Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Syria phủ bóng G20, Obama đối mặt Putin trong không khí chiến tranh lạnh

obama poutine g20


Tổng thống Nga Vladimir Putin (T) đón tổng thống Mỹ Barack Obama tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, ngày 05/09/2013 tại St. Petersbourg.
REUTERS/Grigory Dukor


Nguyên thủ các nước G20 gặp gỡ trong hai ngày bắt đầu từ ngày 05/09/2013 tại Saint-Petersburg nhân một hội nghị thượng đỉnh mà cái bóng của cuộc khủng hoảng Syria chắc chắn sẽ bao trùm lên tất cả.

Người ta chờ đợi sự đối mặt giữa chủ nhà, ông Vladimir Putin luôn ngáng chân mỗi lần phương Tây muốn trừng phạt chế độ Assad, và ông Barack Obama, đang tìm kiếm thêm đồng minh cho một cuộc can thiệp quân sự.

Mục đích chính thức của hội nghị G20 gồm các nước giàu và các quốc gia mới nổi chủ yếu là điểm qua tình hình kinh tế toàn cầu, tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính đang tấn công vào các nước mới trỗi dậy, khiến đồng tiền của họ bị mất giá và tăng trưởng chậm lại.
 Nhưng rõ ràng hồ sơ Syria sẽ phủ bóng lên trên tất cả, theo như nhận định của nhiều thành viên tham gia hội nghị.

Hôm 02/09, Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov nhắc nhở, G20 được hình thành là để giải quyết các vấn đề kinh tế và tài chính, Syria không nằm trong chương trình nghị sự.

Tuy nhiên ông Lavrov nhìn nhận, tất cả các chính khách đều có thể đặt ra câu hỏi mình muốn cho hội nghị.

 Trước đó, ông Putin cho rằng G20 là mảnh đất tốt để thảo luận, tuy « không thể thay thế được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ».

Nước chủ nhà luôn là người hỗ trợ chủ yếu cho chế độ Bachar Al Assad, từ hai năm qua cùng với Trung Quốc luôn bác bỏ mọi nghị quyết của Liên Hiệp Quốc chống lại Damas.
 Và Nga vẫn giữ nguyên lập trường này, khi nhiều nước phương Tây lên án Assad sử dụng vũ khí hóa học hôm 21/08.

Cái thế của Matxcơva càng mạnh hơn, với việc Quốc hội Anh bác bỏ giải pháp quân sự, và việc Tổng thống Mỹ loan báo muốn tham khảo ý kiến Quốc hội.

Những bất đồng này càng khó thể vượt qua, khi quan hệ Nga-Mỹ đang tồi tệ. Không có cuộc gặp song phương nào được dự kiến giữa hai ông Barack Obama và Vladimir Putin trong hội nghị G20 lần này.

Từ Saint-Petersbourg, thông tín viên RFI Anastasia Becchio nhận định :

« Cái bắt tay giữa hai nguyên thủ Nga-Mỹ trong buổi khai mạc hội nghị thượng đỉnh, trên thềm dinh Constantin gần Saint-Petersburg, sẽ là dấu hiệu đầu tiên cho không khí các cuộc trao đổi giữa Barack Obama và Vladimir Putin.

Hiện giờ, không có cuộc gặp tay đôi nào được dự kiến giữa hai nhà lãnh đạo.
Phía Nga không hoan nghênh chút nào việc ông Barack Obama vào mùa hè này đã hủy bỏ chuyến viếng thăm chính thức Matxcơva được chuẩn bị từ lâu, trước hội nghị thượng đỉnh G20 ở Saint-Petersburg.

Quyết định này của Washington là do Nga cho cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden tị nạn tạm thời.

Tuy vậy, hai nhà lãnh đạo cũng phải tìm cách đàm đạo chỉ riêng về hồ sơ Syria, mà quan điểm của đôi bên hoàn toàn đối lập với nhau. Đó cũng là ý muốn của Vladimir Putin.
Trong khi Washington cân nhắc về việc oanh kích Syria, Matxcơva tiếp tục phản đối mọi hành động quân sự.
Ông Putin hôm thứ Ba đã nhắc lại, can thiệp quân sự mà không có sự đồng ý của Liên Hiệp Quốc có nghĩa là một vụ tấn công. »

Không chấp nhận gặp gỡ tay đôi với Putin, ông Obama đã không cho người đứng đầu nước Nga cơ hội có những tấm hình trang trọng, trong lúc Nga đang muốn tái khẳng định vị thế cường quốc hàng đầu trên trường quốc tế trong thời kỳ chiến tranh lạnh.
Tổng thống Mỹ cho biết ông sẽ rời Saint-Petersburg mà không dự dạ tiệc bế mạc G20 do nước chủ nhà khoản đãi.

Không gặp Putin, nhưng ông Obama lại dự kiến gặp gỡ các đại diện của đối lập Nga, và giới đồng tính luyến ái.
Một thông điệp mạnh mẽ, mà Matxcơva đành chọn thái độ vờ như không hay biết.

Kịch bản có nhiều khả năng diễn ra nhất, là ông Putin sử dụng hội nghị G20 làm diễn đàn để đóng vai trò người đứng đầu mặt trận chống phương Tây, kêu gọi không can thiệp vào nội bộ nước khác.
Đa số các nước lớn mới trỗi dậy hiện diện tại G20 như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi đều phản đối việc tấn công Syria, với các lý do khác nhau.

Điều nghịch lý là việc « can thiệp vào chuyện nội bộ » thực ra đã xảy ra, vì chế độ Damas tồn tại phần lớn là nhờ sự hỗ trợ hào phóng của Nga và Iran.

Có thể nói, cuộc khủng hoảng Syria là cuộc xung đột đầu tiên hậu chiến tranh lạnh giữa Nga và Mỹ.

 Kremli cung cấp vũ khí cho Damas, cố vấn cho Assad và triển khai chiến hạm ở Địa Trung Hải. Nhưng Matxcơva cũng không muốn bị lôi vào một cuộc chiến thực sự.

 Hiện nay, trong tình trạng băng giá giữa Washington và Matxcơva, hai ông Obama và Putin đều đang ráo riết tìm kiếm đồng minh nhân hội nghị G20 lần này.


Switch mode views: