Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Nam Hàn hối lộ Kim Jong Un bằng Olympic!

BTT Kim un

Nhiều người dân Nam Hàn đã biểu tình phản đối chính phủ, khi nghe tin các lực sĩ Bắc Hàn sẽ được mời đi diễn hành chung với phái đoàn miền Nam, dưới một lá cờ trong Thế Vận Hội Mùa Đông tháng tới.

Đặc biệt, hai nước sẽ lập một đội hockey nữ chung, khiến các cầu thủ miền Nam bị thiệt thòi!
Đem thêm 12 cô miền Bắc nhập với 23 cô miền Nam sẽ khiến nhiều cầu thủ miền Nam có thể không được dự một số trận đấu!

Mà ước mơ của tất cả các cầu thủ xưa nay vẫn là được “ra sân” càng nhiều càng tốt, nhất là trong những trận quan trọng như giải Olympics!
Nhưng chính phủ Nam Hàn có lý do chính đáng: Bảo vệ cho Thế Vận Hội Mùa Đông năm nay được an toàn!

Trước hết, khỏi phải lo pháo kích, hỏa tiễn, biệt kích phá hoại. Hơn nữa, sẽ bớt lo chuyện Kim Jong Un thử bom hay phóng hỏa tiễn giữa cuộc vui thể thao!
Mời 500 lực sĩ và các người dẫn dắt miền Bắc cùng dự, cho Kim Jong Un một cơ hội tuyên truyền, đó là cái giá “mua bảo hiểm” chính phủ Seoul đã trả cho cậu Ủn!

Nam Hàn có những địa điểm du lịch thu hút du khách quốc tế, vì đất nước rất an toàn, không lo trộm cướp hay khủng bố – trừ khi bị Bắc Hàn phá hoại.

Thỏa thuận giữa Nam và Bắc Hàn được đưa ra ngày 9 Tháng Giêng, 30 năm sau vụ chiếc máy bay Korean Air bị Bắc Hàn đặt bom nổ, Tháng Mười Một, 1987, làm chết 115 hành khách và đoàn phi hành – trước khi Thế Vận Hội 1988 khai mạc ở Seoul.

Ông bố cậu Ủn lúc đó muốn làm cho du khách thế giới sợ hãi, không tới coi Olympics.
Năm 2002, Nam Hàn tổ chức World Cup đá banh, tàu chiến Bắc Hàn đã tấn công một chiếc tàu miền Nam, làm chết sáu thủy thủ, ngay trước khi đội cầu Nam Hàn ra sân vòng tứ kết!

Nhưng khi các vụ phá hoại trên xảy ra thì Bắc Hàn không tham dự vào các cuộc tranh giải!
Năm 2002 và năm 2014, Bắc Hàn được mời dự giải Á Châu tổ chức ở Nam Hàn thì không xảy ra chuyện gì!

Trong quá khứ, hai nước đã cộng tác trong nhiều giải thể thao. Năm 1991, hợp nhất một đội tuyển thủ thiếu niên nam và nữ dự giải Tennis ở Nhật Bản. Việc cộng tác tiếp tục trong giải đá bóng do FIFA tổ chức ở Bồ Đào Nha.

Phái đoàn hai nước cũng đi chung dưới một lá cờ màu xanh dương và trắng trong Thế Vận Hội 2000 ở Sydney, Australia, và giải Á Châu ở Busan, Nam Hàn, năm 2002.
Lá cờ này chắc sẽ được dùng năm nay tại Olympics Mùa Đông tổ chức tại Bình Xương (Pyeongchang), Nam Hàn.

Bắc Hàn muốn gì khi thỏa thuận hợp tác với Nam Hàn, sau 11 giờ thảo luận?
Kim Jong Un muốn có một cơ hội tuyên truyền, và tìm cách chia rẽ Nam Hàn với Mỹ.

Khi công bố thỏa thuận hợp tác, trưởng phái đoàn thể dục thể thao Bắc Hàn đã tuyên truyền ngay lập tức, khi lên giọng nói rằng, “Tất cả các vũ khí của chúng tôi, kể cả bom nguyên tử, bom khinh khí và các hỏa tiễn liên lục địa chỉ nhắm vào nước Mỹ, không nhắm vào đồng bào miền Nam, cũng không nhắm vào Trung Quốc và Nga.”
Không thấy nhắc đến tên nước Nhật Bản.

Kim Jong Un chứng tỏ muốn sống hòa bình với các nước chung quanh.
Một hệ luận là nhắn chính phủ Mỹ hãy tránh xa vùng Đông Bắc Á; để dân hai miền Hàn Quốc nói chuyện với nhau!
Nhưng khi chính phủ Nam Hàn yêu cầu nói chuyện vấn đề giải trừ vũ khí hạch tâm trên bán đảo Cao Ly thì Kim Jong Un cực lực phản đối!

