Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Phi cơ Mỹ bay trên Biển Đông bị Trung Quốc liên tục cảnh báo

BD US TQ

Phi đội không quân trên tàu sân bay USS Carl Vinson hoạt động tuần tra trong vùng Biển Đông hôm 14/02/2018.
AYEE MACARAIG / AFP

Đài CNN hôm nay 11/08/2018 cho biết một phi cơ trinh sát P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ khi bay trên quần đảo Trường Sa ở Biển Đông đã bị quân đội Trung Quốc xua đuổi, đòi hỏi « phải rời lãnh thổ Trung Quốc ngay lập tức » đến sáu lần.

Phóng viên CNN có mặt trên phi cơ tường thuật, trong suốt chuyến bay phía Trung Quốc liên tục cảnh báo :

« Hãy rời đi ngay lập tức, tránh bất kỳ sự hiểu lầm nào ».
Mỗi lần như thế phi hành đoàn chiếc Poseidon đều trả lời : « Đây là phi cơ của Hải quân Hoa Kỳ, đang tiến hành hoạt động quân sự hợp pháp bên ngoài không phận và hải phận của các nước.
 Khi thực hiện các quyền được luật pháp quốc tế bảo đảm, chúng tôi hoạt động với sự tôn trọng quyền và nghĩa vụ của mọi Nhà nước ».

Phi cơ trinh sát Mỹ bay ở độ cao khoảng 5.000 mét, trên bốn đảo nhân tạo đã bị Trung Quốc quân sự hóa là Đá Xubi (Subi Reef), Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), Đá Gạc Ma (Johnson Reef) và Đá Vành Khăn (Mischief Reef).

Tại Đá Xubi, các thiết bị cảm biến của phi cơ ghi nhận được đến 86 chiếc tàu kể cả tàu tuần duyên, đang neo đậu trong một đầm nước mặn khổng lồ.
Còn trên Đá Chữ Thập có hẳn một phi đạo dài. Sĩ quan chỉ huy tác chiến nói : « Rất ngạc nhiên khi thấy sân bay ngay giữa đại dương ».

Có thể thấy rõ một tòa nhà năm tầng, thiết bị radar quy mô tại đây, còn hỏa tiễn thì các sĩ quan Mỹ cho rằng đã được che đậy.
Trong khi đó hồi năm 2015 ông Tập Cận Bình đã hứa với tổng thống Obama là không quân sự hóa Biển Đông.

CNN không liên lạc được với bộ Ngoại Giao Trung Quốc để có lời bình luận.
Ngược lại trong thời gian diễn ra phi vụ, Hoàn Cầu Thời Báo bản tiếng Hoa kêu gọi độc giả « ủng hộ những người lính Trung Quốc bảo vệ lãnh thổ ».

Trong bài phóng sự, CNN nhắc lại, trong hai năm qua Trung Quốc đã nhanh chóng đào đắp, củng cố các đảo nhân tạo.
Bắc Kinh còn bố trí các hỏa tiễn trên các đảo đang kiểm soát ở Trường Sa nhân cuộc tập trận hồi tháng Tư.
Đây là cuộc tập trận hải quân quy mô nhất trong lịch sử Trung Quốc với sự thị sát của Tập Cận Bình, huy động 10.000 quân, 48 chiến hạm và 76 máy bay chiến đấu.

Bắc Kinh coi việc Hoa Kỳ cho tuần tra hàng không và hàng hải trên Biển Đông là « khiêu khích », « quân sự hóa », và viện vào cái cớ này để biện minh cho sự hiện diện quân sự của Trung Quốc trên vùng biển chiến lược.

Hồi tháng Năm, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã gán cho Mỹ là « vừa ăn cướp vừa la làng ».

Switch mode views: