Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Kinh Tế : Bắc Triều Tiên đang cần những gì ?

lunar newyear btt


Người dân Bắc Triều Tiên mừng Năm Mới âm lịch ở Bình Nhưỡng, ngày 06/02/2019.KCNA via REUTERS

 

Năm 1953 khi chiến tranh triều Tiên kết thúc, đất nước bị chia đôi, miền Bắc vĩ tuyến 38 tiến hành giai đoạn tái thiết kinh tế nhanh hơn so với ở miền Nam.

 

Thế nhưng, trong gần 70 năm qua, Bắc Triều Tiên nhiều lần phải đối mặt với nạn đói trong lúc Hàn Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ tư châu Á và là một nền công nghiệp có tầm cỡ trên thế giới.

Washington liên tục dùng lá bài kinh tế để dụ Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In trong cuộc tiếp xúc đầu tiên với đồng sự Kim Jong Un cũng đã nhấn mạnh đến viễn cảnh một đất nước Bắc Triều Tiên phát triển.

RFI Việt ngữ mời chuyên gia về Đông Bắc Á, Antoine Bondaz, thuộc Quỹ Quan Hệ Chiến Lược của Pháp điểm lại toàn cảnh kinh tế Bắc Triều Tiên và nhất là đề cập đến những nhu cầu trước mắt của Bình Nhưỡng để thực sự đem lại cơm no áo ấm cho 25,5 triệu dân Bắc Triều Tiên.

Thống kê, Bắc Triều Tiên chơi trò ú tim

Là một trong những quốc gia khép kín nhất trên thế giới, những số liệu thống kê về thực trạng kinh tế của Bắc Triều Tiên vừa hiếm hoi, vừa khó kiểm chứng.
Tuy nhiên, theo báo cáo gần đây nhất của Ngân Hàng Trung Ương Hàn Quốc, trong năm 2016, GDP Bắc Triều Tiên đạt 3,9 % và đây là mức cao nhất từ năm 1999.

Tuy nhiên, trong năm 2017, do áp lực của quốc tế sau hàng loạt các vụ thử bom nguyên tử và tên lửa của Bình Nhưỡng, cũng Ngân Hàng Trung Ương Hàn Quốc ghi nhận tổng sản lượng nội địa của Bắc Triều Tiên đã giảm đi mất 3,5% so với đúng một năm trước đó.

Nói cách khác, những thông tin trên đây không hơn không kém là một trò ú tim.
Dù vậy, có một số điểm mà các nhà quan sát và giới nghiên cứu về tình hình bán đảo Triều Tiên cùng ghi nhận :

Thứ nhất Bắc Triều Tiên là một quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên, sản xuất và xuất khẩu than đá. Viện Nghiên Cứu Tài Nguyên Bắc Triều Tiên có trụ sở tại Seoul thẩm định Bình Nhưỡng còn có nhiều loại khoáng sản khác như chì, đồng...

Riêng nhật báo Pháp Les Echos còn đi xa hơn khi cho rằng, Bắc Triều Tiên đang nắm giữ nhiều nguồn đất hiếm, rất cần cho công nghệ cao và nhất là để chế tạo bình ắc-quy điện cho xe ô tô. Nói cách khác, Bắc Triều Tiên được thiên nhiên ưu đãi hơn hẳn so với Hàn Quốc.

Ngoài than đá và khoáng sản, nguồn đem về ngoại tệ thứ nhì cho Bắc Triều Tiên là nông và ngư nghiệp. Kế tới là dệt may.
Vẫn theo Ngân Hàng Trung Ương Hàn Quốc, hai khách hàng lớn của Bắc Triều Tiên là Trung Quốc và Hàn Quốc.

 Dù vậy, căn cứ vào các hóa đơn hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu của Bắc Triều Tiên trong năm 2015 chưa đầy 2,3 tỷ euro : một giọt nước trong dòng trao đổi mậu dịch của thế giới.

Điểm thứ ba mọi người biết một cách khá chắc chắn về thực trạng của Bắc Triều Tiên là trong thập niên 1990, quốc gia này đã trải qua nhiều đợt đói kém.
Gần đây hơn, báo cáo của Liên Hiệp Quốc được công bố vào mùa xuân 2018 cho thấy : trong năm 2017, có đến 10 triệu dân Bắc Triều Tiên - tức tương đương với 40% dân số trên toàn quốc - cần được viện trợ nhân đạo.

Năm ấy, cộng đồng quốc tế siết chặt gọng kềm lên chế độ Bình Nhưỡng đồng thời Bắc Triều Tiên bị thiệt hại mùa màng vì thiên tai, thu hoạch giảm mất 7% so với hồi 2016.

Mạng lưới công nghiệp của thập niên 1950/1960

Nhìn đến mạng lưới công nghiệp của Bắc Triều Tiên, trả lời đài RFI Việt ngữ, chuyên gia về Đông Bắc Á thuộc Quỹ Quan Hệ Chiến Lược của Pháp (FRS), Antoine Bondaz cho biết :

 Đây chủ yếu là một nền công nghiệp nặng, phát triển từ những năm 1950-1960 nhờ hỗ trợ của Liên Xô.
Trong lĩnh vực này, một lần nữa chính sách cấm vận của quốc tế là trở lực cho đà phát triển.

Dù vậy, từ khi lên cầm quyền vào đầu năm 2012, Kim Jong Un không ồn ào thông báo cải tổ, nhưng ông đã từng bước để cho các doanh nghiệp Nhà nước có nhiều quyền hạn hơn trong chiến lược phát triển và đường lối quản lý.

 

Antoine Bondaz nói đến một sự « chuyển mình » của kinh tế Bắc Triều Tiên và một nền kinh tế thị trường đang manh nha :
« Có một sự thay đổi thực sự kể từ khi Kim Jong Un lên cầm quyền.
Kinh tế nước này trên đà thị trường hóa, có nghĩa là Nhà nước cho phép các doanh nghiệp được tự do mua bán hơn một chút, và cho một số cửa hàng quốc doanh trước đây nhiều quyền hạn hơn.

Có thể nói là từ một vài năm trở lại đây, kinh tế Bắc Triều Tiên không còn hoàn toàn là một nền kinh tế theo mô hình xã hội chủ nghĩa cứng nhắc như xưa.
Tuy vậy, Bắc Triều Tiên vẫn còn là một nền kinh tế tập trung, nhiều hoạt động vẫn trong tay của đảng, của quân đội.

Chúng tôi biết được những điều này qua hình ảnh vệ tinh, qua lời kể của một số người Bắc Triều Tiên đào thoát khỏi chế độ.
Bên cạnh đó, chính những tuyên bố của Kim Jong Un cũng thể hiện quyết tâm cải tổ kinh tế, cải thiện đời sống cho người dân.

 Bình Nhưỡng đề ra mục tiêu cải thiện đời sống cho người dân để bảo đảm chế độ được tồn tại, nhưng đồng thời cũng là để hiện đại hóa một guồng máy kinh tế sau nhiều thập niên bị tụt hậu ».

Một số phóng viên quốc tế được mời đến tham quan quê hương của Kim Nhật Thành đều ghi nhận :
 Bắc Triều Tiên không là một nền kinh tế bị kiệt quệ, nhiều tòa nhà chọc trời đã mọc lên tại thủ đô Bình Nhưỡng.

Ai đủ tiêu chuẩn để được ở trong những khu nhà cao tầng đó thì lại là một chuyện khác.
Tại nhiều cửa hàng quốc doanh, các gian trưng bày không còn thưa thớt như những hình ảnh từng thấy tại Liên Xô xưa kia.

Thậm chí cùng một mặt hàng tiêu dùng, có vài ba nhãn hiệu khác nhau. Đó là một dấu hiệu cho thấy Bắc Triều Tiên đã bắt đầu du nhập khái niệm « cạnh tranh ».

Tuy nhiên, tại Bắc Triều Tiên, hiện tượng mất điện vẫn thường xảy ra như cơm bữa.
Ngay cả tại một những thành phố duyên hải giàu có hơn mức trung bình trên toàn quốc, tại đây vẫn có nhiều khu phố tăm tối, những gương mặt ủ rũ và đầy lo âu.

Trong mắt chuyên gia Pháp Antoine Bondaz, Quỹ FRS, điều quan trọng nhất đối với Bình Nhưỡng giờ đây là phải làm mọi cách để thoát khỏi vòng vây của các biện pháp trừng phạt quốc tế.

« Nhu cầu của Bắc Triều Tiên rất lớn và rõ ràng là các đòn khiêu khích liên tiếp của Bình Nhưỡng qua các vụ thử tên lửa và hạt nhân, một loạt các đòn trừng phạt đã đè nặng lên kinh tế nước này.

Giờ đây, Bắc Triều Tiên cần được phép xuất khẩu trở lại hải sản và các loại nhiên liệu như than đá và các loại khoáng sản khác.
Bình Nhưỡng đang rất cần nới lỏng vòng vây của quốc tế để vực dậy các hoạt động xuất khẩu, đẩy mạnh giao thương với quốc tế.

Chúng ta biết rằng một trong những lĩnh vực Bắc Triều Tiên muốn đẩy mạnh hợp tác với Trung Quốc, được đề cập tới nhân chuyến viếng thăm Bắc Kinh gần đây nhất của Kim Jong Un, liên quan đến các hoạt động xuất và nhập khẩu thuốc đông y cổ truyền.

Bình Nhưỡng muốn xuất khẩu hàng qua Trung Quốc, vừa để phục vụ thị trường rộng lớn này, vừa mượn Trung Quốc là trung gian để thuốc cổ truyền của Bắc Triều Tiên xâm nhập được vào thị trường Đông Nam Á ».

Viện trợ quốc tế

Bên cạnh nhu cầu cấp thiết về kinh tế và thương mại, Bình Nhưỡng còn trông đợi nhiều vào các khoản viện trợ của cộng đồng quốc tế.
Năm 2017, thế giới nín thở trước những cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo và hạt nhân liên tiếp của Kim Jong Un.

Còn ở Washington thì tổng thống Donald Trump dọa dậy cho Rocket Man một bài học. Chương trình viện trợ nhân đạo của Liên Hiệp Quốc dành cho Bắc Triều Tiên chỉ nhận được 31 triệu đô la đóng góp, tương đương với 27% nhu cầu cứu trợ cho 10 triệu dân Bắc Triều Tiên trong hoàn cảnh ngặt nghèo.

Bởi khi đó, nhiều quốc gia muốn tránh mang tiếng vi phạm lệnh cấm vận quốc tế.
Chuyên gia Antoine Bondaz phân tích về những bước kế tiếp mà Bình Nhưỡng muốn hướng tới khi dùng lá bài hạt nhân để mặc cả.

« Nhưng đối với Bắc Triều Tiên, một vế quan trọng khác là viện trợ phát triển.
Cho đến giờ các biện pháp trừng phạt ngăn cản mọi dự án viện trợ phát triển đó.

Nếu như tại thượng đỉnh Việt Nam lần này mà đôi bên đạt được một số tiến bộ nhỏ, cho phép giảm nhẹ các biện pháp cấm vận Bình Nhưỡng chẳng hạn thì đây sẽ là một bước tiến rất lớn, cho phép trong tương lai không xa quốc tế hỗ trợ Bắc Triều Tiên phát triển kinh tế.

Trên thực tế, ai cũng mong muốn điều này, đặc biệt là Hàn Quốc. Tôi xin nói thêm về hợp tác kinh tế Liên Triều : Seoul và cả Bình Nhưỡng cùng muốn mở lại khu công nghiệp Kaesong và khu du lịch ở núi Kim Cương.
Ngoài ra, hai nước Triều Tiên còn đang hướng tới việc xây dựng hai khu du lịch khác ở phía đông và phía tây của Bắc Triều Tiên.

Nhưng tất cả những dự án này đều án binh bất động nếu quốc tế duy trì lệnh trừng phạt như hiện nay ».
Vào lúc thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên tại Hà Nội được cả thế giới theo dõi và chưa biết các bên sẽ nhượng bộ lẫn nhau những gì, chỉ biết rằng Bình Nhưỡng đang cần quốc tế bãi bỏ cấm vận để có thể xuất khẩu trở lại than đá, sắt, vàng và mở ra viễn cảnh bán đất hiếm cho các nhà sản xuất phương Tây.

Dù vậy, để bắt tay tổng thống Hoa Kỳ tại Singapore hồi năm 2018 và giờ đây là tại Việt Nam, Kim Jong Un ít ra là đã có lý trên một điểm : đó là áp dụng chiến lược từng lưu hành ở Bình Nhưỡng từ năm 1962.

Chiến lược đó dựa trên một nguyên tắc đơn giản : phát triển cùng lúc vế kinh tế và khả năng quân sự.

Switch mode views: