Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Thể Dục Dưỡng Sinh Hồng Gia

honggia
SỰ LỢI ÍCH CỦA THỂ DỤC DƯỠNG SINH

Trong đời sống hằng ngày vì lo chạy theo “cơm áo gạo tiền” mà chúng ta quên đi việc săn sóc sức khoẻ cho chính bản thân bằng cách tự luyện tập thường xuyên. Đến khi có bệnh mới tìm bác sĩ thì lúc đó đã muộn. Do đó việc luyện tập thể dục dưỡng sinh là phương pháp rèn luyện thân tâm, khai thông kinh mạch để cho máu huyết lưu thông. Cơ thể chúng ta như một cổ xe, nếu sử dụng lâu ngày mà không tu bổ sửa chửa thì máy hỏng hóc, thậm chí không sửa được thì phải đành phế thải. Sự luyện tập thân thể bằng thể dục dưỡng sinh rất cần thiết đối với tất cả mọi người không phân biệt phái tính và tuổi tác, nhất là những người càng lớn tuổi, kinh mạch đang dần bị bế, dể phát sinh ra đủ thứ bệnh tật thì thể dục dưỡng sinh là chìa khoá để khai thông. Khí huyết lưu thông thì cơ thể được khoẻ mạnh, tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện là lý tưỡng cho cuộc sống như ông bà xưa thường nói.

Trong lời giới thiệu phương pháp dưỡng sinh Hồng Gia: “Tập dưỡng sinh là một cách tái lập quân bình trong thân thể ngỏ hầu có thể ngăn ngừa hoặc tự chửa trị nhiều thứ bệnh tật theo châm ngôn “thân cường tật nhược”. Phép Dưỡng Sinh Hồng Gia được Nam Hải Chân Nhân tiếp thụ từ truyền thống La Phù Sơn do nhiều đời đạo sư tu dưỡng tập luyện, các vị Tổ sư, Đạo sư lấy chính thân mình để trải nghiệm cho bản thân và môn phái. Tinh luyện và luôn cải thiện suốt mấy ngàn năm nay để được hoàn chỉnh và giúp ích cho đời, cống hiến cho chúng ta một phương pháp đơn giản và dể dàng tập luyện rất công hiệu nhằm bảo vệ tâm, thân cho sức khoẻ tráng kiện”. Trên mười năm nay thầy Lý Hồng Thái, đệ nhị thế chưởng môn Hồng Gia Việt Nam luôn có tâm nguyện là cứu nhân độ thế nên cho phổ biến Thể dục Dưỡng Sinh Hồng Gia hằng ngày trên các hệ thống truyền hình VN như SBTN, 57.4 và 57.6 từ 6 giờ cho đến 6 giờ 30 mỗi sang có thể tập thể dục dưỡng sinh tại nhà, giúp ích rất nhiều cho mọi người nhất là các vị cao niên khắp các tiểu bang toàn Hoa Kỳ kể cả Canada, không có phương tiện đến tập luyện tại võ đường Hồng Gia Việt Nam tại góc đường Euclid và Westminster, Orange County Nam California. Ngoài ra trong phương pháp Khí Công Dưỡng Sinh Trị Liệu, áp dụng những thế võ của Hồng Gia Quyền vào Nội Công Tâm Pháp, không dùng sức như trong võ công mà chỉ dùng phương pháp “quán hơi thở theo động tác” bằng tâm và ý thả lỏng toàn thân nên ai cũng có thể tự tập được. Cũng trong lời giới thiệu này có nói rỏ: “Lần đầu tiên, phương pháp dùng Nội Công trong võ thuật để khai thông khí huyết bị bế và chửa trị những bệnh tật và những xáo trộn trong nội tạng như: Áp huyết cao, mỡ cao, đường cao. Gan thận suy yếu. Ruột và hệ thống tiêu hoá, cột xương sống bị chạm, nhiếp hộ tuyến không thông, đau nhức khớp xương, bệnh run tay Parkinsons, vv… và những người vừa trải qua chứng xuất huyết não (Stroke) hay nhồi máu cơ tim (Heart attack) thể tạng bị mất thăng bằng, bại liệt” nếu được tập dưởng sinh Hồng Gia sẽ dần dần hồi phục.

