Trưng cầu dân ý về Hiến Pháp Ý: Cử tri ồ ạt bỏ phiếu chống chính quyền
- Thứ Ba, 06 tháng Mười Hai năm 2016 00:21
- Tác Giả: Trọng Nghĩa, Huê Đăng
Một người ủng hộ câu trả lời NO trong cuộc trưng cầu dân ý biểu tình tại Rôma (Ý) 05/12/2016.
REUTERS/Tony Gentile
Trong cuộc trưng cầu dân ý về cải tổ Hiến Pháp nước Ý ngày 04/12/2016, cử tri đã nô nức đi bầu và kết quả rất dứt khoát : câu trả lời NO - “không đồng ý” - đã chiến thắng với gần 60% số phiếu.
Hệ quả tức thời : người chủ trương cải tổ là thủ tướng Matteo Renzi đã lập tức tuyên bố từ chức, đẩy chính trường Ý vào tình trạng bất ổn quen thuộc.
Theo thông tín viên Huê Đăng tại Roma, khi ồ ạt bỏ phiếu bác bỏ đề nghị sửa đổi Hiến Pháp, người dân Ý thực ra muốn thể hiện thái độ bất bình với chính quyền đương nhiệm, và nhất là với thủ tướng Matteo Renzi.
Thông tín viên Huê Đăng tại Rôma 05/12/2016 - Trọng Nghĩa
Huê Đăng : Sau vụ bầu cử vừa rồi ở Mỹ bây giờ đến trưng cầu dân ý ở Ý : tất cả các cuộc thăm dò ý kiến đều đoán sai các kết quả bầu cử.
Theo các cuộc thăm dò ý kiến, nếu tỷ lệ đi bầu cao thì câu trả lời "SI" (đồng ý với các đề luật sửa đổi Hiến Pháp) có khả năng thắng.
Thế nhưng hôm qua con số cử tri đi bỏ phiếu lên đến gần 70%, tỷ lệ tham gia cao nhất ở Ý kể từ hơn hai thập niên trở lại đây, và kết quả là "NO" vẫn thắng với tỉ số 59,1%, và thắng lớn, vì "SI" bị bỏ rơi ở 40,9%.
Yếu tố nổi bật trong cuộc bầu cử lần này là con số cử tri đi bầu cao, nhưng không phải để bày tỏ ý kiến trên nội dung của các đề nghị sửa đổi hiến pháp, mà là để bày tỏ thái độ đối với chính phủ, và nhất là đối với cá nhân Thủ tướng Matteo Renzi.
Và kết quả cho thấy là đa số phản đối chính phủ.
Riêng với Matteo Renzi, đây là một cú đo ván chính trị nặng nề vì chính ông ngay từ lúc đầu của cuộc tranh cử, đã quá tin tưởng vào uy tín cá nhân của mình nên đã nâng cuộc trưng cầu dân ý lên thành một cuộc đầu phiếu để khẳng định thêm uy tín chính trị.
Với tỷ lệ cử tri đi bầu cao gần đến 70% thì không thể nào phủ nhận hay chối cãi sự thất bại chính trị của ông Matteo Renzi.
RFI : Cử tri như anh nói, đã tích cực tham gia cuộc trưng cầu dân ý để tỏ thái độ phản đối thủ tướng Renzi. Và như vậy là nhân vật này đã biết rút ra kết luận ?
Huê Đăng : Trước khi nói đến phản ứng dư luận thì cần phải nói đến phản ứng của giới chính trị, và đặc biệt là ngay sau khi vừa có kết quả bầu cử Thủ tướng Matteo Renzi đã lấy quyết định từ chức với tuyên bố :
“Tôi nhìn nhận mình đã thất cử, và chính phủ do tôi lãnh đạo chấm dứt ở đây”.
Về mặt hiến pháp không có một sự liên kết nào giữa kết quả của một cuộc trưng cầu dân ý với "sinh mạng" của chính phủ.
Chính Tổng thống Ý, ông Sergio Mattarella - nhân vật hiện nay sẽ đóng vai trọng tài để tìm giải pháp sau khi Renzi từ chức - từ trước đến nay vẫn chủ trương dù kết quả bầu cử như thế nào đi nữa thì cũng ráng giữ ổn định chính trị, và đã tuyên bố rằng không thể nào ví một cuộc trưng cầu dân ý như là một cuộc bầu cử chính trị.
Tuy nhiên, dù muốn dù không hệ lụy chính trị của kết quả bầu cử quá lớn và bản thân của Matteo Renzi cũng không thể nào chấp nhận tiếp tục "sống mòn", cho dù Tổng thống Sergio Mattarella sẵn sàng đưa ra lá bài "chính phủ Renzi bis".
RFI : Anh giải thích sao về nguyên nhân khiến cử tri ồ ạt bỏ phiếu "NO" như vậy?
Huê Đăng : Như vừa nói, cuộc trưng cầu dân ý về các đề luật cải tổ hiến pháp đã bị biến dạng thành một cuộc bầu cử chính trị, hay tệ hơn, là một cuộc phổ thông đầu phiếu để bày tỏ thái độ đối với chính phủ, và nhất là để xác định lại uy tín của cử tri dành cho cá nhân thủ tướng Matteo Renzi.
Chỉ cần xem tỷ lệ cử tri đi bầu lên đến gần 70%, con số cao nhất trong khoảng hai thập niên trở lại đây, và cao như thế chỉ có trong các trường hợp bầu cử chính trị như bầu Quốc Hội, bầu Hội Đồng Thành Phố hay hàng tỉnh, hàng vùng.
Đa số cử tri khi bỏ phiếu "NO" chỉ là để bày tỏ thái độ của mình đối với chính phủ.
Trong một bối cảnh chung trên thế giới trong đó các xu hướng chính trị dân túy đang "trỗi dậy" nhiều nơi, thì hầu như tất cả các cơ chế cầm quyền nhà nước dễ bị gộp vào chữ "establishment", vào một thứ đẳng cấp cầm quyền, chỉ lo gìn giữ quyền lực và không màng đến những bất cập, khó khăn của xã hội, nhất là đối với những thành phần lao động nghèo khó, và giới trẻ không có khả năng hội nhập vào guồng máy kinh tế vì không tìm ra việc làm.
Do đó các lực lượng dân túy đã cỡi làn sóng bất bình của đa số cử tri, chống lại các "quyền lực".
Thêm vào đó, tình hình kinh tế khó khăn từ năm 2008, và tiếp theo là các chính sách thắt lưng buộc bụng của Châu Âu đã gây thêm những khó khăn về kinh tế xã hội cho nhiều nước Châu Âu, trong đó có Ý.
Dĩ nhiên, ở đây không ai phủ nhận những sai lầm của chính ông Renzi, nhất là khi ông ta là người đầu tiên đã biến cuộc trưng cầu dân ý trở thành một cuộc đầu phiếu xác định uy tín chính trị của ông ta, thậm chí ông ta cũng đã hy vọng rằng nếu "SI" thắng, ông ta sẽ càng có thêm sức mạnh để giải quyết những chia rẽ trong nội bộ của đảng Dân Chủ.
RFI : Tình hình chính trị nước Ý trong những ngày sắp tới có thể chuyển biến ra sao ?
Huê Đăng : Trước mắt ông Renzi đã từ chức. Theo Hiến Pháp thì người đứng ra "cầm cán" để nghiên cứu các khả năng để có thể lập ra chính phủ mới là tổng thống Sergio Mattarella.
Thực ra thì theo các thông tin rò rỉ từ nhiều ngày nay, chính phía tổng thống cũng đã hình dung ra được tình huống này, nên đã có những kế hoạch đề phòng.
Trước khi nói đến những kịch bản có thể có, cần phải nhấn mạnh đến một điểm then chốt là tổng thống Sergio Mattarella muốn giữ ổn định chính trị cho nước Ý bằng mọi giá, tránh tối đa khả năng bế tắc có thể xảy ra.
Ông cũng đã nhiều lần tuyên bố rằng không thể nào xem kết quả của một cuộc trưng cầu dân ý như là một cuộc bầu cử chính trị ảnh hưởng đến sinh mạng của chính phủ.
Bản thân Tổng thống Mattarella cũng không phủ nhận từ đầu khả năng một chính phủ "Renzi bis".
Nhưng chắc chắn là ngay chính Matteo Renzi sẽ không chấp nhận một chính phủ như thế vì lý do chính trị : Renzi không muốn tiếp tục ngồi lại trong một chính phủ để rồi trở thành mục tiêu công kích thường trực của các lực lượng đối lập, nhất là của các lực lượng dân túy và của các phe phái thiểu số ngay trong đảng Dân Chủ, các lực lượng này sẽ lớn tiếng tố cáo Renzi là "tham quyền cố vị".
Và cùng với những khó khăn kinh tế hằng ngày, uy tín chính trị của Renzi vốn đã xuống thấp, chắc chắn sẽ bị sói mòn tận gốc rễ, và như thế cho đến khi bầu cử Quốc Hội mới vào mùa xuân 2018 thì Renzi sẽ chẳng còn uy tín nào để có thể ra ứng cử.
Kịch bản Chính quyền Renzi mà không có Renzi
Như thế, trước mắt báo chí đang nói đến một kiểu "chính phủ Renzi mà không có Renzi": cụ thể là một bộ trưởng nào đó của chính phủ Renzi có uy tín cao sẽ có thể đứng ra lập nội các mới : mục tiêu là để ổn định chính trị và nhất là để giữ chặt các quan hệ với Châu Âu.
