Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Thỏa thuận hạt nhân Iran : Lợi và hại đối với kinh tế Nga

IRAN-NUCLEAR-6


Vai trò quyết định của Nga trong thỏa thuận lịch sử về hạt nhân Iran.
REUTERS/Leonhard Foeger

Sau khi đóng vai trò quan trọng trong các cuộc thương lượng về thỏa thuận hạt nhân Iran, được ký kết ngày 14/07/2015, Nga hy vọng củng cố quan hệ thương mại với Teheran, nhưng theo giới phân tích, việc Iran hội nhập trở lại thị trường dầu khí thế giới có thể gây thêm khó khăn cho nền kinh tế Nga.

Thỏa thuận mà Iran ký với nhóm 5+1 (năm thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An, Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) đưa ra các bảo đảm về mục đích dân sự của chương trình hạt nhân của chế độ Teheran, đổi lại quốc tế bãi bỏ các cấm vận đang bóp nghẹt nền kinh tế Iran.

Đối với Matxcơva, đồng minh lâu đời của Iran, thỏa thuận cũng giúp đánh bóng hình ảnh của Nga trên trường quốc tế.
Chính Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhấn mạnh đến vai trò trụ cột của Nga, cảm ơn sự hỗ trợ của Tổng thống Vladimir Putin, trong việc thúc đẩy đàm phán và ký kết được thỏa thuận.

Ông Serguei Sereguichiev, chuyên gia về Trung Đông tại Đại học Khoa học Nhân văn Matxcơva, được AFP trích dẫn, nhận định : « Phần thưởng lớn nhất cho Nga trong thỏa thuận này là uy tín. Ai đã ký thỏa thuận này với Hoa Kỳ, đó là Nga. Không có nước Nga, sẽ không bao giờ có được thỏa thuận ».

Kinh tế Nga bị suy thoái và gặp nhiều khó khăn do bị phương Tây trừng phạt trong hồ sơ khủng hoảng Ukraina, giá dầu trên thế giới tụt giảm mạnh.
Chính vì thế, giờ đây, Matxcơva hy vọng sẽ đi hàng đầu trong nhóm các nhà đầu tư để giành được các hợp đồng béo bở tại Iran, nhất là trong lĩnh vực năng lượng và vận tải.

Theo giải thích của ông Andrei Baklitski, thuộc trung tâm nghiên cứu tư vấn độc lập PIR, trụ sở tại Matxcơva, « Iran sẽ phát triển các lĩnh vực vốn bị thiệt hại nhiều do trừng phạt », do vậy, Teheran sẽ cần đến « những công ty nước ngoài sẵn sàng đầu tư.
Các doanh nghiệp Nga, như Công ty đường sắt Nga hoặc tập đoàn dầu lửa Loukoil, sẵn sàng tham gia » vào cuộc cạnh tranh này.

Tháng 4/2015, ông Vaguit Alekperov, Tổng Giám đốc Loukoil, đã tuyên bố là tập đoàn sẵn sàng quay lại Iran ngay sau khi các trừng phạt được bãi bỏ.
Hiện nay, đa số các doanh nghiệp khác trong lĩnh vực này cũng trong tư thế tương tự.

Trong lĩnh vực hạt nhân, trước đây, Nga đã giành được hợp đồng xây dựng hai lò phản ứng nguyên tử mới cho nhà máy điện Bouchehr, nằm bên bờ Vịnh Iran.
Giờ đây, Matxcơva mong muốn là thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ mang lại mối quan hệ « hợp tác hòa bình trên quy mô lớn » giữa hai nước.

Liên quan đến việc cung cấp vũ khí, cuối tháng Năm vừa qua, Matxcơva đã khẳng định đạt được đồng thuận, bán cho Teheran tên lửa phòng không S-300, tương đương hỏa tiễn Patriot của Mỹ, có thể bắn hạ máy bay và bắn chặn tên lửa.

Trong quá trình đàm phán về hồ sơ hạt nhân Iran, Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov đã kêu gọi bãi bỏ cấm vận vũ khí « càng sớm càng tốt », nhưng cuối cùng cấm vận này vẫn được duy trì trong vòng 5 năm.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga cho rằng vẫn có thể cung cấp vũ khí cho Iran nếu được Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc chấp thuận.

Chuyên gia Serguei Sereguichev dự báo : « Sẽ có một cuộc chạy đua quyết liệt để tiếp cận với lĩnh vực năng lượng của Iran và sau đó là tiếp cận được tổ hợp công nghiệp quân sự nước này. Tôi nghĩ rằng nước Nga sẽ đi trước trong lĩnh vực năng lượng do có kinh nghiệm trong hồ sơ này ».

Nhưng đối với Nga, việc Iran quay trở lại thị trường quốc tế tức là có thêm một đối thủ cạnh tranh trên thị trường dầu lửa.
 Nhiều chuyên gia cho rằng sau khi Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, Quốc hội Mỹ, Nga chấp thuận thỏa thuận hạt nhân Iran, thì giá dầu lửa sẽ còn hạ trong năm 2016.

Theo ông Semion Bagdassarov, chuyên gia về Trung Đông, thuộc Trung tâm nghiên cứu phân tích, trụ sở ở Matxcơva, « Iran đang nóng lòng tái xuất khẩu dầu lửa sang Châu Âu. Một đối tác quan trọng tái nhập thị trường và cạnh tranh sẽ gia tăng ».
Đây là một tin xấu đối với Nga. Giá dầu sụt giảm là một trong những nguyên nhân chính làm cho kinh tế Nga rơi vào suy thoái, kể từ đầu năm đến nay.

Tuy vậy, một số nhà phân tích khác cho rằng giá dầu sẽ không sụt giảm mạnh vì để bảo vệ lợi ích của mình, Iran, với tư cách thành viên khối xuất khẩu dầu lửa – OPEC – sẽ không bán ồ ạt, mà tìm cách đạt được một thỏa hiệp về giá cả, để tránh làm giảm giá dầu lửa trên thị trường quốc tế.


Switch mode views: