Dư luận thế giới : Trung Quốc vươn lên nhưng uy tín vẫn kém xa Hoa Kỳ
- Thứ Sáu, 19 tháng Bảy năm 2013 18:41
- Tác Giả: Mai Vân
Những dòng chữ trên bảng quảng cáo ở Thượng Hải: “Giấc mơ Trung Hoa”, “Hãy đến và xây dựng giấc mơ Trung Hoa”. Ảnh chụp ngày 01/07/2013.
REUTERS/Aly Song
Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận thế giới công bố hôm qua, 18/07/2013, dư luận tại hầu như mọi khu vực trên hành tinh đều tin rằng Trung Quốc sẽ trở thành một siêu cường hàng đầu.
Thế nhưng Hoa Kỳ vẫn là quốc gia có hình ảnh tốt hơn Trung Quốc rất nhiều, tại phần lớn các vùng trên thế giới.
Thăm dò của Trung tâm nghiên cứu Mỹ Pew Research Center, thực hiện tại 39 quốc gia trong hai tháng Tư và Năm vừa qua ghi nhận là uy tín của Mỹ vẫn còn trên đà gia tăng - một đà tăng có được từ sau thắng lợi của ông Obama, ngoại trừ tại một số ít quốc gia Hồi giáo vẫn ghét bỏ Washington.
Theo bản nghiên cứu của Pew, Hoa Kỳ được xếp cao hơn Trung Quốc với 63% điểm thuận lợi, Trung Quốc 50%.
Ngay cả tại những quốc gia mà tinh thần bài Mỹ lan rộng, người ta cũng cho Mỹ điểm cao hơn khi được hỏi về cảm nhận đối với người dân Mỹ, và phần đông công nhận là Washington cho phép công dân của họ được hưởng quyền tự do cá nhân.
Hoa Kỳ được đánh giá tốt tại 28 trong số 38 quốc gia khác được thăm dò, với tỉ lệ cực cao trên 80% tại Ghana, Senegal và Kenya ở châu Phi, Israel ở Trung Đông và Philippines ở châu Á.
Ngược lại, Mỹ bị điểm số tồi tệ nhất ở Trung Đông, nơi mà hầu hết các nước được khảo sát - năm trong số bảy nước - đều có một ý kiến không thuận lợi, với 81% ý kiến tiêu cực ở Ai Cập hay 70% không thuận lợi ở Thổ Nhĩ Kỳ chẳng hạn.
Cuộc thăm dò xem là quy mô rộng nhất của trung tâm từ năm 2007, cũng ghi nhận thái độ chỉ trích ngày càng nhiều đối với Trung Quốc ở phần lớn khu vực Đông Á và Châu Âu.
Hơn 9 trên 10 người tại Nhật Bản (96%) và Hàn Quốc (91%) nói rằng sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc là một điều xấu.
Nhưng trên bình diện kinh tế, theo bản nghiên cứu, cho dù tại nhiều quốc gia mà Hoa Kỳ được xem là cường quốc kinh tế hàng đầu, thì phần đông nghĩ là Trung Quốc sẽ một ngày nào đó chiếm vị trí siêu cường hàng đầu thế giới.
Một cách cụ thể, 22 trong số 39 quốc gia được khảo sát xem Mỹ là nền kinh tế hàng đầu trên hành tinh, trong lúc Trung Quốc được 8 nước xem là có lợi thế hơn, trong số này có cả các đồng minh của Mỹ như Canada, Anh, Đức và Pháp. Đáng ngạc nhiên nhất tuy nhiên là dư luận Mỹ : 44% nói rằng Trung Quốc là đất nước có nền kinh tế mạnh nhất, còn 39% cho đấy là Hoa Kỳ.
Tại Tây Âu, người được hỏi - ngoại trừ ở Ý- nơi mà Hoa Kỳ rất được ưa thích - nghĩ là Trung Quốc đã đứng đầu hoặc đã qua mặt Hoa Kỳ trong tư cách ‘siêu cường dẫn đầu thế giới’.
Từ năm 2008, số dân xem Trung Quốc là nền kinh tế hàng đầu thế giới đã tăng lên gấp đôi tại Tây Ban Nha, Đức và Anh, tăng gần gấp ba ở Nga, và đạt 22 điểm tại Pháp.
Trong số 20 quốc gia được Pew khảo sát trong cả hai năm 2008 và 2013, chỉ có hai nước là không cho rằng Trung Quốc là cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.
Cảm nhận về Hoa Kỳ trong tương quan với Trung Quốc thay đổi khá nhiều tùy theo nước.
Thuận lợi nhất đối với Mỹ là tại Nhật Bản, quốc gia đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Tại đây 69% có đánh giá tốt về Hoa Kỳ, trong lúc chỉ có 5% là nhìn Trung Quốc một cách thuận lợi. Đây là tỉ lệ thấp nhất đối với Trung Quốc trong các nước thăm dò.
Ngược lại tại Pakistan chỉ 11% có ý kiến thuận lợi đối với Mỹ, trong lúc 81% đánh giá tích cực Trung Quốc,nước thường được Islamabad xem là hậu thuẫn then chốt của họ.
Đa số các nước Châu Á Thái Bình Dương ủng hộ Mỹ, nhưng lại chia rẽ trong đánh giá về tương lai : 2/3 người Úc tin là Trung Quốc sẽ vươn lên đứng đầu thế giới, trong lúc đánh giá này chỉ được không đầy 1/3 dân chúng Nhật, Malaysia, và Philippines chia sẻ.
Phân đông các nhà kinh tế tin chỉ là vấn đề thời gian một vài năm trước khi Trung Quốc, với số dân cao gấp hơn 4 lần Mỹ, vượt qua siêu cường quốc hiện nay trên bình diện thuần túy GDP.
Nhưng nhiều chuyên gia cũng tỏ ra nghi ngờ về việc Trung Quốc có thể nhanh chóng bắt kịp Mỹ trên phương diện chung về văn hóa, ngoại giao và kinh tế.
Nghiên cứu của Pew ghi nhận ở Nam Mỹ, Châu Phi, người ta ít quan tâm đến âm nhạc, điện ảnh Trung Quốc, cho dù phần đông đều khâm phục tiến bộ công nghệ học của Trung Quốc.
Tại Châu Âu hình ảnh của Trung Quốc cũng xấu đi đáng kể trong hai năm qua, mất đi 11 điểm tại Anh, 9 điểm tại Pháp. Xu hướng này có lẽ do "tâm trạng bất an" trước Trung Quốc, một đối thủ cạnh tranh thương mại, cũng như cảm nhận bực tức trước đường lối đơn phương của Trung Quốc trên mặt đối ngoại.
Hy Lạp là nước Châu Âu duy nhất mà đa số có nhận định tích cực đối với Trung Quốc, trong khi chỉ có không đầy một nửa đánh giá tốt Hoa Kỳ.
Hình ảnh của Trung Quốc cũng xấu đi ở nhiều nơi mà Mỹ cũng không được ưa thích. Như ở Ai Cập, Trung Quốc đã mất 10 điểm thuận lợi, xuống đến mức được 45% đánh giá tốt. Tuy nhiên, tỉ lệ này vẫn còn cao hơn Mỹ, vốn chỉ được 16% mà thôi.
Ngoài thế giới Hồi giáo, Hoa Kỳ còn bị đánh giá xấu nhất tại Trung Quốc, chỉ 40% ý kiến tốt, và Achentina, với 41%, ngược lại với đánh giá rất tích cực ở phần lớn Châu Mỹ La tinh.
Riêng về Tổng thống Mỹ Obama, tuy vẫn được lòng người hơn người tiền nhiệm nhiều, nhưng việc chống đối ông tiếp tục sử dụng máy bay không người lái để triệt hạ phần tử bị cho là Hồi giáo cực đoan quá khích ở Pakistan và nơi khác đã lan rộng. Chỉ có đa số ở Mỹ, Israel, và Kenya là còn hậu thuẫn cho chính sách này.
Pew đã thực hiện cuộc thăm dò vào tháng Ba và tháng Tư, trước khi vụ tai tiếng theo dõi được Snowden tiết lộ gây tức giận ở Châu Âu và trước vụ quân đội truất phế tổng thống ở Ai Cập.
Related news items:
Tin mới
- Ý kiến từ Ai Cập: ''Obama không hiểu tình hình, hoặc là đồng loã với nhóm Hồi Giáo quá khích.'' - 22/08/2013 04:29
- Ai có thể đánh bại được Cộng sản? - 21/08/2013 03:13
- Áp lực nào buộc CSVN phải thả Phương Uyên? - 19/08/2013 14:44
- Mùa Xuân hay Mùa Đông Ả Rập - 17/08/2013 21:40
- Đồng khai thác Biển Đông : Âm mưu độc chiếm của Trung Quốc - 12/08/2013 17:15
- Vì sao Mỹ hủy bỏ cuộc hội đàm thượng đỉnh với Nga? - 08/08/2013 21:55
- Bà Tổng Thống Hillary Clinton? - 03/08/2013 21:21
- Đi Mỹ về… tay không - 26/07/2013 20:14
- Anh Tư đã lỡ nước cờ - 26/07/2013 03:23
- Lãnh đạo Việt Nam cấp tốc sang Mỹ sau thất bại của chuyến công du Trung Quốc - 22/07/2013 16:42
Các tin khác
- Tự do báo chí kiểu Việt Nam - 18/07/2013 03:06
- Lối thoát cho cuộc khủng hoảng Ai Cập : Tiếp tục cuộc chơi dân chủ - 16/07/2013 17:49
- Tổng thống Miến Điện công du Mỹ tìm kiếm ủng hộ cho cải cách - 17/05/2013 20:25
- Việt Nam A và Việt Nam B - 11/05/2013 00:36
- Biển Đông : Hải quân Trung Quốc tràn xuống phía nam - 02/05/2013 16:10
- Nếu Việt Nam Cộng Hòa chiến thắng? - 30/04/2013 04:39
- ‘Bất mãn chưa từng thấy’? - 24/04/2013 22:12
- Ai là "Việt Kiều"? - 22/04/2013 16:20
- Chiến lược xoay trục của Mỹ tiếp diễn, dù không ồn ào - 04/04/2013 20:04
- Báo Nhân Dân: Một tín hiệu cho “đối thoại nhân quyền”? - 01/04/2013 23:47