Hằng ngày tại võ đường Hồng Gia Nam Cali (trụ sở chính của Tổng đàn Hồng Gia) mỗi buổi sáng có 2 lớp Dưỡng sinh Hồng Gia từ 6:30AM đến 8:00AM và lớp thứ hai từ 8:00AM đến 9:30AM. Riêng lớp thứ hai có 3 vị cao niên. Lớn tuổi nhất là bác Đào Trọng Tường, 86 tuổi, đại tá nguyên cựu Tỉnh Thị trưởng Đà Nẳng, bị bệnh đau thần kinh toạ phải dùng xe lăn và bác sĩ khuyên phải đi mổ, bác không chịu mổ và rán cố gắng tập Dưỡng Sinh Hồng Gia, chỉ sau khi tập hơn một năm, bác bỏ xe lăn, đi đứng và tự lái xe một mình nay bác rất khoẻ và bác Tường theo tập hơn 5 năm nay. Kế đến là phu nhân của Đại tá Bùi Trọng Huỳnh, cũng ngoài 81, bác trai nguyên là cựu Tổng cục Trưởng Tổng Cục Truyền Tin Quân lực VNCH. Vẫn tự lái xe đi tập mỗi ngày tại võ đường Hồng Gia. Ngoài ra có Thầy Bùi Văn Giai, 83 tuổi, thành viên sáng lập của Viện Việt Học Nam California, cựu giáo sư trung học Sài Gòn trước 1975. Lớp khí công dưỡng sinh 8 giờ sáng không những dành cho người lớn tuổi hoặc trung niên mà có cả những người trẻ như vợ chồng cháu Khương và Hà, mới ngoài 30 nhưng cũng rất siêng năng tập luyện. Cũng có vài vị đã bị chứng tai biến mạch máu hay bị nhồi máu cơ tim, bị yếu một phần cơ thể nhưng vẫn siêng đi tập và kết quả rất tốt.

Đặc biệt trong giới báo chí và truyền thông cũng như văn nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia…… cũng đã lưu tâm và đến với các lớp của Dưỡng sinh Hồng Gia tập luyện rất chuyên cần.

THỞ BỤNG (THỞ CHƠN NHƠN THAI)

Thở bụng là cách thở tự nhiên lúc bẩm sinh. Từ khi còn là thai nhi trong bụng mẹ thì bụng là nguồn gốc đầu tiên để hấp thụ khí và dưỡng chất từ mẹ bằng đường cuống rún. Đến khi em bé chào đời, bản thể còn vô tư lự, quan sát khi bé nằm ngũ, ta sẽ thấy rỏ rệt bụng bé thót vào khi thở ra và phình lên khi bé hít vào tự nhiên.

Khi tập khí công này cũng vậy, hãy quên cái bản thể của mình nghĩa là thả lỏng toàn thân, buông xả thân tâm, không suy nghĩ cũng giống như bản thể tự nhiên của em bé, thì công năng của sự luyện tập dưỡng sinh khí công hiệu quả sẽ cao.

Tại sao chúng ta bình thường không chú ý thở bụng? Vì khi lớn dần theo độ tuổi, cơ thể phải thích nghi với sự trưởng thành của các hệ cơ bắp và hệ thần kinh. Các tiến trình phát triển phải thích ứng với môi trường chung quanh như đi đứng chạy nhảy, đi học, đi làm……rồi tiếp tục với những sinh hoạt hằng ngày nên thường không còn chú ý đến thở bụng. Trong khi luyện tập dưỡng sinh Hồng Gia, cần chú ý đến thở bụng để trở về

với thể lý chân như ban đầu nhằm phục hồi sức khoẻ vì thở bụng được coi là cách thở hợp lý nhất, có hiệu suất cao ít tiêu hao nhiều năng lượng, mà ngược lại được dung nạp thêm năng lượng làm cho cơ thể đang suy nhược sẽ nhanh chóng phục hồi, có tác dụng tốt đến hoạt động sinh lý nội tạng và thần kinh.

HOÀNH CÁCH MÔ (CƠ HOÀNH)

Trước khi đi vào sự lợi ích của thở bụng, ta cũng nên biết qua cách kết cấu của nội tạng (tim, gan, phèo phổi, bao tử, tuỵ tạng, lá lách…..). Nội tạng được chia làm 2 phần nằm 2 vị trí khác nhau:

- Phần ngực (khoang ngực) có chứa tim và phổi.

- Phần bụng (khoan bụng) gồm bao tử, ruột già, ruột non, gan, lá lách, dưới là bàng quang, thận, ruột thừa…

Giửa 2 phần này được ngăn bởi hoành cách mô, được cấu tạo là một tấm cơ sợi dính vào sườn kết hợp với các cơ thẳng, cơ chéo và cơ ngang bụng thành một hệ hoành cách mô. Khi hít vào, hơi vào đầy các phế nang, hoành cách mô đi xuống, bụng phình lên, 2 bên cánh phổi phình ra, ép lên khối nội tạng trong bụng, làm cho toàn khối này có khuynh hướng phình ra phía trước. Khi thở ra, bụng thót vào, toàn bộ khối nội tạng trong bụng theo hoành cách mô đi lên cong hình vòm, thu lồng ngực phía dưới vào.

LUYỆN KHÍ CÔNG TẬP THỞ BỤNG:

Khi bắt đầu thập thở bụng, ta thở ra thật dài vài lần bằng mũi, bụng thót vào, cố gắng thở ra cho hết khí trong phế nang, cần làm cho phổi trống (giống như ta bóp miếng spong rửa chén cho hết bọt sà phòng khi rửa chén). Khi nín lại thì phản xạ tự nhiên là cần phải hít sâu vào nhiều hơn cảm thấy như đầy ngực đầy bụng. (giống như miếng spong sau khi bóp cho hết chất sà phòng dơ rồi buông ra trong nước sạch, tự nhiên hút nước sạch vào). Cũng vậy, sau khi chu kỳ thở ra thật dài thì tự động khí sạch sẽ vào đầy ngực đầy bụng. Như vậy có thể nói thở ra là phần chủ động và hít vào là phần thụ động. Càng thở ra thật nhiều, thật sâu có nghĩa là đưa hết khí dơ (CO2) trong phế nang ra thì càng được vào nhiều khí sạch, trong lành. Như vậy thở ra sẽ quyết định cho việc hít vào.

Chú ý là khi thở ra hay hít vào, ta cần phải giử hơi thở (nín thở) một vài giây tuỳ theo sức, ta sẽ nhận thấy bộ máy hô hấp lúc đó tự nó chuẩn bị phát động. Lúc đó giản mềm các cơ bụng để cho hô hấp tự phát. Khí thở ra bụng thót vào, khí hít vào phổi bụng tự phình lên. Tóm lại trong phương pháp thở bụng, thở ra là chính và là động tác chủ động, còn hít vào phình bụng ra là động tác thụ động.

TẠI SAO PHẢI HÍT THỞ BẰNG MŨI?

1- Mũi là bộ máy điều hoà không khí của cơ thể: vì mũi có những nếp gấp trong hốc mũi, không khí hít vào được nhờ lông mũi cản bụi, nếp gấp tiếp hơi ấm, hơi ẩm để có đủ điều kiện cho không khí trong sạch trước khi vào phổi. Khi thở ra bằng mũi, hơi thở sẽ hoàn lại nhiệt cho mũi để làm công việc điều hoà thân nhiệt của cơ thể, xoang mũi và não bộ.

2- Mũi có vai trò điều tiết lưu lượng không khí hít vào và thở ra. Ở đây ta phân biệt 2 lối hít thở. Đó là hít thở động và hít thở tĩnh.

Hít thở động (hít vào bằng mũi, thở ra bằng miệng) thường dành cho những người chơi thể thao hay luyện tập võ công, việc tiêu thụ oxygen cần gấp 10 lần so với bình thường.

Hít thở tĩnh (hít vào bằng mũi, thở ra cũng bằng mũi) thường dành cho tập Yoga, Thiền và tập dưỡng sinh, quán hơi thở theo động tác nhẹ nhàng.

3- Nếp gấp trong hốc mũi phủ đầy hệ thần kinh nối kết với nhiều giác quan và trung khu thần kinh. Do vậy rất nhạy cãm với khí hậu và thời tiết thông qua con đường phản xạ (phản xạ liệu pháp qua đường mũi).

Tóm lại khi ta tập thở khí công nên tập thở bụng thông qua hít thở bằng mũi.

THỞ KHÍ CÔNG: CHÌA KHOÁ ĐỂ TỰ CỨU MÌNH.

Sau một thời gian tập luyện, được sự chỉ dẩn tận tình của các Sư huynh Sư tỷ và nhất là của Sư phụ Lý Hồng Thái tại võ đường Hồng Gia Việt Nam, Orange County, Nam California tôi chia xẻ một phương pháp thở khí công Dưởng Sinh được trực tiếp truyền thụ bởi thầy Lý Hồng Thái cũng như phối hợp Yoga được tập từ thuở thiếu thời và Thiền tọa khí công do thầy Bổn Sư của tôi truyền dạy là: “Buông xã tâm thân chú ý theo dõi hơi thở, hít thật sâu, đầy ngực, đầy bụng, phình bụng lên, nén khí xuống vùng bọng đái, nín thở một vài giây để quán hơi thở xuống xương cùng đi theo sống lưng lên dần tới đỉnh đầu, cong lưởi lên nướu trong hàm trên, ngậm miệng, từ từ thở ra nhẹ nhàng bằng mũi.” Rất đơn giản, dể hiểu dể tập ai cũng tập được bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, đi đứng nằm ngồi đều cần tập thở bụng (khí công). Đây chính là chìa khoá tự cứu mình nhất là khi bị nhồi máu cơ tim hay xuất huyết não.

Khi hít vào phình bụng là để mở hoành cách mô ém khí xuống đan điền, lúc đó tim và phổi được chuyển động. Còn cong lưởi lên ngậm miệng vì khi bị nhồi máu cơ tim hay bị xuất huyết não thì lưởi bị đớ, cong lưởi lên để các cơ lưởi giản ra, ngậm miệng để khí làm ấm vòm mũi và thanh quản. Khi thở nhẹ nhàng bằng mũi tức đem hơi thở lên ấm đỉnh đầu làm cho khí huyết vào não đầy đủ được kích thích hoạt động tốt hơn.

Chữ “quán khí” là từ ngữ Thiền để chỉ phương pháp buông xả, đầu óc cần trống rổng chỉ theo dõi hơi thở bằng sự tưởng tượng (quán tưởng).

BỊ STROKE HAY HEART ATTACK KHI ĐANG LÁI XE PHẢI LÀM GÌ?

Khi đang lái xe tự nhiên có cảm giác hoa mắt, một bên tay trái tê rần, lưởi líu lại, khó thở tim đau nhói đó là

những triệu chứng của nhồi máu cơ tim (heart attack) hoặc với những cảm giác trên lại thêm nhức buốc đầu

và có cảm giác như bị mất thăng bằng là triệu chứng của xuất huyết não (stroke) thì nên làm những điều sau:

1- Bình tĩnh.

2- Bấm đèn emergency di chuyển xe tấp vô lề.

3- Ho thật mạnh nhiều lần để kích thích tim.

4- Hít thật sâu đầy ngực, đầy bụng, nín 1 giây, ngậm miệng cong lưởi lên, thở mũi nhẹ nhàng.

Cố gắng thở bụng (hít đầy ngực, đầy bụng) ít nhất vài lần cho hơi thở ổn định rồi hảy gọi emergency.

Để thay lời kết, xin mượn tư liệu Võ học Tinh Hoa của tác giả Võ Chiêu nói về Hồng Gia Quyền: “Khi chuyên cần luyện tập nội công và quyền pháp Hồng Gia, người luyện sẽ khám phá được sức vận chuyển âm thầm của ngũ hành, hiểu thế nào là “nước mềm làm mòn đá cứng” để thấu triệt nguyên lý “lấy nhu thắng cương, lấy nhược thắng cường”. Hồng Gia Quyền được truyền bá và đón nhận nồng nhiệt tại Việt Nam có thể do những chiêu thức kỳ ảo biến hoá khôn lường như Ma Vân Thủ ở bộ pháp linh hoạt, tuyệt diệu của Địa Đàng Công hoặc ở phần tâm pháp Xã Kỹ Tùng Nhân hay Tiên Ưu Hậu Lạc…….là hấp lực lôi kéo mọi người đến với Hồng Gia. Võ sư Lý Hồng Thái hiện là chưởng môn đệ nhị thế đã tiếp nhận toàn bộ tuyệt kỹ từ tay sư phụ mà cũng là thân phụ của ông truyền bá lại. Với trách nhiệm xiển dương dòng phái, ông đã miệt mài tôi luyện, mang những tinh hoa võ học của người xưa để “phổ truyền” lại chẳng những cho người Việt Nam trong và ngoài nước mà còn cho cả người ngoại quốc ở khắp nơi trên thế giới như Pháp, Đức, Úc, Canada và đặc biệt nhất là tại Liên Xô được phổ biến khá rộng rải”.

Hằng năm tại Tổng đàn Hồng Gia ở Westminster đều có các võ sư và môn sinh của Nga thuộc dòng phái Hồng Gia qua California tập huấn trực tiếp hướng dẫn của Thầy Chưởng môn Lý Hồng Thái. Năm nay trong tuần lễ từ 19 đến 29 tháng 11 năm 2012 vừa qua, có 4 võ sinh và võ sư Nga là Gennadiy Ptashnikov, Mikhail Grozin, Vladimir Mamanev ở Saint Petersburg và cô Ekaterina Taraykov ở Moscow qua California được sư phụ Lý Hồng Thái tận tình chỉ dạy liên tục mỗi ngày 2 buổi. Từ những đòn pháp của Hồng Gia tưởng chừng như tầm thường không có gì, thực ra quyền pháp “nhẹ như bông gòn” nhưng chiêu thức thật vô vùng thâm hậu vì cốt lõi tuyệt kỹ của Hồng Gia là “Trong nhu có cương, trong sự mềm mại của bông gòn có sắt thép”, bởi vậy Hồng Gia Quyền là một phái võ đang lớn đứng đầu trong “thập đại danh gia của võ lâm Trung Hoa” vang danh khắp chốn là Hồng, Lưu, Lý, Thái, Mạc, Phật…., do đó dựa vào nguyên lý âm dương thái cực đồ trong Thái Ất Chân Kinh mà Sư Tổ Nam Hải Chân Nhân cũng như Thầy Lý Hồng Thái chưởng môn đệ nhị thế đem áp dụng Vô Cực và Nội công Tâm pháp vào Khí Công Dưỡng Sinh đã mang lại rất nhiều lợi ích cho những ai chuyên cần luyện tập cơ thể nhất là những người lớn tuổi như đã nói ở trên. Ước mong mọi người trong chúng ta, dù bận rộn cách gì đi nửa nhưng hảy để dành một ít thì giờ hằng ngày siêng tập dưỡng sinh khí công, vì có sức khoẻ là có tất cả, tuổi càng già sức khoẻ càng đi xuống (down hill). Với Khí Công Dưỡng Sinh Hồng Gia là phương thuốc hay nhất và hiệu nghiệm nhất cho chúng ta lấy lại sức khoẻ dẻo dai bền bỉ kéo dài tuổi thọ. Mong lắm thay!

Môn sinh Võ Thiện Hiếu

Kỷ niệm ngày Giổ Tổ Hồng Gia Việt Nam 16-12-2012

Tài liệu tham khảo:

- Nội công tâm pháp. Khí công dưỡng sinh của Thầy Lý Hồng Thái, đệ nhị thế chưởng môn Hồng Gia Việt Nam.
- Võ dưỡng sinh. của Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện (1983).
- Tập dưỡng sinh của Bác sĩ Nguyễn văn Hưởng (1982).
- Sport and Natha Yoga của S. Yésudian và E. Hatch, Pháp quốc (1958)
- Luyện thở Tập Nội công của Nguyễn Minh Kính và Luyện tập Khí công của Lưu Quý Châu (1961).

Switch mode views: