Ý, quả bom nổ chậm của Liên Hiệp Châu Âu ?
- Thứ Năm, 15 tháng Mười Hai năm 2016 00:40
- Tác Giả: RFI
Ngân hàng Monte dei Paschi của Ý có thể là ngòi nổ làm tan vỡ eurozone ?REUTERS/Max Rossi/File Photo
Đầy rẫy những khó khăn chờ đợi tân thủ tướng Ý, Paolo Gentiloni : tiếp tục công trình cải tổ của người tiền nhiệm, Matteo Renzi, với hy vọng giành lại niềm tin của giới đầu tư ; tránh cho nước Ý và cả châu Âu một cuộc khủng hoảng ngân hàng ; xua tan kịch bản mất khả năng thanh toán như Hy Lạp với hậu quả kèm theo là khối euro bị tan rã.
Đâu là những thách thức đe dọa bản thân nước Ý ?
Khủng hoảng trên xứ sở của Machiavel liệu có kéo theo eurozone vào vòng xoáy?
Ngày 11/12/2016 ngoại trưởng Gentiloni được tổng thống Sergio Mattarella, chỉ định để thành lập nội các mới, thay thế chính phủ của thủ tướng Renzi.
Lên cầm quyền vào lúc Matteo Renzi sau hơn 1000 ngày ở cương vị thủ tướng, ra đi để lại nước Ý với tỷ lệ thất nghiệp 11,6 %, kinh tế chưa tìm lại được mức tăng trưởng của năm 2007, tức thời kỳ tiền khủng hoảng.
Nợ công của nền kinh tế thứ ba trong khu vực đồng euro lên đến 132 % tổng sản phẩm nội địa, cao thứ nhì trong toàn khối chỉ thua có Hy Lạp (180 % GDP).
Nguy hiểm hơn cả là các ngân hàng Ý bị đe dọa vỡ nợ vì đang nắm giữ đến 360 tỷ euro nợ khó đòi, tương đương với 1/3 tổng số nợ xấu của toàn khối euro.
Đà tuột dốc không phanh của một ông khổng lồ công nghiệp
Là một trong sáu nước sáng lập ra Liên Hiệp Châu Âu, kinh tế Ý từ những năm qua phải đối mặt với nhiều thách thức lớn.
Khủng hoảng ở Roma không ồn ào như tại Athens nhưng lại có phần nghiêm trọng hơn, bởi nếu Hy Lạp chỉ chiếm 2 % GDP của khu vực đồng euro, thì nước Ý là nền kinh tế nặng ký thứ ba trong khối, đứng sau Đức và Pháp.
Theo viện thống kê châu Âu Eurostat, tổng sản phẩm nội địa của Ý hiện tại vẫn chỉ bằng thời điểm năm 2000, tức là trong 16 năm qua, quốc gia 61 triệu dân này không tạo ra thêm của cải.
Chính xác hơn là những thành tựu kinh tế từ năm 2000 đến 2007 đã bị khủng hoảng tài chính toàn cầu cuốn trôi.
Nhìn đến thu nhập bình quân đầu người, tình hình còn đáng quan ngại hơn : chỉ số này của năm 2015 đã rơi xuống mức ngang với năm 1997.
Nói cách khác, nếu căn cứ vào chỉ số này, thì nước Ý đang bị thụt lùi mất gần 20 năm.
Xét đến năng suất lao động, đầu thập niên 1970, Ý đứng ngang hàng với Pháp và Đức, nay đã bị hai quốc gia này bỏ xa lại phía sau.
Tám năm sau khủng hoảng tài chính thế giới, khác với nhiều đối tác châu Âu, Ý vẫn chưa lấy lại thăng bằng.
Một báo cáo gần đây của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế bi quan cho rằng, phải đợi đến năm 2025 tăng trưởng của Ý mới trở lại được như vào thời điểm 2007.
Những « liều thuốc đắng »
Vì ý thức được tất cả những nhược điểm này và sau khi đã lãng phí nhiều thời gian dưới thời thủ tướng Silvio Berlusconi, từ năm 2011 ba hội đồng chính phủ liên tiếp của thủ tướng Mario Monti (2011-2013), Enrico Letta (2013-2014) và Matteo Renzi (2014-2016) đã ráo riết cho ra đời hàng loạt các biện pháp cải tổ để vực dậy một ông khổng lồ kinh tế của châu Âu.
Công cuộc cải tổ đó đòi hỏi người dân phải hy sinh rất nhiều, từ các biện pháp cắt giảm an sinh xã hội đến lương hưu, giảm đầu tư công cộng, cắt bớt ngân sách giáo dục, quốc phòng, văn hóa …
Trong hai năm đứng đầu nội các, Matteo Renzi đã tiến hành 5 cuộc cải tổ dài hơi trong các lĩnh vực như tư pháp, thuế khóa và cả Hiến pháp.
Nhưng nổi bật nhất là luật cải tổ lao động.
Thủ tướng Renzi lên cầm quyền tháng 2/2014 khi tỷ lệ thất nghiệp hơn 12 %.
Tại những vùng đang trên đà phi công nghiệp hóa, hơn một nửa thanh niên dưới 26 tuổi không có việc làm.
Có điều, luật cải tổ đó không đem lại phép lạ cho thị trường lao động Ý, như ghi nhận của Paolo Levi, phóng viên hãng thông tấn Ansa tại Paris :
« Luật lao động Job Act từng là một trong những biện pháp cải tổ tích cực nhất đối với kinh tế của cả nước.
Đành là chúng ta không thể trực tiếp chứng minh được là nhờ luật này mà đã có bao nhiêu công việc làm được tạo thêm, nhưng chắc chắn một điều, là sau khi luật này được thông qua, thất nghiệp ở Ý được cải thiện.
Dù vậy hiện nay vẫn có đến 11,6 % người trong tuổi lao động không có việc làm ; tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ tức là dưới 26 tuổi vẫn cò là 27 % và tại một số vùng kém phát triển thì có tới 50 % thanh niên không tìm được việc.
Nói cách khác, nhờ luật lao động Job Act của ông Matteo Renzi mà tình hình có sáng sủa hơn, nhưng chưa đủ để đảo ngược thế cờ ».
Giáo sư về khoa học chính trị, giảng dậy tại đại học Paris 8, Anne Marijnen gắn liền thất bại chính trị của thủ tướng Renzi trong cuộc trưng cầu dân ý cải tổ Hiến pháp hôm 04/12/2016 với tỷ lệ thất nghiệp còn quá cao của nước Ý :
« Xã hội Ý công phẫn và chống đối luật lao động Job Act của thủ tướng Matteo Renzi bởi vì luật này đã cho phép nới lỏng các điều khoản để giới chủ có thể sa thải nhân viên, đẩy người lao động vào tình trạng bấp bênh.
Bất bình đó đã thể hiện qua lá phiếu của cử tri trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 04/12/2016.
Đi sâu vào chi tiết, có hai khía cạnh của vấn đề : một mặt luật lao động của ông Renzi cấm giới chủ sa thải nhân viên bừa bãi, hay lạm dụng luật cung cầu, thuê người với giá rẻ mạt, công nhân không được quyền nghỉ phép …
Những điều khoản này đã được ban hành trong luật lao động dưới thời thủ tướng Berlusconi- vốn là một doanh nhân của Ý.
Với thủ tướng Renzi, giới làm công ăn lương được đối xử tử tế hơn, nhưng mặt khác, tại Ý, các doanh nghiệp vẫn được quyền dễ dàng sa thải nhân công.
Dù muốn hay không, tỷ lệ thất nghiệp tại Ý đã giảm đôi chút – đang từ 12,7 % rơi xuống còn 11,6 % - so với hồi ông Renzi lên cầm quyền năm 2014.
Nhưng tình trạng lao động ở một số nơi còn rất tồi tệ ».
Từ bất ổn chính trị đến nguy cơ khủng hoảng ngân hàng
Nhưng với Ý, mối nguy lớn hơn nữa là đe dọa khủng hoảng ngân hàng.
Trong lĩnh vực này, từ năm 2010 các chính phủ liên tiếp đã thất bại trong việc cải tổ.
Mùa hè năm nay, kết quả cuộc trắc nghiệm về khả năng đối phó với khủng hoảng kinh tế và tài chính, stress test, của 51 nhà băng thuộc eurozone cho thấy, hai tập đoàn hàng đầu của Ý bị coi là « không an toàn » : Monte dei Paschi di Siena (BMPS) –ngân hàng lâu đời nhất nước, đội sổ.
UniCredit, tập đoàn ngân hàng số 1 của Ý cũng có tên trong danh sách các ngân hàng gây lo ngại.
Suy yếu của ngân hàng Ý do đâu dẫn tới ?
Theo giáo sư kinh tế Jacques Sapir, giám đốc trung tâm nghiên cứu Trường Cao Đẳng Khoa Học Xã hội, chính đà tuột dốc của kinh tế Ý từ đầu những năm 2000 – thời điểm Roma từ bỏ đồng tiền lire, tham gia đồng euro.
Thêm vào đó là tác động dây chuyền từ khủng hoảng tín dụng địa ốc 2007 rồi khủng hoảng tài chính 2008.
Doanh nghiệp Ý làm ăn thua lỗ, mất khả năng thanh toán.
Những khó khăn chồng chất đó đẩy núi nợ xấu của các ngân hàng Ý lên cao.
Vấn đề đặt ra là hiện tại tổng số nợ khó đòi các tập đoàn ngân hàng Ý và cả hệ thống ngân hàng châu Âu đang nắm giữ 360 tỷ euro nợ khó đòi, tương đương với 1/5 tổng sản phẩm nội địa của Ý.
Biết trước được thất bại của thủ tướng Renzi từ tháng 8/2016, tức ba tháng trước trưng cầu dân ý, các chủ nợ của Nhà nước Ý đã tăng lãi suất.
Chính quyền Roma đã phải đi vay tín dụng 10 năm với lãi suất hơn 2 % thay vì 1 % như trước. Chi phí ngân hàng như vậy càng đè nặng lên ngân sách của Ý.
Bên cạnh đó là lo ngại nước Ý lâm vào khủng hoảng chính trị, phải mất nhiều tháng mới có được chính phủ mới để tiếp tục công cuộc cải tổ.
Tạm thời kịch bản đen tối đó được xua tan sau khi nước Ý vừa có thủ tướng mới và nội trong tuần, tân thủ tướng Paolo Gentiloni thông báo thành phần chính phủ.
Việc tổng thống Matarella chỉ định ông Gentiloni đã phần nào trấn an giới đầu tư bởi vì đây là một sự thay đổi theo kiểu « bình mới rượu cũ » : thủ tướng Gentiloni là một người thân cận với ông Renzi và từng là ngoại trưởng trong nội các vừa mãn nhiệm.
Related news items:
Tin mới
- Nga xoay trục sang châu Á: Quá khứ và tương lai - 17/12/2016 17:13
- Trung Quốc: Chơi siêu xe, chịu siêu thuế - 17/12/2016 16:15
- Fed tăng phân lời .25%, và có thể tăng thêm 3 lần năm tới - 16/12/2016 19:27
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 16-12-2016 - 16/12/2016 18:52
- Lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống Mỹ tốn bao nhiêu? - 16/12/2016 18:12
- Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bắt tay dọa Tây phương - 16/12/2016 17:45
- Aleppo thất thủ : Hồi chuông báo tử cho phong trào nổi dậy Syria - 15/12/2016 19:31
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 15-12-2016 - 15/12/2016 19:18
- Donald Trump điện đàm với thủ tướng Việt Nam, tàu chiến Mỹ ghé cảng Cam Ranh - 15/12/2016 15:59
- Iran ký thỏa thuận mua 80 máy bay Boeing - 15/12/2016 00:51
Các tin khác
- Liên minh quốc tế tiêu diệt thêm ba lãnh đạo của Daech - 14/12/2016 23:44
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 14-12-2016 - 14/12/2016 23:36
- Tài phiệt bạn tổng thống Nga đứng đầu ngoại giao Mỹ - 14/12/2016 19:47
- Châu Âu đồng ý nâng trần thuế hải quan chống bán phá giá - 14/12/2016 19:18
- « Liệu Trung/Mỹ hướng tới chiến tranh lạnh ? » - 14/12/2016 18:05
- Nhịp Cầu Thế Giới : kết nối người Việt tại Hungary và trên thế giới - 14/12/2016 17:34
- Ngoại trưởng Mỹ, sự chọn lựa khó khăn nhất của ông Trump - 13/12/2016 22:37
- Quân đội Syria thông báo chiếm lại toàn bộ thành phố Aleppo - 13/12/2016 22:17
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 13-12-2016 - 13/12/2016 19:11
- Khả năng Trung Quốc gây sự ở Biển Đông và Đài Loan để dọa Donald Trump - 13/12/2016 15:53