Hoa kỳ gặp khó trước tổ chức Nhà nước Hồi giáo
- Thứ Hai, 27 tháng Mười năm 2014 22:44
- Tác Giả: RFI
Cư dân Kurdistan từ Thổ Nhĩ Kỳ, phía bên kia biên giới với thành phố Kobané, Syria, ủng hộ không kích của liên quân, 15/10/2014.REUTERS/Kai Pfaffenbach
Sau hơn hai tháng không kích liên tục, liên quân do Hoa Kỳ dẫn đầu đã cứu vãn được thành phố Kobané của Syria không bị rơi vào tay quân thánh chiến thuộc tổ chức mang tên Nhà nước Hồi giáo.
Tuy nhiên các cuộc tấn công này vẫn không ngăn được đường tiến của quân thánh chiến trên nhiều mặt trận khác.
Có thể nói kết qủa các cuộc oanh kích do Hoa Kỳ và đồng minh tiến hành từ hôm 8/8/2014 đến nay là không được như ý.
Lực lượng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tiếp tục chiếm thêm đất tại phía tây Irak và gia tăng sự kiểm soát ở nhiều nơi khác.
Tuy nhiên giới chức Hoa Kỳ nhấn mạnh không nên vội vàng rút ra kết luận chừng nào các lực lượng của Irak và người Kurdistan vẫn chưa khôi phục được năng lực chiến đấu của họ.
Một quan chức của sở chỉ huy quân đội Mỹ cho khu vực Cận Đông và Trung Á, đồng thời là bộ phận chỉ huy cuộc oanh kích hiện nay, giải thích : « Chúng ta mới chỉ đang ở những phút đầu của trận đấu ».
Các quan chức cao cấp chính quyền cũng như quân đội Mỹ cũng đã thừa nhận còn phải mất nhiều tháng nữa mới có thể vực lại khả năng tác chiến cho quân đội Irak để ít ra họ có thể chiếm lại từ tay quân thánh chiến những cứ điểm quan trọng tại phía tây và bắc Irak.
Trong khi đó các bộ tộc theo dòng Sunni ở Irak vẫn còn chưa chính thức tham chiến. Các bộ tộc này vẫn đang chờ đợi tân thủ tướng Haider Abadi mở cửa chính trị với họ.
Tại mặt trận Kobané, thành phố của Syria nằm bên biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, các quan chức Mỹ nhận định, sở dĩ lực lượng của người Kurdistan hiện tại đã đẩy lùi được các cuộc tấn công của quân thánh chiến là nhờ vào rất nhiều các cuộc oanh kích của liên quân.
Giữa các đối tác có nhiều mâu thuẫn
Theo giới quan sát, người Mỹ đã ngăn quân thánh chiến không giành được chiến thắng mang tính biểu tượng cao ở vị trí này nhưng trên thực địa tình hình vẫn còn bế tắc.
Những kêu gọi trợ giúp trong tuyệt vọng của người Kurdistan cũng như thái độ lạnh lùng của người Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy ngay trong liên minh chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo cũng đang có sự chia rẽ sâu sắc.
Theo các chuyên gia, các mục tiêu của Mỹ đã không đạt được như mong muốn, vì lợi ích của các đối tác chồng chéo, thậm chí trái ngược nhau.
Vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ là căn nguyên của căng thẳng.
Theo nhiều nhà phân tích, Hoa Kỳ đã đánh giá thấp quyết tâm của Ankara trong việc Thổ Nhĩ Kỳ muốn tránh tất cả các hành động có thể làm tăng sức mạnh của người Kurdistan trên chiến trường.
Song song đó, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Ả Rập tỏ ra khó chịu trước việc Wasington từ chối không can thiệp trực tiếp đối với chế độ của tổng thống Bachar al-Assad.
Châu Âu thì chỉ tham gia vào chiến dịch tại Irak, nhưng từ chối điều máy bay đến mặt trận Syria.
Theo một quan chức Pháp, các mục tiêu của cuộc chiến đã không được xác định rõ để có thể liên kết toàn thể các đối tác trong liên minh.
Lý do khiến không kích chỉ có tác dụng hạn chế
Mục tiêu ban đầu của chiến dịch là ngăn chặn đà tiến của quân thánh chiến, dựng lên một kiểu « hàng rào lửa » trong khi chờ đợi quân đội Irak có đủ khả năng tiến hành phản công trên bộ.
Thế nhưng sau hơn 630 đợt không kích tại Syria và Irak, quân của tổ chức Nhà nước Hồi giáo vẫn tiếp tục giành được thêm đất, đặc biệt là trong tỉnh Anbar ở phía tây Irak.
Đến lúc này Mỹ cũng đã nhận ra được là quân của Irak vẫn còn quá yếu để có thể tự tác chiến trên bộ.
Cũng có không ít ý kiến cho rằng cường độ của các cuộc không kích của liên quân là chưa đủ.
Tuy nhiên, bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng các đòn tấn công còn bị giới hạn bởi lo ngại thiệt hại cho thường dân.
Lầu Năm Góc cũng nhận định đến lúc này chiến dịch chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo về mặt chiến lược là đúng, liên quân vẫn chiếm thế thượng phong.
RFI
Hoa Kỳ- Khủng bố- Quốc tế
Tin mới
- Trung Quốc và ý đồ lũng đoạn các địa phương Đài Loan - 29/11/2014 18:09
- Hagel ra đi – Vậy chính sách xoay trục sang Châu Á sẽ ra sao ? - 29/11/2014 06:00
- Tập Cận Bình muốn áp đặt luật chơi trên trường quốc tế như thế nào ? - 28/11/2014 03:15
- Ukraina gia nhập NATO : Con đường dài đầy chông gai - 26/11/2014 19:24
- Áp lực ký kết thỏa thuận về hạt nhân Iran ngày càng lớn - 24/11/2014 21:32
- Hồng Kông: Phong trào biểu tình dân chủ bị phân hóa - 22/11/2014 20:34
- Sau 2 năm cầm quyền, phải chăng đã đến lúc Tập Cận Bình thay đổi chính sách đối ngoại ? - 19/11/2014 21:45
- Con đường tơ lụa hàng hải thế kỷ 21 : Một hình thức thực dân mới của Trung Quốc - 03/11/2014 20:26
- Phạm Chí Dũng: Không thể phớt lờ quyền tự ứng cử của công dân - 31/10/2014 22:58
- Người Kurdistan ở Syria là ai ? - 28/10/2014 22:21
Các tin khác
- Trung Quốc có thể thay đổi nhân sự Quân Ủy Trung ương - 19/10/2014 19:50
- Biển Đông : Vị ‘khách’ được Việt Nam mời đến Thượng đỉnh Á Âu Milano - 16/10/2014 23:20
- Trung Quốc sẽ đối đầu với Indonesia ở Biển Đông ? - 15/10/2014 21:07
- Bình là ông mà chuột cũng ông - 10/10/2014 22:14
- Chống tham nhũng: Tập Cận Bình chùn bước trước hổ? - 09/10/2014 15:19
- Phạm Chí Dũng: Mỹ sẽ không vồ vập như Việt Nam tưởng tượng - 08/10/2014 18:59
- Thiên An Môn tại Hồng Kông? - 02/10/2014 00:06
- Hồng Kông : Một thế hệ mới khẳng định bản sắc - 30/09/2014 15:28
- Thổ Nhĩ Kỳ có thể gia nhập liên minh chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo - 28/09/2014 23:39
- Pháp không loại trừ khả năng can thiệp vào Syria - 27/09/2014 17:48