Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 14-11-2018
- Thứ Tư, 14 tháng Mười Một năm 2018 18:26
- Tác Giả: Thụy My
Đông Nam Á trong trận thương chiến Mỹ-Trung
Dây chuyền lắp ráp xe gắn máy tại Hải Phòng, Việt Nam. Ảnh chụp ngày 03/11/2018.
REUTERS/Kham
Le Figaro hôm nay 14/11/2018nhận định « Đông Nam Á muốn vượt qua cuộc đối địch Mỹ-Trung » : mười nước ASEAN vừa lệ thuộc vào Trung Quốc vừa là đối thủ cạnh tranh ; và cuộc chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ là mối lợi tình cờ cho Việt Nam.
Các cường quốc đều muốn gia tăng ảnh hưởng kinh tế và chính trị tại khu vực thuộc loại năng động nhất thế giới, có 647 triệu người tiêu dùng.
Phó tổng thống Mỹ Mike Pence, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường có thể gặp gỡ tổng thống Nga Vladimir Putin, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hay thủ tướng Nhật Shinzo Abe tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN đang diễn ra tại Singapore (tuy Donald Trump và Tập Cận Bình không tham dự, còn châu Âu lại vắng mặt).
Mười nước thành viên ASEAN theo dõi cuộc song đấu giữa hai đối tác kinh tế chủ chốt Washington và Bắc Kinh với tâm trạng lo ngại xen lẫn hy vọng.
Theo báo cáo của HSBC, có đến 86% chủ doanh nghiệp trong khu vực tin vào triển vọng thương mại, cao hơn mức bình quân thế giới.
Đọc thêm: Trung Quốc chuẩn bị chiến tranh lạnh với Donald Trump
Việc Mỹ áp thuế vào hàng Trung Quốc có thể làm tăng nhanh tốc độ dịch chuyển sản xuất từ Hoa lục sang Đông Nam Á – một hiện tượng đã diễn ra từ nhiều năm qua trong ngành dệt may và điện tử, do lương công nhân Trung Quốc tăng lên.
Alicia Garcia Herrero, kinh tế gia trưởng của Natixis nhận định : « ASEAN rõ ràng có lợi trong cuộc chiến thương mại. Nhu cầu của Mỹ về hàng tiêu dùng thông dụng sẽ không giảm sút ».
Đặc biệt đối với Việt Nam, trong số 10 mặt hàng xuất khẩu hàng đầu, có đến 8 mặt hàng cùng loại với đối thủ Trung Quốc đang bị Mỹ đánh thuế.
Đây là mối lợi bất ngờ cho Việt Nam, thu hút được hàng loạt đầu tư trực tiếp nước ngoài trong đó có những tên tuổi lớn như Samsung.
Một số nước khác cũng đang hy vọng trong trung hạn, như nhận xét của Tony Cripps, tổng giám đốc HSBC ở Singapore : « Chuyển đổi một chuỗi sản xuất quy mô cần có thời gian. Nếu căng thẳng tiếp tục, Thái Lan hay Malaysia cũng sẽ được quan tâm ».
Tuy nhiên bên cạnh đó chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sẽ ảnh hưởng đến ASEAN, khi nhu cầu của Trung Quốc giảm xuống – nhà kinh tế Trinh Nguyen của Natixis dự báo.
Kịch bản này gây lo ngại cho nước chủ nhà Singapore. Sự hội nhập của khu vực bị Donald Trump bỏ rơi từ sau khi rút khỏi TPP hãy còn phải chờ đợi : kết luận về hiệp định tự do mậu dịch RCEP do Trung Quốc chủ xướng đã được dời lại sang năm 2019.
Thế giới đảo điên, Trung Quốc thủ lợi ?
Cũng liên quan đến châu Á, La Croix đặt câu hỏi với nhà sử học người Anh Peter Frankopan : « Phải chăng Trung Quốc được hưởng lợi nhiều nhất về tình trạng đảo lộn của thế giới ngày nay ? ».
Trong cuốn sách vừa xuất bản mang tên « Con đường tơ lụa mới, một thế giới mới xuất hiện », ông Frankopan cho rằng tương lai thế giới sẽ được vẽ lại theo những gì diễn ra dọc con đường này.
Nhà sử học nhấn mạnh đến vai trò của khu vực nằm giữa phía đông Địa Trung Hải và Thái Bình Dương.
Trung Đông, Nga và Trung Á tập trung 70% trữ lượng dầu lửa và 65% khí đốt của thế giới, phân nửa số lượng lúa mì và 85% sản lượng toàn cầu về gạo.
Về nguyên liệu, Trung Quốc và Nga chiếm ba phần tư sản lượng silicium, cần thiết cho vi điện tử và chất bán dẫn, riêng Trung Quốc sản xuất trên 80% đất hiếm dùng cho pin và máy tính xách tay.
Theo Peter Frankopan, chúng ta đang sống trong thế kỷ của châu Á.
Đọc thêm: « Con đường tơ lụa » : Bẫy nợ rình rập « bạn bè » Trung Quốc
Trung Quốc đã chuẩn bị cho kỷ nguyên này với sách lược « Một vành đai, một con đường ».
Hiểu rằng đầu tư vào kinh tế sẽ mang lại những lợi ích về chính trị, Bắc Kinh đang ve vãn những người bạn mới, không chỉ ở châu Á và châu Phi, mà còn tại châu Âu và Trung Đông.
Tuy nhiên câu hỏi vẫn đặt ra về cách thức Trung Quốc giải quyết những khó khăn trong các dự án hạ tầng lớn thuộc Con đường tơ lụa mới, và nợ nần quá cao của một số nước liên quan.
Thách thức khác đối với Trung Quốc là tình trạng lão hóa dân số và bong bóng tín dụng.
Donald Trump thích dùng cây gậy thay vì củ cà rốt
Hoa Kỳ đã trễ tràng nhận ra thực tế thế giới đang thay đổi, và chính sách của Mỹ khá rối rắm, nếu không nói là phản tác dụng.
Việc cắt giảm ngân sách của bộ Ngoại Giao đã làm giảm đi tính chuyên nghiệp, và cảm tình của thế giới đối với nước Mỹ.
Tổng thống Donald Trump muốn bảo vệ lợi ích của Mỹ, nhưng ông sử dụng cây gậy thường xuyên hơn củ cà rốt.
Washington dùng các biện pháp trừng phạt và thuế quan, kể cả đối với bạn cũ và đồng minh ; rút khỏi các thỏa ước quốc tế như hiệp ước nguyên tử Iran, hiệp ước khí hậu Paris, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, thay vì đóng vai trò tích cực trong lãnh vực an ninh và thương mại thế giới.
Hoa Kỳ cũng nhận lấy rủi ro khi coi Ả Rập Xê Út là trụ cột trong chính sách Trung Đông.
Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan nay nghiêng sang Nga và Trung Quốc ; còn tại Syria, bộ ba Nga, Iran và Thổ qua mặt Mỹ trong các cuộc đàm phán hòa bình.
Matxcơva cũng quay lại đóng vai trò trung gian hòa giải giữa chính quyền Afghanistan và phe Taliban.
Ngược lại, Washington coi Trung Quốc, Nga và Iran là những « nhân tố gây bất ổn ».
Nhà sử học Peter Frankopan bày tỏ hy vọng sự đối địch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ không chuyển thành đối đầu quân sự, nhưng ông nhấn mạnh, lịch sử cho thấy chỉ một sự cố nhỏ cũng có thể dẫn đến leo thang căng thẳng.
Tân Cương, « quần đảo ngục tù » của người Duy Ngô Nhĩ
Cũng liên quan đến Trung Quốc, Le Monde tố cáo « Quần đảo ngục tù mới của người Duy Ngô Nhĩ ».
Tân Cương nay trở thành « Quần đảo Gulag » (hay « Quần đảo ngục tù ») - tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nga Soljenitsyne – nhưng là một gulag kỹ thuật cao, chỉ dành riêng cho một sắc tộc.
Đọc thêm: Trung Quốc hứng bão tại LHQ vì giam giữ cả triệu người Duy Ngô Nhĩ
Theo Le Monde, việc buộc cả triệu người Duy Ngô Nhĩ đi cải tạo, nằm trong giấc mơ muôn thuở là Hán hóa vùng đất rộng lớn này, biến một dân tộc nói tiếng Thổ và theo đạo Hồi thành những công dân Trung Quốc « yêu nước » qua quá trình tẩy não quen thuộc của cộng sản. Trại viên phải tự kiểm điểm, ca ngợi sự khoan hồng của đảng trước mỗi bữa ăn…
Đây cũng là quan điểm đồng hóa của Hồ Liên Hiệp (Hu Lianhe), lý thuyết gia được Tập Cận Bình đặt vào vị trí quan trọng trong Mặt trận Tổ quốc.
« Giấc mơ Trung Hoa » của ông Tập là cứu cánh để biện minh cho mọi phương tiện. Nhưng công cuộc khủng bố này của Nhà nước Trung Quốc, dù chưa cụ thể thấy máu đổ, cho thấy Bắc Kinh khó thể chính danh khi nắm lấy quyền lãnh đạo Tân Cương, không cho vùng đất này được tự trị.
Thành công và hạn chế của phe Dân Chủ Mỹ
Về cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua ở Hoa Kỳ, Le Monde phân tích về « Sự thành công và hạn chế của phe Dân Chủ », hiện đang bị giằng co giữa cánh tả và cánh trung.
Tuy chiến thắng trong cuộc đua vào Hạ Viện, nhưng các ứng viên cánh tả chỉ giành được lợi thế tại các đơn vị bầu cử không mấy quan trọng.
Dân Chủ nay có được đa số tương đối trong Hạ Viện, và giành được thêm bảy ghế thống đốc, trong bối cảnh lý ra phải có lợi cho ông Donald Trump : kinh tế phát triển mạnh và không có cuộc khủng hoảng quốc tế quan trọng nào.
Tuy nhiên « làn sóng xanh » không đạt được như mong đợi, Dân Chủ thất thế tại các vùng nông thôn.
Những khuôn mặt hàng đầu trong cuộc bầu cử 2018 đều thuộc cánh tả mà Bernie Sander của năm 2016 là biểu tượng, họ chiến thắng nhưng tại các địa phương xưa nay vẫn bầu cho Dân Chủ.
Cánh tả này không lật đổ được một ghế nào ở Hạ Viện, mà chính phe ôn hòa của Tân Liên Minh Dân Chủ mới giành được thắng lợi tại 23/29 đơn vị nơi họ ra tranh cử.
Yemen trong tình trạng tuyệt vọng
Libération nhìn sang Trung Đông, kêu gọi « Hãy nỗ lực tìm kiếm hòa bình cho Yemen ». Sau vụ sát hại nhà báo Khashoggi, phương Tây gây áp lực với Riyad, để kết thúc một cuộc chiến đã kéo dài bốn năm trong sự thờ ơ của mọi người.
Tờ báo bày tỏ mong muốn « Yemen, giờ là lúc khởi đầu cho hồi kết của cuộc chiến ? ».
Cảng Hodeida, nơi thực phẩm và thuốc men từ bên ngoài đưa vào Yemen đang bị phong tỏa, khiến có nguy cơ xảy ra nạn đói.
Vốn là quốc gia nghèo nhất trong thế giới Ả Rập, phải nhập khẩu 90% thực phẩm, hiện nay có đến 22/28 triệu người Yemen phải sống nhờ viện trợ quốc tế.
Nhiều trung tâm y tế không còn hoạt động, y bác sĩ không được trả lương từ tháng 8/2016. Yemen ba năm qua không có ngân sách, đồng tiền quốc gia mất giá 50%, giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng vọt.
Hiện nay trên 420.000 trẻ em Yemen bị suy dinh dưỡng, và tuy nạn đói chưa diễn ra, nhưng tình hình chung được đánh giá là thảm họa.
Tình báo kinh tế, giá xăng… : Tựa chính báo Pháp
Trong lúc tổng thống Mỹ Donald Trump đả kích Pháp nặng nề chưa từng thấy, Le Figaro hôm naybáo động « Hoa Kỳ đã dọ thám các công ty của chúng ta như thế nào ».
Tờ báo tiết lộ một báo cáo của cơ quan tình báo Pháp, cảnh báo về các phương pháp tấn công dữ dội của người Mỹ, cho rằng Paris vẫn còn ngây thơ trước tình báo kinh tế.
Về chính trị trong nước, Le Monde nhận định « Tổng thống Pháp Macron lo ngại cử tri của mình sẽ bỏ sang phe Sinh thái » trong cuộc bầu cử châu Âu sắp tới.
La Croix dành trang nhất cho « Chiếc áo gilet phẫn nộ » : Chính phủ Pháp hôm nay loan báo các biện pháp để giảm nhẹ tác động của việc tăng giá xăng, trong lúc phong trào « Gilet vàng » (tức những chiếc áo dạ quang) chuẩn bị xuống đường rầm rộ vào thứ Bảy này để phản đối.
Les Echos chạy tựa lớn « Brexit : Bà May đặt cược vào kế hoạch ly dị » với châu Âu.
Sau nhiều tháng thương lượng, các bên đã đạt được một thỏa thuận về kỹ thuật, và các bộ trưởng Anh hôm nay cho ý kiến đồng ý hay không.