốc và nước ngoài được chiếu ở rạp, dù ít hơn, nhưng vẫn đảm bảo về vấn đề kinh tế cho các nhà khai thác địa phương.

 Các rạp đối tác cam kết mỗi ngày chiếu ít nhất 4 xuất phim « nghệ thuật ».
Hiện có khoảng 110 rạp phim tham gia hệ thống này và có thể tăng lên thành 500 rạp từ nay đến cuối năm 2017.

« Đây là bước tiến quan trọng để quảng bá điện ảnh Pháp và các nhà làm phim Pháp tại Trung Quốc », theo bà Frédérique Bredin, chủ tịch Trung Tâm Điện Ảnh và Hoạt hình Quốc gia Pháp (CNC).

Tuy nhiên, mạng lưới này còn đang trong giai đoạn phôi thai : mới chỉ có hai phim - đều của Trung Quốc - được chiếu tại hệ thống phòng chiếu « nghệ thuật và tác phẩm đầu tay » này.
Trung Quốc là quốc gia quan trọng đối với nền nghệ thuật thứ 7 với tổng doanh thu năm 2016 là 45,7 tỉ nhân dân tệ (6,2 tỉ euro, tăng 3,7% so với năm 2015).

Hơn nữa, quốc gia Đông Bắc Á này hiện có hơn 41.000 rạp, giữ kỷ lục thế giới. « Trung Quốc trở thành một thị trường lớn đến mức phải chú trọng », theo kết luận của ông Zenou.
Năm 2017 có vẻ tốt đẹp hơn với ngành điện ảnh Pháp. Riêng bộ phim hoạt hình Ballerina đã thu hút 1,3 triệu lượt xem, tương đương với tổng số vé bán ra năm 2016.

Và tác phẩm mới Valérian của đạo diễn Luc Besson có thể sẽ thu hút đông đảo khán giả Trung Quốc, vốn rất say mê đạo diễn người Pháp.


Switch mode views: