Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Phương Tây tìm kiếm một thỏa hiệp với Nga

crise ukraine



Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier tiếp đón những người đồng nhiệm Pháp (phải), Nga (trái) và Ukraina (thứ hai từ phải sang) trong cuộc gặp tại Berlin ngày 21/01/2015.REUTERS/Michael Sohn/Pool

Xung đột tại miền Đông Ukraina giữa quân chính phủ và phe nổi dậy có nguy cơ vượt khỏi vòng kiểm soát, bất chấp một thỏa thuận ngừng bắn, là dịp một số chuyên gia và lãnh đạo Phương Tây đặt câu hỏi về hiệu quả của các biện pháp trừng phạt đối với Nga, để buộc Matxcơva ngừng hậu thuẫn lực lượng ly khai.

Cho đến nay, các nước Phương Tây hy vọng, các trừng phạt gây hậu quả lớn đối với kinh tế Nga, đồng rúp mất giá, các nguồn vốn đổ ra nước ngoài, sẽ khiến Nga phải xét lại chính sách của mình đối với người láng giềng Ukraina.

Trợ lý lãnh đạo Ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu Victoria Nuland mới đây nhận xét : “Khắp nơi tại nước Nga, mọi người đặt câu hỏi tại sao chính quyền (Nga) lại thích các chính sách phiêu lưu bên ngoài hơn là hạnh phúc và chất lượng cuộc sống của các công dân nước mình”.

Đối với Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu, xung đột miền Đông Ukraina với hơn 5.100 người chết từ 9 tháng nay là kết quả của sự trỗi dậy của chủ nghĩa đế quốc Nga, đe dọa sự ổn định tại quốc gia nằm ở vị trí chiến lược giữa nước Nga và phần còn lại của Châu Âu.

Washington và các đồng minh tố cáo Matxcơva thổi bùng ngọn lửa xung đột ở vùng Donbass, miền Đông Ukraina, với việc trang bị vũ khí và trợ giúp phe nổi dậy.

Khả năng tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho xung đột Ukraina, với sự cộng tác của Nga, là một viễn cảnh xa vời.
Hồi tuần trước một số chuyên gia và lãnh đạo Phương Tây cùng nhấn mạnh đến việc Nga cần đóng một vai trò quan trọng trong thế giới đa cực hiện nay.

Hoa Kỳ cần để ngỏ cho Nga khả năng tìm thấy được vị trí của mình “ xét về dài hạn ”  trong cộng đồng quốc tế, mà “ Matxcơva được kêu gọi đóng một vai trò căn bản ” là nhận định của cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger.

Thứ Sáu tuần trước, 30/01/2015, Ông Miroslave Lajcak, Phó Thủ tướng quốc gia Trung Âu Slovakia, đặc biệt lưu ý về giai đoạn hiện nay, khi căng thẳng Phương Tây và Nga gia tăng đến mức một số người cho rằng đang khởi đầu một thời kỳ Chiến tranh Lạnh mới, hay “ một thời kỳ hậu hậu-Chiến tranh Lạnh ”.

Vẫn theo Phó Thủ tướng Slovakia, cần phải đặt câu hỏi về “ một kỷ nguyên mới, về vị trí của nước Nga và vị trí của chúng ta trong kỷ nguyên này, và đặc biệt là những cái mà chúng ta phải làm để đi đến đích ”.

Thời kỳ Chiến tranh Lạnh mới, có thể dẫn đến “ xung đột vũ trang ”, cũng là cảnh báo của lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô, cựu Tổng thống Gorbachev, 83 tuổi, hôm thứ Năm 29/01, khi trả lời hãng thông tấn Interfax.
Nhà chính trị nổi tiếng Nga - cha đẻ của chính sách Perestroika - lo ngại : “ Tôi sợ rằng họ (tức Hoa Kỳ) đang mạo hiểm như vậy ”.

Về chủ đề này, bà Fiona Hill, giám đốc Trung tâm về Hoa Kỳ và Châu Âu, thuộc Viện tư vấn độc lập Brookings Institution, cho rằng Phương Tây sẽ bị lạc hướng, nếu như chờ đợi các trừng phạt đối với Nga sẽ mang lại kết quả.

Trả lời AFP, giám đốc Trung tâm về Hoa Kỳ và Châu Âu cho rằng Phương Tây hiện phải đương đầu với “ một tình thế lưỡng nan, vừa phải tìm cách để chấm dứt xung đột tại Ukraina, vừa phải tránh sa lầy vào một quan hệ ngày càng xung đột hơn với nước Nga ”, trong bối cảnh Tổng thống Nga Putin “ sẽ không lùi bước ”, như bà dự đoán.

Bà Fiona Hilla là một chuyên gia về vùng Kavkaz, Trung Á, các xung đột khu vực và giải pháp.
Bà là tác giả cuốn “ Mr. Putin: Operative in the Kremlin ”, do NXB Brookings Institution Press tái bản năm 2015.

Tìm một thỏa hiệp, mở ra cho Nga khả năng đóng một vai trò lớn hơn trong cộng đồng quốc tế cũng là chủ trương của ngoại giao Châu Âu.

Theo AFP, trong một tài liệu đang trong quá trình soạn thảo bị “ lọt ra ” ngoài, cách nay khoảng hai tuần, lãnh đạo Ngoại giao Châu Âu Federica Mogherini giải thích cần phải gác lại vấn đề Nga sáp nhập bán đảo Crimée (của Ukraina) sang một bên, để mở đường cho những phương thức đối thoại mới với Matxcơva, dù lập trường không thay đổi của Châu Âu là không thừa nhận Crimée là một phần lãnh thổ của Nga.

Trong chuyến công du Hoa Kỳ cuối tháng 1/2015, lãnh đạo Ngoại giao Châu Âu nhấn mạnh :
“ Nước Nga là láng giềng của chúng ta, chúng ta không thể làm gì để thay đổi thực tế địa lý này.

Vấn đề là cần phải xác định đối xử như thế nào với nước Nga trong bối cảnh có một xung đột trong hiện tại, và triển vọng quan hệ với Nga trong 2 năm, 5 năm hay 10 năm nữa ”.



Switch mode views: