Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Hồng Kông sợ quyền tự do xuất bản bị Bắc Kinh chà đạp

HONGKONG-PUBLISHER

Một người biểu tình mang ảnh những người bị mất tích thuộc nhà xuất bản Mighty Current ở Hồng Kông
REUTERS/Tyrone Siu

Sự mất tích bí ẩn của 5 người bán sách Hồng Kông khiến người dân lo sợ quyền tự do xuất bản tại đặc khu này bị chính quyền Trung Quốc ngang nhiên chà đạp.

Một số cửa hiệu bán sách chính trị, nơi có các sách bị cấm tại Trung Quốc, phải rút một loạt các ấn phẩm này. Nhiều chủ nhà xuất bản và hiệu sách lo sợ bị trả thù.

Nhật báo South China Morning Post, ra ngày 07/01/2015, đưa ra ví dụ, tổng cộng 8 điểm bán của chuỗi hiệu sách nổi tiếng Page One – bán sách Anh ngữ - (thuộc sở hữu của một công ty Singapore) đã phải rút các ấn phẩm từ cuối tháng 11/2015, ngay sau khi nhân viên xuất bản đầu tiên của Hồng Kông mất tích.

Tất cả những người mất tích đều làm việc cho công ty sách Mighty Current, một nhà sách nổi tiếng có thái độ phê phán Bắc Kinh.

Đa số khách hàng đến từ Hoa Lục. Họ là những công dân thường hay cán bộ đảng Cộng sản Trung Quốc khao khát các thông tin về bí mật của giới cầm quyền, hậu trường của cuộc đấu đá quyền lực, các tham nhũng, bê bối, hay các nghiên cứu bị cấm tại Trung Quốc.

 Một trong các cuốn sách bí mật bán chạy mới đây là « Đời sống tình cảm bí mật của Chu Ân Lai (Zhou Enlai) », cựu Thủ tướng Trung Quốc, hay « The Secret Deals Between Xi Jinping and Bo Xilai » (Các thỏa thuận ngầm giữa Tập Cận Bình và Bạc Hy Lai), hay cuốn mới đây « The Collapse of Xi Jinping in 2017 » (Sự sụp đổ của Tập Cận Bình năm 2017).

Những người tranh đấu cho dân chủ Hồng Kông, các nghị sĩ dân chủ Hồng Kông, cũng như nhiều cư dân, lên án chính quyền Trung Quốc chà đạp trắng trợn nguyên tắc « một quốc gia, hai chế độ », mà Bắc Kinh chấp nhận trước khi Hồng Kông trở về Trung Quốc năm 1997.
Theo nguyên tắc này, Hồng Kông được hưởng quyền bán tự trị trong 50 năm, và các nhân viên an ninh Trung Quốc không có quyền can thiệp tại mảnh đất này.

Điều nghiêm trọng nhất theo ông Jin Zhong, chuyên xuất bản các sách cấm Trung Quốc tại Hồng Kông, « là họ (tức người Trung Quốc) tới tận Hồng Kông để bắt giữ một ai đó. Đây là điều chưa từng thấy », « nếu điều này trở thành chuyện thông thường, và người ta có thể bắt bớ bất cứ ai, ở bất cứ nơi đâu (…) đây sẽ là một tai họa ».

Ông Paul Tang, chủ hiệu một hiệu sách nổi tiếng, nơi bán các sách bị cấm Trung Quốc, so sánh sự việc nói trên với một « cuộc khủng bố trắng ».
Ông dự đoán : « Không ai biết tình hình này sẽ dẫn đến đâu ».

Trả lời AFP, nghị sĩ dân chủ Hồng Kông Quách Gia Kỳ (Kwok Ka-ki) phân tích, nếu vụ bắt cóc ông Lý Ba (Lee Bo) bị an ninh Trung Quốc được xác nhận là có thực, « đây sẽ là một tín hiệu mạnh cho thấy chính quyền trung ương không còn khoan thứ cho bất cứ điều gì khiến họ phải lúng túng ».
 Ông cảnh báo : « Nếu chúng ta chấp nhận, họ sẽ tiếp tục theo hướng này, chúng ta không có sự lựa chọn nào khác là phải nói : Không ! ».

Châu Âu yêu cầu Trung Quốc điều tra

Hiện tại bí ẩn vẫn bao trùm xung quanh năm vụ mất tích, được cho là bắt cóc. Hai người trong số họ là công dân Châu Âu : bà Quế Minh Hải (Gui Minhai), quốc tịch Thụy Sĩ và ông Lý Ba (Lee Boo), quốc tịch Anh.

Hôm qua, 07/01/2015, Bruxelles ra thông báo yêu cầu chính quyền Trung Quốc, Hồng Kông và Thái Lan điều tra, làm sáng tỏ sự việc.
 Thái Lan là nơi bà Quế Minh Hải, người bán sách thứ tư mất tích. Ba vụ mất tích đầu tiên xảy ra tại miền nam Trung Quốc.

Công luận đặc biệt quan tâm đến vụ ông Lý Ba (Lee Boo), người mất tích thứ năm. Hôm 05/01, vợ của ông Lý Ba rút lại thông báo gửi cảnh sát về việc chồng mình đột ngột biến mất.

Theo tổ chức bảo vệ nhân quyền Amnesty International, rất có thể vợ ông Lý Ba đã bị áp lực của Trung Quốc.
Trong khi đó, hãng tin Đài Loan Central News Agency công bố một bức thư, được cho là của người mất tích, cho biết là ông khỏe mạnh và chủ động đi Trung Quốc, vì một lý do khẩn cấp và bí mật, « phục vụ cho một cuộc điều tra ».

Ông William Nee, chuyên gia về Trung Quốc, của Amnesty International, cho rằng bức thư « không đáng tin », ông cũng đặt câu hỏi, làm thế nào mà ông Lý có thể vượt qua biên giới Trung Quốc – Hồng Kông mà không để lại dấu tích nào.


Switch mode views: