Việt Nam : Lũ cuốn và tình người trong thiên tai
- Chúa Nhật, 01 tháng Bảy năm 2018 21:30
- Tác Giả: Thụy My
Một căn nhà của người dân Quản Bạ, Hà Giang bị hư hại vì nước lụt và đất lở. Ảnh chụp ngày 26/06/2018.
Đỗ Nam Trung
Số lượng nạn nhân bị thiệt mạng vì lũ cuốn tại Việt Nam cho đến hôm nay 27/06/2018 đã lên đến 21 người.
Chính quyền cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, đất lở còn rất cao tại sáu tỉnh miền núi Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, với dự báo những trận mưa lớn sắp tới.
Lai Châu là nơi bị thiệt hại nặng nhất với ít nhất 16 người chết và 9 người bị lũ cuốn mất tích; Hà Giang có 5 người thiệt mạng.
Trả lời RFI Việt ngữ, anh Đỗ Nam Trung thuộc nhóm No U thiện nguyện cho biết nhóm anh đã lên đến nơi bị nạn thuộc tỉnh Hà Giang rất sớm, sau đó một số đoàn từ thiện cũng đã đến giúp đỡ đồng bào địa phương trong cơn hoạn nạn.
" Nhóm No U thiện nguyện lên đây chỉ có ba anh em thôi. Chiều tối nghe thông tin thì ba anh em lên kế hoạch đi.
Tiền bạc không có gì vì tụi em là hội nhóm tự phát, toàn anh em tự ngồi lại với nhau chứ chẳng có nguồn vốn gì cả.
Định đi ngay trong đêm nhưng tiền chưa có, đồ cũng không mua được. Đợi đến sáng mới đánh xe đi mua đồ đạc, đến gần trưa thì xuất phát từ Hà Nội đi. Vừa đi vừa kêu gọi, thì bà con mới gởi tiền nong.
Phải mua lương khô, muối i-ốt, bột canh, mì tôm…từ dưới Hà Nội mang lên.
Ở trên này đâu có gì để mua. Lúc đó loạn cả lên, cả thành phố Hà Giang đang chìm ngập trong biển nước.
Nước hôm đó lên cao, xả lũ, nhiều người không ra được khỏi nhà. Bởi vậy phải mua từ Hà Nội, chứ mang tiền lên trên này đâu mua được gì.
Điện mất, internet mất, mình có muốn rút tiền cũng không rút được.
Chiều tối hôm qua em lên đến Hà Giang. Rất may là khi lên đến thành phố Hà Giang thì nước rút nhiều không còn ngập, không bị cô lập nữa, chỉ ngập trên Quản Bạ thôi.
Ban đầu em vào thì bị tắc đường, những tảng đá lớn trên núi và đất lở trùm kín đường không vào được.
Đi vòng hai, ba lần vẫn không vào được, phải chờ máy xúc, máy ủi dẹp bớt đất bùn mới vô được. Đoàn em là đoàn đầu tiên vào trong đó, hai xã Cán Tỷ và xã Lùng Tám.
Tất nhiên sẽ có sạt lở tiếp nhưng mình tranh thủ đi thật nhanh thôi. Tụi em đi núi nhiều rồi, đi làm thiện nguyện nhiều, biết địa lý, tình hình khu vực nên không sợ lắm.
Lên đến huyện Quản Bạ, có mấy khu vực sạt lở. Hôm qua vẫn bị cách ly, sáng nay cũng không tiếp cận được, ngồi đợi đến trưa, máy xúc, máy ủi gạt đất bùn đi thì anh em mới vào được đúng nơi bà con bị thiệt hại nặng nề nhất.
Nơi đó thuộc xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, thôn bị nặng nhất là thôn Tùng Nùn.
Chính quyền địa phương cũng nghèo, mình lên trên đó thì họ hỗ trợ về nhân lực cho mình.
Thí dụ mình mang đồ đạc, quà cáp lên thì có đội thanh niên tự vệ khoảng mấy chục người ra khuân vác đồ giúp, mở đường cho mình vào.
Chính quyền không có tiền, chỉ có thể chỉ đạo về việc đó, rồi hỗ trợ người dân sơ tán ra khỏi nơi nguy hiểm.
Trên này lũ ống quét đột ngột, sau đó rút dần, để lại thiệt hại về người và của.
Người thì có mấy trường hợp thiệt mạng, còn nhà thì khá nhiều nhà bị mất trắng.
Cả cái nhà bị đất đá trên núi sụt xuống đổ ụp vào nhà. Có hai mẹ con một chị không kịp chạy, nhà sập đè cả hai.
Ở chỗ em đang làm có danh sách số hộ bị mất nhà và số người bị thiệt mạng.
Hôm nay em có vào thăm những gia đình đó. Có trường hợp vợ mất, con mất rồi, còn lại mỗi người chồng, em có vào ủng hộ tiền bạc, vật dụng cho anh ấy để sinh hoạt. Mất nhà mất cửa, mất cả vợ lẫn con, còn có mỗi mình.
Qua những hình ảnh em đưa lên và livestream, em có nói rõ là ở địa bàn nào, bị thiệt hại như thế nào…thì cũng có những hội nhóm từ thiện lên và vào trong đó được.
Hôm nay thì thông đường rồi, ô tô đã vào được tận nơi, quà cáp các thứ đã mang đến được.
Cái mà người dân cần bây giờ là một nếp nhà mới để ở, chứ đâu ở tạm bợ mãi được.
Có người phải đi ở nhờ nhà anh chị em, bà con, có người ở tạm tại các trường tiểu học, trung học. Tại vì có còn chỗ nào về đâu ?
Nền nhà bây giờ đất núi sạt xuống, vùi lấp kín cả cái nhà. Bình thường thì nền nhà phẳng, giờ bị phủ lấp nên có độ dốc, bùn đất lấp hết cả lên, nên phải dựng nhà chỗ khác.
Trong đống đổ nát đó họ lục tìm những gì còn tận dụng được, nhưng đa phần là mất hết. Ở trên này đa số bà con là người Mông, họ trồng ngô làm mèn mén để ăn, hoặc chăn nuôi gia súc.
Bây giờ ngô bị hư hại hết rồi. "
Tin mới
- Washington muốn chặn China Mobile vào Mỹ - 03/07/2018 16:21
- Báo Mỹ vạch trần cách Trung Quốc gài bẫy thâu tóm Sri Lanka - 03/07/2018 14:14
- Thương mại : Châu Âu cảnh báo Mỹ nguy cơ leo thang căng thẳng - 03/07/2018 13:55
- Malaysia : Cựu thủ tướng Najib Razak bị câu lưu - 03/07/2018 13:48
- Hoài nghi về thực tâm giải trừ hạt nhân của Bắc Triều Tiên - 02/07/2018 21:40
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 02 -07-2018 - 02/07/2018 21:30
- Nhật đặt mua radar của Mỹ để đối phó với Trung Quốc - 02/07/2018 21:13
- Nga: Biểu tình phản đối kế hoạch nâng tuổi về hưu - 02/07/2018 20:13
- Bầu tổng thống Mêhicô: Chiến thắng lịch sử của cánh tả - 02/07/2018 16:42
- Trung Quốc đặt tuần duyên dưới quyền chỉ huy của quân đội - 02/07/2018 15:43
Các tin khác
- Đài Loan: Luật cải cách hưu bổng quân nhân bắt đầu có hiệu lực - 01/07/2018 19:42
- World Cup 2018 : Messi và CR7 « bị loại », Pháp-Uruguay vào tứ kết - 01/07/2018 19:20
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 30-06-2018 - 01/07/2018 00:05
- Thượng đỉnh Singapore : Kim Jong Un, bậc thầy ảo thuật ? - 30/06/2018 23:47
- Khánh thành căn cứ mới của lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc - 30/06/2018 23:00
- Hun Sen bổ nhiệm con trai làm tư lệnh Quân đội Hoàng gia Cam Bốt - 30/06/2018 15:38
- Úc đổi mới đội tầu Hải Quân để đối phó với Trung Quốc - 30/06/2018 15:31
- NATO : Mỹ nghiên cứu việc rút quân khỏi Đức - 30/06/2018 15:04
- Hung thủ bắn chết 5 người của tờ báo ở Maryland bị truy tố - 29/06/2018 23:48
- Tháp Eiffel khoác áo giáp chống khủng bố - 29/06/2018 23:08