Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 05- 07-2017
- Thứ Tư, 05 tháng Bảy năm 2017 18:42
- Tác Giả: Thụy My
Hỏa tiễn liên lục địa Bắc Triều Tiên và bẫy rập chiến tranh
Hỏa tiễn liên lục địa Hwasong-14 của Bắc Triều Tiên. Ảnh của KCNA phát ngày 05/07/2017.
KCNA/via REUTERS
Bắc Triều Tiên bắn hỏa tiễn liên lục địa, chương trình hành động của chính phủ Pháp được thủ tướng Edouard Philippe trình bày trước Quốc Hội lưỡng viện hôm qua, đó là hai đề tài được các báo Paris chú ý nhiều nhất hôm nay.
Hỏa tiễn Bắc Triều Tiên nay có thể tấn công đất Mỹ
Les Echos báo động : « Bắc Triều Tiên từ nay có thể tấn công các mục tiêu ở Hoa Kỳ ». Lần đầu tiên Bình Nhưỡng chứng tỏ khả năng bắn đi một hỏa tiễn đạn đạo đi xa gần 7.000 km, làm đảo lộn bàn cờ địa chính trị vì rốt cuộc đã sở hữu được vũ khí răn đe thực sự.
Các nhà chiến lược Mỹ lâu nay vẫn phải bất lực chứng kiến các tiến bộ kỹ thuật của Bắc Triều Tiên, nay với vụ bắn hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa (ICBM) này, Donald Trump sẽ buộc phải xem lại cách đối phó.
Les Echos nhắc lại, ngay từ đầu năm nay, Kim Jong Un đã tuyên bố sắp sửa phóng đi một ICBM có thể mang theo trọng lượng quy ước, bay xa đến 5.500 km.
Từ nhiều năm qua, các kỹ sư Bắc Triều Tiên đã làm chủ được công nghệ hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn và tầm trung, về lý thuyết có thể bắn đến Hàn Quốc, Nhật Bản và đảo Guam của Mỹ.
Theo đài truyền hình Nhà nước KCTV, Bắc Triều Tiên vừa bổ sung vào kho vũ khí này một ICBM loại Hwasong-14, và điều này cũng phù hợp với các dữ liệu của tình báo Hàn Quốc và Nhật Bản.
Hỏa tiễn bắn đi từ căn cứ không quân Panghyon ở tây bắc Bình Nhưỡng, 39 phút sau đã rơi xuống biển Nhật Bản.
Ông David Wright, đồng giám đốc UCS Global Security giải thích : « Tầm bắn này chưa đủ để chạm đến 48 tiểu bang Mỹ hoặc đảo Hawai, nhưng có thể bay đến Alaska ».
Jeffrey Lewis của Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury cảnh báo, Hwasong-14 có thể bay xa 10.000 km với đầu đạn nhỏ.
Việc nắm được công nghệ này là ưu tiên hàng đầu đối với Kim Jong Un, vốn đã giám sát gần 80 vụ bắn tên lửa từ khi lên nắm quyền cuối năm 2011.
Nhận định rằng Saddam Hussein ở Irak hay Mouammar Kadhafi ở Libya bị cộng đồng quốc tế trừ khử là do từ bỏ chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt, Kim Jong Un đã thúc giục quân đội phát triển không chỉ hỏa tiễn đạn đạo mà cả các đầu đạn nguyên tử thu nhỏ gắn vào hỏa tiễn, để ngăn chận mọi cuộc tiến công từ nước ngoài.
Trump cứ phản đối trên Twitter, Bình Nhưỡng vẫn bắn tên lửa
« Kim Jong Un thách thức nước Mỹ đúng vào ngày 4 tháng Bảy », mặc cho những lời đe dọa của tổng thống Donald Trump - Le Figaro nhận xét. « Kim bắn hỏa tiễn, Trump bực tức »,Libération ghi nhận.
Bắc Triều Tiên vốn ưa thích các dịp kỷ niệm. Hỏa tiễn Hwansong-14 bắn đi từ một giàn phóng cơ động do Trung Quốc sản xuất, đúng vào dịp Quốc khánh Hoa Kỳ, làm bữa tiệc pháo hoa của ông Trump mất vui và là thách thức cá nhân đối với tổng thống Mỹ, đặt ông vào chân tường.
Tổng thống Donald Trump trước đây coi việc phóng hỏa tiễn liên lục địa là « lằn ranh đỏ », nay đành giảm nhẹ sự việc.
Ông viết trên Twitter : « Chắc là gã này chẳng có việc gì khác để làm trong đời ? »
Libération nhắc lại, hồi đầu năm khi Kim Jong Un khoe « đang trong giai đoạn cuối cùng trước khi bắn thử nghiệm một hỏa tiễn liên lục địa », đang đêm, tổng thống Mỹ trên Twitter đã khẳng định « điều đó sẽ không xảy ra ».
Từ đó đến nay, ông Trump tiếp tục viết Twitter, còn Bình Nhưỡng thì vẫn đều đều thử tên lửa.
Theo Le Figaro, thành công này của Bắc Triều Tiên đã cung cấp đạn dược cho phe diều hâu Mỹ, chủ trương « tấn công phòng vệ » bất chấp rủi ro chiến tranh khu vực.
Giáo sư Daniel Pinkston thuộc trường đại học Troy cho rằng : « Trên thực tế, không có giải pháp trước mắt.
Khả năng can thiệp quân sự là thiếu thực tiễn, vì sẽ dẫn đến việc các căn cứ Mỹ ở Hàn Quốc và Nhật Bản bị trả đũa ».
Còn Libération nhận định, đối với Seoul, sự kiện này làm suy yếu chủ trương của tân tổng thống Hàn Quốc muốn hòa giải với người anh em phương bắc.
Đọc thêm: Chiến tranh giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên có thể nổ ra ?
Hỏa tiễn liên lục địa Bắc Triều Tiên thay đổi bàn cờ địa chính trị
Les Echos phân tích các vấn đề địa chính trị đặt ra từ vụ bắn hỏa tiễn liên lục địa của Bình Nhưỡng.
Trước hết, liệu có thể tự vệ trước loại hỏa tiễn này không ?
Câu trả lời là chưa. Các nước cảm thấy bị đe dọa trong những năm gần đây đã triển khai nhiều loại lá chắn tên lửa. Hoa Kỳ lắp đặt nhiều hệ thống THAAD (Terminal High Altitude Area Defense) trên lãnh thổ Mỹ và tại Hàn Quốc.
Tuy nhiên, hệ thống này không thể bắn hạ hỏa tiễn liên lục địa, và chỉ chận được các loại tầm ngắn hay tầm trung như Nodong hay Musudan.
Quân đội Mỹ và Nhật sở hữu các chiến hạm trang bị hệ thống chống hỏa tiễn đạn đạo Aegis, nhưng chủ yếu nhằm bảo vệ các tàu chiến.
Washington đặt hy vọng vào hệ thống bắn chận GMD (Ground Based Midcourse Defense) vừa phức tạp vừa tốn kém.
Phối hợp một mạng lưới gồm radar rất mạnh, vệ tinh và hai giàn phóng, hệ thống này nhận ra ICBM và phóng đi một hỏa tiễn sát thủ EKV (Exoatmospheric Kill Vehicle) để phá hủy ICBM ở độ cao 600 km.
Tháng Năm vừa rồi quân đội Mỹ loan báo thử nghiệm thành công GMD, tuy nhiên hệ thống này chỉ có thể đi vào hoạt động trong nhiều năm tới.
Thứ hai, Bình Nhưỡng sở hữu những loại vũ khí nào ?
Khá đầy đủ, khoảng vài chục hỏa tiễn từ loại Scud (tầm bắn 500 km, có thể bắn tới Hàn Quốc) hay Nodong (chỉ trong 7 phút đã bay đến Tokyo), và cả loại Musudan (tầm bắn 2.500 đến 4.000 km), Hwangsong-12 (4.500 km, bắn đến căn cứ Guam của Mỹ).
Trong dịp diễu binh kỷ niệm 105 năm sinh nhật Kim Il Sung hồi mùa xuân, các chuyên gia nhận ra nhiều loại hỏa tiễn thế hệ mới.
Bị bất ngờ trước vụ bắn Hwasong-14 hôm qua, các nhà chuyên môn cho rằng Bình Nhưỡng sở hữu nhiều loại hỏa tiễn liên lục địa.
Thứ ba, Bắc Triều Tiên có trang bị được đầu đạn nguyên tử cho hỏa tiễn hay không ? Không chắc lắm, dù Bình Nhưỡng khẳng định điều này. Vụ thử nguyên tử gần đây nhất đạt đến 10 kilotonne, tức tương đương 10.000 tấn TNT.
Để so sánh, hai quả bom mà Hoa Kỳ thả xuống nước Nhật trong Đệ nhị Thế chiến có sức mạnh lần lượt là 15 kilotonne (ở Hiroshima) và 17 kilotonne (Nagasaki).
Tuy nhiên chưa có bằng chứng nào cho thấy Bình Nhưỡng có thể thu nhỏ được đầu đạn để gắn vào tên lửa, cũng như đủ vững chắc trước độ rung và nhiệt độ trong đường bay xuyên lục địa.
Cuối cùng, liệu có thể ngăn chận được các chương trình đạn đạo và nguyên tử Bắc Triều Tiên hay không ? Câu trả lời là không.
Từ 11 năm qua, đất nước khép kín này đã bị nhiều trừng phạt của Liên Hiệp Quốc hoặc trực tiếp từ các quốc gia.
Nhưng bất chấp cấm vận, Bắc Triều Tiên sẵn sàng hy sinh việc phát triển kinh tế và mức sống người dân cho các chương trình vũ khí.
Đã có nhiều tiếng nói muốn hòa dịu hơn với Bình Nhưỡng, nhưng chính quyền Trump lo sợ đây là một dạng công nhận tư cách cường quốc nguyên tử cho Bắc Triều Tiên.
Gần đây Washington hàm ý khả năng can thiệp quân sự, nhưng tiến bộ kỹ thuật mới nhất của Bình Nhưỡng khiến giải pháp này trở nên đầy bất trắc.
Vì sao không ngăn chận được hỏa tiễn Bắc Triều Tiên ?
« Vì sao không ngăn chận được Bắc Triều Tiên ? »
Để trả lời câu hỏi này, La Croix đăng tải ý kiến khác nhau của hai chuyên gia.
Nhà nghiên cứu Antoine Bondaz của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược cho rằng, đó là do cộng đồng quốc tế không có được một chiến lược chung, trong khi Bình Nhưỡng rất quyết tâm và có phương pháp.
Còn theo nhà sử học chuyên về Triều Tiên Juliette Morillot thì vấn đề là do không hiểu tường tận về Bắc Triều Tiên.
Vũ khí nguyên tử là một loại bảo hiểm nhân thọ, bảo đảm cho sự sống còn của chế độ.
Bên cạnh đó, mỗi nước có lợi ích khác nhau. Trung Quốc cần một vùng đệm, nên không sẵn sàng bỏ rơi đồng minh Bình Nhưỡng.
Đối với Hoa Kỳ, sự hiện diện của Bắc Triều Tiên là cần thiết, chẳng hạn để duy trì sự hiện diện quân sự trong khu vực mà Bắc Kinh đang vươn lên.
Hàn Quốc cũng chẳng mong một nước Triều Tiên thống nhất vì cái giá phải trả quá lớn cho nền kinh tế.
Tóm lại, tất cả đều tỏ ra nhập nhằng và chừng như không ai muốn thông cảm cho quan điểm của người khác.
Donald Trump trước bẫy rập chiến tranh
Trong bài viết mang tựa đề « Donald Trump, Tập Cận Bình và chiếc bẫy Thucydide », Le Figaro cho biết cách đây vài tuần, giáo sư khoa học chính trị Graham Allison, giám đốc Belfer Center của trường đại học Havard đã đến thăm Hội đồng An ninh Quốc gia tại Nhà Trắng.
Ông giới thiệu tác phẩm « Chiếc bẫy Thucydide », với những phân tích rút ra từ cuộc chiến Péloponnèse giữa Sparte (Sparta, một trong hai cường quốc hùng mạnh nhất lục địa Hy Lạp khoảng 110 năm trước Công nguyên) với Athens cách đây 2.500 năm, để đoán định tương lai quan hệ Mỹ-Trung.
Nhà sử học cổ đại Thucydide đã viết : « Chính vì sức mạnh đang lên của Athens và nỗi sợ của Sparte đã khiến chiến tranh không thể tránh khỏi ».
Sau khi thấy rằng nỗ lực của Trung Quốc « không hiệu quả », một bộ phận trong ê-kíp ông Trump chủ trương phải cứng rắn hơn.
Giọng điệu giữa hai cường quốc bắt đầu gay gắt từ thứ Sáu tuần trước, Bắc Kinh tức tối trước việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan và trừng phạt một ngân hàng Trung Quốc có quan hệ với Bắc Triều Tiên.
Giáo sư Allison nhận xét : « Cường quốc đang lên không hề tin tưởng ở cường quốc đang thống trị, và ngược lại ».
Theo ông, cả Bắc Kinh lẫn Washington đều ý thức về chiếc bẫy mà ông gọi là Thucydide.
Nhưng cả hai nhà lãnh đạo Đức và Anh năm 1914 cũng đều ý thức về mối nguy hiểm, tuy nhiên cả hai đều không thể ngồi vào bàn thương lượng để tránh được cuộc chiến.
Tương tự, trong bài xã luận mang tựa đề « Chiếc bẫy Bắc Triều Tiên »,Les Echos nhận định một cuộc chiến tranh có thể xảy ra do thiếu ý thức hoặc do căng thẳng lên cao giữa hai lãnh đạo thiếu bình tĩnh.
Từ sau hai quả bom nguyên tử của Mỹ thả xuống Hiroshima và Nagasaki, vũ khí hạt nhân không hề được thế giới sử dụng mà chỉ mang tính răn đe.
Nhưng ngày nay, đại cường số một thế giới lại được lãnh đạo bởi một tổng thống có tính khí khó đoán định là Donald Trump.
Có nguy cơ ông Trump quyết định tấn công phòng vệ, mà theo tờ báo, như vậy là rơi vào chiếc bẫy của Bình Nhưỡng với việc trả đũa vào Hàn Quốc, trừ phi Bắc Kinh hiểu rằng thời gian không còn nhiều để tránh kịch bản này.
Tàu cao tốc made in China
Cũng liên quan đến Trung Quốc nhưng trên lãnh vực kinh tế, Libération cho biết « Trung Quốc đã tự sản xuất tàu cao tốc ».
Sau thất bại cay đắng với « China Star » năm 2006, mạng lưới xe lửa của nước này vừa đón nhận chiếc tàu cao tốc nội địa đầu tiên.
Tiến bộ này là kết quả của đòi hỏi chuyển giao kỹ thuật từ phương Tây trong nhiều thập kỷ qua.
Trung Quốc hiện có đến trên 1.000 toa tàu cao tốc, nhiều gấp đôi nước Pháp.
Tuy nhiên một số được nhập bằng đường biển từ Nhật, Ý, Đức, số khác dưới dạng bán thành phẩm, được lắp ráp tại các công ty liên doanh ở Hoa lục.
Đoàn tàu cao tốc ra mắt lần này có các bộ phận chính như thắng, hệ thống kiểm soát…made in China, nhưng với công nghệ không phải do bản thân Trung Quốc sáng tạo ra.
Các nhà sản xuất ngoại quốc muốn vào được thị trường Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ cụ thể, đào tạo các kỹ sư tại chỗ.
Trong thập niên 80, tập đoàn Alstom của Pháp đã bán các đầu máy diesel cho Trung Quốc, rồi sau đó bị sao chép lại ngay tại các xưởng sản xuất ở Hoa lục.
Tập đoàn CRRC của Bắc Kinh dù có công suất lớn nhất thế giới, nhưng chỉ xuất khẩu được có 8%.
Ngay cả tại những nước bạn bè, cũng gặp phải trở ngại. Tại Thái Lan, dự án Bangkok-Nakhon Ratchasima đến cuối năm nay mới khởi động được ; còn tại Mêhicô, tổng thống đành phải từ bỏ dự án tuyến đường cao tốc nối với Querétaro định giao CRRC, vì vấp phải phản ứng của Quốc Hội.
Như thường lệ, lễ khai trương đoàn tàu cao tốc đầu tiên sản xuất trong nước được tổ chức rất tưng bừng - nhiều ống kính truyền hình theo sát và những dải băng cùng với bông hoa to màu đỏ rực trước mũi tàu.
Chiếc tàu mang tên « Phục Hưng » - mang hơi hướng chủ trương « làm tái sinh Trung Hoa vĩ đại » của Tập Cận Bình – được cho ra đời lúc này không phải là sự tình cờ : vài tháng nữa là đến Đại hội Đảng, ông Tập sẽ được giao « phục vụ » thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa.
Tin mới
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 08- 07-2017 - 08/07/2017 22:52
- Bắc Triều Tiên phát triển mạng thông tin nội bộ để làm gì ? - 08/07/2017 14:13
- Đức: Đụng độ dữ dội giữa người biểu tình và cảnh sát bên lề thượng đỉnh G20 - 07/07/2017 23:15
- Làm lại cuộc đời sau khi thoát khỏi địa ngục Bắc Triều Tiên - 07/07/2017 17:59
- Biển Đông: Việt Nam dùng dầu khí công phá đường lưỡi bò Trung Quốc - 07/07/2017 16:48
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 07- 07-2017 - 07/07/2017 16:41
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 06- 07-2017 - 06/07/2017 22:18
- Khủng hoảng vùng Vịnh : Ả Rập Xê Út không cho «chư hầu» ly khai - 06/07/2017 21:53
- Venezuela : Phe ủng hộ tổng thống gây hỗn loạn ở Quốc Hội - 06/07/2017 18:19
- Biển Đông : Hải Quân Mỹ – Việt diễn tập tại cảng Cam Ranh - 06/07/2017 15:05
Các tin khác
- Châu Âu cần làm gì trước sức mạnh hải quân Trung Quốc ? - 05/07/2017 17:10
- Mỹ-Hàn tập trận tên lửa đáp lại vụ bắn hỏa tiễn liên lục địa của BTT - 05/07/2017 16:18
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 04- 07-2017 - 04/07/2017 21:51
- Pháp : Vườn ươm mầm start-up, Station F - 04/07/2017 21:08
- Nga - Trung hợp lực đối đầu với Mỹ - 04/07/2017 17:24
- Bình Nhưỡng bắn thử tên lửa đúng ngày Quốc khánh Mỹ - 04/07/2017 15:12
- Nhà khoa học nữ gốc Việt trong top ảnh hưởng nhất thế giới - 03/07/2017 23:42
- Cảnh sát Mỹ dùng drone giữ an ninh trong Lễ Độc Lập - 03/07/2017 18:31
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 03- 07-2017 - 03/07/2017 17:21
- Thất vọng Bắc Kinh, Washington đánh ván bài thách thức tại Biển Đông - 03/07/2017 16:41