Một điều kiện Kim Jong Un đưa ra là miền Nam phải chấm dứt các cuộc thao diễn quân sự chung với Mỹ.
Chính phủ Nam Hàn đã đồng ý, nhưng chỉ ngưng tập trận với Mỹ trong thời gian Thế Vận Hội Mùa Đông và Vận Hội cho những lực sĩ khuyết tật.

Mặc dù hai nước đã thỏa hiệp cùng dự Thế Vận Hội Mùa Đông, nhưng chính phủ Nam Hàn vẫn chưa thể yên lòng.

 Kim Jong Un là người không thể tin được. Cậu Ủn có thể ra lệnh cho các lực sĩ rút khỏi Thế Vận Hội bất cứ lúc nào.
Dân Nam Hàn có thể chọc giận cậu, như đã có người biểu tình phản đối, đốt hình cậu Ủn trong lúc phái đoàn thương thuyết miền Bắc đang ở Seoul.

Một mối rủi ro khác là các lực sĩ Bắc Hàn có thể xin tị nạn! Chính phủ Nam Hàn khó từ chối, vì chính sách của họ xưa nay vẫn là hoan nghênh dân miền Bắc xin tị nạn. Nhưng nếu chấp nhận họ thì chắc chắn sẽ chọc giận Kim Jong Un!
Không ai tiên đoán được Kim Jong Un sẽ đóng vai hòa hoãn, tử tế được bao lâu! Vì vậy, chính phủ Seoul vẫn đề phòng cẩn mật.

Họ huy động 50,000 quân đội và 10,000 nhân viên an ninh để bảo vệ Thế Vận Hội – con số cao gấp đôi ở Thế Vận Hội 2016 tại Rio de Janeiro, Brazil.
Ủy Ban An Ninh của Seoul cho biết, “Chúng tôi vẫn theo dõi bất cứ hành động gây hấn nào do Bắc Hàn gây ra, 24 giờ/ 7 ngày, dù có Thế Vận Hội hay không!”
Sẽ có 3,000 lực sĩ từ 92 quốc gia tới dự, và mỗi ngày sẽ có 100,000 khán giả đến nơi diễn ra Thế Vận Hội Mùa Đông.

 Pyeongchang, Bình Xương, chỉ cách biên giới Nam Bắc Hàn 80 cây số, nằm trong tầm đạn của mấy ngàn khẩu đại bác đặt dọc theo phía Bắc biên giới, không khác gì thủ đô Seoul.
Các khẩu trọng pháo này đều đặt dưới hầm; cho nên, năm 2010, khi Bắc Hàn pháo kích đảo Yeongpyeong, pháo thủ Nam Hàn đã phải bắn “cầu âu” lên phía Bắc vì trong chốc lát không xác định được các mục tiêu chính xác.

Một điều khiến chính phủ và dân Nam Hàn có thể an tâm, là pháo thủ miền Bắc bắn rất kém.
Trong số 108 trái đạn bắn xuống Yeongpyeong, chỉ có nhiều nhất là sáu trái bắn trúng một mục tiêu, tỷ lệ tác xạ 5%.
Hai quân nhân Nam Hàn và ba công nhân chết vì bị trúng mảnh khi tường đổ chứ không phải vì pháo.

Tuy nhiên, người ta chỉ lo Kim Jong Un rút kinh nghiệm đó, lần này nếu đánh sẽ sử dụng đến hỏa tiễn bắn các vũ khí hóa học, bom vi trùng, hay bom nguyên tử.
Mặc dù còn những nỗi rủi ro như trên, chính phủ Nam Hàn đã quyết định đúng khi hợp tác với Kim Jong Un trong dịp Thế Vận Hội Mùa Đông năm nay.

Để cho các lực sĩ yên tâm thi tài, các du khách đến chơi thoải mái. Nhất là dân chúng Nam Hàn hy vọng được sống bình yên không lo phá hoại.
Nhiều người còn hy vọng hai miền Nam và Bắc Hàn có thể bắt đầu nói chuyện với nhau sau khi Thế Vận Hội chấm dứt.
Hai nước thù nghịch Trung Cộng và Mỹ đã mở đầu thời kỳ hòa hoãn bằng thể thao, với món ngoại giao bóng bàn (ping pong diplomacy).

Năm 1971, sau các chuyến đi bí mật của Kissinger, hai nước đã bắt đầu công khai nói chuyện qua cuộc tranh tài bóng bàn ở Nhật Bản.
Cộng Sản Trung Hoa đã cho mời các cầu thủ Mỹ qua thăm và giao đấu những trận thân hữu.

 Trung Cộng chọn một môn để biết trước sẽ thắng, vì cầu thủ của họ có khả năng cao bậc nhất thế giới trong thời gian đó!

Switch mode views: