Thổ Nhĩ Kỳ chưa quyết định mở cửa cho người tị nạn
- Thứ Ba, 09 tháng Hai năm 2016 06:47
- Tác Giả: Trọng Thành
Người tị nạn Syria tìm cách vào đất Thổ Nhĩ Kỳ tại đồn biên phòng Oncubinar.
REUTERS/Osman Orsal
Trong lúc thủ tướng Đức công du Thổ Nhĩ Kỳ hôm nay, 08/02/2016, để áp lực buộc Ankara giới hạn dòng người di cư tới châu Âu, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ lưỡng lự trước quyết định cho hàng chục nghìn người Syria chạy trốn chiến tranh nhập cảnh hay không.
Quân đội Damas, với sự hậu thuẫn của không quân Nga, tiếp tục tiến quân về hướng biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Các tổ chức bảo vệ nhân quyền cảnh báo thảm họa nhân đạo với khoảng 350.000 dân cư bị kẹt tại Alep, khu vực do phe nổi dậy kiểm soát, đang bị quân chính phủ khép chặt vòng vây.
Hơn 30.000 người tị nạn đã có mặt từ nhiều ngày nay, tại khu vực sát cửa khẩu Ocunpinar, trong giá lạnh và trong những điều kiện ngày càng trở nên « tuyệt vọng » hơn, theo tổ chức Y Sĩ Không Biên Giới (MSF).
Cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn giữ một thái độ nước đôi về việc mở cửa cho dân tị nạn Syria.
Thông tín viên Alexandre Billette từ Istanbul nhận định,
« Từ đầu của cuộc khủng hoảng này, Thổ Nhĩ Kỳ đứng trước các lô gic mâu thuẫn. Khả năng tiếp nhận người tị nạn của quốc gia này đã tới hạn, tuy nhiên Ankara vẫn hứa sẽ mở cửa biên giới.
Thổ Nhĩ Kỳ hứa sẽ hạn chế dòng người di cư sang châu Âu, tuy nhiên, Bruxelles yêu cầu mở cửa biên giới cho người Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ đón tiếp người tị nạn, nhưng cùng lúc đó lại cho mở ngay trên lãnh thổ Syria các trại tị nạn, do một số tổ chức phi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ quản lý.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hứa sẽ mở cửa biên giới, ''nếu điều này là cần thiết''.
Lời nói rào đón này cho thấy chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ hết sức lúng túng. Quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ là xử lý cuộc khủng hoảng tị nạn bên ngoài lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, lý tưởng nhất là tại dải đất đệm ở phía bắc Syria, sát với biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, các đồng minh phương Tây không bao giờ chấp nhận. Giải pháp này ngày càng trở nên mong manh, khi các lực lượng quân đội Damas chỉ còn cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 20 cây số ».
Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp nhận tổng cộng 2,7 triệu người Syria.
Theo người phát ngôn của quỹ cứu trợ nhân đạo IHH Thổ Nhĩ Kỳ, một trại tị nạn bổ sung trên đất Syria có khả năng tiếp nhận 10.000 người mới đến vừa được xây dựng, thêm vào 8 trại hiện có.
Theo giám đốc Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria, quân chính phủ chỉ còn cách thị trấn Tall Rifaat 7 cây số.
Thị trấn này là một trong các thành lũy cuối cùng của phe nổi dậy tại tỉnh Alep, cùng với Marea và Azaz.
Tám trại tị nạn của Thổ Nhĩ Kỳ cho người Syria nằm xung quanh thị trấn Azaz, cách biên giới khoảng 5 km.
Mục tiêu của quân đội Syria là tái chiếm Alep, thành phố lớn thứ hai của Syria, mà một phần nằm trong tay quân nổi dậy kể từ cuối năm 2012.
Chiến dịch đang diễn ra hướng về biên giới Thổ là nhằm cắt đứt con đường tiếp viện từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Alep.
Theo các nhà quan sát, trận chiến Alep có thể là một bước ngoặt của cuộc chiến Syria.
Để hỗ trợ phe nổi dậy, cuối tuần trước, Ả Rập Xê Út, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và Bahrein cho biết sẵn sàng tham chiến trong liên quân do Hoa Kỳ lãnh đạo.
Hôm qua, Chủ nhật 07/02, một lực lượng dân quân theo hệ phái Shia thuộc loại có thế lực nhất tại Irak tuyên bố, nếu các quốc gia Ả Rập Sunni vùng Vịnh gửi quân tới Syria và Irak, họ « sẽ mở cánh cửa của địa ngục ».
Tin mới
- Mỹ - Ấn Độ thảo luận về tuần tra chung ở Biển Đông - 10/02/2016 18:11
- Bắc Kinh tuyên truyền cho tuyến bay thương mại Hải Nam-Hoàng Sa - 10/02/2016 18:02
- Quân đội Syria chuẩn bị bao vây Aleppo - 10/02/2016 01:25
- Ý nghĩa TPP đối với các cường quốc Mỹ – Trung – Nga - 10/02/2016 00:34
- Hồi giáo cực đoan xâm nhập phát triển mạnh tại Nga - 09/02/2016 20:49
- Khủng hoảng tị nạn Syria: Berlin và Ankara muốn NATO hỗ trợ - 09/02/2016 20:42
- Mỹ : Bỏ phiếu đề cử ứng viên tổng thống tại New Hampshire - 09/02/2016 20:13
- Mỹ - Nhật – Hàn bàn biện pháp đối phó với Bắc Triều Tiên - 09/02/2016 20:07
- Ngoại trưởng Philippines Rosario từ chức - 09/02/2016 19:35
- Bắc Triều Tiên: « Không thể loại trừ khả năng quân đội làm đảo chính » - 09/02/2016 16:51
Các tin khác
- Hồ sơ nhập cư: Pháp-Đức trấn an châu Âu - 09/02/2016 06:38
- Giới công nghiệp châu Âu không muốn Trung Quốc có quy chế thị trường - 09/02/2016 00:43
- Biển Đông : Mỹ đối mặt với nguy cơ bị Trung Quốc chọc mù - 09/02/2016 00:34
- Miến Điện : Bầu tổng thống khởi sự ngày 17/03 - 09/02/2016 00:26
- Việt Nam sau Đại hội Đảng 12 ra sao ? - 09/02/2016 00:19
- Bất bình Bắc Kinh, Mỹ đưa lá chắn đến Hàn Quốc - 08/02/2016 18:50
- Nhật chuyển giao công nghệ chế tạo tàu ngầm cho Úc - 08/02/2016 17:57
- Chiêm tinh Hồng Kông : Biển Đông năm Khỉ sẽ dậy sóng nhưng có giải pháp - 08/02/2016 17:50
- Bầu cử Mỹ: Đảng Dân Chủ định thay bà Clinton bằng ông Biden ? - 08/02/2016 02:54
- Mỹ kêu gọi chấm dứt oanh kích tại Syria, Nga bác bỏ - 08/02/2016 02:45