Về mặt này thì nhân vật có khả năng nhiều nhất là bộ trưởng Kinh Tế Pier Carlo Padoan, người vừa có uy tín trong chính phủ, vừa là một nhà kinh tế đã từng làm việc trong các tổ chức Châu Âu, chẳng hạn như đã từng giữ chức vụ Phó Tổng Thư Ký của tổ chức OCSE.
Như thế thì có thể tình hình chính trị sẽ tiếp tục có được ổn định và nhất là các quan hệ với Châu Âu sẽ không bị xáo trộn.
Nhưng đó mới chỉ là một kịch bản, trong những ngày sắp tới sẽ còn có nhiều kịch bản khác.
Dĩ nhiên là các lực lượng đối lập như Phong Trào 5 Sao của hề Grillo đã lớn tiếng ca bài ca chiến thắng và tuyên bố là sẳn sàng đứng ra lập nội các mới.
Nhưng đó chỉ là những khẩu hiệu khích động cử tri nhiều hơn là một kích bản chính trị, vì nếu Phong Trào 5 Sao muốn lập chính phủ, thì trước mắt Tổng thống Mattarella phải quyết định giải tán Quốc Hội trước nhiệm kỳ, cho đi bầu lại Quốc Hội mới, và nhân đó, Phong Trào 5 Sao mới có thể có hy vọng cỡi làn sóng bức xúc của cử tri thừa thắng xông lên chiếm được đa số trong Quốc Hội mới.
Nhưng khả năng giải tán Quốc Hội chỉ nằm trong tay của Tổng thống Mattarella, và chính ông đã tuyên bố là muốn giữ ổn định chính trị, nên kịch bản giải tán Quốc Hội rất khó xảy ra.
Phía Berlusconi thì ông ta đã lợi dụng thời cơ, tuyên bố rằng ông ta sẳn sàng tham gia một chính phủ đại đoàn kết chung với đảng Dân Chủ, mục tiêu là để trở lại cầm quyền.
Nhưng đây không phải là một kịch bản có thể, mà chỉ là một ảo tưởng của chính Berlusconi, vì ngay trong nội bộ đảng Forza Italia và nhất là trong liên minh trung hữu, cũng đang có những chia rẽ sâu sắc.
Tin mới
- Nguyễn Phú Trọng học Tập Cận Bình làm hàng giả - 09/01/2017 19:41
- ĐẢNG VIÊN ĐẢNG CSVN - TA LÀ AI ? - 03/01/2017 22:37
- Dự án khách sạn bộc lộ thế bí của Trump ở Trung Quốc - 30/12/2016 01:27
- Pearl Harbor: Diều Hâu Nhật Abe và Bồ Câu Mỹ Obama đồng lòng hòa giải - 27/12/2016 20:28
- Trump Gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma? - 21/12/2016 01:19
- Donald Trump vẽ lại trận đồ Mỹ-Hoa - 16/12/2016 01:55
- Ô. Tillerson: Một ngoại trưởng Mỹ "hiếm có" trong lịch sữ ? - 16/12/2016 01:37
- Chủ trương bảo hộ mậu dịch của Trump nhằm vào Trung Quốc, quả bóng phản lưới nhà - 12/12/2016 17:40
- Bà Thái Anh Văn khôn nhất - 07/12/2016 23:54
- Đảng CSVN làm “quốc tang” cho Fidel Castro hay làm “Quốc tang” cho chính mình”? - 06/12/2016 01:42
Các tin khác
- Donald Trump rút khỏi kinh doanh, xung đột lợi ích có hết? - 01/12/2016 20:02
- Angela Merkel, lãnh đạo nước Đức và thế giới tự do ? - 01/12/2016 19:29
- Hiệp định thương mại RCEP của Trung Quốc : đường còn dài - 01/12/2016 00:47
- Đài Loan diễn tập ở Trường Sa : Vì sao Bắc Kinh làm ngơ ? - 30/11/2016 20:11
- Liệu ông Trump có đảo ngược chính sách Cuba của ông Obama? - 27/11/2016 04:56
- Sự nghiệp chính trị của bà Hillary cáo chung... - 20/11/2016 03:33
- Ai sẽ ở trong nội các của ông Trump? - 19/11/2016 01:08
- Cử Tri Đoàn là Luật Chơi - 16/11/2016 23:05
- TRUYỀN THÔNG HOA KỲ TỰ LÀM GIẢM UY TÍN CỦA MÌNH - 15/11/2016 04:18
- Trump đắc cử, cơ hội cho Trung Quốc ? - 14/11/2016 18:16