Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Thái Lan: Rối loạn bầu cử phản ánh thái độ tiêu cực với nền dân chủ đầu phiếu

Thailande-chongdoi 4



Một người thuộc phong trào chống chính phủ tại Bangkok ngày 2/2/2014.
REUTERS/Kerek Wongsa


Từ nhiều tháng qua, cuộc khủng hoảng tại Thái Lan đe dọa sự ổn định chính trị mong manh của đất nước này.

Việc những người biểu tình, ngày hôm nay, ở nhiều nơi, ngăn cản cử tri bỏ phiếu phản ánh thái độ tiêu cực đối với nền dân chủ đầu phiếu, thường được gọi là dân chủ đại diện.

Theo phe đối lập Thái Lan, chính nền dân chủ đầu phiếu này đã đưa những chính trị gia tham nhũng lên cầm quyền, làm suy yếu triển vọng quản lý tốt đất nước.

 Cội nguồn của sự tức giận của một bộ phận dân chúng tại Bangkok xuất phát từ chỗ họ không chấp nhận Thủ tướng Yingluck Shinawatra và cáo buộc bà chỉ là con rối của cựu Thủ tướng Thaksin.

Bị lật đổ trong một cuộc đảo chính không đổ máu năm 2006, ông Thaksin sống lưu vong ở Dubai, để tránh phải ngồi tù sau khi bị kết án tham nhũng và lạm dụng quyền lực.

Trong lúc đó, em gái của ông Thaksin, bà Yingluck, vốn là một doanh nhân, không hề có kinh nghiệm chính trị và bà cũng không thành công trong việc khẳng định vị trí của mình như một Thủ tướng.

Những người biểu tình chống chính phủ tại Bangkok, đặt dưới sự chỉ đạo của Ủy ban cải cách dân chủ nhân dân – PDRC - bao gồm những thành phần bảo hoàng cực đoan mơ tưởng đến việc tái lập chế độ quân chủ chuyên chế và những người nông dân từ phía nam lên – nơi được coi là cứ địa của đảng Dân Chủ, thành phần chủ chốt trong phe đối lập. Bên cạnh đó, còn có giới trẻ làm công ăn lương, nhũng người thuộc tầng lớp trung lưu bức bối trước nạn tham nhũng và không chấp nhận sự lũng đoạn chính trường của gia đình Thaksin.

Những người biểu tình thường nêu ra tính đặc thù của một đất nước Thái Lan khác biệt, nơi mà nền dân chủ theo kiểu phương Tây không thể vận hành được.

 Bản thân thủ lãnh phong trào phản kháng, cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban, còn đòi xóa bỏ chính phủ, lập « Hội đồng nhân dân », để tiến hành cải cách chính tri, trước khi tổ chức bầu cử.

Ủy ban cải cách dân chủ nhân dân khẳng định rằng họ không chống dân chủ đầu phiếu, nhưng nhấn mạnh, nếu tổ chức bầu cử vào lúc này thì sẽ xẩy ra tình trạng mua bán phiếu bầu.

Tại Thái Lan, ai cũng biết có việc mua bán phiếu bầu. Thế nhưng, một nghiên cứu gần đây cho thấy hiện tượng này đang có xu hướng giảm.

Theo một số chuyên gia, được báo Bangkok Post trích dẫn, thì những cáo buộc không chính xác về nạn mua bán phiếu bầu đã được sử dụng như là yếu tố chính trong chiến dịch tẩy chay nền dân chủ đầu phiếu.

 Tuy nhiên, thực chất của vấn đề là ngày càng có nhiều người dân hiểu được giá trị của lá phiếu bầu và biết sử dụng quyền lựa chọn này để phục vụ lợi ích của họ.

Theo một cuộc thăm dò do Quỹ Châu Á – Asia Foundation – thực hiện năm 2009, tại 26 tỉnh của Thái Lan, thì có 30% số người được hỏi ủng hộ một chế độ chuyên quyền trong một số hoàn cảnh cụ thể, nhưng có tới 95% người Thái cho rằng dân chủ là cách tốt nhất để lãnh đạo đất nước.

Giáo sư Kriengsak Charoenwongsak, nguyên là nghị sĩ thuộc đảng Dân Chủ, được báo Straitstimes – Singapore trên mạng trích dẫn, cho rằng phe đối lập và phe ủng hộ chính phủ, « đều có một mức độ hiểu biết và thiện cảm nào đó đối với dân chủ.

Nhưng trong thâm tâm, cả Thaksin Shinawatra lẫn Suthep Thaugsuban đều không phải là những nhà dân chủ thực sự ».

Còn những người dân ở cả hai phe đều mong muốn có dân chủ cả về hình thức lẫn nội dung, thì lại không có tiếng nói của mình.

Có một thực tế hiển nhiên khác : Tại Thái Lan, quyền lực thực sự không phải chỉ nằm trong tay người dân, qua lá phiếu bầu : Quân đội, đồng minh của Hoàng gia và rất thù nghịch với « phe Shiwanatra », có thể có tiếng nói cuối cùng.

 Từ năm 1932 đến nay, Thái Lan đã trải qua 18 cuộc đảo chính thành công hoặc thất bại.

Cuộc khủng hoảng tại Thái Lan cho thấy nền dân chủ của nước này rất mong manh và đang bị lấn át bởi những tiếng ồn ào của các cuộc biểu tình và những tuyên bố mỵ dân.


Switch mode views: