Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Hồi giáo Miến Điện lên án chính quyền thụ động trước bạo lực


myanmar muslim

Người Hồi giáo sống tại Malaysia biểu tình ở Kuala Lumpur ngày 25/03/2013 phản đối việc sát hại người theo đạo Hồi tại Meiktila, Miến Điện.
REUTERS/Bazuki Muhammad


Hôm nay 28/03/2013, AFP cho biết các tổ chức Hồi giáo lớn tại Miến Điện yêu cầu nhà nước gia tăng các biện pháp an ninh chống lại bạo lực tôn giáo và lên án thái độ thụ động của chính quyền trước các vụ bạo động.

Trong lá thư ngày 26/03 gửi Phủ Tổng thống Miến Điện, được bốn tổ chức ký tên, có đoạn : « Sinh mạng và tài sản của cộng đồng Hồi giáo, các thánh đường và trường học Hồi giáo của Miến Điện không còn an toàn nữa và tình hình này là đáng quan ngại ».

 Bức thư đòi hỏi : « Các hành động bạo lực bao gồm cố ý phóng hỏa và các vụ tàn sát này cần phải bị trừng trị nghiêm khắc ». Bức thư cũng lên án lực lượng an ninh là có thái độ thụ động và « lơ là ».

Các tác giả của bức thư khẳng định, chính quyền Miến Điện đã để xẩy ra các vụ thảm sát và các thiệt hại do đã không có đủ các biện pháp bảo vệ và phản ứng tương thích.

Bạo lực giữa người theo đạo Phật và người theo đạo Hồi tuần qua tại Meiktila, miền trung đất nước, đã khiến 40 người thiệt mạng.

Trong những ngày gần đây, làn sóng bạo lực lan ra nhiều cộng đồng khác. Tại cả một khu vực rộng lớn phía bắc Rangoon, các sự cố xảy ra hàng ngày.

 Nếu như không có thêm trường hợp tử vong nào mới, thì làn sóng bạo lực đã khiến nhiều đền thờ Hồi giáo và nhà cửa bị phá hủy, nhiều khu phố bị đặt trong tình trạng giới nghiêm, hàng chục người bị câu lưu.

Khác với làn sóng bạo lực mùa hè 2012, khi đụng độ nổ ra giữa cộng đồng Phật giáo thuộc sắc tộc thiểu số Rakhine với cộng đồng Hồi giáo Rohingya không có quốc tịch, thì lần này người Hồi giáo – đối tượng của bạo lực – lại là các công dân Miến Điện.

 Nhiều người trong số họ, đến từ Ấn Độ, Bangladesh hay Trung Quốc, đã định cư tại Miến Điện từ hơn một thế kỷ nay. Tình hình bạo lực mới này khiến cộng đồng quốc tế lo ngại.

Hôm qua, ông Patrick Ventrell, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố, Washington theo dõi sát sao hành động của chính quyền Miến Điện trong việc « khôi phục trật tự và bảo vệ hòa bình, tôn trọng nhân quyền và pháp luật ».

Từ khi tập đoàn quân sự thôi nắm quyền đầu năm 2011, chính quyền « dân sự » của Tổng thống Thein Sein đã tiến hành nhiều cải cách chính trị và kinh tế, nhưng các bạo lực sắc tộc và tôn giáo trở nên một thách thức hàng đầu đối với chính quyền mới.

Switch mode views: